2
0
2561 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: Đầu bếp lang thang


Tiếng bước chân dồn dập chạy trên con đường đầy sỏi đá và gạch vữa dội lại sau những kẻ đá đổ. Một cô bé chỉ độ mười hai mười ba tuổi ôm siết lấy bọc vải rách nát trước ngực, hớt hải chạy bằng đôi chân trần đã chai sần của mình trong khi bị đuổi theo sau bởi hai gã đàn ông to lớn. Một vài kẻ lang thang gần đó ló đầu ra khỏi những hốc đá khi nghe tiếng truy đuổi ồn ào, rồi lại rúc vào khoảng tối tăm với cái nhìn lãnh đạm. Con bé Dạ Thảo lại đi ăn cắp gạo.

Chẳng ai buồn giúp đỡ con bé, họ đã quá quen với những gì đang diễn ra: Cứ vài ba ngày một lần, Dạ Thảo lại lủi vào khu chợ rồi thó lấy mấy món thực phẩm đang được bày bán với giá trên trời, lúc thì trót lọt, lúc thì không. Tấm thân gầy gò của nó đôi khi khá được việc trong những khi cần lẩn lút sau các hốc đá, nhưng chỉ được vài ba lần là bọn bảo kê chợ bắt bài ngay. Hôm nay có lẽ nó chẳng thoát đâu, một vài gã thì thầm với nhau như thế, vài gã khác thì vứt mấy đồng coin ra đặt cược.

Dạ Thảo không thoát được thật. Đã bốn ngày nay nó không có gì cho vào miệng ngoại trừ một miếng bánh mì mốc giành được với lũ lang thang ở góc rìa thành phố. Nó bò qua đống đổ nát của chung cư Thanh Đa cũ, trong lúc tính ôm bọc gạo lội qua con sông cạn thì liền bị tóm lấy. Con nhỏ bị đánh nhừ tử, nhưng nó nhất quyết không buông bọc gạo vừa ăn cắp được. Nhân lúc đám người xung quanh bu đen bu đỏ, Dạ Thảo dốc hết sức còn lại bò qua háng của một gã bảo kê rồi chạy thục mạng trong khi tiếng chửi rủa vẫn đeo đẳng phía sau. Cơn đói của con người là thứ chân thực nhất, ngay cả khi bị đánh đập đến rêm mình, ngay cả khi đôi chân bỏ chạy rớm máu, bụng Dạ Thảo vẫn sôi lên òng ọc đòi được lấp đầy. Cảnh vật xung quanh trôi qua mắt nó nhanh như một lớp bột vung vẩy, đôi chân gầy bị đạp mạnh nhiều lần khiến nó loạng choạng. Dạ Thảo ngã bật về phía trước, đôi tay vẫn siết chặt túi gạo.

Nó ngã sầm vào một người vừa bước ra khỏi quán rượu, một vệt máu kéo dài trên áo người đó đỏ loét, bởi Dạ Thảo đã ập thẳng gương mặt đầy máu me của mình vào đó. Con bé choàng bật dậy rồi lại ngã gục lần nữa, nó đưa một tay bấu lấy vạt áo của người đó cầu khẩn.

"Cứu..."

Dạ Thảo chỉ kịp nói thế rồi ngất đi, bên tai vẫn văng vẳng tiếng gào thét và bước chân rầm rập đuổi ngay sau của bọn bảo kê.

Khi Dạ Thảo mở mắt ra thì trời đã sâm sẩm tối. Một vệt màu đỏ rực quét ngang bầu trời, khiến mọi thứ trở nên mờ nhạt hẳn đi. Phía xa xa là ánh đèn của quán rượu và khu chợ đêm - hai nơi duy nhất có thể sử dụng điện của quận này. Nó nhỏm dậy, nhìn quanh quất. Không có gã bảo kê nào gần đó, túi gạo được đặt ngay ngắn bên cạnh con bé, chẳng mất một nhúm nào. Có ai đó đã cứu nó, chắc là người bị Dạ Thảo đâm sầm vào chiều nay. Con bé liếm môi rồi khẽ rên rỉ, mùi máu hơi hăng và mặn. Nó chộp lấy túi gạo ghì sát vào ngực, rồi đứng dậy lần mò tìm hiểu nơi mình đang đứng là ở đâu. Nhìn ra phía ngoài, Dạ Thảo hiểu nó đang ở sát bên cầu Kinh Đỏ - cây cầu nối liền bán đảo Thanh Đa và phần còn lại của thành phố. Cây cầu sắt bị gỉ sét theo năm tháng trở thành màu bộc đô, oằn mình rên cót két mỗi khi có chuyến hàng trung chuyển từ quận Phú Nhuận sang Thanh Đa đang trầm mình dưới màu tím sậm của bầu trời đêm.

Dạ Thảo nghe tiếng bước chân lại gần, nó nhảy tót về phía sau, núp dưới tảng đá lớn bên cạnh cái hốc vừa tỉnh dậy. Một người đàn ông to lớn đi về phía nó, trên tay cầm chiếc đèn đi bão lung lay theo nhịp chân. Chiếc áo khoác ngoài sờn rách cho thấy kẻ này là một gã du hành lang thang, phần áo choàng kéo dài đến tận mắt cá chân, trên vai mang một chiếc balo lớn cùng đôi giày bốt đế giày giắt sẵn dao găm. Vẫn thường có nhiều kẻ du hành đi ngang thành phố này, nhưng đa số toàn lũ du thủ du thực, đôi lúc có cả cướp. Còn đối với người đàn ông đang tiến đến gần mình, Dạ Thảo không cảm thấy có sự đe dọa nào. Con bé chủ động bước ra trước đến gần hơn với người đó, bằng linh cảm của mình, nó có thể biết được đây chính là kẻ đã cứu giúp mình vài giờ đồng hồ trước. Khi đến gần hơn dưới ánh đèn bão, Dạ Thảo nhìn rõ gương mặt của người đàn ông nọ: là một chàng trai tầm hai mươi - hai lăm tuổi, tóc cắt sát đầu, mắt sáng, mũi cao, môi hơi dày, không có cảm xúc cụ thể được bày tỏ qua gương mặt đó, nhưng cũng không khiến đối phương mất thiện cảm.

"Ừm... anh đã cứu em lúc chiều đúng không ạ?"

Dạ Thảo lên tiếng. Anh ta không trả lời, nhưng chỉ đáp lại bằng một cái gật đầu. Nói đoạn, anh đưa ra cho nó một ly nước đựng trong ca sắt. Dạ Thảo đón lấy, dùng một hơi nốc sạch. Sau khi nói lời cám ơn với ân nhân của mình, con bé biết được rằng người lữ khách trước mặt chỉ vừa đến thành phố này đúng thời điểm nó bị rượt đuổi, và vì phải coi sóc nó khi ngất đi, anh ta chẳng thể kiếm được một chỗ nghỉ ngơi tử tế. Có lẽ vì việc giúp đỡ một đứa chuyên ăn cắp vặt như nó đã khiến những chủ trọ e dè với anh hơn. Dạ Thảo ngần ngừ một chút rồi mời Đại Hùng - ân nhân của mình về nơi trú ẩn. Cả hai dây dưa một chút rồi cùng tiến về bến tàu Thanh Đa cũ, nơi Dạ Thảo sinh sống qua ngày.

Bến Thanh Đa cũ trước kia vốn là một bến tàu, bao bọc xung quanh là các khu du lịch sinh thái được chào đón bởi hàng ngàn khách muốn hưởng thụ một cuối tuần với cây cỏ thiên nhiên. Sát bên khu sinh thái là những mái nhà lá lụp xụp, ngay cả sau khi đại họa biến đổi xảy ra, khu ổ chuột này cũng không thay đổi nhiều lắm. Nhà của Dạ Thảo nằm ở sát bên con sông đã cạn nửa phần, nước sông đục ngầu, bốc mùi hôi thối này vẫn đang là nguồn nước sinh hoạt chính của dạt nhà lá xung quanh. Con bé nắm lấy gấu áo choàng của Đại Hùng, kéo anh ta vào một gian nhà tranh đã lủng lỗ chổ trên mái.

"Bà ơi!"

Thảo gọi lớn, nhanh chóng chạy lại giữa gian nhà bật lửa nhóm một đống lửa bằng cành khô mới nhặt được trên đường về. Tia lửa từ đá đánh sáng lên loẹt xoẹt, mồi vừa châm, ánh sáng leo lét bùng cháy giúp đôi mắt của người lữ khách nhìn rõ hơn quan cảnh trong nhà: chỉ có một lớp ván ọp ẹp đặt trên nền đất làm chỗ ngủ, còn lại là vài cái xoong đã bị móp méo cùng đống lửa được chặn bằng hai tảng vữa lớn làm bếp, thùng phuy đựng nước đặt ở góc phòng thấy rõ đám muỗi bay vo ve phía trên đầy những vết xước và vết hắc ín bám vào. Người bà của cô bé nhỏm dậy một cách khó nhọc, cả thân người ốm yếu co lại như miếng tảo biển bị vắt cạn nước, bàn tay gầy guộc trơ xương đưa lên vuốt lại mái tóc bạc trắng đã rụng gần hết.

"Thảo, ai vậy con?"

"Dạ... anh này không tìm được chỗ trọ nên là... Đây là bà của em, anh cứ gọi bà là bà Sáu ý ạ."

Đôi mắt của người bà nhìn Đại Hùng thân thiện, bà gượng ngồi dậy, anh cúi đầu chào rồi bước vào trong căn nhà ọp ẹp được ghép lại bằng những lớp gỗ mục. Cảnh tượng này quá quen thuộc đối với anh qua nhiều vùng đất. Động thực vật bị biến dị đã khiến nguồn lương thực khan hiếm, ngày càng xuất hiện nhiều kẻ đầu cơ, điều này lại làm cho tình hình càng thêm trầm trọng khi giá thực phẩm tăng vọt, dẫn đến việc phân hóa sâu sắc. Những người không có đủ sức để lao động bị vứt bỏ như rác thải, phải ăn cả rác rưởi do những kẻ thuộc tầng lớp trên thải ra.

"Anh ăn cơm chung với bà cháu em nha, hôm nay em có được những năm nắm gạo, đủ cho cả ba người lận nên anh đừng lo."

Dạ Thảo háo hức nói với anh, sau đó như sực nhớ ra điều gì, con bé bụm miệng lấm lét quay lại nhìn người bà. Lúc này, Đại Hùng phải ngạc nhiên khi thấy người đàn bà già cả đó đột ngột đứng phắc dậy, đôi mắt nghiêm khắc ánh lên sự giận dữ đến mức khiến người khác cảm thấy run rẩy.

"Thảo! Con lại đi ăn trộm nữa à?"

"Con..."

Dạ Thảo hoảng loạn lắp bắp. Có lẽ cô bé không thể đáp lại người bà và bị cơn giận đó áp đảo, thật sự mà nói thì trong tình cảnh của hai bà cháu hiện tại, rõ ràng việc làm của cô bé cũng chỉ vì sự sinh tồn và chẳng ai có thể lên tiếng chỉ trích được. Nhưng qua thái độ của bà cô nhóc thì việc ăn cắp có vẻ là một lỗi lầm không thể tha thứ được.

Người bà bước nhanh tới chỗ Dạ Thảo đang đứng, bàn tay gầy yếu vung lên tát mạnh xuống gò má vốn đã đầy vết xước và bùn bẩn. Dạ Thảo co rúm lại nhưng không hề phản kháng hay đưa tay lên để chống đỡ. Vừa đánh con bé, những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt già nua đó, kèm theo cả sự bất lực.

"Tao đã nói với mày như nào? Không được ăn trộm! Không được ăn cắp! Không được lấy không của người khác! Tại sao vậy Thảo? Tại sao mày không nghe lời bà?"

Bà Sáu ngồi sụp xuống ôm lấy Thảo, hơi thở của bà trở nên gấp gáp hơn do dùng quá nhiều sức trong khi cơ thể không còn khỏe khoắn. Hai bà cháu cùng ôm nhau khóc nức nở. Đại Hùng nhìn cảnh ấy, không khỏi xót xa. Nhưng anh chẳng thể xen vào bởi lẽ đây là chuyện riêng của hai bà cháu, hơn nữa để cho cô bé thấu hiểu nỗi lòng của người bà cũng là một việc tốt. Bà Sáu ôm chặt Thảo trong lòng, nhìn những vết xước và môi cháu mình bầm tím, nỗi đau trong đôi mắt của bà càng hằn sâu hơn nữa.

"Bà xin lỗi... Cũng tại bà, đáng lẽ bà phải là người chăm sóc cho con ăn mặc no đủ..."

Thảo lắc đầu nguầy nguậy, con bé trải túi gạo vừa ăn cắp được ra mặt đất rồi dụi nước mắt. Nó níu lấy tay người bà của mình năn nỉ.

"Bà đánh con cũng được, nhưng mà bà cho con nấu cháo cho bà ăn. Mấy ngày nay nhà mình không có ăn được bữa nào hết, bà bệnh vầy con đâu biết làm sao..."

Đại Hùng thấy thế liền bước đến bên cạnh hai bà cháu, anh cầm lấy túi gạo dúi vào tay con bé, ra hiệu cho nó đem đi vo và nấu cháo. Đoạn quỳ xuống đỡ bà Sáu ngồi lại tấm ván gỗ mục, an ủi.

"Bà đừng lo. Lúc chiều con đã trả tiền cho túi gạo rồi."

Anh chỉ giải thích đơn giản, nhưng đó là tất cả những gì khiến hai bà cháu cảm thấy hạnh phúc. Đại Hùng từ chối lời yêu cầu trả lại số tiền anh đã bỏ ra, cho rằng bản thân được ở nhờ lại một đêm cũng đủ xứng đáng rồi. Thảo quay sang cười với anh, hàm răng đã bị đánh sứt hết một chiếc. Gương mặt con bé vẫn còn bầm tím, miệng rách bươm rỉ máu. Anh nhìn sang người bà gầy yếu đã nặng nhọc nằm xuống tấm gỗ cứng, thấy nước mắt của bà lặng lẽ chảy dài trên má. Thấy vậy, Đại Hùng đứng dậy quay lưng bỏ ra ngoài. Dạ Thảo giật mình níu vạt áo khoác, hốt hoảng hỏi.

"Sao vậy anh Hùng? Bộ anh không quen ăn cháo trắng hả?"

Anh quay lại nhìn con bé, khẽ lắc đầu rồi đi ra mé ven sông. Dọc bờ sông là đám cỏ dại mọc um tùm xen kẽ nhau đủ loại cây, có những loại cao quá hông người, vài loại khác lại ẩn mình dưới lớp bùn hôi thối. Cởi bỏ chiếc áo choàng, Đại Hùng lội xuống đám cây mấp mé dưới nước, vạch lớp cỏ lau ra tìm kiếm những cọng cây xanh đét, mọc chia chỉa những mẩu gai nhọn màu đỏ sậm. Anh nhặt lấy chúng một cách cẩn thận rồi đem bọc bằng áo choàng, sau đó tiếp tục lấy một số bắp chuối non màu vàng cam lốm đốm, bên trong chảy ra nước nhựa xanh nhão nhoét từ cây chuối hoang. Đại Hùng tiếp tục lội về phía hạ nguồn, ở phía cuối ven đê có một cây cổ thụ lớn đang ra hoa, đọt cành lia thia những đốm hoa trắng hồng, nhìn kĩ thì trỏn lẳng như quả trứng cá màu trắng nhợt. Anh thuận tay bẻ lấy một cành lớn gần mặt đất nhất rồi quay lại gian nhà lụp xụp của hai bà cháu Dạ Thảo.

Dưới ánh lửa bập bùng, nồi cháo lạt Dạ Thảo trút nấu đại vừa sôi lên ùng ục. Đại Hùng ra dấu cho cô bé ngồi sang một bên, rồi trải áo khoác của mình ra đất, cẩn thận dùng dao găm gọt đi những gai nhọn trên thân rau dài.

"Anh làm gì vậy?"

Dạ Thảo nhổm người về phía trước, thắc mắc. Bà của cô bé cũng khó nhọc xoay sang theo dõi hành động của Đại Hùng. Anh đưa tay thoăn thoắt nhưng vẫn tỉ mẩn gọt từng mẩu gai, đáp lại.

"Nấu ăn."