bởi Nho Nhỏ

285
23
1961 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: Vụ tai nạn



Việc một năm tổ chức hai lần dã ngoại vào cuối mỗi học kỳ đã trở thành truyền thống của trường phổ thông trung học chuyên của thành phố. Trong suốt gần hai mươi năm qua, số lần tổ chức dã ngoại đã vượt quá số lượng ngón tay trên hai bàn tay. Có lẽ, chính vì lần tổ chức nào cũng diễn ra thật suôn sẻ cho nên người ta đã bỏ quên những hiểm nguy rình rập phía bên ngoài cổng trường.

"Một học sinh trung học phổ thông đã tử vong trong chuyến dã ngoại do trường tổ chức."

Tít báo mạng ấy đã lên top tìm kiếm chỉ nửa giờ sau khi vụ việc xảy ra. Sau đó, cuộc đua săn tin giữa các phóng viên và kim đồng hồ bùng lên mà không cần bất cứ tiếng súng khai cuộc nào. Không cần phải là người trong nghề cũng có thể nhận ra đây là một tin hot. Bởi từ trước đến giờ chưa từng có học sinh nào thiệt mạng khi tham gia dã ngoại. Chưa kể, vụ việc lần này không đơn giản chỉ là có một học sinh tử vong.

- Hiện trường vụ việc rất thảm khốc. - Một phóng viên tác nghiệp ngay tại hiện trường cho hay. - Có bảy em học sinh đã tham gia trò chơi tàu lượn siêu tốc. Khi tăng tốc lên vòng cua, đầu tàu đột ngột văng ra khỏi đường ray. Học sinh ngồi ở vị trí đầu tàu đã tử vong ngay tại chỗ. Các toa khác cũng bị ảnh hưởng nên sáu học sinh còn lại đều bị thương, các em đã được đưa vào cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Hiện vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận, bên cạnh lời chia buồn và xót thương cho số phận học sinh tử vong, phần đông phụ huynh bày tỏ quan ngại đối với địa điểm dã ngoại được lựa chọn. Họ nhận ra phía nhà trường đã không có động thái khảo sát trước khu vui chơi và giáo viên chủ nhiệm cũng chẳng thật sự để mắt đến học sinh do mình phụ trách. Điều này đã "đổ thêm dầu" vào "ngọn lửa" âm thầm cháy bởi phí tham gia dã ngoại rất cao mà trường học đã thông báo trước đó. Tất cả những bất bình từ nhỏ đến lớn đều đã gom lại và ập đến trong lần này. Có cảm giác, vụ tai nạn chính là tiếng pháo khởi đầu cho mọi chuyện diễn ra sau đó.

Mặc dù phía nhà trường đã thực hiện nhiều động thái xoa dịu hội phụ huynh học sinh, cũng thẳng thắn đứng ra nhận trách nhiệm và bồi thường cho gia đình học sinh tử vong, nhưng tất cả vẫn không thể làm dịu đi cơn thịnh nộ. Thật ra, ban đầu, những bài báo mạng đưa tin về vụ việc đã tự động biến mất chỉ sau vài ngày, nhưng sau đó lại bắt đầu nổi lên. Học sinh trong trường rỉ tai nhau rằng phía lãnh đạo trường đã dùng quan hệ để ém vụ này xuống, muốn dùng thời gian để xóa mờ tất cả. Nhưng có một việc mà họ không ngờ đến, đó là gia đình học sinh tử vong cũng là những người có quan hệ rộng không kém.

Đặng Sơn Dương có lẽ là cái tên nổi đình nổi đám không chỉ gói gọn trong phạm vi trường trung học phổ thông chuyên. Việc hai năm liền đều giành được giải Nhất học sinh giỏi Văn của thành phố đã khiến tên cậu được nhắc đến như một tượng đài mà bất cứ ai cũng cần noi theo. Chính vì thành tích này, ban A của trường chuyên (mà cụ thể là lớp 11A1) đã tạo nên một làn sóng cuốn phăng những định kiến bấy lâu nay của nhiều người về học sinh ban Tự nhiên. Đồng thời, hào quang chói lọi của Đặng Sơn Dương cũng làm mích lòng không ít giáo viên và học sinh ban D trong trường. Nhưng điều kỳ lạ là chưa một ai tỏ vẻ khó chịu với cậu ra mặt cả. Bởi với nhiều người, ấn tượng về Dương quá đỗi hoàn hảo và đẹp đẽ. Khi được phỏng vấn, hầu hết những người được hỏi đều có chung câu trả lời, rằng họ ngưỡng mộ và ghen tị với Dương. Nhưng nhen nhóm ý nghĩ hạ bệ cậu thì không. Phần vì năng lực không đủ, phần vì cậu thực sự là một người đáng mến.

Vậy mà người đáng mến đó lại có cái chết không thể tức tưởi hơn.

Vẫn biết sinh mạng là thứ bình đẳng và đáng trân quý. Nhưng khi sinh mạng ấy mang giá trị đặc biệt hơn một chút thì không khỏi khiến sự tiếc thương trong lòng người ở lại trào dâng. Ngoài những lời xót thương cho tuổi xuân của Dương, "tài hoa bạc mệnh" là cụm từ được gắn với tên của cậu bên cạnh hàng loạt những thông tin cá nhân đáng tự hào khác mà cánh báo chí đã kịp thời cập nhật kèm theo tin tức về vụ tai nạn. Bối cảnh gia đình của cậu cũng là thứ được đào sâu và khai thác triệt để. Người ta không khỏi trầm trồ khi biết gia đình cậu có truyền thống làm giáo dục. Ông bà và bố mẹ hai bên nội - ngoại đều là giáo viên. Chả trách thành tích học tập của cậu lại đáng nể thế! Những câu cảm thán tương tự vậy được người dùng mạng xã hội để lại ở hầu hết các bài viết về Dương.

Những điều tốt đẹp về Dương được phô bày hết qua từng trang báo và qua cả những lời phỏng vấn của bạn bè. Điều này trở thành từng đợt sóng xô bờ, đợt sau dâng cao hơn đợt trước, đẩy vụ việc đi đến mức vượt quá tầm kiểm soát của ban giám hiệu trường. Thật ra, cán cân đến lúc này vẫn không hề bị lệch. Chỉ là một bên thì tràn đầy lời tiếc thương và chia buồn, còn một bên thì đong đầy lời mạt sát. Cộng đồng mạng như những con thú khát mồi lao vào cắn xé những người mà họ cho là đáng bị chỉ trích vì để xảy ra vụ việc lần này. Mặc dù phía cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận rằng đây chỉ là một sự cố hi hữu vì cơ sở vật chất của khu vui chơi giải trí đã bị xuống cấp mà không được tu sửa kịp thời, trách nhiệm thuộc về ban quản lý khu dã ngoại, nhưng dường như bấy nhiêu đó vẫn không đủ để dập tắt cơn phẫn nộ của cộng đồng mạng. Họ cho rằng chỉ đứng ra nhận trách nhiệm bằng việc tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chấp nhận bồi thường cho gia đình học sinh gặp nạn là không đủ đối với ban giám hiệu trường. Trái lại, điều này càng thổi cho ngọn lửa mạt sát trên mạng bùng cao hơn.

Cuối cùng, phía nhà trường đành đưa ra thông báo chính thức về việc sa thải giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1 và thành khẩn nhận lỗi. Nhưng hành động này vẫn không thỏa mãn được khao khát đuổi cùng giết tận luôn hừng hực cháy trong lòng cư dân mạng. Họ đề nghị phải cắt chức hiệu trưởng, hiệu phó của trường để làm gương. Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người đã bỏ quên. Đó là cơ cấu rất khác biệt giữa trường công lập và trường dân lập. Một trường dân lập, hoàn toàn tự chủ nên hiệu trưởng, hiệu phó sẽ không bị thuyên chuyển công tác. Chưa kể, trường Trung học phổ thông chuyên này còn là trường do một gia tộc gây dựng nên, chỉ để cái chức hiệu trưởng cho người trong dòng họ nắm giữ. Điều hợp tình hợp lý này trước đây chẳng ai có ý kiến gì. Nhưng bây giờ, nó trở thành cái gai khiến cư dân mạng ngứa mắt mà không thể làm gì được. Thế là họ lại điên cuồng tấn công vào các trang mạng xã hội của trường học và thư điện tử của giáo viên trong trường. Nhưng hành động xốc nổi này cũng cho thấy vụ việc đã đến hồi kết và hé lộ kẻ thắng cuộc là ai.

Pháp luật ra đời để khiến con người biết tự ý thức về hành động của bản thân. Nếu không suy nghĩ kỹ trước khi hành động, hậu quả nhận về sẽ rất thảm khốc. Đó có lẽ là bài học mà nhiều người đã cay đắng nhận ra sau vụ việc này. Sau khi nhờ công an vào cuộc, ngọn lửa bập bùng trên các trang mạng xã hội nhỏ dần rồi tắt hẳn. Vụ tai nạn trong chuyến dã ngoại cũng chỉ còn là tàn lửa trong đống tro tàn.

Trong buổi gặp mặt xoa dịu lần cuối với bố của Đặng Sơn Dương, khi được tiễn ra đến cửa, hiệu trưởng đột nhiên quay lại, nhìn người bạn cùng tuổi với ánh mắt phức tạp.

- Thời gian qua, chắc anh vất vả lắm nhỉ?

Bố của Dương nheo mắt, đáp lại với giọng bình thản:

- Vất vả chứ, nhưng cuối cùng cũng chẳng thu hoạch được gì.

Hiệu trưởng vỗ lên cánh tay người đối diện với vẻ an ủi:

- Tôi rất lấy làm tiếc...

Bố của Dương thở hắt ra một hơi, nắm lấy bàn tay của hiệu trưởng:

- Chuyện cũng qua được một thời gian rồi. Tôi không phải là người hẹp hòi như thế. Huống hồ, anh cũng đâu có lỗi gì.

Câu cuối lại phảng phất vẻ mỉa mai. Khóe môi hiệu trưởng khẽ giật. Quãng thời gian phải vật lộn với truyền thông và báo chí, gánh chịu tổn thất về danh tiếng và hứng chịu đủ mọi thể loại mạt sát chợt chầm chậm hiện lên trong óc. Hiệu trưởng chợt siết lấy bàn tay đang nắm lấy tay mình, miệng cười vẻ biết ơn:

- Anh nói thế lại càng khiến tôi cảm thấy có lỗi hơn. Mong rằng tình cảm giữa chúng ta không sứt mẻ gì.

Nhưng bố của Dương lại chẳng đáp lại lời nói này. Ông chỉ gật gù rồi nhắc khéo hiệu trưởng:

- Thôi, cũng đã muộn lắm rồi. Tôi không dám giữ anh lại lâu hơn nữa đâu.

Hiệu trưởng cười mấy tiếng gượng gạo rồi xin phép ra về. Đến khi bóng lưng của ông ta khuất sau khúc cua, bố của Dương vẫn nhìn theo, gương mặt sa sầm lại. Đúng là "dã tràng xe cát biển Đông"! Ông hậm hực nghĩ thế, ánh mắt tóe lên lửa hận thù.

Người ngoài nhìn vào có lẽ sẽ nghĩ ngọn lửa bập bùng trong đáy mắt người đàn ông trung niên này là vì cái chết của đứa con trai yêu quý. Nhưng trên đời này đâu thiếu những chuyện oái oăm. Phần đông chúng ta bị đánh lừa là bởi chúng ta đã quen áp đặt cái nhìn chủ quan lên người khác.

Trông thấy cảnh tượng vừa rồi, có lẽ chỉ có một người biết được ý nghĩa thực sự ẩn sau cuộc đấu đá ngầm này là gì. Nhưng đáng tiếc, người đó đã không còn có thể cất tiếng được nữa.