bởi Nho Nhỏ

285
23
2557 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2: Kẻ đào tẩu – Vũ Tuấn Anh (1)



Chà! Cảm giác được sống lại lần nữa thật tuyệt. Nó càng tuyệt hơn khi tôi không còn bị khoảnh khắc lìa đời bám riết như đỉa đói nữa. Đêm qua là lần đầu tiên tôi được ngủ trọn giấc. Trước đây, tôi nghĩ chuyện này có gì là ghê gớm. Chỉ là khi mí mắt díp lại thì ngả đầu xuống gối thôi. Đúng là phải trải qua cảm giác mất đi thì mới biết trân quý.

Chả biết thằng khỉ gió Tuấn Anh có nghĩ giống tôi không? Khà khà, mà có khi tôi không cần đoán đâu. Bởi tôi biết rõ, nó bị mất ngủ kinh niên vì cái chứng sợ không gian hẹp. Đời nó có lẽ không bao giờ được nếm trải cảm giác có một giấc ngủ no say. Nhưng ngoài nó và tôi biết ra, chẳng một ai trong gia đình nó buồn bận tâm. Nghe có vẻ đáng thương nhỉ? Nhưng khuyên bạn thật lòng nhé, đừng phí lòng thương cho một người như nó. Bởi bản thân nó cũng chẳng để tâm đâu.

Nghĩ về đứa bạn thân này, tôi không khỏi cảm thấy mỉa mai trong lòng. Trước khi được sống lại, tôi đã từng có cơ hội để tìm hiểu hoàn cảnh sống và bản chất của Tuấn Anh, tôi còn từng nghĩ đến chuyện sẽ tiễn đưa nó vào một chiều đầy nắng, tận tay rải tro của nó xuống biển. Tôi nghĩ nó sẽ sớm đi đến quyết định đó như một cách để tự giải thoát. Và tôi thì không được phép xen vào giữa những bánh răng đang quay đúng quy trình, nếu không muốn bị nghiến cho bẹp ruột.

Thú thật, ban đầu tôi đã thương nó thật lòng như thế. Là "thương" chứ không phải "thương hại" nhé! Nhưng càng tiếp xúc với Tuấn Anh, tôi càng nhận ra dường như tôi không thực sự hiểu về thằng nhãi đẹp trai này.

Tuấn Anh có vẻ bề ngoài đẹp theo kiểu phi giới tính, đấy là điều mà mười người thì cả mười đều phải công nhận. Nhưng tính cách tệ hại, theo đánh giá chủ quan của tôi, thì lại chẳng mấy người nhận ra. Hoặc có nhận ra nhưng lại âu yếm gọi bằng cái tên mỹ miều là "sức hút cá nhân". Hờ! Sức hút cơ đấy!

Nhắc đến chuyện này, tôi chợt nhớ đến hồi trước, không nhớ rõ ngày tháng nữa rồi vì đầu óc giờ đã là nửa người nửa ma, nhưng chi tiết về chuyện đó thì vẫn khắc ghi trong tâm trí tôi. Hồi ấy đột nhiên thịnh hành cái kiểu đánh mắt khói. Tôi thì có biết cái quái gì về trang điểm đâu. Nhưng nghe tụi con gái trong lớp kháo nhau về cái trào lưu đó với vẻ hào hứng lắm. Chúng nó còn hú hét lên mỗi khi thấy một hot youtuber nào đó chia sẻ cách đánh mắt. Nhưng ngoại trừ Hoàng Ngọc Hà - đứa con gái có số má trong làng chụp ảnh quảng cáo - thì không một đứa nào dám thử kiểu trang điểm đó. Theo lời chúng nó nói, phải là người có gương mặt "chuẩn model" hoặc có vẻ cuốn hút đặc biệt thì mới hợp với cái tông màu trầm ấy.

Hoàng Ngọc Hà thì tôi chẳng buồn nói làm gì. Bởi nó luôn là "búp bê sống" trong mắt tôi. Điều mà tôi bất ngờ, đó là quầng thâm mắt bẩm sinh của Tuấn Anh lại trở thành chủ đề bàn tán nhờ sự phổ biến của cái trào lưu trang điểm kia.

Từ nhỏ đã có quầng thâm mắt chắc chẳng phải chuyện hiếm. Tôi đã từng thấy nhiều người bị chọc ghẹo là "mắt gấu trúc" vì điều này. Nhưng Tuấn Anh, mẹ kiếp, chút khuyết điểm này vẫn không thể làm lu mờ vẻ đẹp của nó, đến nỗi nhiều lúc tôi tự hỏi đây có thực sự là khuyết điểm hay không. Trước khi cái trào lưu đánh mắt khói nổ ra, hầu hết chẳng ai để ý đến màu xám lờ mờ bám xung quanh đôi mắt hẹp và dài của nó. Nhưng chẳng biết là do ai khơi mào, ai gặp Tuấn Anh cũng buông lời trêu chọc kiểu "Uầy! Mày học kiểu đánh mắt này ở đâu đấy?" hay "Đàn ông con trai mà cũng trang điểm hả mày?" rồi sau đó là tràng cười hềnh hệch vô tư đến mức vô duyên.

Tôi chưa từng thấy Tuấn Anh đánh người. Để nó buông vài lời "ngọc ngà" chửi người khác còn khó chứ đừng nói đến chuyện thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Có một lần, tôi đi cùng nó xuống căng-tin và tình trạng như trên lại tiếp tục lặp lại. Tôi đánh mắt nhìn sang, chú ý quan sát biểu cảm của nó. Nhưng Tuấn Anh vẫn đút hai tay vào túi quần, đủng đà đủng đỉnh bước xuống cầu thang, chẳng thèm để mấy lời của lũ kia vào tai. Hình như ông tướng còn lúng búng hát cái khỉ gì trong miệng nữa.

Thằng này điên vãi! Đó chính xác là câu cảm thán đã bật lên trong đầu tôi ngay lúc đấy. Nếu tôi mà là nó á, tôi sẽ "tỉa" cho cái lũ kia một tràng chữ nghĩa, dạng như:

"Cá tươi xem lấy đôi mang.

Người khôn xem lấy đôi hàng tóc mai.

Tóc mai sợi vắn sợi dài.

Có đâu mặt rỗ đá mài không trơn."

Mấy đứa thở ra câu phán xét vẻ bề ngoài của người khác thì đời nào hiểu ẩn ý trong câu ca dao này. Chúng nó sẽ đứng đực ra, phô bày cái bản mặt ngơ ngơ như bò đội nón, rồi sau này sẽ không bao giờ dám "diễu võ dương oai" trước mặt tôi nữa, nếu không muốn ăn vài "phát đạn" đau hơn. Nhưng đấy là nếu nhân vật chính trong lời bàn tán của chúng nó là tôi.

Còn Tuấn Anh, kể cả khi bị nói thẳng vào mặt là "thằng đàn bà", nó vẫn cười nhăn nhở rồi cảm ơn với vẻ rất thành khẩn, khiến người đối diện cảm giác như đang "hoài hơi mà đấm bị bông, đấm được bên nọ, nó phồng bên kia." Sau vài lần như thế, tôi thầm chốt hạ một câu trong lòng: thằng này đếch có lòng tự trọng.

Nhưng rồi, sau khi thân thiết với Tuấn Anh hơn một chút, tôi có vinh dự được vài lần ghé qua nhà nó chơi, tôi nhận ra lý do nó trở nên xấc xược và bất cần như vậy. Bối cảnh gia đình nó, người ngoài nhìn vào thì chỉ biết choáng ngợp bởi sự giàu có, nhưng những trầm tích ẩn sâu bên trong thì chẳng ai nhìn thấu nổi. Ngay cả tôi nhiều lúc cũng không cắt nghĩa được hành động của bố mẹ Tuấn Anh. Chắc đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy nó là con ruột của bố mẹ nó. Tôi đã từng nghĩ hoàn cảnh sống của chúng tôi rất giống nhau. Nhưng chỉ sau một cuộc đối thoại, mọi thứ mộng tưởng chợt đổ sập ngay trước mắt tôi.

Tôi luôn cảm thấy Tuấn Anh là một đứa thông minh, cái gì cũng biết một chút. Nhưng nếu có người tỏ ra nghi ngờ hay có ý khen ngợi, nó sẽ ngay lập tức lảng đi, hoặc ngoác miệng cười vẻ rất ngu ngốc. Ban đầu, tôi cứ tưởng là nó cố tình "giấu nghề". Đến một lần, giáo viên chủ nhiệm tin tưởng nên giao cho tôi việc giúp cô soát lại điểm bài thi và điểm đã vào sổ. Khi giở đến bài của Tuấn Anh, nhìn con điểm 7,5 mà tôi không thể hiểu nổi. Tôi chưa bao giờ hoài nghi trực giác của chính mình. Vì lẽ đó, tôi đã lén xem kỹ bài làm của nó. Tôi nhận ra, thằng này đã cố tình tính toán để số điểm 7,5 kia nằm gọn trong lòng bàn tay. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc nó đã ghi đề bài câu lấy 8 điểm nhưng sau đó lại gạch đi. Người khác nhìn vào sẽ nghĩ nó "làm màu" chép đề, sau đó thấy khó quá nên đành bỏ. Nhưng tôi biết rõ, câu 8 điểm này chỉ là muỗi với Tuấn Anh. Bởi chính nó đã giảng hòa cuộc tranh luận giữa tôi và lớp trưởng bằng câu hỏi tương tự thế này chỉ vài ngày trước.

Cảm giác nó biết mà không thèm làm như thể chế giễu mấy đứa phải học ngày học đêm như tôi vậy. Có lẽ chính vì cảm giác bị xúc phạm lòng tự tôn nên lần đến nhà nó chơi hôm ấy, tôi đã buột miệng hỏi:

- Sao tao cứ cảm thấy mày cố tỏ ra ngu ngốc thế nhỉ?

Lúc đấy, nó đang nằm dài trên giường, tay dí quyển manga One Punch Man vào mắt nhưng miệng thì cứ bô lô ba la về nguồn gốc nhạc Rock. Thấy tôi bất ngờ chen ngang bằng một câu hỏi chả liên quan, nó bỏ quyển manga sang bên cạnh rồi nhổm dậy, nhìn tôi bằng ánh mắt không thể tin nổi. Sau đó, chưa để tôi kịp lên tiếng, nó bỗng bật cười khoái chí. Vừa cười, nó vừa nói:

- Ôi giời! Hóa ra vẫn có đứa nhận ra sự thông minh của tao cơ đấy.

Tôi nhướng mày, nhìn vẻ nhăn nhở của nó mà bỗng thấy giận dỗi vô cớ. Mẹ cái thằng... Tôi hỏi vì tò mò thật chứ đâu có ý chế giễu nó. Thế mà nghe câu trả lời của nó kìa. Khác nào mỉa đểu tôi không cơ chứ?

Tôi nhích chiếc ghế xoay lại gần giường nó, nghiêm giọng kể lại vụ bài thi và cũng huỵch toẹt luôn việc tôi biết nó làm thế là có chủ đích. Nghe xong, Tuấn Anh không còn cười cợt như mấy phút trước nữa. Nó bắt đầu cắn móng tay như một con thú gặm nhấm chăm chỉ. Tôi biết, biểu hiện này chứng tỏ nó đang chột dạ, còn chột dạ vì gì thì tôi chịu chết.

- Tại sao mày phải cố gắng đứng top ở lớp? - Sau vài phút trầm ngâm, nó bỏ tay xuống khỏi miệng, hỏi tôi bằng giọng rất nghiêm túc. Thôi thì có đi có lại, tôi không ngại chia sẻ chuyện này với nó. Thế là, tôi hắng giọng, đáp lại với vẻ rất thành thật:

- Tao muốn làm giáo viên, tiếp nối truyền thống gia đình.

Tôi vừa dứt lời, Tuấn Anh chợt búng tay một cái tách rõ kêu, sau đó bật ngón cái lên rồi giơ về phía tôi thay cho lời xuýt xoa. Nó nheo mắt:

- Đấy đấy, thấy không? Phải có mục tiêu cụ thể thì mới có động lực để cố gắng. Như mày ấy! - Nó hất đầu về phía tôi, nụ cười trên môi vụt tắt. - Còn tao thì không.

Nhận được câu trả lời này của Tuấn Anh, tôi đành phải bổ sung vào nhận định trước đây của mình. Thằng này không chỉ chẳng có lòng tự trọng, mà còn không có cả chí tiến thủ. Nhưng lý do mà nó không có mục tiêu phấn đấu là gì? Tôi vẫn cảm thấy rất mù mờ.

- Tao vẫn không hiểu. - Tôi lắc đầu, tiếp tục hỏi. - Chẳng lẽ mày chấp nhận trôi nổi ở hạng giữa trong lớp à? Thứ tự ấy đâu phản ánh đúng năng lực của mày.

- Tao cứ tưởng mày hiểu tao cơ đấy. - Tuấn Anh chợt hừ mũi một cái. Tôi nghe ra được sự khinh thường ẩn trong tiếng hừ mũi này, lòng chợt cảm thấy nhộn nhạo. Đã thế, tôi đếch thèm quan tâm làm gì cho mệt thân nữa. Nó muốn làm gì thì mặc xác nó! Nhưng vào lúc tôi định bỏ về, Tuấn Anh lại cười giảng hòa. Sau đó, nó đã nói ra những lời khiến tôi nhớ mãi, cho đến tận khi sống lại lần nữa.

- Mày có biết thứ mà nhà tao luôn dư thừa là gì không? Tiền đấy. - Nói đến đây, nó giơ tay lên, chà xát ngón trỏ và ngón cái vào nhau, làm ra động tác của mấy công tử nhà giàu khệnh khạng để minh họa sinh động cho từ - dư thừa". - Nhiệm vụ của tao là không gây rắc rối, tiêu xài số tiền đó đến hết đời.

Tôi bật cười thành tiếng, quay trở vào trong phòng nó. Tôi hỏi:

- Thế mày không thấy sống như vậy rất nhàm chán à? - Tôi cố tình nhấn mạnh từ "nhàm chán" để nó hiểu được ẩn ý của tôi, kỳ thực thứ mà tôi muốn nhắc đến là "ăn bám", là "phí hoài tuổi trẻ", là "mục ruỗng" và ti tỉ từ mạt sát khác. Nhưng tôi không muốn trở thành kẻ giảng đạo.

Tuấn Anh thừa thông minh để nhận ra ý của tôi. Nó nhếch môi cười rồi ngồi hẳn dậy:

- Sao ai cũng thích áp đặt suy nghĩ lên người khác thế nhở? Mày nói thế khiến tao buồn nôn lắm đấy. - May mà giọng điệu khi nói câu này của nó không có vẻ gì là châm chọc tôi. Vì thế, tôi vẫn kiên nhẫn lắng nghe nó nói tiếp. - Trong khi mấy đứa như mày, như cái Trang lớp trưởng, hay như con mọt sách giống cái Nhàn phải vật lộn với cuộc đời vì mấy đồng bạc thì tao đã ở vạch đích rồi. Mục đích cuối cùng của chúng mày cũng chỉ là tiền thôi, đúng không?

- Mày thiển cận bỏ mẹ ra! - Nghe đến đây, tôi không kìm được mà suýt chửi thề.

Tuấn Anh chợt trỏ tay về phía tôi rồi cười cợt:

- Thôi đi ông tướng, giờ mày chưa phải lo cơm áo gạo tiền nên mới bảo tao thiển cận thôi. Cứ thử vài ngày không có cơm ăn xem? Lúc đó thì mấy cái mục tiêu cao cả này kia chẳng nuôi sống mày nổi đâu.

Tôi muốn phản bác lại, nhưng chẳng biết phải dùng lí lẽ gì để đáp trả những lời này của Tuấn Anh. Tôi chỉ cảm thấy nghẹn bứ ở cổ mà không thốt lên được tiếng nào. Ừ, lời nó nói cũng đâu có sai. Cái sai là góc nhìn của chúng tôi quá khác biệt. Nếu còn nói nữa, e rằng nó sẽ phát hiện ra tôi đang ghen tị vì không được sinh ra trong gia đình giàu có như nó. Một đứa chưa từng nếm trải cái nghèo sẽ không bao giờ hiểu được giá trị thực sự của đồng tiền mà bản thân kiếm được. Và tôi nghĩ là nó cũng chẳng muốn bỏ công tìm hiểu đâu.

Phải chăng, Tuấn Anh đã nhen nhóm ý định giết tôi khi nhận ra sự khác biệt thực sự trong tư tưởng giữa hai chúng tôi kể từ ngày đó?