Chương 1.4: Hiểu Phong
/4/
Xử Nữ
Cũng đã mười hai năm trôi qua, kể từ ngày mẹ mất, tôi bước vào Thượng gia, mang trên mình cái họ của một dòng tộc cao quý bậc nhất đất nước này. Nghe có vẻ hay ho hãnh diện đó, hẳn là tôi nên tự hào, ngạo nghễ bước vào nhà họ Thượng như một điều hiển nhiên, cho rằng bản thân xứng đáng có được địa vị. Chễm chệ ngồi trên cao, vắt chân lên đùi, trỏ tay năm ngón sai bảo gia nhân như người ngoài hằng vọng tưởng.
Liệu có đúng như thế không? Nếu phủ nhận thì xạo sự quá vì trong lòng tôi quả thực cũng có hứng thú với một thứ.
Dinh thự Pyrmelan mang đậm phong cách Art Nouveau với lối trang trí phức tạp và tỉ mỉ không chỉ thể hiện sự xa hoa mà còn khẳng định được đẳng cấp trải đều từ kiến trúc đến nghệ thuật trang trí, mang lại cảm giác thơ mộng nhẹ nhàng khiến người ta như hòa mình vào thế giới cổ tích thần tiên. Đối với một người có niềm đam mê với kiến trúc cảnh quan từ trong máu như tôi, nơi đây có một sức hút vô cùng mãnh liệt. Nhưng những điều đó không phải mấu chốt níu chân tôi lại căn nhà này.
Nghệ thuật trên thế gian dư thừa đủ để tôi tìm tòi học hỏi cả một đời, nhưng người mẹ thân yêu duy chỉ có một trong kiếp người ngắn ngủi. Tôi yêu mẹ hơn tất cả. Nếu có thể, tôi nguyện đánh đổi vinh hoa phú quý trong tay để bà quay về. Tôi muốn được ở bên mẹ, cùng nhau điều hành tiệm cà phê trên góc phố, sống một cuộc sống đơn sơ an nhàn nhưng ngập tràn hạnh phúc.
Tôi của năm bảy tuổi suy nghĩ như thế đó. Còn bây giờ, sau bao năm gắn bó với những con người nơi đây khát khao đó dần phai đi. Không biết sự xao động này phát sinh từ bao giờ. Mười hai năm, một quãng thời đủ dài để làm nguôi ngoai một đứa trẻ.
Tôi chưa từng dám mơ có một người cha tiếng tăm hiển hách đến tận nhà đón mình về dinh, được ông yêu thương không hề kém cạnh hai đứa em, mặc cho tôi chỉ là đứa con được sinh ra ngoài ý muốn. Ông làm mọi thứ bù đắp cho tôi, nghiêm khắc dạy dỗ, chiều chuộng đúng mực, thái độ cử chỉ trông chả khác nào những ông bố bình thường trong các gia đình bình dân. Ngài Hầu tước cao quý sao có thể trở nên gần gũi dạt dào tình cảm như vậy chứ. Người đàn ông vô tâm bạc tình với mẹ nhưng lại ân cần chu đáo với con trai, tôi nên dành tình cảm như thế nào cho ông đây, tâm tư thật hỗn loạn không kể xiết.
Hầu tước phu nhân, một thời được mệnh danh là đại mỹ nhân băng thanh ngọc khiết, nay biết chồng có con riêng và còn là con của bạn thân, không những không tức giận, ngược lại vui vẻ dang rộng đôi tay đón nhận vào nhà, thương yêu đối đãi chẳng khác gì con ruột. Dì chưa từng có ý nghĩ hẹp hòi, so đo tính toán, hơn nữa thường xuyên nhìn tôi với ánh mắt tiếc nuối mà buộc miệng nhắc đến mẹ như một sự tưởng nhớ day dứt tận đáy tâm can. Vì sao dì ấy lại hiện ra vẻ mặt đó? Tôi không biết, nhưng dám chắc đó không phải điệu bộ dối trá huyễn hoặc.
Gia đình nhỏ toàn vẹn, một góc khuất vẫn giữ được sự trong sạch trong cái thế giới quý tộc hào nhoáng nhưng đầy rẫy cạm bẫy bủa vây. Ngày đặt chân vào nhà Hầu tước, tôi chẳng mặn mà gì với nó, căn bản vì bản thân không có chút tình cảm nào dành cho một nơi xa lạ. Nhưng cũng trong ngày ấy, lần đầu tiên tôi gặp em.
Song Tử, em gái cùng cha khác mẹ, đáng yêu và lém lỉnh, thích thú lẫn tò mò, tíu tít như chim non, nở nụ cười thơ ngây, chào đón anh trai mới. Dòng suy nghĩ miên man khiến tôi bất giác đặt một ánh nhìn trìu mến lên cô bé bên cạnh.
Suối tóc dài bạch kim mềm mại của gia tộc Thượng, đôi mắt to tròn màu bạc trong veo thừa hưởng từ người mẹ ẩn hiện chút tinh ranh khó dò. Làn da trắng mịn như ngọc, đôi môi nhuận hồng tựa cánh hoa anh đào tùy lúc đều có thể nở rộ tươi cười. Song Tử trông chẳng khác nào Hầu tước phu nhân phong cách trẻ trung, nghịch ngợm.
Cô bé mang đến cho tôi cảm giác bình yên, thoải mái vào những ngày đầu bỡ ngỡ với cuộc sống mới. Giữa không gian mới lạ, tôi thấy bản thân không lạc quẻ, bởi hóa ra còn có người dân dã hơn cả tôi.
Song Tử lúc đó mới ba tuổi, đáng lẽ phải nói con bé hiếu động, lanh lợi mới đúng. Cơ mà, tôi không hề nói ngoa khi gọi cô em gái nhỏ là "dân dã" đâu, vì thời gian đã chứng minh tất cả.
Hồi năm tuổi, Song Tử phát hiện tôi, Kim Ngưu và Song Ngư có ý định lỉnh ra ngoài thì khoái chí nằng nặc đòi theo. Cả ba người vì yêu chiều con bé quá mức đành miễn cưỡng đồng ý. Tuy nhiên, tủ đồ của Song Tử toàn cơ mang nào là váy, không có lấy một bộ đồ cơ động phù hợp cho việc vận động lén lút, thế là Song Ngư đành cho con bé mượn đồ.
Trang phục của Song Ngư hơi rộng so với Song Tử nhưng con bé mặc vào trông vẫn rất hợp. Vóc dáng nhỏ nhắn linh hoạt, mái tóc tơ ngắn ngang vai, tuổi còn nhỏ nhưng đã toát lên đường nét thanh tú. Thật là một cậu bé đẹp trai!
Họa từ đây mà tới, sau khi thành công ra được bên ngoài, trên đường đi bốn anh em bị các bà các cô bao vây bắt chuyện hỏi han, Song Tử bé nhất nên dễ dàng bị bọn họ nhấc bổng lên chuyền tay nhau nựng nịu, làm náo động cả một vùng.
Đúng là tình huống dở khóc dở cười, ba anh em chúng tôi vất vả xoay sở kéo con bé ra. Xui xẻo thay, vừa cứu người xong lập tức đụng phải cha và dì mặt mày đen kịt đang đi tìm. Cả bốn đứa bị lôi về nhà giáo huấn một trận, thảm nhất là Song Tử mặt mũi sưng vù do bị hôn, bị véo, đã vậy còn bị cấm túc quà vặt suốt một tháng.
Nhắc chuyện này là lại nhớ đến chuyện kia. Không thể nào không kể đến vụ này, vì dù vô tình hay cố ý, nhóc con này cũng khiến mọi người một phen thót tim.
Trong một buổi dã ngoại của trường tiểu học, con bé bắt gặp một nhóm người đang luyện võ gần đó liền bỏ đoàn tò tò bám đuôi họ. Mãi đến khi có một người trong nhóm luyện võ phát hiện, lúc này con bé đã đi theo họ cả ngày. Kết quả, nhóm người phải đánh tiếng cho nhà trường đến đón học trò về. Chạy trời không khỏi nắng, nhà trường có thể giơ cao đánh khẽ bỏ qua màn tự tung tự tác này nhưng về nhà Song Tử vẫn phải hứng chịu cơn mưa rầy la của người mẹ nghiêm khắc.
Cô em út của tôi vậy mà ghê gớm, không biết sợ là gì, cả gan đi theo người lạ đã đành, lại còn bạo tới mức nhảy sổ ra xin bái sư. Nếu không phải con bé chủ động thò đầu ra, có lẽ chả ai phát hiện được cô chuột nhỏ này đâu.
Ti tỉ những trò oái oăm bắt nguồn từ nhóc này kéo dài cho tới tận những năm cấp hai.
Vào năm hai cấp hai, Song Tử dám trốn học để đi tham dự sự kiện gì đó, bị nhà trường bắt quả tang nên phải viết kiểm điểm. Không hiểu do ấm ức cái gì, con bé lại không chịu viết kiểm điểm theo đúng quy trình mà chơi hẳn một bài văn biểu cảm xướng khúc nỗi lòng, lồng ghép vào đó là dẫn chứng chứng minh "Em không sai". Giám thị đọc xong đầu óc xịt khói mời mẹ vào nói chuyện và "bùm" chuyện bé xé ra to.
Trong cái rủi có cái may, Song Tử tuy bị phạt nhưng lại được đề cử vào đội tuyển Văn của trường, một điều khiến cả nhà vui mừng hết biết, nhưng con bé lại trưng bộ mặt cá chết thở ra hai từ "xin kiếu".
- Đến cả tâm thư xoay chuyển lòng người mà em dùng mọi tâm huyết giải bày trong bản kiểm điểm cũng không lay động được nhân tâm của thầy giám thị thì còn có mặt mũi nào mà trở thành đội viên đội tuyển Văn, hay thậm chí là một nhà văn. Ôi! Em thật bất tài, lòng người thật đáng sợ. - Vừa nói vừa sướt mướt chạy về phòng đóng sầm cửa lại trong sự ba chấm cả nhà.
Dì lắc đầu tỏ vẻ bất lực. - Cái con bé này nắm được cơ hội là lỉnh đi mất. - Rồi từ tốn đi theo cô con gái quái chiêu. - Song Tử, mẹ còn chưa xong chuyện với con mà.
Bản tính quái gở khiến Song Tử gặp không ít rắc rối, mãi vào cấp ba mới chừa. Dù vậy, con bé thuộc tuýp người dẫu có quậy tưng bừng trời đất nhưng lại không hề phiền phức khiến người khác chán ghét. Có một người như Song Tử trong ký ức thời thơ ấu quả thật vừa may mắn vừa vui nhộn.
Nếu nụ cười của Audrey Hepburn làm bừng sáng cả màn ảnh khiến người ta không tài nào lãng quên thì nụ cười của cô em Song Tử mang đến những tia sáng lấp lánh chiếu rọi cõi lòng cô quạnh thuở thơ bé của tôi để lại dấu ấn khó phai cho đến tận bây giờ. Không có Song Tử liệu ngày ấy tôi có hòa nhập nổi với gia đình hay không. Sợ rằng có lẽ đã không tồn tại Thượng Xử Nữ của ngày hôm nay.
- Hơn bảy giờ rồi, kết thúc bữa sáng thôi. - Gắp gọn tờ báo đặt qua một bên, Kim Ngưu chỉ vào chiếc đồng hồ đeo tay ra hiệu.
Ai đó nghe vậy liền mau chóng thanh toán những gì còn sót lại trên đĩa. Tôi đương từ tốn lau miệng, đoạn đưa tay rót một ly nước.
- Khục, khục!
A, vừa kịp lúc, nước vừa rót xong. - Uống đi em. - Tôi đưa chiếc ly đến tay cái người vừa phát ra âm thanh kỳ cục kia.
Song Tử nhanh tay bắt lấy, tu một lèo cạn ly nước, thở phào. - Được cứu rồi, cám ơn anh hai nhiều lắm.
- Em chẳng lớn chút nào, vẫn phải để Xử Nữ chăm từng chút thế kia. - Kim Ngưu cười khổ nhìn Song Tử rồi lại quay sang tôi.
- Nghe bảo em được chọn làm sinh viên trao đổi tới trường của anh. Vậy là ba anh em chúng ta thuận tiện một tuyến đường, có cơ hội học tập trong cùng một môi trường rồi.
- Vâng, đừng quên chúng ta học khác ngành đó, anh cả.
Đại học trường rộng bao la, ngành nghề đa dạng, sinh viên đông như kiến, giờ giấc học tập mỗi người một kiểu khó mà nhởn nhơ gặp gỡ người quen, kết giao bạn bè như hồi vẫn còn trung học. Đến cả hai người Kim Ngưu và Song Ngư dù chung một trường, thường xuyên đi học cùng nhau nhưng khi ra về lại theo kiểu "anh đi đường anh, tôi đi đường tôi" có thể thấy xác suất chạm mặt nhau là cực kỳ ít ỏi, hiển nhiên con ma mới như tôi cũng không ngoại lệ. Hiểu được ý tứ trong lời nhắc khéo, Kim Ngưu cười xuề xòa.
- Tham gia các câu lạc bộ hay ứng cử vào hội sinh viên cũng là học tập trong cùng một môi trường. Anh và Song Ngư đầu quân vào một vài chỗ trong đó rồi, nếu muốn anh có thể giới thiệu em vô. Em sẽ nhanh chóng hòa nhập, tạo cơ hội ghi điểm cho bản thân. Sẽ rất có ích cho tương lai sau này đấy.
Từng là Hội trưởng hội học sinh hai năm liền hồi học cấp ba, tôi rất rõ ràng những phúc lợi khi tham gia các hoạt động phong trào. Lần này được cử đi hẳn là do kha khá thành tích mà tôi đạt được trong gần hai năm đại học, sinh viên trao đổi đại diện cho bộ mặt của toàn trường nên chắc chắn sẽ chọn những người ưu tú để ủy thác. Vì vậy chuyến đi không chỉ đơn phương ảnh hưởng mình tôi mà còn kéo theo cái đuôi loằng ngoằng liên quan đến danh dự và tín nhiệm của trường.
- Em sẽ suy nghĩ. - Anh cả còn bận rộn công việc riêng, tôi không muốn làm phiền, vẫn nên qua loa cho anh ấy yên tâm, tự thân tôi sẽ tìm hiểu tình hình nơi chốn mới.
- Chương trình trao đổi kéo dài bao lâu nhỉ?
- Em chưa được thông báo cụ thể nhưng chiếu theo những năm trước chắc tầm một hoặc hai học kỳ.
- Vậy thì cố gắng lên nhé. Tan học còn thì giờ, anh sẽ đưa em đi xem vài điều thú vị.
- Okay.
Thấy Kim Ngưu nhiệt tình đề nghị như thế tôi chỉ đành mỉm cười nhún vai. Song Tử cũng giải quyết xong phần ăn từ bao giờ, đang dỏng tai lắng nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi.
Bữa sáng chính thức khép lại, ba anh em cùng rời phòng ăn bỗng đụng mặt Song Ngư đang từ trên lầu xuống. Thằng nhóc khựng lại nhìn tôi chằm chằm. Không nói một lời, tôi lạnh lùng nhìn thẳng vào đôi mắt tím rực lửa kia.
Do ngoại hình giống ngài Hầu tước, người đã phụ bạc mẹ, nên từ nhỏ tôi vô cùng ác cảm với Song Ngư. Lớn lên một chút mới nhận ra chuyện người lớn không liên quan đến trẻ con, tự nhiên những hậm hực ghét bỏ dần tan biến đi đâu mất. Mặc dù, quan hệ giữa cha và tôi đã cải thiện, hơn nữa còn đang trên đà phát triển tốt đẹp nhưng đối chọi với Song Ngư đã thành thói quen của tôi rồi, không thể cư xử nhẹ nhàng được, như thế thật kỳ quặc, cảm giác như không còn là chính mình nữa ấy. Có lẽ Song Ngư cũng nghĩ vậy, thằng nhóc và tôi khó mà hòa thuận trong một sớm một chiều.
- Hai anh định đứng đây nhìn nhau đến Tết Congo luôn à. Đi thôi. - Song Tử chen vào giữa, ôm chầm lấy cánh tay của tôi và Song Ngư, toét miệng cười với Kim Ngưu đứng đối diện. - Để bác tài Kim Ngưu đợi lâu sẽ không hay đâu.
Kim Ngưu búng nhẹ vào trán cô nhóc, ánh mắt nhu hòa thu trọn hình ảnh ba đứa em, rồi xoay lưng bước đi. Song Tử hai tay kẹp hai người chúng tôi nhanh chân theo sau.
Người hầu mở toang cửa, bốn anh em chúng tôi đĩnh đạc bước tới chiếc xe hơi đậu sẵn gần đó. Làn gió mát lành phảng phất hương vị chớm xuân thổi qua, dịu dàng mơn trớn gương mặt từng người, làm tung bay mái tóc, xao xuyến không rời.
Buổi sáng bình yên trước cơn bão
Điềm báo cho một cuộc phiêu lưu
Này những tâm hồn đầy suy tư
Các ngươi có chăng đã chuẩn bị.