105
1
1792 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 3: Trưởng thành


Dù Phương đã đến được hai tháng, thế nhưng mẹ con Cám vẫn không nhận ra cô không phải là Tấm nữa.


Lý do thứ nhất là do cô khá nghe lời mẹ Cám, bà ta sai gì Phương làm đó. Không phải cô sợ bà ta, mà cô sợ phiền phức, bà ấy mà gào lên chửi cô, lỡ cô không khống chế được tính tình mà cãi lại hay lỡ tay làm bà ta bị thương thì chắc chắn cô không sống nổi trong cái làng này. Hơn nữa cô cũng sợ lộ, bây giờ ai cũng mê tín, lỡ như cô quá khác Tấm thì liệu có bị coi là yêu quái hay không? Liệu có bị trói lại rồi đánh chết không? 


Nghĩ đến mà rùng hết cả mình! 


Tốt nhất cứ biết điều mà sống!


Lý do thứ hai chính là, sau khi cô sống ở đây hai tháng, cô nhận ra hoá ra Tấm cũng không hiền như mình tưởng.


Tuy cô đã tận lực che giấu tính cách thật của mình, nhưng lâu lâu cô cũng không khống chế được mà lộ ra một chút, như việc cô thả gián vào mùng mẹ kế hay cà khịa con bé Cám cũng không thấy hai người bọn họ nghi ngờ gì, có lẽ đối với họ những việc như vậy cũng không phải là kỳ lạ. 


Lý do thứ ba đó là Cám đã đến tuổi cập kê được ba tháng, mẹ Cám hiện tại đang bận rộn tìm một mối hôn sự tốt đẹp cho Cám nên cũng không để ý nhiều đến cô. Cám thì chỉ là trẻ con, nó ham chơi cực kỳ, làm gì có thời gian mà quan tâm đến cô.


Cuộc sống của cô trải qua khá thoải mái. Trong truyện cổ tích miêu tả Tấm sống rất vất vả, làm lụng cả ngày không ngơi nghỉ, hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, vớt bèo; đêm còn phải xay lúa giã gạo mà vẫn không hết việc.


Thế nhưng cô đến trải nghiệm rồi mới biết: truyện cổ tích đúng là giả dối.


Bây giờ còn chưa đến mùa thu hoạch, đào đâu ra lúa mà xay với chả giã. Cô cũng chẳng phải gánh nước đi đâu xa, vì có cái giếng to vật vã sau nhà. Chăn trâu thì lại càng nhàn, chỉ việc dắt trâu ra đồng, rồi kiếm 1 chỗ nhiều cỏ cho nó ăn, còn cô chỉ cần lâu lâu ngó một chút để nó không chạy mất. Vớt bèo thái khoai cũng không vất vả như cô tưởng. 


Nên sau khi làm xong việc, cô vẫn có thời gian ra tự kỷ với con cá bống.


Việc cô nên làm bây giờ là chờ đợi. Đợi mẹ con Cám xử lý con cá bống này để cô còn đi lượm xương. Sao đó lại đợi ngày hội tuyển vợ của Vua đến, cô có thể đem đống quần áo mà xương cá biến ra đem bán lấy tiền, rồi đến nơi khác sống.


Cô không thể sống ở nơi này mãi được. Tính cách cô nóng như lửa, tuy rằng có thể nhẫn nhịn bây giờ, cũng đâu thể nhẫn nhịn cả đời. Rồi ngày nào đó cô phát điên thì sao? 


Hơn nữa cô cũng đã lớn, dù không lấy Vua cũng phải lấy người khác, mà với cái tư tưởng "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" thì liệu cô có thể hạnh phúc được hay sao.


Vậy thà làm hoàng hậu còn hơn, ít ra Vua còn có nhiều tiền.


Trong truyện Cám với Tấm ngang tuổi nhau, nhưng cô chắc chắn một điều mình phải lớn hơn Cám ít nhất ba tuổi. 


Trong khi Cám vẫn thuộc hội chị em hai lưng, mặt vẫn còn nét ngây ngô trẻ con thì cô đã thuộc hội bánh bao, eo nhỏ mông to, thuộc tiêu chuẩn thiếu nữ trưởng thành.


Cô rất tò mò mặt mình trông như thế nào, dù lúc mới đến cô có soi mặt xuống ao nhưng cũng chỉ có thể thấy một khuôn mặt mơ hồ, có vẻ hài hoà. 


Nhưng cô Tấm được miêu tả là xinh đẹp dịu dàng, nên có lẽ cô cũng có thể coi là đẹp chăng? 


Nhìn con cá đang ngoi lên đớp mấy hạt cơm, bây giờ đã to gần bằng bàn tay, trong lòng cô lại thấy thương cảm cho nó. Dù sao cũng là cô tự tay nuôi nấng mấy tháng liền, chỉ vì được định phải trở thành vật hi sinh mà bị người ta phanh thây ăn thịt, quá tội nghiệp. 


Cô lắc đầu thở dài.


Cuộc đời, nơi nào cũng có khổ đau!


Vào một ngày trời xanh gió mát, cô vừa dắt trâu ra khỏi chuồng đã bị mẹ Cám chặn đầu nhắc nhở:


"Con ơi con! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Nay con đi chăn trâu thì chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu". 


Trong lòng Phương một bên còn đang nôn oẹ vì lời nói ngọt ngào giả tạo của bà mẹ kế này, một bên thì chắp tay cầu siêu cho con cá bống đáng thương của cô. 


Cô giả bộ cúi đầu che đi ánh mắt khinh bỉ, lí nhí nói: " Dạ, con biết rồi thưa dì". 


Sau đó cô dắt trâu đi.


Lúc trở về, có vẻ mọi thứ đã xong xuôi. 


Bây giờ cô phải làm gì nhỉ? Gọi Bụt lên theo cốt truyện hay trực tiếp kiếm xương đem chôn? 


Nếu cô trực tiếp đi nhặt xương thì nó còn hiệu nghiệm hay không nhỉ? 


Thôi thì để đảm bảo hiệu quả, cô tốt nhất nên gọi Bụt đi thôi. 


Thế là cô gào lên: "Bụt ơi, Bụt, Bụt ơi, Bụt ở đâu?" 


Gào được một lúc cũng không thấy động tĩnh gì. Chẳng lẽ phải khóc mới được hay sao? 


Thời gian đầu ở đây cô đã khóc rất nhiều, cô nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ cuộc sống an nhàn ngày xưa, ban đêm nằm trên cái giường cứng, ôm cái chăn bằng thứ vải thô ráp mà khóc nức nở. 


Cô không hiểu, cô đã làm gì sai mà phải chịu đựng cuộc sống như thế này. 


Nhưng dù sao Phương cũng là người dễ thích nghi. Sau một tuần suy sụp, cô cũng vực lại tinh thần chiến đấu. 


Bây giờ đột nhiên nhớ đến cha mẹ, nước mắt tưởng như đã khô lại tuôn ào ạt. 


Nỗi nhớ cứ thế tuôn trào theo dòng nước mắt, không kìm được. Cô nhỏ giọng nức nở, ôm lấy thành giếng mà khóc nấc lên. 


Cô khóc đến mệt lả, cuối cùng cũng nghe thấy giọng nói âm vang của Bụt: "Tại sao con khóc?"


Cô ngẩng đầu, nhìn thân hình màu trắng đang phát sáng phía trước. Nước mắt vừa ngừng lại tuôn ra ào ạt. 


"Con muốn về nhà, Bụt đưa con về nhà đi, con không muốn tiếp tục sống thế này nữa!"


Không phải cô chưa từng nghĩ đến việc cầu xin Bụt cho cô về nhà, ngược lại cô đã nghĩ bao nhiêu lần rồi, nhưng cho dù cô có khóc đến ngất đi Bụt cũng chưa từng hiện ra. 


Cho nên cô mới cho rằng có lẽ Bụt ko thể giúp được cô, nếu giúp được thì tại sao lại không xuất hiện chứ? 


Vì thế cô mới có ý định bán quần áo mà chạy trốn. 


Nhưng khi gặp lại Bụt rồi, cô bị nỗi nhớ gia đình dày xéo, buộc miệng nói ra mong muốn trong lòng. 


Thôi thì gặp cũng gặp rồi, cứ cầu xin thử xem, biết đâu lại được. 


Bụt nhìn cô thở dài: "Không phải ta không muốn giúp con, mà ta không thể giúp, thân thể của con đã chết, không thể trở lại được nữa". 


" Vậy tại sao không để con chết luôn đi, vì sao còn mang con về đây?". Cô thì thầm.


"Mỗi người tồn tại trên đời đều có sứ mệnh của mình, con cũng vậy, tất cả đều là ý trời". 


Bụt cười ý vị nhìn cô, cái nhìn khiến cô nổi hết cả da gà, đến mức quên cả khóc.


Đợi Phương bình tĩnh lại, Bụt nói tiếp: "Bây giờ cuộc sống này là của con, con toàn quyền quyết định nó, sống tốt hay xấu là do con chọn lựa"


Thấy cô mơ màng nhìn cái đầu trọc của mình, có vẻ không tập trung, Bụt hắng giọng tức giận, nói tiếp: 


"Con có thể đừng nhìn vào cái đầu của ta được hay không?"


Phương giật mình, cười hì hì với Bụt, ngại ngùng lí nhí: "Con xin lỗi, tại đầu Bụt bóng quá, con chỉ..."


Nói nửa chừng liền im bặt, đâu còn cái dáng vẻ hùng hổ thẳng thắn như lần đầu gặp Bụt đâu. 


Không phải cô đa nhân cách, mà lúc đó cô vừa mới xuyên không, đầu óc còn mơ hồ, hơn nữa tính cách cô cũng thẳng thừng mạnh mẽ, lại là người sống an nhàn, đầu óc đơn giản, nên mới có hành động và suy nghĩ như vậy.


Còn bây giờ, sau hai tháng sống cuộc sống nông thôn khổ cực, cô cũng suy nghĩ trưởng thành hơn, ở thế giới này trẻ mười lăm đã phải làm mẹ, cô không thể cứ như con nít mãi được.


Bụt giật giật khoé miệng, có vẻ như sắp bùng nổ, cuối cùng chỉ đành nuốt xuống. 


Phương đành phải nói vào chủ đề chính: "Cá bống của con biến mất rồi".


" Cá bống đã bị người ta ăn mất, bây giờ con đi tìm xương cá bỏ vào lọ, đem chôn dưới bốn chân giường con nằm đi".


Nói rồi liền biến mất.


Phương rửa mặt sạch sẽ, rồi bắt đầu đi kiếm xương cá. Cô biết nó ở trong bếp, cô chỉ cần vô mò một hồi sẽ có con gà tới giúp cô.


Cô chạy vào bếp bới tro, một lúc sau đã thấy một con gà trống lững thững đi đến, cất giọng nói: "Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xương cho".


Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý, nhưng nghe thấy một con gà nói chuyện cũng khiến Phương run rẩy suýt té. Ai mà ngờ được con vật mà nhà nhà người người đều ăn lại có thể nói tiếng người cơ chứ, hơn nữa giọng nói còn rõ ràng và mạnh mẽ đến thế.


Đúng là cổ tích, đến heo cũng có thể trèo cây.


***

Bụt: Trả tóc cho ta!


Tác giả: Không nhé!