Chương 2: Đau để trưởng thành (2)
“Các em có tranh cãi thì phải tới gặp thầy cô. Tại sao lại tự ý giải quyết rồi đánh nhau như thế? Bộ mặt của trường các em định ném đi đâu?”
Căn phòng mát lạnh của thầy hiệu phó chỉ có tiếng quát mắng. Người đàn ông với mái tóc hoa râm thưa thớt đang trút cơn tức giận tới bảy đứa học sinh xếp hàng trước mặt, bàn tay gầy guộc cách năm mười giây lại đưa lên chỉnh sửa kính một lần. Thầy Nam do có cơ thể thấp bé lại mang cái đầu hói, chính vì thế trong mặt đám học sinh thì thầy không hề đáng sợ. Năm nam sinh kia còn thì thầm với nhau rồi âm thầm bật cười, biểu cảm cợt nhả không hề coi lời thầy nói ra gì.
Hưng không hiểu chúng nó bị cái gì mà hành xử láo lếu như thế. Trái tim cậu bây giờ đập đã không đúng nhịp, cậu sợ phạt là thứ nhất, càng sợ hơn thông tin kia đến tai phụ huynh. Mà mẹ Hưng thì nghiêm khắc vô cùng, e rằng ngoài mắng mỏ ra còn phải nghe thêm nhiều lời chì chiết nặng nề nữa.
“Hoàng, thường ngày em trầm tính, sao tự dưng hôm nay lại kích động như thế? Chuyện gì cũng có thể giải quyết bằng mâu thuẫn, em hà cớ gì phải động tay động chân?” Lời thầy chất chứa sự thất vọng, khiến Hoàng cúi đầu càng sâu hơn.
Gương mặt Hoàng giữ nguyên sự nghiêm túc, ngoài câu xin lỗi ra thì chẳng có lời biện hộ vào xen vào. Dù ai sai ai đúng, sau cùng sử dụng bạo lực chính là vi phạm nội quy, Hoàng có bao biện hay giải thích cũng không thể phủ nhận sai lầm của mình. Hành động của Hoàng luôn đúng mực, thầy Nam có thất vọng nhưng cũng dễ lung lay.
Thầy gật gù tạm thời cho qua và sau đó hướng mắt về phía Hưng.
“Hưng, thầy đã liên lạc với phụ huynh của em rồi. Bây giờ mẹ đang muốn nói chuyện với em, em lại đây một chút.”
“Dạ?”
Tiếng sét nổ ngang tai làm Hưng tê cứng lại ngay tức khắc. Cậu còn chẳng thể nào nhấc nổi chân ra khỏi mặt đất nếu như không có cú đẩy nhẹ của Hoàng ở phía sau.
Chàng trai cầm lấy chiếc điện thoại, hít một hơi thật sâu rồi đặt máy lên tai: “Mẹ ạ?”
“Tôi nuôi anh ăn học không phải để cho anh đánh nhau nghe rõ chưa?!”
Âm thanh đầu tiên mỗi khi mẹ gọi điện tới chính là đây, những câu mắng mỏ. Lời mẹ đanh thép và uy lực, dùng toàn bộ tiêu cực và phẫn uất tích tụ đã lâu ném thẳng lên người đứa con trai đã lớn. Mẹ mắng là đúng bởi cậu đã sai, làm gì có đứa con nào nghịch ngợm mà không bị mẹ la mắng. Vậy là Hưng tự trấn tĩnh bản thân, lắng nghe hết những lời quát tháo từ mẹ, dẫu sao chúng vẫn chưa thấm thía so với những gì cậu từng nghe được trước đây.
“… Anh mà còn để thầy giáo gọi về nhà thì đừng có trách. Năm cuối cấp rồi, liệu hồn mà ôn thi cho cẩn thận. Chẳng biết anh học hành đâu ra cái tính này nữa?! Nuôi anh đúng thật tốn công vô ích!”
“Con hiểu rồi, con sẽ không tái phạm… Vâng, con chào mẹ.”
Chàng trai hạ thấp giọng, chuyển điện thoại về tay thầy hiệu phó. Thầy Nam bên cạnh nghe loáng thoáng tiếng của vị phụ huynh kia cũng phải nhăn mặt, đúng là hiếm thấy ai mắng mỏ con mình nặng nề như vậy.
“Em về chỗ đứng đi.”
“Vâng.”
Hưng quay người lại, chạy đứng cạnh Hoàng. Bấy giờ Hoàng mới quyết định mở lời, thì thầm bên tai: “Cũng tại tao. Tự nhiên lôi mày vào cùng.”
Hưng cười gượng gạo. “Anh em hoạn nạn có nhau. Có gì lần sau chịu vài đòn là được, không chấp nhặt.”
Toán phụ huynh của mấy nam sinh có mặt cũng nhanh chóng, đều đã ngồi ở căn phòng làm việc của thầy Nam. Nét mặt ai nấy cũng khá cứng cỏi, chỉ có một, hai người là đồng tình con mình đã sai.
“Thầy, chúng tôi không nghĩ con trai mình hư hỏng như thế. Chắc chắn hai đứa kia sai trước.” Một người lên tiếng và được một người khác hưởng ứng.
Thầy Nam nhìn cũng quen mắt với kiểu phụ huynh như vậy, gật gù tỏ ý đã hiểu rồi để cô Nga xử lí.
“Nhà trường đã xem xét lời trình báo của từng em mắc lỗi, cũng đã xem qua ý kiến khách quan từ các bạn vô tình đi ngang qua. Kết luận là dù hai bên có thực sự đánh nhau nhưng do phía các em ấy bắt đầu trước.” Cô Nga là người thẳng tính, nói trúng ngay trọng tâm làm không ai nói năng được gì.
Vị kia vẫn chưa thấy thoả lòng, bỗng nhiên bắt lấy bóng dáng non dại ở bên cạnh rồi buông tiếng chỉ trích.
“Đúng là con nhà bố mẹ không dạy dỗ nên thân. Đi gây gổ để rồi chị gái phải đến tận đây, đúng là đẹp mặt!”
Người bị nhắm tới là Hân, còn lôi thêm cả gia đình của cô vào. Dù trong lòng không thoải mái nhưng họ vẫn là người lớn, cô không thể bày tỏ thái độ quá đáng.
Hân nhẹ giọng đáp: “Em trai cháu đúng là đã vi phạm nội quy. Việc này còn ảnh hưởng đến nhà trường và thầy cô, em thành thật xin lỗi. Sau vụ việc này Hoàng cũng tự khắc hiểu ra, lần sau sẽ không còn gây rắc rối nữa.”
“Ai mà biết được, bố mẹ đi miết thì ai dạy cho nổi cái giống như thế!”
“Chị này!” Lời nói khó nghe đến mức một phụ huynh khác phải lên tiếng.
Người này kéo vị kia lại, nhẹ nhàng khuyên ngăn: “Cháu nó đã chấp nhận nhún nhường, mình là người lớn, cũng nên biết xử sự cho đúng. Hai bên đều có lỗi chứ chẳng phải một mình bên kia, bản thân phải biết mình sai ở đâu.”
Thầy Nam dường như nhịn cũng đã lâu, hắng giọng một cái: “Trẻ con vẫn còn nông nổi, gây gổ là lẽ thường tình. Phụ huynh cũng nên để ý con cái kĩ hơn, phối hợp cùng nhà trường bảo ban các em ấy.”
Buổi gặp mặt ngắn ngủi đã kết thúc, mấy bác phụ huynh cũng đã ra về.
“Hân, em ở lại một chút đi.” Thầy Nam ôn tồn lên tiếng.
Cô gái gật đầu vâng dạ, quay trở lại phòng rồi đứng trước mặt thầy.
“Con người thì tính tình bao la lắm, em đừng để trong lòng.”
“Em hiểu mà. Tính em thế nào thầy biết rõ hơn cả em. Thầy không cần lo cho em như vậy.”
Thái độ của giáo viên đối với học sinh ít nhiều cũng có những khác biệt. Tất nhiên học sinh nào các thầy cô cũng thương, tuy nhiên sẽ có một số mối quan hệ gần gũi hơn tình thầy trò thông thường, giống như gia đình vậy. Hân trước là học sinh ưu tú, thời gian ở trường còn nhiều hơn ở nhà. Giáo viên nào trong trường cũng quý, coi như con cái trong nhà.
Cô Nga nhìn Hân, mỉm cười nói:
“Cô biết bố mẹ em hiếm khi về nhà, hai chị em cũng nên bảo ban nhau nhiều hơn. Hoàng không phải đứa nghịch ngợm nhưng tính khí có hơi nóng nảy và thẳng thắn. Sau này nhịn một chút cũng có lợi.”
“Dạ em hiểu rồi.”
Thầy hiệu phó dù nổi danh là nghiêm khắc nhưng lại thương học sinh vô điều kiện, cuối cùng chấp nhận “giảm án” cho lỗi vi phạm. Bảy học sinh ấy bị trừ vào điểm thành tích, phải lao động vệ sinh cho tới cuối kì một, tuy nhiên không bị trừ nặng vào hạnh kiểm, vẫn còn giữ học bạ sáng sủa.
Hoàng hiện tại còn sợ ánh mắt của chị hơn cả khi đối diện với hình phạt, cậu sợ chị thất vọng bản thân, sợ chị cảm thấy chăm cậu bao lâu nay là vô ích.
“Chị có giận không?” “Có gì nói đó” là Hoàng, cậu vào đề ngay.
Hân thở dài một tiếng khó hiểu, đặt hộp cứu thương mượn từ phòng y tế xuống bệ đá.
“Chị giận vì cái gì đây? Đánh lại thì tất nhiên là sai, nhưng không đánh thì chẳng lẽ chị lại không xót. Tóm lại là lần sau phải sáng suốt hơn. Có cãi nhau thì nên giải quyết ngay, đừng để lâu ngày rồi lại đành nhau.”
Hoàng ậm ừ, vẫn còn cựa quậy không chịu ở yên khi bị chị gái dí miếng bông tẩm cồn lên mặt.
“Ái chà, biết đau là tốt.”
“Em không đau!”
“Nói dối.”
Trong khi Hoàng và Hân đang trò chuyện, ở cách đó không xa, một chàng trai lặng lẽ ngồi yên trên bệ bê tông. Bàn tay còn giữ chặt chiếc điện thoại không chịu buông dù cuộc trò chuyện với mẹ đã kết thúc được một lúc. Cậu chỉ là không muốn người ta thấy cậu quá cô độc, có lẽ cầm chiếc điện thoại bên tai, vờ như đang trong cuộc gọi điện sẽ khiến hình ảnh lúc ấy của cậu bớt đáng thương hơn một chút. Bên trong Hưng là sự trống rỗng, là tủi thân, là những lỗ hổng có thể dễ dàng được lấp đầy bằng duy nhất một câu hỏi thăm đơn giản. Vậy nhưng điều giản đơn ấy sao mà xa vời như vậy, hay nó chỉ xa vời với một mình cậu.
Chàng trai đắm mình trong dòng chảy riêng biệt, chìm sâu vào tiêu cực mà quên đi bộ dạng của mình lơ đễnh đến thế nào. Ánh mắt cậu vô hồn, điểm nhìn rơi từ những tán cây xanh xuống những miếng gạch đỏ dưới sàn đất. Và chúng đã chạm phải con ngươi của Hân.
Hân cúi người, đôi mắt dán vào cậu. Cô chìa miếng băng gạc ra, vui vẻ nói: “Gọi điện thoại xong rồi thì lau vết thương đi. Để lâu dễ bị nhiễm trùng.”
Khoé mắt Hưng vốn đã đỏ hoe, long lanh ngấn nước. Cậu muốn đáp nhưng chữ chẳng thể thoát khỏi cổ họng, đành vội vã quay đi. Khóc trước mặt người khác thế này thì thật đáng xấu hổ. Cô có lẽ sẽ cảm thấy cậu chỉ là một đứa nhóc chưa lớn, một thằng bé mít ướt.
“Cầm cẩn thận đấy.”
Hưng bất giác ngước mặt lên, một giọt nước mắt lăn dài trên má. Cô sau khi đặt bông gạc vào tay cậu thì quay lưng đi.
Ánh nắng buổi sáng đó không dịu dàng, song chỗ cậu lại chẳng có chút nắng vào chạm đến. Cậu quay mặt đến bóng lưng của cô, chợt phát hiện ra ngồi ở đây, sau lưng cô gái này thì dù cậu có khóc, có bất lực gục xuống, cũng chẳng ai thấy được.
Hưng siết chặt miếng bông trong tay, đôi mắt cứ chăm chăm không dứt. Cánh bướm hồng chợt xuất hiện, lượn lờ trước cảnh sắc mùa xuân đang hiện hữu trong con ngươi mơ mộng của cậu.
“Tốt thật!”
Hưng và Hoàng lúc bấy giờ đã đứng ở hành lang tầng hai, chán nản nhìn xuống khoảng sân vắng vẻ. Lời của Hưng vừa dứt, Hoàng đã tỏ vẻ không hiểu gì. Trần Minh Hoàng nổi danh là đứa chuyện gì cũng biết, cái gì cũng làm, thế nhưng cậu luôn phải chào thua trước trò đoán hàm ý trong câu nói của Hưng.
Cậu đưa tay lên chỉnh lại băng dán cá nhân trên mặt, hờ hững nói: “Mày có thể soạn một quyển từ điển, tao thấy thà tốn công tra cứu còn hơn ngồi suy đoán ý mày.”
Hưng đặt tay lên lan can, đều giọng đáp: “Kệ tao, mày không cần đoán.”
Cậu trai sau đó đặt cằm lên cánh tay, thư thái tận hưởng làn gió nóng ấm và bức bối của mùa hạ.
Cô gái ấy tốt, nhưng có lẽ đã quá tốt rồi. Mà với một đứa như Hưng, thứ gì quá tốt, quá đẹp đẽ đều nằm xa tầm với, sau cùng cũng chỉ có thể đứng ngắm nhìn từ xa, âm thầm như cách con người ta thưởng thức ánh nắng ban mai.
Sự việc xô xát ngoài ý muốn của Hưng và Hoàng không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ, hệ luỵ kéo theo còn là việc tập thể lớp và giáo viên chủ nhiệm 12A4 bị khiển trách. Giáo viên dù thật sự thất vọng với hai cậu học trò, song cũng chỉ mắng qua loa mấy câu. Làm gì có người mẹ nào nỡ tức giận quá lâu với đứa con của mình? Tuy nhiên trái ngược với thái độ của giáo viên, đám học sinh trong lớp lại nhìn họ bằng con mắt hoàn toàn khác. Đây cũng là lí do mà sự đoàn kết của tập thể 12A4 chỉ còn là vỏ bọc.
Ngày ngày chịu đàm tiếu, lời xỉa xói bên tai cũng đã quen hơn, Hưng không còn bận tâm nhiều tới nữa. Chàng trai lặng thinh trong góc lớp heo hút với cuốn chuyên đề tiếng Pháp, tập trung viết lách mà ngó lơ đi ánh nhìn ghét bỏ của đám bạn bè cùng lớp. Chúng nó thì thầm cái gì kín đáo lắm, nhưng cậu dám chắc rằng chẳng có điều gì khác ngoài mấy lời bêu riếu và bịa đặt vô can.
Năm tháng cấp ba tươi đẹp với cậu mà nói đúng là chỉ có ở trong phim ảnh, thực tế chúng chỉ là đống mộng tưởng đã tiêu tan thành mây bụi.