134
19
1832 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 3: Đi Dễ Khó Về (1)


Nắng chiều ngả đầu, buông mái tóc sẫm màu tràn qua song thưa. Chái gian từ lúc ấm màu hoàng hôn đến khi giăng đầy bóng tối vẫn chưa được thắp đèn, chỉ có ngọn đèn trên án thư còn leo lét vì dầu sắp cạn. Lam ngồi trên sập, trong bóng tối ấy, tay mân mê dao ngắn vỏ và chuôi nạm đồi mồi. Sớm nay, người đàn ông cướp tiền của Lam ở chợ - tên Dương Ngang - vâng lệnh Nguyễn Kỵ mang con dao này đến đây, tỏ ý “biếu” nàng. Không chỉ con dao mà những thứ nàng và Hạnh dùng hiện tại, nơi hai cô cháu nàng ở đều do Nguyễn Kỵ phân phó. Nhà là ngôi ba gian thoáng đãng mặt quay về hướng nam, bên trong có đầy đủ sập gụ, tủ chè, chiếu hoa và than sưởi dùng khi cần. 


Từ ngày bốc đồng theo lũ cướp về trại, với danh nghĩa giúp đỡ Nguyễn Kỵ chinh nam dẹp bắc, Lam đã được thịnh đãi như thế. Song với nàng, điều này giống nợ nần hơn là ân huệ. Dĩ nhiên, đi kèm với thịnh đãi là sự nghi kỵ và ganh ghét của người trong trại. Không ai chấp nhận một kẻ ất ơ chỉ bằng những lời dụ hoặc vô căn cứ mà ngang nhiên vào trại, ăn không ngồi rồi. Tuy vậy, đó không phải điều Lam quan tâm. Thứ nàng muốn tìm hiểu mấy ngày vừa qua là gốc gác và hành tung của trại cướp.


Trại của Nguyễn Kỵ tên là Điền Việt, phía trước trại là cổng tam quan rêu phong trông như đã tồn tại lâu đời.  Theo Lam biết, đây là một trang trại cỡ vừa, thứ Nguyễn Kỵ khó lòng gầy dựng chỉ trong vài ngày vài tháng. Kỳ lạ là, bức hoành đề tên trên cổng tam quan lại còn khá mới, có thể vừa được trùng tu nhưng cũng có khi mới được treo lên. Lam ngẫm mất một ngày, cuối cùng cũng tìm được một cách hiểu thuyết phục và không khác với điều chép trong sử sách. Đó là trại Điền Việt đã được xây từ trước, tiền thân là trang trại như các trại khác ở phía bắc Thăng Long. Sau này vì giặc giã, sưu cao thuế nặng và lệnh mộ quân của triều đình, Nguyễn Kỵ đã cầm đầu người trong trại này nổi lên đánh cướp. 


Việc thế này không phải chưa từng xảy ra. Năm Tân Dậu, Xương Phù thứ năm [1], đất Diễn Châu từng có Hồ Thuật dẫn bè đảng đi cướp bóc. Hồ Thuật ấy sinh tà tâm vì sự khích bác, dụ dỗ của Chiêm Thành vào tháng ba năm trước đó. Tháng tư năm Tân Dậu, họ Hồ ấy bị xử tử. Đó, rất có thể là kết cục của Nguyễn Kỵ vào mấy tháng sau.


Những lời ba hoa như “đổi giang sơn” vừa qua của Lam có hay không cũng như nhau cả, thậm chí còn không ai tin. Biết rõ là vậy, đáng lý nàng nên tìm cơ hội rời khỏi trại này sớm, tránh cái tiếng đồng lõa với giặc cỏ. Nhưng sự biệt đãi Lam của Nguyễn Kỵ cho thấy hắn không nuôi mưu tầm thường. Như các thế lực ngầm của bất cứ triều đại nào đang đi đến hồi kết, hắn đang muốn thừa cơ dấy quân, châm ngòi cát cứ.


Nhưng vì sao Nguyễn Kỵ lại chọn con đường bất chính là xưng vương, đi cướp chứ không phải gầy dựng thanh danh như Nguyễn Thanh ở Lương Giang?


Lam khép mắt, tay vẫn vuốt ve những nốt đồi mồi khảm kỹ trên vỏ dao. Nàng gồng tay toan rút dao ra khỏi vỏ, chợt ngẫm được điều gì, ngạc nhiên “ồ” lên khe khẽ.


Cùng lúc ấy, ngoài sân vắng vọng vào tiếng bước chân khi nặng khi nhẹ, không đều nhau. Đèn lồng ngoài hiên sáng lên, dội hai bóng người đổ lên sàn nhà tôi tối. Lam nhanh tay giắt dao vào đai lưng nơi khuất dưới vạt áo, sải bước ra cửa, mới hay người vừa xuất hiện là Quảng và thị Vũ. Quảng ăn vận đơn chiếc đi trước, mặt mũi lầm lì như thường lệ. Thị Vũ theo sau thằng bé ba bốn bước chân, mắt lúng liếng, môi nhương nhướng cười. Nghe đồn thị mới theo cha là một thầy thuốc vào nương nhờ trại mấy năm nay, lại là người con gái trẻ và duyên nhất nơi này nên được nhiều người quý mến. Lam mím môi tự hỏi, một người như thị Vũ sao trông giống đang lẽo đẽo theo thằng cu nhà mình thế kia, đã thế Quảng còn làm khó chịu ra mặt? Nàng phân vân không bước lên, chỉ ngồi xổm xuống, vẫy tay với Quảng. Thằng bé đến gần Lam, thì thầm:


- Cậu ơi, cô Vũ bảo cháu nhận đồ nhưng cháu không chịu, rồi cô ấy đi theo cháu miết.


Bấy giờ Lam mới nhận ra thị Vũ không đến trống không, mà vắt gọn hai chiếc áo nhuộm nâu trên tay trái, tay phải ôm thêm cái thúng con. Thị không khó chịu khi bị Quảng và Lam lờ đi, trái lại vẫn mỉm cười, đứng giữa sân như người khách điềm nhiên đợi chờ gia chủ. Lam vỗ vai Quảng, đẩy nhẹ thằng bé ra phía sau mình, đoạn vừa đi vừa đan tay chào thị Vũ, miệng khách sáo:


- Phiền cô Vũ thường đến trông nom cậu cháu chúng tôi quá!


Khác với người phía nam Đại Việt, giọng thị Vũ không nặng khẩu âm địa phương mà giống người trên kinh đến bảy, tám phần. Thị gượng chào đáp lễ, cười xòa:


- Anh đừng khách sáo vậy, Vũ chỉ làm theo lệnh vương gia thôi. Hôm nay ngài ấy bảo tôi mang áo cho anh từ sáng, cùng với con dao ấy, nhưng tôi đang có việc nên nhờ anh Dương Ngang biếu con dao trước, chiều nay mới sang quầy quả một phen. Còn cái này...


Nói đoạn thị dừng lại, ngần ngừ đưa cái thúng tre cho Lam. Không biết bên trong thúng là gì mà thị lấy khăn phủ lại rất kỹ. Thị nói khéo:


- Vũ có ít quà biếu anh lấy thảo.


- Tôi có được biết là quà gì không? - Lam cẩn thận ướm hỏi.


- À, chỉ là ít trầu mà thôi. Anh cứ nhận cho... chúng tôi vui, dẫu gì cũng là lễ chủ khách. Huống hồ anh còn là khách quý của vương gia.


Lam hơi gai người trước cái cười mỉm chi của thị Vũ. Nghĩ ngợi một hồi, chờ khi cơn gai ấy lui dần nàng mới chầm chậm đưa tay đón lấy thịnh ý của người thiếu nữ. Trông thị có vẻ hớn hở và chút gì như là đắc chí. Nói thêm dăm câu nữa, thị lấy cớ đã muộn nên xin quay về. Lam gật đầu, nối gót thị đưa tiễn đến hết khoảnh sân. Thình lình, thị quay đầu sấn lại gần Lam làm nàng nhảy cẫng, loạng choạng tránh né. Bằng vẻ ung dung như hồi mới đến nhưng đã pha thêm chút đùa cợt, thị Vũ che miệng cười duyên:


- Ấy chết, sao anh tránh Vũ như tránh tà thế kia? Vũ sắp đi mới nhớ ra việc này, muốn đến gần nói để anh nghe rõ hơn thôi. Rằm hằng tháng vương gia sẽ mở tiệc khao thưởng anh em, tháng này cũng không ngoại lệ. Ngài ấy nhờ tôi chuyển lời, bảo mười lăm sắp tới anh nhất định phải đến góp vui. Còn nữa, nếu anh và cháu bé có việc gì cần mà ngại tìm bác Hồng quản gia, anh cứ đến tìm cha con tôi. Chúng tôi ở lớp nhà sau, cùng với bác Hồng nên biết được kha khá thứ. Anh đừng sợ tôi phiền. Bây giờ là chủ khách, sau này sẽ là anh em một nhà.


Chờ cho thị Vũ khuất bóng Lam mới vào trong, thêm dầu khêu bấc, im lặng săm soi cơi trầu bằng gỗ trơn trong chiếc thúng. Những miếng trầu được têm lối cánh phượng, lá trầu quế được tỉa răng cưa rất đều cài vừa in vào miếng cau, nom qua hết sức khéo léo. Ngoài cơi trầu, thị Vũ quả thực không để lại vật gì hay vết tích nào khác lạ. Nghĩ mãi không hiểu ý tứ của thị và Nguyễn Kỵ, Lam lắc đầu cho qua, vẫy gọi Quảng đang ngồi trên sập đến trước án thư. Nàng thận trọng ngó quanh, đoạn nhỏ giọng dặn thằng bé:


- Cháu nhớ lời cậu dặn trước khi vào đây không? 


- Vâng, cháu còn nhớ. Cậu dặn ở yên một chỗ, không được đi đâu, cũng không được tới gần người lạ. Cháu vâng lời cậu lắm, nhưng vừa rồi là cô Vũ đi theo cháu, cháu nói thế nào cô cũng không quay về. 


Lam gật đầu hài lòng, tiếp lời:


- Chuyện đấy cậu không trách cháu, cậu chỉ hỏi lại để dặn cháu thêm một việc thôi. Không có cậu bên cạnh, ai biếu thứ gì cháu cũng không được nhận. Nếu gặp ai như thị Vũ cháu phải đi một mạch về tìm cậu, ngộ nhỡ người ta động tay động chân hoặc muốn làm gì cháu thì phải hét to lên, nhớ chưa? 


Quảng ngoan ngoãn vâng dạ, đầu nhẩm đi nhẩm lại lời Lam vừa nói. Nó tin Lam lắm, cũng chẳng biết tin ai ngoài Lam. Vừa qua vì loạn lạc mà nhà nó mất cả, nó phải lang thang suốt mấy tuần liền. Mãi đến khi Lam rơi từ mái nhà xuống con ngõ Quảng đang ngồi, xuất hiện trước mặt nó trong bộ dáng lạ lẫm nhưng ân cần, tốt bụng, nó mới thôi sống như hành khất. Với Lam, Quảng hồ như không giấu giếm gì, với nó, Lam cũng không giấu thân phận con gái, dù với người ngoài Lam luôn vờ như mình là đàn ông. Nó không hiểu vì sao Lam phải làm như thế, nhưng nó biết Lam không hại mình, nếu không nó đã chẳng theo một người lạ tha hương.


Phần Lam, nàng không quá rõ trách nhiệm và tình thương của mình dành cho Quảng đến từ đâu. Nàng cũng không có thời gian suy xét đến những việc vặt vãnh như kia, mà chỉ biết từng bước lao vào mục tiêu đã vạch ra. Dẫn Quảng theo là việc ngoài ý muốn nhất, vì thế khi nào còn giữ thằng bé bên cạnh, nàng sẽ cố gắng không để nó bị mưu ma chước quỷ của người những xung quanh quấy nhiễu, phiền hà. 


__________


Chú thích:


[1] Năm Tân Dậu, Xương Phù thứ năm: tức năm 1381.