Chương 2: Giao
da chúng sạm, quần áo lem luốc nhưng không rách rưới, đứa nào đứa nấy cũng có cái áo khoác dày bên ngoài được các đoàn từ thiện miền xuôi mang tặng. Anh lấy ra từ trong ngăn bàn giáo viên những quyển tập ô li và một hộp bút mực tím loại xóa được phát ra cho chúng nó. Bọn trẻ mừng rơn cầm cuốn vở mới tinh cùng với cây bút mực trong tay mà mắt chúng long lanh, vui như phất cờ trong bụng, chúng lật đi lật lại cuốn tập, lấy tay sờ lên từng trang vở, cảm nhận mùi hương của giấy mới, cảm nhận cảm giác của từng vân giấy chạm vào da thịt.
Thụy bắt đầu viết lên trên bảng những chữ cái đầu tiên, anh cầm viên phấn mà tay cứ run run, hồi hộp vì ngày đầu đứng lớp. Thụy viết bảng chữ cái tiếng Việt rồi chỉ từng chữ một để chúng nó đọc theo, cứ lặp lại ba lần thì anh lại gọi từng đứa đứng dậy đọc.
“Mi có mình hả?” Bác An đứng ở ngoài cửa, trên người mặc chiếc áo cánh ngắn được may bằng vải chàm, cổ đứng, cài khuy vải, không có nhiều họa tiết trang trí. Một loại trang phục truyền thống của người Tày.
“Bác về chỉ để thay đồ thôi đó hả?” Thụy chán nản nhìn bác An.
“Mi nói chi rứa, bộ ni hiếm lắm đấy, chỗ ni quần áo thường còn không có chứ nói chi là đồ truyền thống như ni.” Bác An hơi đượm buồn, hoài niệm về lần đầu tiên ông mặc bộ trang phục này vào mùa rét của rất rất nhiều năm về trước. “Hôm ni ngày đầu mi đứng lớp nên tau mặc bộ ni đấy chớ. Mi có biết tiếng mô, tau ở ni như thông dịch viên của mi.” Bác cười.
Buổi học diễn ra dễ dàng hơn nhờ vào sự giúp đỡ của bác An, Thụy cũng đã cố gắng bập bẹ theo vài từ cơ bản để giao tiếp được với bọn trẻ, anh nắm tay chúng nó, chỉ chúng cách cầm bút rồi cầm tay tụi nhỏ viết từng nét chữ non nớt. Đến giờ ra chơi, bọn trẻ được ra ngoài tự do chạy nhảy, chúng chơi nhảy dây ngoài sân đất cằn cỗi. Anh và bác An thì vội vàng đi nấu bữa trưa cho chúng nó, anh không biết làm gì nhiều, chỉ lóng ngóng thấy bác An làm gì thì làm đó.
Bọn nhóc chơi vui lắm, chúng như có thế giới của riêng mình, chúng đắm chìm vào trong đó, hạnh phúc hơn bao giờ hết. Đó cũng là lần đầu anh thấy chúng cười, lần đầu anh thấy một nụ cười đẹp đến thế, một nụ cười ngây ngô, hồn nhiên và đáng yêu, Thụy nhận thấy rằng dù bọn trẻ có ở đâu đi chăng nữa, dẫu có khốn khó như nào thì bọn chúng vẫn là những thiên thần nhỏ, là ánh sáng không thể phủ nhận. Thụy thẫn thờ nhìn chúng chơi đùa, tiếng cười của tụi nhỏ như xoa dịu anh phần nào.
“Đẹp lắm phải không?” Bác An ngồi cạnh Thụy, dùng đôi mắt phủ bụi thời gian nhìn vào bọn trẻ.
“...” Thụy im lặng. “Có lẽ vậy.” Anh chần chừ.
“Mi làm tau nhớ đến tau ngày xưa.” Bác An hướng mắt xuống mặt đất.
“Ngày xưa?”
“Ừm.” Giọng nói có chút buồn. “Ngày xưa tau cũng là giáo viên cắm bản như mi. Tau cũng không chịu mô, tau cũng chả thích nơi ni, nhưng mà, mi nhìn thử xem chúng nó đáng yêu mà, chúng cũng là tương lai của đất nước mà, đáng để gieo chữ lắm đấy. Rồi tau yêu nơi ni. Sau đó tau gặp vợ tau, là người ở ni, tau yêu vợ tau, tau yêu cả nơi ni, nhưng vợ tau mất đột ngột, tau chưa kịp nói với bà câu chi thì bà đã đi, cũng chả có mụn con nên tau coi mi như con, tau gặp mi từ lúc mi còn chút xíu hề. Giáo viên ta dạy ở trường thường đã khó, giờ ni dạy ở miền núi cao hiểm trở thì cực khổ vô cùng. Tau hiểu mi vì tau cũng từng thế.” Bác An vỗ vai Thụy.
Thụy cũng đã nghe phong thanh chuyện của bác, trước kia bác là giáo viên mang theo trong mình hoài bão cao đẹp nhưng có điều bác An hơn Thụy ở chỗ bác dám nghĩ dám làm, bác xông pha lên núi, giảng dạy trong thời gian dài rồi thành gia lập thất luôn ở đây, ngày đấy nghe nói bác thích bộ đồ dân tộc này lắm, một phần vì vợ bác thích nên cứ mặc suốt như một niềm tự hào, không lâu sau thì vợ bác qua đời vì bệnh từ đó thì bác cũng ít khi nói chuyện với người trong bản cũng chẳng bao giờ khoác trên mình bộ đồ dân tộc nào nữa. Suốt cuộc đời bác luôn cống hiến cho giáo dục nên anh xem bác là thần tượng, một tấm gương để anh noi theo.
Thụy hiểu làm nghề giáo thì anh phải thực hiện nghĩa vụ của mình đó là gieo con chữ, gieo đến mọi miền tổ quốc vì sự nghiệp trồng người đầy gian nan. Có lẽ, Thụy cũng không phải một giáo viên tốt, không phải một giáo viên tâm huyết với nghề như anh vẫn thường nghĩ. Anh cứ nhìn ra ngoài sân, vật lộn với cả mớ suy nghĩ trong đầu. Từ đằng xa, một con bé độ chừng mười hai tuổi đi đến, con bé mang theo bên mình một cái gùi thân tròn được đan bằng nứa. Cô bé cứ cúi gằm mặt, bẽn lẽn hướng đến ngôi trường nhỏ, lẳng lặng bước vào trong lớp. Tóc con bé ngắn ngang vai hơi cháy cùng với làn da ngăm, gương mặt gầy guộc, đôi mắt to tròn, sáng như ngọc, người mang chiếc áo rét màu trắng cũ kỹ. Con bé cúi chào Thụy và bác An, nó tiến đến cuối lớp, ngồi xuống, bỏ chiếc gùi sang bên cạnh. Ngồi nhìn tấm bảng đen như một pho tượng.
Thụy thấy vậy thì mang tập bút lại gần chỗ nó, đặt xuống. Con bé cầm lên, như bao đứa trẻ khác trong lớp, nó sờ từng vân giấy trong cuốn tập, tận hưởng mùi vở mới, vụng về cầm cây bút mực tím có đầu gôm phía trên, mân mê cây bút trong lòng bàn tay, cảm nhận cái lạnh mới mẻ của thân bút. Con bé như rơi vào thế giới của riêng nó. Bác An ra lấy đồ ăn cho bọn nhóc, là đậu hủ kho thì phải, bọn nhỏ nhanh nhẩu lấy chiếc cặp lồng được để ngăn nắp ở cuối lớp mà trong đó chỉ toàn cơm trắng đưa cho bác An để lấy đồ ăn. Chúng có vẻ rất thích món ăn được bác An và Thụy chuẩn bị.
Buổi học lại bắt đầu, mọi việc vẫn diễn ra như thường lệ, bác An thu dọn nồi niêu rồi ra ngoài dọn dẹp để Thụy một mình đứng lớp. Từng đứa trẻ đứng dậy lặp lại những gì anh vừa dạy chúng nó, bọn trẻ dường như rất hứng thú với con chữ.
“Em ở bàn cuối sao không đứng lên đọc bài?” Thụy nhìn xuống cuối lớp, là con bé lúc nãy, nó vẫn cúi đầu cắm mặt nhìn vào cuốn vở, anh nhớ ra từ mà bác An hay dùng để kêu tụi nó đọc bài, anh lớn tiếng, con bé vẫn không chút phản ứng. Vừa bực bội, vừa khó hiểu, anh nhanh chóng đi xuống chỗ con nhỏ, gõ vào mặt bàn, một cái, hai cái, rồi ba cái, tiếng gõ bàn cứ to dần vậy mà con bé vẫn không phản ứng. Anh bực bội định lấy cây thước khẽ vào tay nhỏ nhưng bị bác An ngăn lại.
“Chu choa chu choa, hắn bị câm điếc, mi phải bình tĩnh chứ.” Bác An chạy vội đến, ôm nhỏ vào lòng, nhỏ vẫn cứ nhìn đâu đâu ở dưới đất.
Thụy dừng lại một nhịp, trên tay vẫn còn cầm cây thước gỗ, tròn xoe con mắt nhìn cô bé nhỏ. Nó vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng mà quan trọng gì chứ, nó quý bác An lắm, nó chỉ biết là được bác ôm như này thì thích phải biết.
Buổi học kết thúc, bọn trẻ chào thầy rồi túa ra chạy, mỗi con nhóc kia còn chậm chạp đeo cái gùi trên vai. Cúi đầu chào Thụy và bác An rồi ra về.
“Em…” Anh định nói gì đó nhưng lại thôi, vì có nói thì con bé cũng đâu thể nghe được, anh chậm rãi lấy trong túi ra ba viên kẹo nhỏ, khẽ chạm vào vai con bé, thả kẹo vào tay nhỏ, nó bất ngờ ngẩng mặt nhìn Thụy. Anh không biết phải bày tỏ như nào để con bé biết rằng anh đang xin lỗi chuyện lúc nãy nên chỉ có thể cười một cách ân cần rồi xoa đầu cô bé. Nó cười, nụ cười tỏa nắng khiến Thụy cũng chưng hửng, nhỏ cúi đầu chào, chạy một mạch về nhà. Thụy vẫn đờ ra đó, dường như anh vẫn còn nhìn thấy nụ cười của cô bé nhỏ nhắn kia.
Chạng vạng, hai chú cháu vượt qua đoạn đường hiểm trở về nhà.
“Bác ơi, con bé đó là sao thế?” Thụy hỏi, câu chữ cứ chậm rãi, rề rề như tiếng máy cày vì giờ người đã mỏi nhừ.
“À, con bé đó hả.” Bác An nói, tay đưa chai dầu gió cho Thụy để thoa vào chỗ nhức ở chân. “Hắn tên Giao, nhà ở đâu gần ni, gia cảnh cũng hiu quạnh, hắn câm điếc từ nhỏ hay chi ấy, tau chỉ gặp mẹ nó vài lần chứ không nhiều mô, mà nói chung nghèo lắm. Cái áo hắn mặc là đoàn từ thiện người ta tặng mí năm ni, hắn mặc suốt cái áo nớ nớ.”
“Ra vậy…” Thụy xoa xoa chỗ nhức ở chân, anh liên tưởng đến con bé lúc sáng.
Vậy là hết một ngày dài, anh mệt đến nỗi không ăn được gì, cứ để cái bụng trống rỗng mà ngủ.
“Thụy, Thụy, Thụy à.” Bác An lay người anh.