bởi Eevee

0
0
1712 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 3: Ngôn ngữ ký hiệu


Thụy lười nhác mở mắt, anh đau nhức cả người vì chuyến đi ngày hôm qua, anh rên rỉ, lật người lại, tiếp tục thiếp đi thì bác An cũng đi mất. Anh dần chìm vào giấc ngủ sâu thêm một lần nữa thì hoảng hồn vì tiếng koong koong của đống nồi niêu gõ loạn xạ vào nhau làm anh phải tỉnh giấc, thức tỉnh khỏi cơn mộng mị. 

 

“Dậy đi, ăn bánh tro rồi đi làm.” Bác An nói, lôi người Thụy dậy.

 

Thụy ngồi dậy, anh dụi mắt, mơ mơ màng màng ngồi bất động nhìn vào khoảng không vô định, anh lê từng bước chân đi ra ngoài cửa nhìn khung cảnh quạnh hiu, lạnh lẽo của sáng sớm. Hay ghê, tiết trời còn tệ hơn hôm qua nữa. Trời âm u, đợt không khí lạnh ùa về ngày càng rõ rệt khiến anh rùng mình, ngồi trong ngôi nhà sàn với bếp lửa, người anh vẫn lạnh cóng.

 

“Chừng ni mà mi đã lạnh rồi? Mới đầu mùa thôi, ở lâu còn hơn nữa.” Bác An cười, đưa ly nước ấm cho Thụy. “Mi vầy rồi có đi dạy được không?” 

 

Thụy sực nhớ ra, anh nhớ ra thứ công việc quan trọng của mình, anh lục lọi trong đống hành lý chiếc áo ấm cùng với cái khăn choàng cổ mà anh đã chuẩn bị từ trước. Anh choàng chiếc khăn, che đi gương mặt đỏ ửng vì trời lạnh.

 

“Mi qua ăn bánh tro”

 

Anh lật đật đi qua, cầm trên tay cái bánh tro anh nhớ lại trước kia ở dưới miền xuôi người ta bán rất nhiều nhưng anh ít khi ăn, với cả miền xuôi người ta hay gọi là bánh ú tro. Thụy bốc lớp lá tre phía ngoài để lộ phần bánh có màu vàng nâu hơi ngả xanh vì dính màu lá, anh cắn một miếng để cảm nhận cái vị ngòn ngọt, ngọt thanh, ngọt mát cùng với hương nồng của nước tro thêm một chút bùi của đậu xanh tạo nên một món ăn hết sức đặc sắc. 

 

“Bánh ni là tau ngâm nếp với nước tro nên gọi là bánh tro. Bánh ni nhiều nhà ăn vào dịp năm tháng năm âm lịch mà bánh ni là món tau thích nên tau khoái lắm, tau gói để sẵn trong nhà.”

 

Thụy ăn từ cái bánh này đến cái bánh khác, món này dùng để ăn sáng thì quả thực cũng không ổn cho lắm nhưng thôi vậy. Nhà bác An có gì thì ăn nấy, một cái không đủ thì phải ăn nhiều cái cho no thôi. Ăn xong, anh đưa tay ra phía trước bếp lửa, xoa xoa vào nhau rồi cùng bác lên đường. Trời lạnh thế này anh không biết sẽ có bao nhiêu học sinh có mặt ở lớp nữa, nếu lớp chỉ còn một học sinh thì anh vẫn sẽ dạy, anh sẽ cố hết sức để giảng dạy. Đi được nửa đoạn thì gió bắt đầu nổi lên, gió lớn, gió đến bất ngờ, vì vù tiếng gió thổi xuyên qua từng tán lá, xé toạc cả không gian, tạo ra mớ âm thanh tạp nham, hỗn độn như tiếng gầm của loài thú dữ. Gió che khuất tầm nhìn của người thầy trẻ, khiến anh không nhìn rõ đường đi, bây giờ cũng đã quá trễ để trở lại, hai chú cháu quyết định đi đến ngôi trường để trú tạm. Hai chú cháu lê từng bước nhỏ, chỉ dám hé mắt để nhìn thấy con đường gập ghềnh phía dưới. Gió dịu lại, không còn gắt như trước, đột nhiên dịu dàng như đang vuốt ve một đứa trẻ, dẫu vậy nhưng lại lạnh lẽo chứ chẳng hề ấm áp như người mẹ. Giò thì dịu lại thật đấy, nhưng nó kéo theo mây đen đến, chỉ trong tích tắc, gió ngừng nhưng mưa rơi. Mưa dữ dội, mưa xối xả, Thụy và bác An nhanh chân chạy đi, nhưng có chạy cũng vô ích, đến cuối cùng cả hai vẫn bị mắc mưa. 

 

Ở dưới ngôi trường nhỏ đó, cái bóng đèn chập chờn hiếm có phía trước khiến Thụy trở nên yên tâm hơn. Trong lớp không lấy một bóng người, mưa rơi nặng hạt, những hạt mưa tuy là nước nhưng cứ ngỡ như vài viên đá từ trên trời rơi xuống mái tôn của ngôi trường, ồn ào đến khó chịu. Sắp đến giờ vào lớp, Thụy ngồi nhìn mưa rơi, từng giọt nước mưa rơi xuống rồi bắn lên trên bùn đất, đường về hẳn sẽ trơn trượt hơn rồi đây. Anh ngã người ra sau, thở dài thườn thượt, lấy trong người ra cái bánh tro lúc nãy lén mang theo. Bác An nhìn Thụy, anh hiểu mà, anh lấy ra trong áo thêm một cái nữa, đưa cho bác An. Cả hai nhâm nhi cái bánh tro dưới trời mưa lớn cùng với cơ thể ướt sũng. 

 

Bình bịch, bình bịch tiếng bước chân, chính xác hơn là chạy. Chúng ló đầu lên, một đứa, rồi hai đứa, cả đám trẻ trên người cầm cái áo nilon tự làm, chúng dùng thứ đó để tránh mưa. Chúng chạy cùng nhau. Chúng bất chợt xuất hiện nhìn như những chiến binh dưới cơn mưa, chúng nhìn như những ánh sáng duy nhất ở đây. Chúng chạy ùa về phía trường học, chúng chạy đến bên Thụy, gọi lớn mấy tiếng thầy ơi mà ngày trước chúng được dạy. Anh bất ngờ vì đám trẻ còn nhớ bài cũ, bất ngờ hơn vì chúng lại lặn lội đến đây khi trời mưa. Người của bọn trẻ vẫn ước dù chúng đã cố che chắn, nhưng không sao, chúng quen rồi. Cái thời tiết này đâu phải ngày một ngày hai, đâu phải lần đầu chúng chứng kiến, đã không ít lần chúng dầm mưa như hôm nay. Nhưng hôm nay là lần đầu chúng dầm mưa để tìm con chữ. Thụy bất ngờ, mỉm cười xoa đầu tụi nhóc, cả lớp bước vào trong, ngồi lại vào chỗ học cũ. Đâu lại vào đấy, Thụy nhìn xuống cuối lớp để tìm con Giao, nhỏ cũng ngồi đó, nhìn Thụy. 

 

Lớp học bắt đầu với màn trả bài cũ, buổi học vẫn diễn ra dù tiếng mưa lấn át cả giọng của Thụy nhưng anh vẫn tận tâm giảng dạy, quan tâm bọn nhóc. Anh viết một vài câu đơn giản lên bảng rồi để tụi nhỏ chép vào tập, Giao thấy mọi người làm gì thì nó bắt chước lại y hệt, nó cúi xuống viết, lóng ngóng với cây bút trên tay rồi nguệch ngoạc vài đường cong vẹo trên tập. Nó cứ cặm cụi viết thì bỗng một bàn tay nắm lấy tay nó, nắn nót từng chữ một. Con chữ rõ nét hơn hẳn, đẹp hơn hẳn. Đang viết thì Thụy nắm hai tay của con bé, chụm lại, đặt lên cằm rồi lại xòe ra phía trước như hoa nở, anh ngồi xuống kế bên nhỏ, chạm nhẹ vào vai, Giao nó quay lại, Thụy tiếp tục cầm tay Giao lặp lại động tác lúc nãy, anh lặp lại thật chậm trong miệng bằng tiếng Tày. Anh dạy nó thủ ngữ, thủ ngữ cơ bản mà anh được một người bạn dạy cho. 

 

“Cảm ơn” Anh nói nhỏ.

 

Giao lập lại hành động ban nãy, nó nhìn nhìn vào đôi bàn tay mình rồi lại lặp lại sau đó nó nhìn lên Thụy. Anh gật đầu như muốn ra hiệu cho nó ý nghĩa của hành động con bé đang làm.

 

“Cảm ơn.” Anh nhìn nó, nói lại bằng tiếng Tày thật chậm rãi. Anh cố gắng để Giao hiểu được những gì anh truyền đạt lại cho nó. 

 

Anh đưa nó viên kẹo, đôi mắt anh mong chờ, anh mong chờ nó sẽ hiểu được ít nhiều, con bé nhìn viên kẹo trong tay anh một lúc rồi chụm hai bàn tay lại đặt lên cằm sau đó xòe ra phía trước như những cánh hoa đang nở, đôi mắt nó long lanh, ngơ ngác một hồi rồi lại cười tươi. Phải, đúng vậy, đó là cách để Thụy và cô bé giao tiếp với nhau, giao tiếp không chỉ bằng lời nói, đôi khi sự kết nối của trái tim lại quan trọng hơn cả. Thụy xoa đầu con bé, cười với nó lộ ra trong ánh mắt niềm tự hào khi nhìn thấy sự phấn khích của học trò với loại ngôn ngữ mới. Bác An ngồi ở bàn đầu đang rèn chữ cho thằng nhóc khác cũng ngoái đầu nhìn xuống, mỉm cười với khung cảnh ấm áp của hai thầy trò dù cả hai đã ướt sũng. 

 

Sau khi trời tạnh, Thụy lấy ra trong túi rất nhiều viên kẹo gừng được bọc trong giấy bóng kính rồi đưa cho mỗi đứa một viên vì anh sợ tụi nhỏ cảm lạnh. Chúng nó nhận được kẹo thì tươi cười, mặt mày hớn hở cảm ơn Thụy, có nhóc còn ôm anh bất chợt khiến Thụy không kịp trở tay. Anh đưa tay xoa nhẹ đầu thằng nhóc con, ôm nó vào lòng mà anh thấy ấm hơn cả. Anh được sưởi ấm bởi ngọn lửa của tình yêu thương, cái đáng yêu mà ấm áp của bọn trẻ giữa thời tiết khắc nghiệt chính là thứ đã an ủi anh phần nào đồng thời khiến anh càng thêm kiên định theo đuổi thứ hoài bão của chính bản thân.

 

“Bác An.” Thụy gọi. “Con nghĩ ước mơ của con chính là bọn trẻ, con muốn thấy tương lai của tụi nhóc. Đây là hoài bão thực sự của con.” Anh nhìn lên bầu trời vàng nhạt ở phía đỉnh núi, mắt anh sáng lên sự nhiệt huyết và quyết tâm, anh như gửi gắm toàn bộ cuộc đời của mình vào từng chiếc lá của miền núi, vì một tương lai của ngày mai. 

 

“Ừm.” Bác An cười, ông nhìn Thụy, đôi mắt hơi híp lại.