17
3
1036 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2: Hồi tưởng và cãi vã.


Trước hôm giỗ, lúc nào nhà cậu Mộc cũng có gia đình của mọi người trong dòng họ đến tụ họp lại. Mỗi người mang một ít đồ đến để góp giỗ. Nào bánh, nào trái đầy ăm ắp trên chiếc phản gỗ mà bố mẹ cậu Mộc hay nằm. Cả nhà cậu Mộc ai cũng nhanh tay đỡ đồ và mời mọi người vào ăn bánh, uống trà. Căn nhà ngày thường vắng vẻ nay lại đông đúc lạ thường.


Mọi người trong dòng họ ngồi nói chuyện với nhau. Hỏi thăm sức khỏe và kể lại những câu chuyện thuở xa xưa. Từ thời còn nghèo khó thì ông bà đã vất vả như thế nào để có thể nuôi những đứa con khôn lớn. Kể mà ai lấy nước mắt không thể kìm lại được. Bắt đầu từ bố của cậu Mộc - con trai trưởng của dòng họ Phạm ở hiện tại, chất giọng nghẹn ngào khi nhắc về đấng sinh thành và sự biết ơn sâu sắc ông kể:


"Ngày ấy, các anh, các chị biết không ông bà cụ đã vất vả nuôi anh chị khôn lớn. Quê ta gần biển nên ông cụ đã phải gánh muối bằng chân trần đi hàng chục, hàng trăm cây số để gánh muối thuê cho người ta. Công việc cực kỳ khổ cực và vất vả. Còn bà cụ thì ở nhà tần tảo nuôi các con, cùng với đó là công việc buôn bán gạo. Bà là người có trí nhớ và khả năng tính toán cực kỳ giỏi. Không ai có thể tính sai hay ăn gian của bà một thúng gạo nào."


"Cứ thế ngày qua ngày, nhờ những đồng tiền cực khổ đầy mồ hôi và nước mắt ấy nên anh chị đã lớn khôn như bây giờ. Giờ bố mẹ chẳng còn nữa rồi, chúng ta cũng đã lớn không và lập gia đình nên đã thấu hiểu sâu sắc sự khó khăn trong việc nuôi dạy con cái và kiếm sống. Khi còn nhỏ, gặp khó khăn thì gọi bố ơi, mẹ ơi nhưng giờ lớn rồi lúc khó khăn chỉ biết nén nó lại ở đáy lòng. Ngậm ngùi sống cho trọn vẹn kiếp người để không uổng phí công sinh thành của bố mẹ."


Bố cậu Mộc lấy khăn chấm đi những giọt nước mắt lăn dài trên gò má và cất giọng hỏi:


"Tôi nói vậy anh chị đã hiểu chưa? Hãy cố gắng sống cho tốt, tu chí làm ăn để cuộc sống đỡ vất vả. Là anh cả trong nhà tôi không muốn thấy em của mình phải chịu khổ. Nhất là thằng Út, dạo này cuộc sống của mày như thế nào rồi?"


Chú Út giọng lè nhè cầm điếu cày rít một hơi dài rồi thở ra và nói:


"Em vẫn thế, rượu chè là bạn của em. Anh thương em cho em vài đồng uống rượu."


Bố cậu Mộc thở dài nói:


"Mày sống như thế thì chẳng thể nào khá hơn được."


Chú Út cãi lại:


"Khá hay không thì kệ em. Dù sao nhà bố mẹ cũng dư dả hơn bao người nên tại sao em không hưởng thụ đi chứ?"


Mặt bố cậu Mộc đỏ bừng bừng vì giận quát lên:


"Có giàu có, có dư dả thì cũng không đến lượt chú. Cái loại siêng ăn, lười làm như chú thì làm gì có đồng dư. Có tiền núi cũng hết. Chú cứ rượu chè, cờ bạc rồi đá gà để người ta tìm rồi dí chú suốt ngày. Sau này chú đừng về căn nhà này nữa."


Chú Út có tí men vào người thì cũng giận dữ quát lớn:


"Anh chỉ cậy mình là con trưởng nên muốn nói gì thì nói. Còn tôi phận con út hèn mọn, một đồng bố mẹ cũng không chia cho tôi thì làm gì có tiếng nói trong cái nhà này."


"Anh muốn cho đến thì đến. Muốn đuổi thì đuổi. Tôi đi là được chứ gì? Tôi đi để khuất mắt anh để anh thấy yên lòng. Từ đây về sau anh sẽ chẳng bao giờ thấy thằng Yên này bước chân vào căn nhà này nữa."


Bố cậu Mộc bực mình hét lớn:


"Mày muốn thì cứ đi thật xa cho tao. Tiền bố mẹ để cho mày thì mày lại ngốn vào những tệ nạn xã hội đỏ đen, đá gà đến nỗi nợ ngập đầu, ngập cổ không trả nổi. Mày biến đi cho tao đỡ thấy mày mà lòng tao sinh phiền muộn."


Cậu Út cầm chai rượu và điếu cày liêu xiêu đi ra khỏi nhà. Anh chị em trong nhà ai cũng ra sức giữ cậu lại và nói:


"Thôi chú Út đừng đi, anh chỉ giận lên mà nói thế thôi. Anh thương cậu nhiều lắm."


Chú Út gạt tay của mọi người ra và nói:


"Đừng cản em. Anh ta chỉ muốn thằng Yên này đi khỏi căn nhà này nên mới ăn nói móc méo, soi mói em như vậy."


Chú Út cứ thế đi ra khỏi nhà, không ai cản được bước chân chú nữa. Nên bố cậu Mộc bảo với mọi người:


"Kệ nó, vào nhà ngồi đi. Nó cứ say sưa lè nhè nhìn mà ngứa mắt."


"Hồi đó, nó là con út nên bố mẹ chiều nó nhất. Làm gì cũng một câu nói hoài Giàu con út, khó con út nên giờ nó mới khó nói khó bảo như thế. Để chủ nợ bắt được đánh cho vài lần là tỉnh ra liền. Anh chị em khuyên bảo nhiều mà nó có để lọt được câu nào trong đầu nó đâu."


Mọi người cùng nhau đi vào nhà với gương mặt nặng trĩu. Họ đều thương chú Út vì chú nhỏ nhất nhà, trẻ con nhất nhà. Nhìn chú ai cũng muốn chiều chuộng nên chú sinh hư. Chỉ có anh Quang là có thể nghiêm khắc với chú mà thôi. Nhưng chú cứ sống như thế này thì khi nào cuộc đời chú mới ổn định được. Người làm anh làm chị không đành khi thấy chú như thế.