Chương 2: Lễ hội
Cuộc sống vẫn cứ thế diễn ra. Trong một lần vừa ăn cơm xong, Cám nổi hứng ra ngoài hóng gió. Không ngờ, nàng bắt gặp Tấm đang lén lén lút lút đến gần giếng nước. Nàng cũng tò mò đi theo. Ai ngờ được lại bắt gặp cảnh Tấm đang cho cá ăn.
"Bống bống bang bang. Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta. Chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người."
Tấm vừa hô dứt lời lần thứ 3 thì Cám thấy một con cá nổi lên mặt giếng. Trời thanh, gió mát, ánh trăng chiếu lên chiếc vảy của con cá khiến nó trở nên lóng lánh, đẹp đẽ đến lạ. Lúc đấy, nàng đã vô cùng ganh tị và tức giận. Con ở như chị ta lại có thể có thứ đẹp đẽ như vậy mà nàng lại không có cơ chứ? Giờ phải làm sao nhỉ? Để mình về hỏi mẹ.
Chiều hôm sau:
Dì ghẻ bảo Tấm đi chăn trâu, lại ân cần dặn dò:
"Con đi chăn trâu thì nhớ chăn thật xa, chớ chăn gần nhà làng bắt mất trâu."
Nghe vậy, Tấm tưởng thật nên đã cho trâu ăn thật xa nhà. Nàng cứ tin ngây ngốc như thế mà không hề biết rằng trong lúc đó, cá bống đang bị người ta giết chết.
Quả thật, mẹ con dì ghẻ ở nhà đã giả giọng Tấm gọi cá bống lên, bắt để ăn thịt rồi vứt xương đi. Mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch của mẹ con dì ghẻ. Tối đó, như thường lệ, Tấm lại ra giếng nước để cho cá bống ăn nhưng nàng gọi ba lần vẫn không thấy cá bống đâu. Nàng chỉ thấy một giọt máu đỏ nổi lên mặt giếng...
Cho dù biết mẹ con dì ghẻ giết cá bống nhưng Tấm cũng chỉ dám khóc thầm mà không dám làm gì. Thói đời mà, cá lớn nuốt cá bé là điều hiển nhiên vì đó là hiện tượng thuộc về bản chất, mà cái gì là bản chất thì rất khó để thay đổi. Người ta thường muốn những điều tốt đẹp thuộc về mình và muốn kẻ mình ghét gặp bất hạnh. Khi con cá bé quá yếu ớt và không phản kháng thì liệu rằng cá lớn có tha cho nó không? Sẽ rất rất khó! Nó rất dễ dàng chiếm được sự đồng cảm của những người đứng xem, còn đối với con cá lớn, nó sẽ tìm cách để ăn, ăn ngấu nghiến con mồi của mình, thậm chí ăn đến xương cũng chẳng còn. Bởi đã gọi là con cá lớn, thì nó đã là một điều xấu xa rồi.
Với mẹ con Cám, Tấm - chỉ là người dưng nước lã, hơn nữa, còn là con vợ cả, là vật cản đường cho việc kế thừa gia sản của con mụ. Hơn nữa, lúc đầu dì ghẻ yêu cha Tấm thật, nhưng ông ta yêu con của vợ đầu như thế, đặt tên là Tấm - cơm tấm. Còn đứa con của ông ấy với mụ thì sao? Tên là gì? Là Cám - cám lợn. Mụ ta cũng không ngốc mà không hiểu điều ấy có nghĩa là như thế nào. Ngoài ra, Tấm còn xinh đẹp hơn con mụ, được ông trời ưu ái hơn con mụ. Một người dưng nước lã, là vật cản việc con mình được thừa kế tài sản một cách trọn vẹn; còn là dấu vết của cuộc hôn nhân cũ, luôn nhắc nhở mụ về quá khứ không mấy tốt đẹp gì, khiến mụ nhức nhối; tình thương của chồng mụ dành cho người dưng kia còn nhiều hơn cả con gái của mụ; lại xinh đẹp, và tốt hơn con cái mụ. Một điều trong những điều ấy thôi, mụ đã không chịu nổi rồi, huống chi đây lại là tất cả những điều ấy gồm lại. Mụ sẽ dằn mặt cho người chồng đang ở dưới suối vàng kia thấy là: “Ừ thì đứa con gái vàng bạc mà ông nâng niu chiều chuộng này; tôi cho nâng niu chiều chuộng này. Ông làm gì được tôi nào.”
Đằng sau mối qua hệ giữa mẹ ghẻ - con chồng như thế, ai có thể ngờ nó lại là một chuỗi khúc mắc như thế. Chỉ có kẻ trong cuộc mới hiểu rõ điều đó. Âu, đó cũng là cuộc đời.
...................................
Đến ngày vũ hội, mẹ con dì ghẻ trộn thóc và gạo vào nhau rồi bảo Tấm tách riêng hai thứ đó ra được thì mới được đi dự hội. Trong khi đấy, mụ và con gái mình đã chuẩn bị quần áo xúng xính để đi dự hội. Nhìn con gái lúc này, mụ thấy nó cũng xinh xắn, chẳng qua có đứa con chồng kia nên vẻ đẹp của con gái mụ cũng bị áp đi. Nghĩ vậy, mụ càng thêm ghét cay ghét đắng đứa con chồng kia, đi vào bếp bốc thêm hai nắm thóc và gạo nữa vào sàng rồi đưa con mình đi dự hội.
Nhờ sự giúp đỡ của bụt mà Tấm đã tách được thóc và gạo ra riêng và có quần áo đẹp để đi dự vũ hội. Trên đường đi, Tấm đã làm rơi chiếc hài của mình và khi vua Anh Lạc đi qua đã nhặt được nó. Vua rất thích thú với chiếc hài này và không hiểu sao cũng mường tượng ra một dáng hình xinh đẹp như chủ nhân của chiếc hài. Thế là, một cuộc thử hài diễn ra, người nào đeo vừa chiếc hài sẽ được lên làm hoàng hậu.
Lại nói về Cám. Nàng vừa đến lễ hội đã tách mẹ ra để đi xem khắp các nơi mình thích. Lễ hội đúng là lễ hội, có biết bao nhiêu thứ đẹp đẽ và thú vị. Đã thế còn có nhiều trò chơi hay. Nàng thoả sức chơi đùa như một đứa trẻ. Thiếu nữ mười lăm tuổi bây giờ mới thực sự xinh đẹp như nàng vốn dĩ là. Nàng ham chơi như một đứa trẻ, vừa trong sáng, rạng ngời, tuy không phải là xinh nhất nhưng là bừng sức sống nhất. Cả khuôn mặt bừng lên sự rạng rỡ và thích thú, đôi mắt nàng lúc này thực sự trong trẻo mà nhìn vào đó người ta có thể biết ngay nàng đang nghĩ gì. Tuy nhiên, một vài vị công tử nào đó đi đến làm quen với nàng nhưng bị tính tình kiêu ngạo, hống hách của nàng doạ chạy. Dù nàng có hút mắt thế nào thì cũng không ai dám rước một tổ tông về làm vợ. Còn Cám, nàng nghĩ, nàng có mẹ chống lưng rồi, nàng chẳng sợ gì cả, thế nên nàng càng ngày càng trở nên kiêu căng, không coi ai ra gì.
Lúc Cám chơi đùa thoả thích xong thì lại thấy đói. Nàng bắt đầu đi tìm chỗ mà hai mẹ con đã hẹn nhau từ trước. Ai ngờ lúc đó vua và đoàn tuỳ tùng cũng đã tới nơi, mọi người nô nức chạy về phía vị quân vương - nhân vật chính của buổi tối hôm nay. Đã là lễ hội thì người phải đông, đã đông lại còn cùng chạy về một phía thì ắt sẽ có người bị văng ra khỏi đám đông. Hằng ngày Cám không phải làm việc nặng nên thân thể yếu ớt, vì thế nàng nằm trong số những người bị văng ra. Lúc Cám còn tưởng mình sẽ bị ê mông mấy ngày liền thì nàng lại được một người đỡ lấy.