Chương 2: Nỗi sầu lo về chuyện du canh du cư
Không nói tới bốn thằng nhóc choai choai đã nhìn Rắn với ánh mắt kinh hoảng và ngưỡng mộ thế nào. Ngay cả Tù cũng phải giật mình, quay lại nhìn anh. Rõ ràng là nét bậm trợn này không chỉ tại hàm râu. Khi anh ta cau hai hàng chân mày rậm hơi xếch lên cao ở phía đuôi, nhìn anh ta như một tên đồ tể nổi giận. Rắn hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi bề ngoài của Tù. Anh lặp lại.
- Mi cạo râu đi. Tao thấy mi xấu lắm.
Hai hàng chân mày của Tù càng cau lại chặt hơn gấp mấy lần, rồi đột ngột, nó giãn ra. Trong sự nín thở chờ đợi của những kẻ hóng hớt, anh gật đầu.
- Sáng mai rồi tao cạo.
Mỉm cười hài lòng với đáp án, Rắn đứng lên, tuyên bố.
- Lấy con lợn rồi về thôi!
Tù gật đầu. Anh muốn Rắn cầm đuốc soi cho mình đi vác lợn nhưng bị người ta liếc một cái sắc lẻm. Rắn là một dũng sĩ có vóc dáng cao lớn. Trong bộ lạc, anh chỉ thấp hơn Tù. Gương mặt của Rắn cũng góc cạnh, lông mày rậm, sống mũi cao, môi mỏng vừa phải. Điều duy nhất khiến Rắn trông khác so với đám con trai trong bộ lạc là đuôi mắt xếch nhẹ lên trên nên đôi khi liếc ngang lại có cảm giác như đang hờn dỗi. Tù khựng lại một chút, rồi anh vung cánh tay bị bó cứng ngắt lên, ấn đầu Rắn xuống. Bị người này bực bội hút đầu vào ngực, suýt thì ngã ngửa, anh cũng không giải thích. Dưới sự nằng nặc của Rắn, Tù chỉ đành cầm đuốc để Rắn, Ninh và Tú đi ra, khiêng con lợn lòi vào. Đợi cửa nẻo đóng lại cẩn thận, Ninh với Tú ở lại trong lều, nhìn theo bốn người và một con lợn dần đi khuất sau rặng bông lau. Cơn gió lại lất phất kéo đến, xô đẩy những chiếc lá dài mỏng mảnh của những cây bông lau cao vút, tạo ra bản nhạc rì rào êm ả. Không khí dịu dàng và thanh bình ấy dường như xóa bỏ hoàn toàn dấu vết của cuộc xung đột mới vừa xảy ra.
Người của bộ lạc Chim Trời sống trong lều. Mái lều hình chóp được lợp từ nhiều lớp cỏ tranh và dừng kín xuống tận mặt đất. Cửa lều được khoét cao vừa đúng chiều cao của người có địa vị cao nhất trong gia đình. Mỗi nhà được phân ra lều chính và nhiều lều phụ. Lều chính dành cho vợ chồng chủ nhà, lều phụ thì dành cho con trai, con gái. Khi dựng vợ gả chồng, tù trưởng lại phân cho vợ chồng mới cưới một mảnh đất để cất lều riêng.
Lều nhà Tù ở ngay giữa bộ lạc. Bởi anh là con trai duy nhất của tù trưởng Lũ. Trên đường về, chẳng còn lều nhà ai sáng đèn. Thời này là vậy. Cứ vừa sập tối, ai nấy đều tắt lửa, đóng cửa lều, lên giường đi ngủ. Đi trên lối đi cập con sông duy nhất chảy xuyên qua bộ lạc, lẳng lặng nghe âm thanh ồn ào của ếch nhái, trong lòng Tù lại không thoát khỏi cảm giác nặng nề.
Về đến lều khi những ngôi sao hiếm hoi đã nằm xa tầm mắt nhất, ấy vậy mà tấm mành cửa lều nhà Tù vẫn còn vén lên cao, bếp lửa giữa nhà vẫn còn cháy rực. Bóng lưng hơi còng của người đàn ông đứng tuổi rơi trọn vào mắt Tù. Anh bình tĩnh ra hiệu cho hai đứa Dạ và Lũ đi về trước. Hai đứa nhỏ nhát gan không chỉ sợ Tù mà còn sợ cả ông Lũ. Chúng đặt hai chân sau của con lợn lòi xuống đất, quay đầu chạy mất dạng. Tù chuyển cán đuốc qua tay bị tróc da, một tay tóm gọn hai chân sau con lợn, nhấc nó lên, bước theo Rắn vào trong khoảng sân trống trải.
Rắn là người lên tiếng trước.
- Tù về rồi nè bố Lũ!
- Thưa bố, thưa mạ con mới về.
Ông Lũ không phản ứng gì nhưng từ trong lều, mạ của Tù bỏ hết khung, tơ, lật đật chạy ra. Thấy Tù khiêng con lợn lòi, bà tức khí vả chan chát vào cánh tay anh.
- Con ơi là con! Sao đi mà không biết đường về hả? Con thú rừng nó quan trọng bằng mạng của con hay sao?
Rắn biết mạ của Tù cũng vì lo cho nó, nhưng sợ bà không thấy chỗ bị thương lại đánh vào thì bạn mình sẽ đau. Anh can.
- Thôi mà mạ. Nó về là ta mừng rồi. Để con với nó khiêng con lợn ra hè làm thịt kẻo ươn lên thì không ăn được. Cũng bỏ công nó vác từ ngoài rừng về mà đúng không?
Mạ của Tù vẫn còn rấm rứt khóc vì tức. Bà cũng đâu có ham chút miếng thịt cho vào mồm đó. Con bà nó có mệnh hệ gì, sao mà bà sống nổi? Ngồi trong lều, ông Lũ đột ngột lên tiếng.
- Mạ nó xách ấm nước sôi ra hè, đừng có chộn rộn.
Bà Hòe, cũng là mẹ của Tù nghe thấy giọng nói nghiêm nghị của chồng thì nín bặt. Người đàn ông đứng đầu mấy trăm con người rất đằm tính. Mặt ông luôn nghiêm, khóe môi trễ xuống khiến người ta nghĩ ông khó khăn và hung dữ lắm. Ngay cả người làm vợ như bà Hòe cũng không tránh khỏi sợ sệt mỗi khi nghe ông lên giọng. Bà nhìn con hết một lượt, thấy cánh tay bị băng vải trắng còn rướm ít màu hơi sẫm, nước mắt lại tí tách rơi. Nhưng bà không dám cãi lời chồng, đành lúp xúp chạy vô, xách ấm nước theo con ra hè. Nhận lấy ấm nước, Rắn xua bà.
- Mạ vô nhà với bố đi. Con với Tù mần một loáng là xong. Lát nữa, cần tới tay nghề ướp thịt ngon nức tiếng của mạ, bọn con không thèm giành đâu.
Thấy mạ còn chưa chịu đi, Tù cũng nói.
- Mạ ở đây cũng muỗi cắn chứ có giúp được gì đâu. Vào đi.
Đợi bóng bà Hòe khuất hẳn, Rắn không giành con dao trong tay Tù. Anh vừa rưới đều nước sôi lên da con lợn, vừa hỏi.
- Nói đi.
- Nói gì?
- Mi đi đâu tới giờ này mới về?
Lợn nòi sống trên rừng không được mập, xương đòn nhô cả ra. Lớp lông đen cứng đâm ra tua tủa. Tù vẹt ra một đường để đặt dao, rồi từ đó mới cạo ngược từ phần mông lên trên đầu. Vừa cạo, Tù vừa đáp.
- Mi biết rồi, hỏi gì nữa.
- Mi đi tìm đất thật hả?
Rắn rít lên.
- Ai cho mi cái gan đó vậy? Mi có chút kinh nghiệm đi đường xa nào chưa? Lỡ như gặp thú dữ chặn đường, lỡ như đi lạc, thậm chí không tính đúng thời gian, phải qua đêm trong rừng, hậu quả đó mi tính tới chưa?
Tù im lặng, cắm cúi với việc trong tay. Lớp lông đen dần rớt xuống hai bên, lộ ra lớp da trắng hếu dưới ánh đuốc còn bập bùng cháy ngay bên cạnh. Rắn tức không chịu được với tính cách lầm lầm lì lì đó của Tù. Anh bực dọc gắt.
- Ừ, mi cứ sống kiểu đó tới già một mình mi đi! Cứ câm miệng lại rồi để ma rừng tha mi đi cho mất xác luôn càng tốt!
Một tiếng thở dài chợt cắt ngang sự nóng nảy của anh. Tù buông con dao xuống khúc gỗ được vạt phẳng hay dùng cho việc làm thịt thú rừng. Vốc tí nước để làm sạch hai tay, anh kéo tay Rắn ngồi xuống gò đất ở gần đó. Tù cố gắng sắp xếp từ ngữ trong đầu một lúc rồi mới nói.
- Tao không cố ý đâm đầu vô chuyện nguy hiểm nhưng lần này không chủ động làm không được. Đáng ra đầu xuân nay, bố tao phải có động tĩnh. Mà mi thấy rồi đó. Cả ổng và bà thầy đều im hơi lặng tiếng. Tao đoán có chuyện gì đang làm khó họ. Nhưng nếu không bắt đầu đi tìm vùng đất mới, mùa đông này, bộ lạc ta sẽ không thể vượt qua được.
- Phải còn lương thực dự trữ chứ?
- Không còn bao nhiêu đâu. Tao kiểm tra rồi.
- Vậy sao mi không gọi tao theo? Đi với nhau không tốt hơn hả? Hay mi không tin tao giúp được?
- Đừng có ngớ ngẩn!
Tù quát. Nhưng biết mình lớn tiếng là không đúng, anh đẩy nhẹ vai Rắn.
- Mi còn có trách nhiệm coi sóc bộ lạc. Tao đi, nhỡ không may - Tù bị Rắn quắt mắt nhưng vẫn cố nói nốt - có mệnh hệ gì thì còn mi ở lại bảo vệ mọi người. Tao với mi đi hết, bỏ lại anh Bí một mình sao cáng đáng xuể.
Ngồi thừ ra một lúc, Rắn nén xuống cảm giác đắng nghét trong đầu lưỡi. Anh làu bàu.
- Mi ngu lắm!
Rồi anh đứng dậy, cũng kéo tay Tù xốc dậy.
- Nhanh lên! Làm thịt con lợn nhanh lên còn về ngủ. Chuyện này thể nào cũng phải thưa với bố. Ngày mai tao với mi cùng thuyết phục ông ấy.
- Ừ.
Vì đã quen tay, chỉ một loáng, Tù đã làm sạch con lợn. Cắt tiết, moi nội tạng, rửa sạch rồi khiêng vào mái lá ở sau lều, nơi mẹ anh cất đồ nấu bếp. Tù gọi với ra lều trước.
- Thịt con lợn xong rồi mẹ nhé.
Cũng không chờ bà Hòe trả lời, Tù lại vội vàng gom nội tạng đi chôn. Thứ này để khơi ra dễ sinh dòi, còn bị đám chó trong bộ lạc tranh nhau xâu xé. Nghe già làng kể lại, từng có một đợt, người ta toàn để khơi khơi như vậy, thế là cả bộ lạc bị đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, chữa mãi không khỏi. Đến khi thầy cúng đi quanh cả bộ lạc dọ xét mới phát hiện nguồn nước ở đầu nguồn của bộ lạc có một con chó chết sình, giòi bâu lúc nhúc, bên cạnh là một thứ gì giống như bộ đầu lòng của con hoảng, nước chảy xuôi xuống có mùi thum thủm, màu đục xanh. Đến tận đấy, người ta mới biết mấy thứ này đáng sợ như thế nào. Vậy là từ đời này truyền sang đời khác, làm thịt phải chôn nội tạng trở thành quy định bất thành văn của bộ lạc.
Quen tay hay làm, chôn nội tạng xong, Tù kéo tay Rắn đi thẳng xuống bến sông.
Con sông chỉ cách nhà Tù vài chục bước chân. Cái bến có chiếc thang bắt xuống mé nước nằm ngay trước cửa nhà Rắn. Nhà cả hai là hàng xóm qua rất nhiều mùa di dời, bởi vậy cũng dễ hiểu cho sự thân thiết của họ.
Nước sông buổi đêm đen ngòm. Với vài người nhát gan, chẳng đời nào họ dám tắm đêm. Nhưng Tù với Rắn thì tắm suốt từ bé. Mỗi lần đi chơi với đám trẻ trong bộ lạc về muộn, bị bố với mẹ chửi cho một chập rồi nhảy cái đùng xuống sông mà tắm. Con sông chứng kiến sự lớn lên cùng nhau của hai đứa trẻ, bây giờ sắp phải chia xa với hai người con trai đã trưởng thành.
Mực nước sông chỉ tới ngực Tù, vậy nên anh không nhảy xuống như hồi bé nữa mà dò dẫm theo thói quen để bước xuống từng bậc thang, rồi bước ra cái cây bị nhấn xuống, nằm giữa lòng sông. Quay lại, thấy Rắn chậm chạp chưa xuống, Tù đưa tay, nắm lấy tay Rắn, kéo mạnh anh xuống. Vật nặng bị rớt xuống nước phát ra một tiếng ùm, nước bắn tung tóe. Rắn ngã nhàu vô ngực Tù, chới với mấy cái mới định thần lại, mò mẫm dẫm chân lên chân anh. Rắn quay lại, thụi một cái lên vai Tù, lại bị né. Anh lại tính đấm tiếp nhưng bị tóm lấy cổ tay. Tù xoay người Rắn ra phía trước, để đối phương quay lưng về phía mình, rồi tiếp tục bắt chéo cả hai tay Rắn ép vào trước ngực. Giữa hai người bấy giờ không còn chút khoảng cách nào. Rắn gào lên.
- Mi buông ra, thằng chó này!