bởi Thiên Thanh

2
1
3420 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

CHƯƠNG 2: PHÍA BÊN KIA ĐỒNG BẰNG


Phía bên kia đồng bằng, chính là nơi các loài động vật ăn cỏ thường cư trú. Bên cạnh bụi cây nhỏ gần sát con sông, có một cục bông đen đang nằm nghỉ chân. Dáng vẻ của nó trông thật nhàn hạ. Tiếng sột soạt phát ra bên trong bụi cây đánh thức cục bông đen ấy tỉnh dậy. Cô nàng bật dậy như một chiếc lò xo. Thân hình tuy nhỏ bé nhưng vô cùng thoăn thoắt, cô nàng nhanh chóng thoát khỏi nanh vuốt của một con linh cẩu. Lúc chạy đi, cô nàng vẫn không quên ngoái đầu lại chọc tức con linh cẩu với chiếc mồm đang rỏ đầy nước dãi, cái mặt nhăn nhúm tức tối vì vừa vuột mất con mồi.

 

Cô nàng chạy lộc cộc về nhà, rảo bước trên con đường miết sát bờ sông, lắng nghe thanh âm của gió, ngửi những mùi hương của cây hoa cỏ mọc dại. Chẳng hiểu sao lại thấy trong lòng bình yên, khoan khoái. Khi đi ngang qua cánh đồng cỏ, Ô trông thấy có vài ba cô cừu trắng đang đứng xúm xụm lại với nhau tám chuyện. Điều khiến Ô tò mò chính là sự lo lắng, sợ hãi trên nét mặt của những cô cừu ấy. Thấy vậy, Ô vờ ghé lại xem họ đang bàn tán với nhau việc gì. 

 

Một cô cừu trắng trông có vẻ hơi lớn tuổi bảo, "Còn ba ngày nữa là đến ngày cống nạp rồi, sợ chết tôi mất. Không biết lần này, tộc trưởng sẽ bắt nhà nào dâng cống nạp nữa..."

 

Một cô cừu khác trẻ hơn nhanh chóng tiếp lời. "Trời ơi, năm trước là con bé hàng xóm của em bị bắt đi này, ba mẹ nó khóc suýt ngất, em ở ngay bên cạnh mà sợ run rẩy..." Vừa nói xong, cô ta liền chắp tay, vái lấy vái để như cầu nguyện người tiếp theo không phải là mình.

 

Ô đứng hóng hớt một hồi vẫn không hiểu họ đang bàn tán về vấn đề gì, lục tung trí nhớ của bản thân về cái được gọi là "ngày cống nạp" đó. Nhưng nghĩ mãi vẫn không ra, Ô vò đầu bứt tóc, "Cống nạp gì cơ chứ, nghe chẳng hiểu gì cả."

 

Thấy vậy, Ô liền len lẻn đi tới, nở một nụ cười hết sức thân thiện, khều khều một chị cừu trắng ở đó, "Lễ cống nạp gì thế chị? Đó là lễ hội của tộc ta à chị?"

 

Hai cô cừu trắng thoáng giật mình vì không ngờ từ nãy đến giờ có người nghe lén toàn bộ câu chuyện. Hai cô cừu định hình tâm trí lại một chút thì nhận ra là bé cừu đen ở trong làng. Hai cô cừu trắng lùi chân lại khoảng hai bước, nhìn bé cừu đen trước mặt bằng ánh mắt hơi khinh khỉnh nhưng vẫn đáp lời.

 

"Mày không biết à? Tục lệ của xứ sở muông thú là hằng năm dòng họ nhà Cừu phải cống nạp cho họ nhà Cáo 10 con cừu non. Con lông đen như mày, không khéo lại bị bắt đi cống nạp ấy, rồi cáo sẽ ăn thịt mày cho mà xem."

 

Vừa dứt lời, một tràng cười châm chọc kéo đến.

 

Ô hơi bất ngờ vì trước nay chưa từng được nghe ba mẹ nhắc đến tục cống nạp này. Bỏ ngoài tai những lời nói châm chọc của hai cô cừu trắng, Ô cười thật tươi nói lời cảm ơn rồi đi về nhà.

 

Trên đường đi vào con ngõ đầu nhà, hai hàng hoa rừng xanh, đỏ nở rộ. Dù con đường về nhà có đang vẫy gọi và kiều diễm ra sao thì cũng không thể ngăn nổi những dòng suy nghĩ bức bách như muốn phá tung ra khỏi thân hình bé nhỏ này. Cô thầm nghĩ, "Ai lại đặt ra cái tục lệ quái gở thế nhỉ? Thật không công bằng! Không phải trước nay, người nào dài chân, chạy nhanh hơn là sẽ thoát khỏi cái chết sao? Đây chẳng khác gì là chưa đánh đã xin thua, cam tâm chịu trói." Nghĩ xong, cô vung chân đá gãy một ngọn hoa bên đường.

 

Đi đến trước cửa nhà, cô nghe thấy tiếng ba mẹ cãi nhau vọng ra ngoài. Ô tì mặt vào vách cửa, ngó vào trong nhà xem xét tình hình.

 

"Nếu có trách thì hãy trách bà đã sinh ra một cái đứa khác loài."

 

Mẹ Ô vừa nói vừa lau nước mắt, "Ông nói hay nhỉ? Nó là con tôi thì không phải là con ông chắc? Tôi đã cố bảo vệ nó suốt bao nhiêu năm qua nhưng bây giờ tộc trưởng đã đến tận nhà rồi, tôi chẳng còn biết phải làm sao nữa..." Bà sụt sùi, "Dù sao thì nó cũng là con cừu non nhất trong họ, lúc sinh ra đã phải mang một bộ lông màu đen, người ta trước nay luôn nghĩ nó là điềm gở. Giờ đây, đến tục cống nạp chả nhẽ lại còn không mong nó chết đi càng nhanh càng tốt hay sao..." Nói xong, bà ta càng khóc dữ dội hơn, khóc như ré lên, đau thấu tim gan.

 

Ba Ô nghe mẹ Ô khóc đau cả đầu, trong lòng cũng không biết phải làm sao nên vô cùng tức giận. Ông đập bàn, quát to. "Bà nín ngay cho tôi!"

 

Ô cắn môi, siết chặt thanh cửa và dườngnhư không chịu nổi tiếng khóc than của người mẹ hiền dịu, càng không muốn bản thân chính là lý do khiến ba mẹ cãi nhau. Ô đẩy cửa bước vào, cắt ngang cuộc tranh cãi. Ba mẹ Ô không ngờ con gái đã về nhà, giật thót vì không biết Ô đã nghe thấy cuộc trò chuyện hay chưa.

 

Ô vung tay, nói với giọng chắc nịch, "Ba mẹ không cần phải lo lắng, cứ để con đi, con không sợ đâu!" Ô tiếp tục chất vấn, đôi môi mỏng cong lên vì tức giận, "Tại sao loài Cáo không chịu tự mình đi săn mà phải đợi vật cống nạp mỗi năm một lần chứ? Chỉ vì loài động vật ăn cỏ như chúng ta yếu đuối, hèn nhát nên mới phải chịu cảnh bị đối xử bất công như thế này hay sao?"

 

Ô dõng dạc nói tiếp, "Thế thì con sẽ lập lại trật tự của muông thú. Chỉ cần con giết chết được gã cáo đó thì động vật ăn cỏ và động vật ăn thịt sẽ có địa vị ngang bằng nhau. Không ai hơn ai, không ai thua ai, chỉ có năng lực là tồn tại."

 

Ba Ô trầm mặc nhìn đứa con gái bé nhỏ đang tràn đầy nhiệt huyết trước mặt, ông thở dài."Con gái à, từ trước đến nay, cừu không bao giờ chiến thắng được cáo. Việc của chúng ta là trốn chạy. Từ nhỏ, chúng ta phải học cách chạy nhanh và thật nhanh hơn nữa."

 

Ba của Ô tiến lại gần, lấy tay vuốt vuốt bộ lông đen muốt. "Ba hiểu tâm trạng lúc này của con nhưng chỉ là chết thôi mà, sớm muộn gì ba mẹ cũng sẽ chết vì bị ăn thịt." Ông dừng lại một chút rồi nói tiếp, "Nếu có may mắn hơn thì sẽ chết già, đằng nào kết cục cũng giống nhau. Ba chỉ hy vọng con ra đi thanh thản thôi, đừng tự làm điều gì tổn hại cho chính mình và cho cả dòng họ Cừu con nhé..."

 

Ô tự hỏi, ông ấy rốt cuộc là đang lo lắng cho mình hay cho toàn bộ dòng họ Cừu? Có người bảo, cha mẹ nào sinh con cũng đều thương. Cô thì không nghĩ như vậy. Tình thương đôi khi sẽ trở nên vô cùng bé nhỏ, hèn mọn trước lợi ích của một dòng tộc. Và cô, chính là nỗi nhỏ bé, hèn mọn ấy. Những lý lẽ của ba Ô không làm cho cô cảm thấy nguôi ngoai, trong cõi lòng lại dâng lên một thứ cảm xúc bị coi thường ghê gớm. Từ lúc mới lọt lòng, cô đã phải mang trong mình một bộ lông màu đen, suốt cả tuổi thơ phải sống trong sự chỉ trích và ghẻ lạnh chỉ vì một lẽ rất giản đơn. Bởi màu đen thì khác màu trắng, những con cừu đen là những con cừu nổi loạn và khó sai khiến. Thật nực cười! Người ta chỉ biết chăm chăm căm ghét và bài xích những ai khác mình. 

 

Cô nhỏ giọng, trong lời nói chứa đựng vài phần buồn tủi, "Dù sao thì con cũng bị bắt đem đi cống nạp, hoặc là chết hoặc là trở về nhà, ba mẹ cứ chờ tin ở con."

 

Nói xong, Ô chạy xông ra ngoài, rất nhanh đã mất hút.

 

Đi đến bên cạnh một bờ sông có rất ít loài động vật qua lại, Ô thả mình ngồi phịch xuống, giọt nước nơi khóe mắt đã chảy ra tự bao giờ. Ô lấy tay dụi dụi qua loa, ngẩng đôi mắt ươn ướt lên nhìn ngắm bầu trời, Ô nghĩ, "Phía bên đây đồng bằng vừa bình yên vừa xinh đẹp. Là nơi cư trú của tất thảy mọi loài động vật hiền lành, chất phác. Chỉ là, nó không dung chứa nổi mình." Ô mỉm cười chua chát, nhiều chuyện xưa cũ lũ lượt kéo về.

 

"Này Ô, tao bảo, mày nhập hội với bọn tao vào nhà bác Linh Dương hái trái cây không?" Cô cừu trắng xóm trên thốt ra một lời mời mọc hết sức hấp dẫn.

 

Ô không tin vào đôi tai của mình, e sợ hỏi lại, "Hôm nay, cậu cho tớ nhập hội chơi cùng thật đấy hả?"

 

"Ừm thật. Mày chơi một mình hoài cũng buồn chứ."

 

Ô vui đến mức trong lòng như vỡ òa. Phải nói đến việc mà Ô sợ nhất chính là những giờ phải sinh hoạt cùng dòng tộc. Các cô chú cừu trưởng thành thường hàn huyên, uống trà còn bọn trẻ nhỏ thì nô đùa cùng nhau. Ấy vậy mà, chưa bao giờ Ô được nhập hội với bọn cừu non cả. Hồi ấy, Ô ước bản thân mình có phép tàng hình bởi cảm giác chơi vơi và lạc lỏng giữa chính đồng loại của mình làm cô không tày nào chịu nổi. Ông trời bao giờ cũng biết cách thử thách những việc quá cỡ đối với những đứa trẻ con bé tẹo.

 

Cả đám lũ lượt kéo nhau đến nhà bác Linh Dương, một đứa trong hội bảo. "Áng chừng giờ này bác Linh Dương đã ra bờ sông nhai cỏ rồi, chúng ta lẻn vào hái trái cây thôi."

 

Cả đám loay hoay trước hàng rào nhà ông bác hồi lâu, không cách nào mở được cửa bởi ông bác Linh Dương trước khi đi, đã khóa cửa kỹ bằng những cọng dây mây vô cùng chắc chắn. Ô nãy giờ thấy hơi lo nên đánh tiếng hỏi, "Này các cậu, tớ tưởng vào đây để đi thăm ông bác Linh Dương nhưng có vẻ như chúng ta đang đi hái trộm à?"

 

Đứa cầm đầu đám cừu non khó chịu, quay qua nạt nộ, "Không thích thì xéo về nhà."

 

Ô giật thót mình, lập tức im miệng. Ô thầm nghĩ, "Biết đâu chừng đây là cơ hội tốt cuối cùng để mình có thể hòa nhập cùng các bạn thì sao?" Bao nhiêu viễn cảnh tươi đẹp được Ô vẽ ra trước mắt. Ô từ nay sẽ không còn phải chịu cảnh cô đơn, lủi thủi nữa. Ô sẽ có một người bạn thân để luôn cùng dắt tay nhau đi ăn cỏ, uống nước. Cái mong muốn, khát khao được hòa nhập mãnh liệt đến mức khiến cả Ô cũng hăng hái cả lên, "Tớ có cách mở được cửa này."

 

Mấy đứa cừu trong hội liếc nhìn nhau, điệu bộ tỏ vẻ khinh khỉnh, cười cợt nhưng quả như chỉ chờ Ô thốt ra lời đề nghị này.

 

Đứa cầm đầu liền thay đổi thái độ. "Ái chà, sao chúng ta lại quên mất nhỉ? Bé Ô đây có sức khỏe tốt thế cơ mà. Ô sẽ giúp chúng ta phá được cửa đúng không các bạn?"

 

Nói xong, đứa cừu non cầm đầu huých tay với đứa bên cạnh. Đứa bên cạnh liền phụ họa, "Đúng đấy! Đúng đấy! Chúng ta để Ô phá cửa xem sao nha." Phụ họa xong, nó còn không quên lại gần vỗ vỗ vai Ô, "Bọn tớ tin tưởng cậu lắm đấy, cậu giỏi thế cơ mà."

 

Không có niềm hạnh phúc nào bằng việc từ một đứa trẻ bơ vơ, lạc lỏng phút chốc lại trở thành kẻ được trọng dụng nhất trong hội. Ô cảm thấy như bản thân khỏe thêm được vài phần, liền gật đầu với hội tỏ ý "mọi người hãy tin ở tôi". Ô chạy ra bãi đất trống gần đó. Lúc sau Ô quay về với một cục đá to trong tay. Mấy đứa cừu non trong hội trố mắt, ngơ ngác.

 

"Cậu định làm gì với hòn đá ấy thế?" Một đứa lên tiếng hỏi.

 

Ô cười tươi rói, đôi mắt cũng ánh lên niềm vui, "Tớ đã mài cạnh hòn đá này cho sắt rồi, dùng sức đập hòn đá này vào các sợi dây mây chắc là sẽ cắt được thôi."

 

Cả đám "Ồ" lên một tiếng.

 

Không để bọn bạn chờ đợi quá lâu, Ô nhấc hòn đá đi đến chỗ hàng rào. Nâng lên rồi đập mạnh vào những cọng dây mây chắc chắn theo từng nhát. Cứ mỗi cú đập xuống là cái cửa rào lại rung rinh, phát ra tiếng bụp bụp. Chẳng mấy chốc, các cọng dây mây bắt đầu toe ra, đứt lìa. Chỉ còn một nhát cuối mà thôi. Ô dồn hết sức đập mạnh xuống.

 

"Ầm..."

 

Cả đám tá hỏa. Cái cửa rào nhà bác Linh Dương đã đổ sập. Tụi trong hội lập tức run lẩy bẩy, "Chết rồi tụi bây, sập cửa luôn rồi..." Ô cũng thót tim, tự nhủ "Chết thật, mình dùng sức nhiều quá".

 

Rất nhanh, âm thanh vang dội lúc nãy đã thu hút được các cô chú động vật ăn cỏ khác đang ngồi uống trà ở gần đấy.

 

Một cô ngựa vằn chạy nhanh tới, túm cả bọn đang có mặt tại hiện trường lại.

 

Cả đám, mặt đứa nào đứa nấy cũng xanh chành. Một bầy cừu non trắng khoanh tay hối lỗi cùng với một cục bông đen xì đang sợ hãi sắp phát khóc đến nơi. Cảnh tượng trước mắt có phần hỗn loạn.

 

Bác Linh Dương lúc này mới đi nhai cỏ trở về. Từ xa, thấy trước cửa nhà mình sao mà đông đúc lạ thường. Ông bác lách người đi len qua. Đứng trước cánh cổng nhà đã bị sập dưới chân, ông vẫn chưa hết bàng hoàng.

 

"Trời ơi, cái quái gì đây? Đứa nào làm?"

 

Bác Linh Dương tức giận, hét toáng, chụp đúng cánh tay của đứa cừu trắng cầm đầu rồi chất vấn, "Bọn mày làm đúng không? Cái đồ hư hỏng nhà các mày!"

 

Đứa cừu trắng cầm đầu lúc này khóc nức nở vì sợ hãi, nhanh chóng chối. "Không phải bọn con bác ơi, bọn con chỉ đi ngang qua đây thôi."

 

"Thế đứa nào làm?" Bác Linh Dương hỏi dồn.

 

"Dạ..." Nó ngập ngừng.

 

"Đứa nào? Nói ngay, không ông tẩn cho một trận."

 

"Dạ... dạ... con lông đen kia đó ạ." Con cừu trắng cầm đầu nhanh chóng mách tội Ô.

 

Bác Linh Dương đi đến, lôi xoành xoạch Ô ra trước mọi người. Bác ấy dằn mạnh khiến Ô lăn ngã ra đất.

 

"À thì ra là cái con lông đen này. Tiếng tăm của mày thì ai cũng biết rồi đấy."

 

Bác lên giọng mắng nhiếc, "Sinh ra đã là cái đồ xui xẻo của dòng tộc nhà Cừu ấy vậy mà còn dám đi phá phách, nghịch ngợm hả?"

 

Bác Linh Dương vừa nói vừa chỉ tay vào mặt Ô, "Thiết nghĩ, sao ba mẹ mày không vứt quách mày đi."

 

Ô lúc này nằm trên mặt đất lấm lem, đau đớn vì cú lôi mạnh của bác Linh Dương. Nghe những lời chửi rủa thậm tệ, Ô ngước nhìn những người bạn tưởng chừng như mới kết thân khi nãy. Giờ đây họ nhìn Ô với vẻ mặt hả hê như thể đó là kết quả mà Ô xứng đáng phải nhận.

 

Lúc bấy giờ, Ô đã hiểu. Cái thứ tình cảm bạn bè khi van nài người khác ban cho đúng là rẻ rúng biết dường nào. Ô cảm thấy lồng ngực mình đau nhức còn hơn những vết xước trên da thịt. Ô chỉ biết khóc tu tu. Một đứa trẻ ít tuổi không tày nào nghĩ ra được cách giải quyết nào tốt hơn ngoài khóc.

 

Ba mẹ của Ô sau khi nghe mọi người mách chuyện cũng vừa kịp chạy đến. Ô ngẩng đầu lên thì nhìn thấy ba mẹ đang bước về phía mình. Ô biết, mình đã được cứu. Ô thốt lên trong vô thức hai tiếng "ba, mẹ".

 

Ba mẹ của Ô không hề đến đỡ Ô dậy mà đi một mạch đến chỗ bác Linh Dương. Ô cứ nằm chết dí ở trên nền đất vì đau. Không nghe rõ ba mẹ và bác Linh Dương đang nói chuyện gì. Ô đoán chừng ba mẹ vừa nói xin lỗi vừa gật gù, cười hề hề cho qua chuyện.

 

Nói được một lúc thì bác Linh Dương đã nguôi giận hơn, khoát tay ý bảo ba mẹ của Ô về đi. Lúc này, hai ông bà mới đi đến chỗ của Ô đang nằm. Ba của Ô một tay xách Ô dậy, Ô la lên một tiếng "á". Ba Ô không quan tâm lắm đến tiếng kêu đau của con mình, lôi thẳng Ô một đường về nhà. Bỏ lại các ánh mắt tò mò của những loài động vật ăn cỏ khác đang ở đó.

 

Các loài động vật khác thấy câu chuyện đã được giải quyết êm xuôi cũng dần tản ra, ai làm việc nấy. Bọn cừu non trắng lúc bấy giờ thở phào, cảm thấy bản thân như vừa thoát khỏi một kiếp nạn.

 

Một đứa trong đám hỏi con cừu trắng cầm đầu, "Tụi mình làm vậy có ác với nó quá không?"

 

Con cừu trắng cầm đầu mỉm cười đáp. "Ai bảo, nó có màu đen chứ."

 

Ô thở dài một hơi. Ô tự hỏi bản thân, mọi chuyện đã xảy ra lâu rồi mà mày còn nhớ rõ như in thế? Ô nhìn vết sẹo trên chân sau của mình chằm chằm. Có lẽ, vết sẹo này đã dạy cho cô một bài học. Dù cho có cô đơn thì cũng không được van nài tình yêu thương từ người khác. Vì tình yêu thương đến từ sự ban phát và bố thí sẽ là con dao găm đâm lại chính bản thân mình.

 

Ô đưa tay chạm vào vết sẹo ấy. Đây chính là vết sẹo được tạo ra sau trận đòn nhừ tử của ba cô vì cái tội dám làm sập hàng rào nhà người khác. Tuy sẹo đã lành nhưng nó vẫn nhô lên. Vẫn không được bằng phẳng như lúc không có gì.

 

Ô thầm nghĩ: "Hóa ra, ông trời tạo ra các vết sẹo để chúng ta biết sai mà sửa."

 

Nhờ nhớ về những câu chuyện xưa cũ mà lòng Ô càng thêm quyết tâm được bứt phá. Ô biết, bản thân sẽ không cam chịu sống một cuộc đời trôi nổi và bị xem thường mãi như thế, không đời nào! Và lần này, chính là cơ hội để cô có thể thay đổi mọi thứ.