bởi Độc Tú

0
3
2592 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2. Táo rơi


Lúc Mây hay tin chạy đến tìm Thang đã là xế chiều ngày hôm sau, khi hắn đang vừa thổi cơm vừa tranh thủ viết nhanh vài mẫu tự dán vách. Ấy là cách hắn học chữ trong cái hoàn cảnh không đủ điều kiện để cầu thầy, dự lớp. Cày thuê cuốc mướn dành dụm được vài đồng, hắn mua lại sách cũ của đám khóa sinh. Học lóm bên cửa lớp ông đồ được phần nào hắn bèn đánh dấu phần ấy vào trong sách, về nhà hắn chép ra tờ giấy khác, dán lên những chỗ hay tới lui như xó bếp để tiện bề ghi nhớ. Đêm, hắn ôn lại một lượt, cứ thế đến khi nào nằm lòng thì thay đi phần khác.


Chẳng biết rủi may, mẹ hắn ngày xưa từng là đào hát có tiếng hay chữ, bao nhiêu thứ thị dạy hắn lúc nhỏ cũng đủ cho hắn lấy làm gốc mà tự mò mẫm học lên. Nhưng cái chữ từ nhà con hát thì chỉ xác định là học để đấy, học cho thỏa lòng cầu tri thức, cho hả tâm hồn mây nước thế thôi. Chứ đường khoa hoạn, đời này hắn vô duyên. Hắn không có tư cách ứng thí, mà dẫu có cũng chắc gì đã theo được. Mẹ hắn thuở trẻ vướng cuộc phong trần, đến cuối đời, tài sắc chi chi đều chỉ còn một tấm thân tàn tạ. Thị chửa hoang, lại chẳng người quyến thuộc, lê lết chật vật lắm mới nuôi được hắn lớn khôn, rồi thì sức cùng lực kiệt, ốm đau miên triền. Đến năm hắn mười ba tuổi, hầu như thị chẳng còn làm nổi việc gì, thế là hai mẹ con hoán đổi vị trí cho nhau. Dần dà hắn cũng chẳng còn mấy thì giờ mà dùi mài kinh sử.


Mây không hiểu nhiều về những mộng mơ của hắn vì cô vốn an phận và lấy đủ làm vui. Thế nên Mây thương Thang chẳng phải vì cái hồn văn nhân ấy, cô thương là thương hắn cần cù chịu khó, thương nét cười hiền lúc nào cũng gắn trên môi. Ví như bây giờ, bị đánh cho sưng vù cả mặt, đau thấy chín ông trời cũng còn cười cho được. Mây ngồi thoa thuốc cho nhân ngãi mà lòng không khỏi xót:


– Hay là em gả hẳn cho anh, chả cần lễ lạc gì sất, cứ thế về ở với nhau thôi. Xem hắn còn dám ve vãn gái có chồng!


– Thế thì thiệt cho em, mà tôi đồ rằng hai bác cũng không ưng. Hay… em cố đợi tôi thêm vài năm, đợi bệnh tình mẹ tôi thuyên giảm, tôi dành được thêm ít tiền sắm cho đủ lễ rồi sang hỏi cưới em. – Nói đoạn, hắn cụp mắt nhìn người thiếu nữ má thắm, giọng buồn buồn – Còn nếu em thấy không đợi được thì… 


– Thôi, miệng đang đau thì nói ít thôi! – Mây ngăn vội cái lời không hay hắn chực thốt, nói lảng sang chuyện khác, vẻ lo lắng – Này, hình như em nghe phía bọn ấm Tần còn tả hơn cả anh, anh đánh lại chúng à? Sao không dưng gan thế! Em sợ… hắn dạ tiểu nhân, ghi thù.


Hắn ngần ngừ một thoáng rồi kể cho Mây chuyện kì lạ hôm nọ. Cô nghe xong thì cười ngất, khấp khởi nói: 


– Thần rừng hiển linh đấy! Ông bà ta đã bảo rồi mà, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Đấy, anh thấy chưa, cứ mà không tin đi! Cứ bảo chị em bọn tôi mê tín đi!


Mây xui hắn mang đồ cúng tạ lễ, nhưng hắn chỉ ậm ờ cho qua, bởi trong bụng vẫn còn điều vướng mắc. Theo như lời dân làng, bà chúa ngàn đã lánh mất từ lâu và họa hoằn lắm mới hiển linh với người thành tín, thế tại sao lại đột ngột hiện lên giúp một kẻ vốn nghi ngờ quỷ thần như hắn? 


Chưa kịp nghĩ thông thì ngay sập tối hôm đó, khi cái Mây đã về từ lâu, điều linh dị lại xảy ra, chính tại sân nhà Thang. Ấm Tần sau một trận no nước càng nuôi lòng thù, gã cho rằng hắn đã học từ đâu cái trò phù thủy quái ác hại người, thế là mời hẳn thầy pháp sang chú yểm, không quên dẫn theo mươi tên bặm trợn khác để sẵn đòi “nợ máu”. 


Dưới sắc trời nhập nhoạng, gió lạnh lùa từng cơn xô cỏ cây khật khưỡng, đám phu phen kẻ cầm gậy, kẻ cầm đuốc đứng dàn thành vòng cung trước mái tranh xập xệ, điệu bộ như sắp xông pha vào hang bắt chằn đến nơi. Lão thầy cúng là oai hơn thảy, mình khoác áo đen, đầu trùm khăn đỏ, quanh hông đeo đầy khí giới pháp bảo, thẳng lưng ưỡn ngực ra dáng hàng đắc đạo chuyên trừ ác diệt gian. Tất cả chỉ chực cậu tư ra lệnh là lập tức "bày trận".


Phía bên này, Thang tiến lên chắn trước mẹ, gồng người, siết chặt nắm đấm, chằm chằm nhìn ra.


– Sao? Sợ à? – Tần vỗ quạt phát "cụp" vào tay – Bây giờ tao cho mày chọn, một, bò qua đũng quần tao mười lần để tạ tội, hai, lên giàn thiêu.


Dứt lời, một trận gió thốc, tiễn gã thẳng lên ngọn dừa. 


Bên dưới, đám trai đinh lẫn lão thầy cúng tái mặt, chưa kịp động ngón đã bị khống chế, cả thảy vô thức nắm tay nhau múa vòng. Ánh đuốc bập bùng, chân nhún theo nhịp, cứ thế múa nửa canh giờ, vừa la vừa múa. Chòm xóm xung quanh nghe ồn ào, lục tục kéo đến hóng chuyện. Bỗng chốc sân trước nhà Thang náo như mở hội. 


Song, từ nãy đến giờ có lẽ chỉ một mình hắn nghe thấy âm thanh quen thuộc kia. 


"Leng keng, leng keng…"


Hắn đứng như trời trồng chứng kiến hết mọi chuyện, lúc sực tỉnh mới nuốt khan, đưa mắt nhìn quanh. Rồi như đã chấp nhận điều linh thiêng, hắn chầm chậm chắp tay thầm khấn, xin thần tha cho bọn ấm Tần và để nhà mình được trở yên như cũ.


Từ dạo đó hắn quả được yên hẳn, những kẻ hách dịch không còn dám bắt bớ, mà người thường dân lại thêm chút kiêng dè. Làng đồn rằng hắn được thần rừng nhìn trúng, sắp phải dẫn đi nên không cho ai rớ phạm. Thang lúc này cũng chẳng buồn đắn đo nữa, hắn tin rồi, thật sự có đấng linh thiêng ngoài cõi người và rõ ràng thần đang giúp hắn. Vậy là y theo lời Mây, hắn mang đồ lên rừng cúng tạ.

 

Thắp nén hương, bày dăm đĩa xôi chè, chẳng hiểu vì cớ gì lòng lại mừng mừng tủi tủi. Hắn lầm rầm khấn tạ, song vẫn không kiềm được thắc mắc mà hỏi tại sao, thắc mắc đã đời không hiểu nổi thì vòng về tự nhủ: “Thánh ý u thâm, phàm tâm nan trắc, dù sao cũng cứ kính là được”.


Hít sâu một hơi, Thang mím môi cười, nhìn bâng quơ ra khoảng rừng thanh vắng, nắng lóng lánh tràn phủ lá cành. Tiếng chim líu ríu hòa cùng suối reo róc rách chợt khơi dậy trong hắn cái hứng âm nhạc, thế là sẵn cây sáo đeo hông, hắn leo lên tảng đá to dưới gốc cây ngồi thổi. Ịn mông ngay vị trí thần nữ đương tọa thiền. 


– Bá ngọ! Cái thằng này! – Vân Chúc hoảng hồn bật tránh.


Nhưng ngay khi tiếng sáo cất lên nàng lại nhướn mày đổi sắc. Ờ… cũng hay. Trong, êm và rất có hồn. Nàng gật gù, vô thức lắng tai nghe hết cả bài. 


Khúc nhạc dứt, chẳng biết hắn nghĩ gì lại nhoẻn cười, nhìn ngôi miếu nhỏ rồi nói:


– Giá mà con biết bà chúa có thích nghe sáo hay không nhỉ! À, hay bà hiển linh lần nữa, ra hiệu cho con biết là bà có thích hay không, nếu có thì hôm sau đi đốn củi con lại ghé tấu khúc hầu bà. Thế này ạ, làm rơi một quả táo xuống là có, hai quả là không. 


Dứt lời, một quả táo rừng rơi độp xuống chân hắn.


– Ế! – Vân Chúc tròn mắt nhìn quả táo, rồi ngó lại lên trên – Đâu ra thế? Ta đâu có làm!


Thang lại chợt nghe một tràng leng keng khe khẽ hòa trong tiếng gió. Hắn lại cười, vái một vái rồi ra về.


– Tạ ơn bà chúa không chê phàm âm, thế hôm sau con lại đến ạ!


Và rồi hôm sau, hôm sau nữa, ngày nào hắn cũng đến đều đặn. Thoạt đầu Vân Chúc thấy hơi phiền, nhưng hắn thổi hay nên dần nàng cũng kệ, nghe riết thành quen. Vả, trước giờ chưa từng có kẻ phàm nào thổi sáo cho nàng như thế, hầu như tất cả chỉ đến cúng vái rỉ rả, có mấy điều xin tới xin lui. 


Thang thổi rất nhiều bài, có bài từ dân gian, có bài do tự hắn biên khúc. Chắc bởi vốn con phường hát nên cái khiếu thơ nhạc sẵn chảy ngầm trong máu, giai điệu hắn phối ra khiến người xao xuyến lạ, nghe một lần lại muốn nghe thêm, dù so với những bài hát dân gian chúng bớt đi vài phần tươi vui, thánh thót. Vân Chúc thường ví tiếng sáo của hắn như gió chiều trên rừng vắng, xào xạc, xào xạc, cố trườn thoát lá cành mà về lại chân mây. 


Và, nàng còn nghe ra lời ca hắn hát thầm trong đầu cùng điệu nhạc.


Giun vùi bùn, dế lọt bụi

Giương đôi mắt bé…

Giương đôi mắt bé…

Ơ hờ… Vọng trời cao.


Cá nhốt ao, tôm vướng vó

Căng đôi mắt kém…

Căng đôi mắt kém…

Ơ hờ... Vọng bể xa.


Bể xa có côn, trời cao có bằng

Côn ở xứ Bắc hóa bằng về phương Nam. 

Đập tóe nước

Nương ngọn lốc

Chín vạn dặm mây… ơ hờ… chín vạn dặm mây

Vỗ cánh bay…


Mộng côn bằng, giun dế mộng côn bằng 

Học côn bằng, tôm cá học côn bằng

Đập tóe nước

Nương ngọn lốc

Chín vạn dặm mây… ơ hờ… chín vạn dặm mây

Tan tát thây…


Những lúc hắn thả hồn vào tiếng sáo thế này, hình như Vân Chúc thoáng thấy gì trong mắt hắn. Thứ gì đó tựa lốm đốm tàn lửa. Lửa của niên hoa, tàn của lửa. 


Thường thì Thang chỉ thổi xong một khúc rồi về, hiếm khi nào nán lại quá một khắc, bởi còn mẹ già ở nhà phải chăm nom. Thi thoảng có hôm thị tạm khỏe người, hắn mới ở lại lâu hơn đôi chút, và cũng chỉ để lảm nhảm thêm vài câu ngô nghê trước miếu, dù trước giờ chưa từng ai đáp trả. 


– Bà chúa ở nơi này bao lâu rồi nhỉ? Theo lời dân làng thì hẳn là lâu lắm rồi, nghìn năm là ít, nhỉ?


– Ở mãi một chỗ hẳn là buồn chán lắm. Cơ mà thần có biết buồn chán không ha?


– Mà chắc là không, chứ nếu chán thì đã đi lâu rồi.


Nói đến đây như chợt nghĩ ra gì đó, ánh mắt hắn thoáng sầm đi.


– Nhưng nhỡ thần biết chán mà không thể đi thì sao? Thế thì sầu nhỉ!


Vân Chúc khoanh tay, khịt mũi cười: 


– Bác ái thật, thân mình chưa xong, lo cho cả thần cơ đấy!


Song cái cười cũng tắt đi rất chóng, nàng lật tay hóa phép khiến hắn lên cơn tháo dạ, phải vọt ngay về nhà.


Lần ấy hắn ốm liền mấy hôm, không có thiếu niên lên rừng đốn củi, cũng không ai thổi sáo cho nàng nghe. Mà thói gì tập riết cũng thành quen, điểm này thần chẳng hơn phàm. Hình như vắng tiếng sáo hắn làm nàng hơi ngứa ngáy. Thế là Vân Chúc động lòng trắc ẩn, "nhẽ nào mình hơi nặng tay rồi?"


Nàng nhớ lại cái hôm cứu hắn từ suối lên, vốn định làm lơ, vì ba trăm năm nay nàng đã quyết không ngó đến chuyện thế tục nữa, nhưng nhãn thần soi thấu cái mệnh khổ của hắn, lại nhìn sợi chỉ vàng nối chân cả hai, nàng cắn môi phá lệ. Dù sao Vân Chúc cũng tò mò cái thứ của nợ này từ đâu ra, bởi lúc nàng hóa sinh hơn ba nghìn năm trước nào đã có. Chỉ khi một đứa bé tên Thang chào đời ở làng Chiêm, sợi chỉ mới lờ mờ hiện lên một đầu. Hắn càng lớn, nó càng dài, rồi đến năm đôi mươi thì hiện rõ cả đường hai đầu mối, ấy cũng là cái ngày mà hắn suýt chết đuối kia. Nghĩ sự việc hẳn có nguồn cơn nên từ dạo đó nàng đặc biệt để mắt tới gã trai, nhủ bụng là chỉ dõi nhìn thôi. Ngặt nỗi xung quanh hắn nhiều ruồi bọ quá, nàng chướng mắt!


Vân Chúc biết, việc nàng lộ liễu bảo vệ hắn như thế sẽ lại khơi lên sự sùng tín của dân làng. Mấy trăm năm nay nàng im hơi lặng tiếng, dẫu họ vẫn nương tập tục mà thờ cúng, song sự thuần thành hẳn đã giảm ít nhiều, nàng cũng nhờ vậy mới nhẹ người đi. Nay lũ con cháu đời sau thấy sự hiển linh trong truyền thuyết, thế nào cũng thêm trò quấy quả. Phiền lòng, nàng lại tự lấp liếm cho yên, dù sao cũng không biến ra đèn mây và cho chúng nghe thấy tiếng lục lạc nữa. Ừ đấy, ai biết chắc là thần hay ma!


Vâng, không biết là thần hay ma nhưng trước mắt bà chúa rừng Vân Chúc đã thành công kéo thêm một kẻ vốn vô thần đi tế bái. Nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ sao cũng chẳng hết phiền. 


Thọc chân dọc dọc dòng nước lạnh, nghe tiếng côn trùng kêu ran khắp màn đêm, nàng buồn chán thở dài. Đám phàm nhân suốt ngày cầu thần hỏi thánh, đâu hay rằng bản thân thần thánh cũng có điều chưa thấu. Nàng ba nghìn tuổi có lẻ, đúng là so với kiếp người đã quá hàng cụ kị, song đem xét giữa cõi thần nàng chỉ hạng loai choai, còn rất rất nhiều chuyện trong Tam thiên thế giới bao la này nàng cần phải học thêm. Tỉ như chuyện sợi chỉ vàng bên dưới. 


Theo như nàng biết, tơ hồng nối tình yêu đôi lứa, tơ vàng nối những mối duyên còn lại giữa các chúng hữu tình: Duyên thầy trò, duyên bè bạn, duyên cha con… Nhưng tất cả phải từng quen nhau ở tiền kiếp. Còn nàng là thần hóa sinh, vừa được tụ hình giữa hư không, chưa luân hồi lần nào thì lấy đâu ra kiếp trước mà duyên với chả phận. Một là nàng biết sai, hai là tạo hóa đã sai đâu đó rồi!

Thở hắt, Vân Chúc cúi xuống kéo sợi chỉ đương phát sáng lên, cầm bằng hai tay, giật giật. “Thôi thì… cứ đi xem thử hắn chết chưa”.