Chương 3. Hiện
Đêm, trong cơn sốt mê man, Thang nằm mộng thấy một cô gái tóc búi hoa sen không rõ mặt. Nàng vận yếm đỏ, váy xanh, đai lưng và vòng tay chân gắn đầy chuông đá. Tiếng leng keng quen thuộc lại vọng đến bên tai.
Kinh ngạc, hắn run run đưa tay với, giọng thều thào:
– Bà chúa ngàn... Thần rừng Vân Chúc... Là bà?
Vân Chúc nhìn gương mặt tái nhợt của thiếu niên, chép miệng ra chiều ẩn nhẫn, đoạn bước đến sờ lên trán hắn, chợt giật mình rụt tay về. "Nóng thế!" Nàng vốn chỉ làm cho hắn tháo tỏng nhẹ nhàng thôi, chừng đâu một buổi là hết, ai ngờ số hắn nhọ nhằn quá, trùng hợp phải gió luôn.
Song Vân Chúc cũng chẳng buồn thanh minh, chỉ liếc mắt nói:
– Cho chừa cái tội nhăng cuội trước mặt thần linh.
Lần này thì hắn nghe rồi, bà chúa ngàn đã cho hắn thọ thánh âm. Hắn bỗng thấy trong người khoẻ hẳn, kích động bật dậy, ngờ hoặc hỏi lại:
– Bà chúa vừa nói chuyện với con đấy ạ?
– Chả nhẽ với vong!
Hắn cười hì hì, không để ý chuyện vừa bị thần quở, chỉ thấy lòng vui lạ.
Hôm sau thì hắn khỏi ốm, lại quay lên rừng đốn củi, lần này còn mang theo một bát bánh trôi để cúng thần tạ lỗi, dù thâm tâm thực ra cảm thấy hôm đó mình chả tội tình gì. Thắp hương, khấn vái xong xuôi, hắn y theo lệ cũ ngồi trên tảng đá thổi một bài sáo, song lại bảo đây là tạ ơn bà chúa đã thương tình giải ốm.
"Vẽ chuyện!" Vân Chúc ở cạnh bĩu môi, đoạn quay lại đối lưng với hắn, bắt chân chữ ngũ, chống cằm đợi nghe.
Âm sắc tiếng sáo hắn vẫn vậy, du dương, êm nhẹ, làm dịu cả nắng trưa. Dịu đến mức Vân Chúc cơ hồ có thể nhìn thấy một mảng trời chiều đang hiện ra trước mắt, chiều có mây lững lờ, có gió hiu hiu, có vài cánh chim lẻ bầy bay mỏi. Nàng không biết tại sao mình lại say nó như thế, lang bạt ở nhân gian mấy ngàn năm, đâu phải trước giờ chưa từng nghe qua những thứ tương tự. Song đây là lần đầu tiên nàng có cảm giác quen thuộc lạ kì.
Trước nay, Vân Chúc không thật sự gắn bó với ai trong chúng sinh sáu cõi, lúc nào cũng độc lai độc vãng. Ngần ấy thời gian chỉ như một chuỗi ngày đi xem kịch ở trần thế, hết vở này đến tuồng nọ, hỉ nộ ái ố của kẻ phàm đều nghía qua đủ cả. Nhưng sau rốt vẫn chỉ là xem thôi, chưa tự thân kinh qua, chưa hiểu, nên cũng chẳng biết chính xác cảm giác trong lòng mình gọi là gì. "Chắc không phải yêu, sợi tơ dưới chân mang sắc vàng kia mà!" Nàng nghĩ ngợi, tự trấn an. Trong các loại tình cảm của con người, luyến ái nam nữ là thứ nàng thấy phiền phức nhất, chả muốn va vào làm chi cả!
Nghĩ đến đây Vân Chúc lại tưng tức. Mang tiếng là thần đấy, có khả năng nhìn thấu tâm tư phàm nhân đấy, nhưng lòng mình thì chẳng tường được bao nhiêu! Ôi, mà nói thế thôi, chứ tâm tư phàm nhân cũng đã đọc hết nổi đâu. Nó thăm thẳm, khó lần như chân núi Tu Di, nàng chỉ đọc được mỗi lớp trên cùng. Cũng chính vì thế nên càng đọc càng đâm thắc mắc. Ví như, xưa nay Thang không thích thổi sáo cho ai nghe cả, thậm chí mẹ và người thương hắn cũng không, cớ gì? Lại như, hắn đã tin, đã kính thần linh, vậy vì sao chưa từng cầu nguyện? Và còn nhiều nhiều nữa những điều khó hiểu về hắn mà hết năm này qua tháng nọ nàng chỉ biết thây kệ chúng đi.
Thế là kệ mãi cũng ngót ba năm. Ngần ấy thời gian, ngoài việc có thêm chút xao động từ tiếng sáo của chàng thanh niên, Vân Chúc vẫn vậy, ngày ngày lê la khều cây, bứt cỏ trong phạm vi năm dặm quanh rừng, cốt trông đến hạn rời đi. Còn cuộc sống của Thang cũng đều đặn trôi qua từng hôm như một: cơm nước, thuốc thang hầu mẹ đủ ngày ba bữa, từ sáng đến chiều phân ra mà cuốc mướn, đi rừng, xới mầu, rồi tối tối lại ôm bút nghiên, sách vở chìm dần vào mộng. Việc tới miếu thần thổi sáo cũng vô tình góp thêm thông lệ vào chuỗi ngày quẩn quanh ấy của hắn, dẫu rằng hắn chưa từng thật sự thấy bóng dáng của thần nào thị hiện ngoài cơn mơ chấp chới đêm nọ.
Và, dù đã kín đáo nhìn trước ngó sau mỗi khi ghé lại miếu thần nghỉ trưa, thi thoảng Thang vẫn bị dân làng bắt gặp. Thế là lời đồn hắn được bà chúa ngàn nhắm trúng lại càng thổi tợn, họ bắt đầu bàn nhau về việc sửa sang ngôi miếu, cúng cấp đàng hoàng trở lại như tục xưa, và cả làm lễ hiến tế đàn ông cho bà. Ấm Tần là người vui nhất trong chuyện này, gã thuận đà thêm dầu vào lửa, cốt mượn sự mê tín của dân làng mà tách Mây khỏi Thang cho bằng được. Đôi trẻ bên này chỉ biết bất lực giải thích rằng chẳng thần thánh nào bắt bớ chi cả, nhưng cũng không mấy ai tin.
– Anh bảo làng làm quấy, thế anh có gì chứng minh mình đúng không? – Trưởng làng vuốt bộ râu bạc, đứng áng trước đám đông.
Ngó cái Mây đang khép nón, cúi gằm mặt sau lưng cụ già, Thang quả quyết đáp:
– Thưa cụ, thế này ạ. Đợi đến ngày con cưới cái Mây, nếu không xảy ra sự lạ gì cản trở thì tức là thần không có ý bắt. Vả bây giờ con nói lời này, nếu làm phật ý thần thì cũng chẳng được yên.
Mọi người nghe vậy thì quay sang nhìn nhau, xôn xao bàn tán. Thấy hắn nói cũng hợp tình, trưởng làng bèn theo đó mà định sự. Thế là đám đông giải tán ai về việc nấy, kệ xác cậu ấm nhà nào đó đương bốc khói đầy đầu.
Vân Chúc ở rừng hay chuyện, vỗ trán kêu giời:
– Khổ thế chứ lị!
Biết vậy ngay từ cái thuở mới đến đây nàng đã chẳng nghịch dại. Âu cũng do một thời tuổi trẻ nông nổi mà ra! Ngày đó, khi vừa hóa sinh ở cõi thần, nàng mở mắt nhìn khắp sáu đạo của Dục giới, cảm thấy thích thú với nhân gian nhất, thế là vọt thẳng xuống rong chơi, nay chỗ này, mai nơi khác, ngắm nhìn muôn vạn phồn hoa lẫn uế tạp của cõi người. La cà thế nào nàng lại sà tới cánh rừng phía nam làng Chiêm, thấy phong thủy lành tốt bèn nán lại ít lâu dưỡng khí. Để rồi một hôm hứng chí giả ma trêu ghẹo mấy kẻ đi rừng, trêu hơi quá trớn, chúng mụ cả óc rồi lạc mất đường về, thế là nàng lại phải xách mông hóa ra đèn mây để dẫn đường cho chúng.
Cũng nhờ vậy mà Vân Chúc được lĩnh giáo cái gọi là "tam nhân thành hổ" từ miệng thế tục. Nào thần cai quản đất rừng, nào lục lạc trục quỷ xua ma, nào bà chúa ngàn bảo hộ người lương thiện, trừng trị kẻ thất đức... Ôi thôi đủ cả! Nàng phải lấy làm phục cái tài thêu điều dệt chuyện của họ lắm lắm. Ai có biết đâu tiếng lục lạc kia chỉ là nàng vô ý vô tứ để phát ra lúc chuyển động, sau này biết họ nghe được cũng đã hóa phép át đi. Vậy mà họ chỉ vin vào một vài lần nghe nhìn thấy sự lạ liền cho rằng có đấng cứu rỗi tồn tại, và họ kính tín, họ thờ phượng, họ khấn cầu. Từ đấy miếu nhỏ được lập, đồ cúng ê hề, khói hương nghi ngút. Rồi nàng thích thú nếm thử. Ừ, lầm lỡ!
Bấy giờ Vân Chúc mới hay tạo hóa vốn có một quy luật, rằng vị thần nào nhận hương hoả thế nhân buộc phải phụng sự thế nhân, thân thể bị giam lại trong khoảnh năm dặm quanh phạm vi thờ cúng, cả người bị tín lực ghì nặng. Muốn rời đi, phải dứt được hương hỏa năm trăm năm, tức trong từng ấy thời gian không được ăn đồ lễ, không hít khói hương, chỉ nên im lặng vất vưởng như cô hồn ở đấy mà chờ ngày mãn hạn.
Thực ra chuyện cũng không quá phức tạp, nàng chỉ việc "kiêng khem" thế thôi, còn họ tin họ thờ gì mặc họ, có nặng thây đôi chút nhưng cố xong năm trăm năm là khoẻ hẳn. Mà thế thì vừa phải khổ sở ngó lơ bao nhiêu thức quà ngon mắt, vừa phải sống ậm ạch qua ngày. Chậc, vẫn cứ nên khiến chúng bớt tin đi cho nhẹ người!
Nằm phơi nắng giữa suối, Vân Chúc day day thái dương, chú tâm nghĩ cách khắc phục hậu quả. Chưa thôi phiền lòng thì lấp ló sau hàng cây đã thấy bóng ai quen thuộc mò tới, lưng đeo bó củi, hông treo sáo, tay cầm sách lẩm nhẩm đọc. Nàng lườm hắn, hơi bực mình; đương định búng cho một phát bay trở về thì đột nhiên đầu lóe sáng, đắc ý bật thốt:
– Ha! Các người biết biết đặt điều thì bà đây cũng biết dựng chuyện.
Thang giật bắn mình đánh rơi quyển sách. Đứng bên bờ suối, hắn nhìn quanh, không một bóng người.
– Bà chúa vừa nói chuyện ạ?
Lần này tới lượt Vân Chúc hú vía. Nàng sững lại thoáng chốc rồi dè dặt bước đến trước mặt hắn, giơ tay lắc lắc vòng đá. Hắn vểnh tai. Nàng di sang phải. Hắn quay đầu sang phải. Nàng huơ sang trái. Hắn quay đầu sang trái.
Vân Chúc tròn mắt kinh ngạc:
– Ngươi nghe thấy à? – Dứt lời, thình lình hiện ra dưới hình hài trẻ nhỏ.
Gã trai hoảng hồn, té luôn xuống suối.
Vân Chúc nắm áo vớt hắn lên, đoạn đạp nước phi lại bên tảng đá, rồi cứ thế khoanh tay ngồi đợi hắn hoàn hồn.
Lúc sau, khi đôi bên đã bớt sượng sùng và tỏ rõ cớ sự với nhau, Vân Chúc mới được dịp vỡ lẽ. Thì ra, từ đầu đến cuối hắn luôn nghe thấy tiếng lục lạc dù nàng đã cố tình át mất. Ban nãy, Vân Chúc vừa nghĩ ra kế sách đối phó với đám dân làng mông muội, vốn định đợi đến đêm đi báo mộng cho Thang, bảo hắn thay nàng thực hiện. Nào ngờ nhờ một khắc sững sờ, bỗng dưng việc tiện hơn biết mấy. Nàng nhủ bụng mình với tên này hẳn phải có liên hệ đặc biệt gì đó, có ẩn giấu mấy hắn cũng tự mình cảm ứng được, thôi thì thêm một bớt mười, kể cũng lợi. Thế là khỏi cần chi mộng mị, Vân Chúc trở tay biến ra một mớ lông trắng đưa thẳng luôn cho hắn, thấp giọng bảo:
– Mang cái này đi nói với đám người làng quý hóa của ngươi, kẻ từng mấy bận cứu ngươi dạo trước chả phải thần thánh gì sất, thần thăng từ lâu rồi, ấy chỉ là một con chồn trắng thành tinh thôi. Với cả, nó cũng chẳng thèm đàn ông, giúp ngươi chỉ vì tiện tay, vì ngứa mắt, vì rỗi hơi kiếm trò tiêu khiển. Nó tu tiên, cần yên tĩnh, không phải cúng cấp quấy rầy nó làm gì. Ai dám trái lời, nó vật cho chết tươi đừng trách!
Thang nhìn vị thần có hình dáng tựa đứa trẻ mười tuổi, dạ không thôi thắc mắc vì sao lại quá khác so với giấc mơ của hắn, rõ ràng vẫn váy xanh, vòng đá, tóc búi sen, nhưng vị thần hắn biết mang hình hài thiếu nữ kia mà. Song hắn cũng tạm gạt đi ý nghĩ, tỏ ra chú tâm vào lời dạy.
– Dạ, thưa thế hóa ra bà là chồn tinh ạ?
Vân Chúc suýt hộc máu mồm.
– Tinh cái bố khỉ! Ngươi mới tinh ấy!
Hắn ngớ ra, bắt đầu thắc mắc đủ thứ. Vân Chúc bất lực nhìn trời, cảm thấy hình như mình lại thêm một lần lầm lỡ. Nàng vốn không thích nhiều lời, chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà gặp phải cái tên hay hỏi lắm. Song thần nữ cũng niệm tình bầu bạn bấy lâu nay mà kiên nhẫn giải thích ngọn nguồn cho hắn. Nghe xong, Thang gật gật tỏ ý đã hiểu, rồi lại hỏi tiếp:
– Thưa, phỏng họ không tin thì sao?
– Chậc, ta phù phép rồi, ngươi cứ việc đi rao, xong thì đưa đám lông lá ấy cho trưởng làng giữ. Họ khắc tin.
Hắn nghiêng đầu, ra chiều nghĩ ngợi, đoạn hỏi nữa:
– Thưa, con thấy kế này kể cũng đơn giản. Nếu bà đã không muốn dân làng thờ cúng, vậy sao ngay từ đầu không tự mình giả làm chồn tinh lừa họ, thế có phải đỡ nhọc hơn không?
Thần nữ cứng người, đôi mắt đương nhìn hắn từ từ híp lại. Khắc cuối trước khi vung tay tiễn tên hỗn xược lên ngọn cây, nàng đã kịp phát ra định lực giữ mình bình tĩnh. Gương mặt bầu bĩnh nhoẻn cười, một nụ cười nhang khói:
– Dạo này... lại bị táo phỏng?
Hắn vô thức đưa tay sờ bụng, nghĩ tới cảnh thoát nước mà rùng mình, bất chợt cười xoà:
– Dạ không ạ! Thế xin vâng lời bà dạy, con đi ngay đây ạ.
Lời vừa nói hết, gã trai đã đằng xa khoảng nắng.
*
* *
Sau hôm đó mọi chuyện có vẻ êm xuôi trở lại. Vân Chúc thở phào, cũng tặc lưỡi tự hỏi sao mãi bây giờ mới nghĩ tới cách ấy. Và để thêm phần yên tâm, nàng nọc cổ Thang ra bắt hắn nuốt lá trúc.
– Bép xép thì cái này hoá dao.
Hắn bình thản đưa chiếc lá vào miệng, cười khổ:
– Thật ra bà chúa không làm thế thì con cũng im để đấy thôi. Bà biết đó, ngoài Mây và mẹ, quanh năm con nói được với người khác mấy lời đâu.
– Hai người ấy cũng không được nói.
– ...Thưa, vâng.
Vân Chúc hài lòng, chớp đôi mắt tròn xoe, mát tính bảo hắn tấu một điệu dân gian giải khuây. Thang nhìn bé gái váy xanh đương chống cằm đợi nghe sáo, trông kiểu gì cũng không ra dáng chúa ngàn lắm. Cầm cây sáo đưa lên miệng, hắn hơi ngần ngừ, đoạn đánh bạo trình ra điều vướng mắc bao hôm:
– Cơ mà bà chúa, con nhớ hình như trong mơ, con thấy...
– Phòng ngừa dục niệm – Vân Chúc hờ hững đáp luôn, bởi thừa biết ý hỏi.
– Dạ?
– Chẳng phải định thắc mắc về hình hài ta à? Thì ta đáp cho đấy.
Nghe vậy, hắn cúi đầu, kín đáo giấu đi nét cười:
– Thưa, vậy ra đây cũng là lý do bà không cho con thấy mặt trong mơ ạ? Xin bà chúa yên tâm, con nào dám có ý mạo phạm thần linh. Vả con cũng thương cái Mây rồi, đời này thề không tơ tưởng đến ai ngoài nàng.
Vân Chúc liếc mắt nhìn hắn, nhìn tận đến một cảnh tượng vị lai, rồi nàng gật đầu đáp "ừ", theo sau là tiếng thở dài khe khẽ.
Hắn nghe thấy, nhưng phải đến hơn sáu tháng sau mới hiểu được ý nghĩa tiếng thở dài ấy là gì.