Chương 3
Quả nhiên ngày hôm sau ông lão không đi làm nữa, đống chai nhựa nhặt được cũng bị vứt vương vãi xuống sàn. Ông đi ra phía sau nhà, tìm một cây gậy chống ra phủi cho hết bụi, sau đó cũng lôi ra chiếc xe đạp cũ đã bị tróc hết sơn.
Bà lão vịn tường đi ra, tò mò hỏi:
- Khụ, khụ, ông đang làm gì vậy.
- Không có gì, mà bà vào nhà thay đồ đi, tôi chở đi ăn sáng.
- Không cần đâu, tôi ăn lại đồ thừa hôm qua là được rồi, ăn ở ngoài tốn kém lắm. - Bà xua tay, sau đó lại khom lưng đi vào bên trong căn nhà nhỏ của mình, ngồi xuống chiếu rồi phe phẩy cây quạt trong tay.
Nhưng dường như ông lão vẫn chưa bỏ cuộc, ông ngồi xuống cạnh vợ mình rồi kéo bà dậy.
- Đồ ăn thừa thì có gì bổ cơ chứ, đi theo tôi, tôi dắt bà ăn phở.
Bà lão thở dài, đang định từ chối thì lại bắt gặp ánh mắt kiên quyết của ông, thế là phải gật đầu đồng ý.
Ông lão thấy vậy thì lập tức cười toe toét, vui mừng hệt như một đứa trẻ được cho kẹo. Ông mở chiếc tủ tồi tàn bên cạnh, lấy ra hai bộ quần áo được xem là đẹp nhất trong số những bộ đồ cũ rách ấy rồi mặc vào, đồng thời cũng đưa cho vợ mình một bộ.
Cả hai người sau khi thay đồ xong liền lững thững đi ra chiếc xe đạp dựng trước cửa. Nó đã cũ lắm rồi, yên xe bị rách nham nhở, lớp sơn đã tróc hết, một bên thắng cũng đã bị hư.
Ông lão leo lên, bà lão cũng tiến tới ngay sau đó, vịn vào chiếc áo đã ố vàng của chồng mình. Cả hai lướt băng băng trên con phố đông người, bây giờ là sáng sớm nên có một số người đã dậy nấu ăn rồi đem đi bán, cũng có người đang quét sân tỉa cành. Ông lão đi rất chậm, vì sợ vợ mình ở phía sau sẽ khó chịu, con đường này rất xóc, do bê tông chưa được đổ nên đi lại có chút khó khăn, nhưng ông lão vẫn vui vẻ đạp xe, tiếng bánh xe lộc cộc vang lên, như hòa vào dòng người tấp nập lúc sáng sớm.
Chỉ năm phút thôi, cả hai người đã dừng lại trước một quán phở, quán này rất nhỏ, nhưng vô cùng sạch sẽ, người ngồi ăn bên trong cũng khá nhiều. Ông lão dắt tay vợ mình vào, rồi ngồi xuống một chiếc bàn ngay góc quán, kêu to:
- Ông chủ, cho hai tô phở bò không hành.
Bà lão mỉm cười, mùi hương phát ra từ nồi nước lèo khiến bụng bà sôi sùng sục. Đã rất lâu rồi hai vợ chồng họ không đụng đến món ăn này, không phải không có thời gian ăn mà là không có tiền để ăn, từ ngày ông lão vỡ nợ thì cuộc sống của họ đã rơi vào bế tắc rồi, quần áo chẳng có lấy một bộ lành lặn, đến cả bữa ăn thường ngày cũng quanh đi quẩn lại vài củ khoai, ngô, sắn.
Cả hai người ngồi nhìn nhau một lúc thì hai tô phở bò nóng hổi đã được mang lên, ông lão nhẹ nhàng lau đũa rồi đưa cho vợ mình, bắt đầu dùng bữa. Bà lão từ tốn gắp một miếng rồi đưa lên miệng, mùi hương quen thuộc chẳng mấy chốc đã lan ra khắp đầu lưỡi, rồi chảy xuống dạ dày. Mắt bà ngân ngấn lệ, khuôn mặt chi chít nếp nhăn bỗng xuất hiện một nụ cười rạng rỡ. Tâm tình ông lão ngồi đối diện cũng tốt hẳn lên, ông gắp hết thịt bò của mình sang tô của bà rồi nói:
- Răng tôi mấy ngày nay đang nhức nên không nhai thịt bò được, bà ăn đi.
- Vậy ông ăn thêm phở đi này. - Bà lão cũng gắp ngay một đũa phở to qua tô của ông.
Chẳng mấy chốc hai tô phở bò đã hết, cả hai người hài lòng xoa bụng, cười một cách thật mãn nguyện.
- Lâu lắm rồi tôi mới được ăn no như vậy đấy.
- Ừm, tôi cũng vậy, quả nhiên hương vị của phở bò lúc nào cũng ngon như vậy.
Ông lão lấy xấp tiền lẻ trong túi của mình ra rồi cẩn thẩn đếm từng tờ, sau khi xác định đủ năm mươi ngàn đồng thì mới đứng dậy tính tiền rồi ra về.
Ông lão lại tiếp tục chở vợ mình trên chiếc xe đạp cũ, nhưng hai người không về nhà mà lại đi tới một hàng tranh nhỏ.
- Chúng ta tới đây làm gì vậy? - Bà lão bước xuống rồi tò mò hỏi, đôi mắt sụp mí nheo lại, như để nhìn rõ cảnh vật trước mắt mình.
- Vào để lưu lại kỉ niệm. - Ông lão cười cười, trả lời xong liền đỡ bà đi vào bên trong, một người đàn ông trung niên đã ngồi đợi hai người sẵn.
- Hai bác tới rồi đấy à, có thể bắt đầu ngay được chưa?
Ông lão gật gật đầu, kéo bà ngồi xuống chiếc ghế dài đối diện người đàn ông.
- Này mình à, người này là ai vậy? - Trông bà lão có vẻ hoảng sợ, đôi tay gầy gò bấu chật lấy áo của ông, cảnh giác nhìn xung quanh.
- Đừng lo, người này là một họa sĩ hay mua vé số của tôi khi trước.
- Họa sĩ? - Bà lão ngớ người.
- Tôi muốn nhờ cậu ta lưu giữ lại hình ảnh của hai chúng ta bằng một bức tranh nên mới nhờ đến, dù sao hai vợ chồng mình sống cùng nhau cũng hơn nửa đời người mà có lấy một bức tranh hay bức ảnh tử tế nào đâu.
- Bà lão nghe vậy mới yên tâm, cơ thể dần thả lỏng, cả hai người trò chuyện cùng nhau mà không hề hay biết người đàn ông đối diện đã cầm bút lên từ bao giờ.
- Này, bà có từng hối hận khi lấy tôi không, nếu như năm đó tôi không nằng nặc đến đưa bà đi thì giờ này bà đang được sống một cuộc sống ấm no hạnh phúc, vô toan vô lo rồi, cũng không đến mức phải cãi nhau với anh chị em trong nhà để mà mấy năm liền không liên lạc với nhau như vậy.
- Ông có biết bà Liên khi trước sống cạnh nhà mình không? Bà ấy cũng lấy được một người chồng giàu có đấy thôi, nhưng cuộc sống chẳng hề hạnh phúc, ngay khi vừa sinh đứa con thứ hai lại li dị, bây giờ già rồi chỉ có một thân một mình, con cái không bện cạnh, chồng cũng không nốt. Có tiền đúng là sướng thật, nhưng có tiền mà không hạnh phúc thì cũng bằng không.
- Mình à, tôi chưa bao giờ hối hận khi theo ông, quá khứ và tương lai đều vậy. - Bà nói tiếp.
Ông lão mắt rưng rưng, đôi môi mấp máy như muốn nói gì đó, bàn tay nhăn nheo khẽ đặt lên tay bà, vuốt ve, âu yếm.
- Vợ à, cảm ơn bà.
Họ ngồi nói chuyện với nhau khá nhiều, hai bóng dáng già nua, gầy gò chụm vào nhau, mái tóc ai cũng bạc phơ, chẳng còn lấy một cọng đen, nếp nhăn đầy trên người, vài chỗ còn có đốm đồi mồi, hình ảnh này khiến người khác nhìn vào quả thực cảm thấy rất ấm áp.
Người đàn ông lúc này cũng hoàn thành xong tác phẩm của mình, anh ta đứng dậy, đặt xuống chiếc bàn phía đối diện.
Cả hai ông bà lão lúc này cũng ngừng lại, cúi xuống nhìn bức tranh đang đặt trước mặt mình, ánh mắt có chút ngỡ ngàng.
- Đây... đây là... - Bà lão ngạc nhiên cầm lên, đôi tay có chút run rẩy.
Bên trong bức tranh chính là hình ảnh của bà và chồng mình đang ngồi nói chuyện khi nãy được vẽ bằng bút chì, trông rất chân thực.
Bà lão vuốt ve bức tranh, ông lão bên cạnh cũng cười không ngớt, vui vẻ cảm ơn người đàn ông.
- Cảm ơn, cảm ơn cậu nhiều lắm!
Người đàn ông trung niên cười sảng khoái:
- Không có gì đâu ạ.
Ông lão lấy xấp tiền lẻ trong túi ra, cất tiếng hỏi:
- Hết bao nhiêu vậy nhỉ?
Câu nói "dạ một trăm ngàn" chưa kịp nói ra thì ngay lập tức bị nuốt lại, người đàn ông nhìn chằm chằm xấp tiền của ông lão, nhẹ nhàng lên tiếng.
- Hai mươi ngàn ạ.
Ông lão vui vẻ rút ra hai tờ năm ngàn và năm tờ hai ngàn đưa cho cậu, sau đó mới cùng vợ đi về.
Trên đường đi, hai người trò chuyện rất vui vẻ.