Chương 3:
Oánh Ngọc gào lên, bất lực vô cùng. Ấy mà lúc này, mẹ cô lại cất giọng điềm nhiên:
"Con có biết kết quả của giằng co là gì không? Là tất cả đều tan nát hết. Mẹ đã nói rồi, khi nào con biết chuyên tâm học hành thì mẹ sẽ trả cho con. Cả ngày cắm đầu vào những thứ vô bổ rồi hư cả người ra. Năm nay con đã lớp mười hai rồi đó, nghe rõ chưa."
"Mẹ thì biết cái gì mà nói chúng vô bổ chứ!" Oánh Ngọc khóc oà lên, cô như muốn phát điên trước thái độ của mẹ. Nhưng mẹ cô giờ đây lại chẳng để tâm đến cô nữa, bà xem cô như một đứa trẻ với tính trẻ con đang bộc phát và ăn vạ, bà mặc kệ. Sau khi xé hết những tờ poster trên tường xuống, mẹ tiến đến tủ sách của Oánh Ngọc, cô thấy vậy thì vội vàng tiến đến đứng chắn trước tủ sách. Nhưng giằng co một hồi, cô vẫn không cản được mẹ. Bà lấy hết sách trong tủ của cô ra ngoài, rồi ôm đi.
"Mẹ, trả chúng lại cho con!"
Oánh Ngọc đuổi theo mẹ, nhưng bà lại phớt lờ cô, rồi vào phòng và đóng sầm cửa lại.
"Mẹ!" Oánh Ngọc đập vào cửa, những tiếng động rầm rầm như làm rung chuyển cả căn nhà. Cô cảm thấy có một ngọn lửa đang nhen nhóm trong lòng mình, và đan xen trong những cảm xúc tức giận là sự bất mãn, bất lực. Ấy nhưng rồi những cảm xúc ấy cũng chỉ là một tên gọi khác của tức giận mà thôi. Thứ Oánh Ngọc muốn giờ đây là sự hồi âm, nhưng mẹ lại không cho cô điều đó. Cô đập cửa không được thì liền tức tối dùng chân đá mạnh vào cửa, cô muốn đập phá mọi thứ để chứng minh sự giận dữ và bất mãn trong lòng mình, để cho mẹ thấy cô không hề sợ những việc mẹ làm mà chỉ thêm căm ghét. Nhưng dùng chân đá vào cửa rồi, Oánh Ngọc lại đau đến độ ngồi sụp xuống mà ôm đầu khóc.
...
Tối hôm đó, cô không ăn cơm.
Oánh Ngọc đóng chặt cửa phòng và ở trong đó. Cô không muốn nhìn mặt mẹ và cũng không định nhìn mặt mẹ. Cô muốn cho mẹ thấy cô không hề chịu thua trước mẹ, việc mẹ làm sẽ dẫn đến việc cô càng ngang bướng hơn chứ không phải là hối hận.
Sáu giờ tối, Oánh Ngọc ngồi trên giường, từ bên ngoài vang lên tiếng gõ cửa.
"Oánh Ngọc, ra ăn cơm."
Mà người đó dĩ nhiên là mẹ.
"Oánh Ngọc, con có nghe mẹ nói gì không?"
"Oánh Ngọc! Đáp lời mẹ nhanh lên!"
Giọng của mẹ càng ngày càng to và càng giận dữ. Đến cuối cùng, cô cũng phải lên tiếng:
"Không ăn!"
Cô đáp cộc lốc.
"Được rồi, không ăn thì nhịn đi."
Mẹ nói, rồi phía ngoài trở nên im bặt, có lẽ mẹ đã đi rồi. Oánh Ngọc nằm xuống giường, thật may là mẹ không ở ngoài đó rồi kỳ kèo, đi đi cũng được, đỡ ồn ào.
...
Sáng hôm sau, Oánh Ngọc thức dậy như thường lệ. Ngồi trên giường, cô nhìn chiếc tủ sách và bốn bức tường trống không, bất giác cảm thấy trống rỗng. Tại sao ngưới lớn lại có quyền tước đi những sở thích của con trẻ cơ chứ? Họ làm sao hiểu được đam mê là gì, nhiệt huyết là gì, muốn cùng sống cùng chết với một thứ là như thế nào. Người lớn, nhàm chán và bảo thủ. Oánh Ngọc vùng vẫy trên giường, đến độ ga giường và chăn bị cô nhàu lại thành một cục quấn lại với nhau, còn đầu tóc cô thì bù xù. Đúng vậy, cuộc đời cô giờ đây đang rối tung lên như mớ tóc rối của cô đây này. Tuổi mười bảy, chẳng nhẽ lại mở ra rồi khép lại bằng những thứ tệ hại như thế này sao?
Không được! Oánh Ngọc ngồi vùng dậy, cô phải đảo chính, cô không thể sống dưới ách kìm kẹp của mẹ như thế này, cô phải đòi tự do và "dân chủ", công bằng và hạnh phúc. Cô phải giải cứu hết số sách và poster đang ở chỗ mẹ. Nhưng làm cách nào đây chứ, ôi là trời ơi.
Cô cũng có phải là con nít nữa đâu, cô cũng là người lớn rồi mà, cho đến khi nào thì mẹ mới công nhận rằng cô đã không còn nhỏ nữa chứ.
Vật lộn mãi trên giường mà ba mươi phút đã trôi qua, Oánh Ngọc với hai nhân cách của mình như đang giằng co và độc thoại. Nhưng cô không thể tiếp tục nằm lười ở đây nữa, nếu cô còn tiếp tục vật vã trong mớ suy nghĩ rối như bòng bong của mình, cô sẽ muộn học mất.
Nghĩ vậy, Oánh Ngọc liền nặng nề nâng cái thân xác của mình lên khỏi giường rồi đi vào nhà vệ sinh.
Đã thế hôm nay lại có hẳn hai tiết toán, một tiết lý và một tiết hoá, đúng là địa ngục mà, sao lại dở tệ đến thế chứ!
...
Người ta nói lớp mười hai là năm trôi qua nhanh nhất trong cả đời học sinh. Nháy mắt một cái, dù bạn vẫn là bạn, vẫn ngồi ở vị trí ấy trong lớp nhưng thời gian thì đã là vài tháng trôi qua. Nhưng với Oánh Ngọc thì cô chỉ mong cái thời gian này có thể trôi nhanh đi, cô muốn thoát khỏi những năm tháng cấp ba, muốn thoát khỏi toán lý hoá, những môn mà cô cho rằng chẳng liên quan gì đến mình và cuộc sống sau này nhưng vẫn phải học. Nếu phải học sao nó không dễ một tý đi, đằng này học những môn ấy với cô thật chẳng khác gì đang ném đá vào đầu, khiến cô mỗi khi đến tiết thì không buồn ngủ cũng muốn làm việc riêng.
"A a a, tại sao chúng ta phải học nguyên hàm, tại sao chúng ta phải học tích phân." Oánh Ngọc nằm ngửa ra chiếc bàn phía sau, than trời một tiếng rồi như "oán phụ khóc chồng", nhăn nhó như khỉ ăn ớt.
"Vì trong chương trình học có nó và mày là học sinh lớp mười hai."
Nguyệt Ly- bạn thân của Oánh Ngọc và cũng là học sinh giỏi toán nhất lớp lên tiếng, đôi mắt sau đôi kính dày cộm vẫn dán vào bài toán trên vở, đôi mày nhíu lại, một tay cầm bút, một tay bấm máy tính.
"Ôi trời ơi tại sao tao lại ngu thế này, tích phân từng phần, tích phân lượng giác, tích phân vô tỉ, làm ơn hãy buông tha cho tao đi!" Oánh Ngọc bơ phờ nhìn bài toán trên vở đã bị cô mang nó đâm vào ngõ cụt, không biết làm sao nữa. Thôi rồi, nếu toán cũng như con người, khi vào ngõ cụt thì có thể quyên sinh thì tốt biết mấy, nhưng không, ta phải bắt đầu lại từ đầu, với một bài toán thì chỉ có khởi đầu và kết thúc bằng một đáp án chứ chẳng có con đường nào khác.
Mệt mỏi quá!
"Ước gì khi đi học về tao sẽ nhặt được một cây đèn và Thần Đèn sẽ xuất hiện, tao sẽ ước có thể đẩy nhanh thời gian, nháy mắt một cái thì bây giờ đã là tháng bảy rồi."
Nguyệt Ly đưa mắt lườm Oánh Ngọc một cái.
"Với một đứa thi năng khiếu như mày thì chỉ muốn nhanh, còn với những người như bọn tao thì bao nhiêu thời gian để ôn thi cũng không đủ. Còn bao nhiêu thứ còn chưa học."
Oánh Ngọc thở dài một tiếng, một giọt nước mưa khi rơi vào biển lớn thì người ta cũng sẽ gọi nó là nước biển chứ không phải là nước mưa nữa. Đúng vậy, phải chăng chỉ có mỗi một mình cô khác biệt thì chẳng thể tạo ra sự khác biệt lớn? Cô sẽ mãi phải tuân theo quy luật đám đông như vậy sao?
Đúng lúc Oánh Ngọc đang chán chường nhất thì cô chủ nhiệm đột nhiên bước vào lớp, tiếng ồn ào cũng ngay lập tức bị ngắt đi và mọi người cũng vội vàng trở về chỗ. Nguyệt Ly đưa tay đẩy Oánh Ngọc, ép cô ngồi thẳng trên ghế của mình dù giờ đây cô cũng hệt như một con lươn, vặn qua vặn lại trên ghế.
"Cả lớp, hôm nay là một ngày hết sức quan trọng."