bởi Linh Yunki

96
14
2984 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 3: Ngược chiều kim đồng hồ.


Chương 3: Ngược chiều kim đồng hồ.

*

Nếu có thể, tôi ước gì chúng ta vẫn mãi là những đứa trẻ.

Đáp: Là những đứa trẻ dính bùn đất vẫn ngồi cạnh nhau cười như điên dại, dám ước mơ những điều phi thực tế. Thích hay ghét sẽ không mập mờ tính toán. 

*

Ngày mẹ sinh ra Diệp, khi ấy là giữa tháng Năm, hoa phượng đang chớm nở còn có tiếng ve sầu rả rích suốt đêm hè.

Mẹ hay nói con gái đầu lòng sinh vào tháng Năm, tháng của chia ly học trò, lớn lên tính tình sẽ nắng mưa thất thường, khó chiều lại hay cãi bướng nhưng được cái đứa nào đứa nấy cũng đáng yêu, mạnh mẽ, sống tình cảm, biết thương người lại hiểu chuyện.

Lúc mang bầu, mẹ Diệp được hai nhà nội ngoại chăm lắm, hầm nào là bồ câu, rồi gà, bố Diệp thì rảnh là đi mua trứng ngỗng về luộc cho vợ ăn, Diệp sinh ra đã mũm mĩm hơn bốn cân cơ mà.

Tục ngữ có câu "Ăn no ngủ kĩ, chổng tĩ lên trời", bé Diệp lúc nhỏ xíu ngoan cực kỳ, cứ ăn xong lại ngủ không quấy phá mọi người, cho tới một hôm mẹ nghe tin nhà anh hàng xóm vừa đón một cu cậu về mọi chuyện mới phát sinh.

Nghe chồng kể, thì ra mẹ thằng bé là người nổi tiếng, giữ hình tượng nên chẳng cho con bú sữa gì cả, vợ chồng nhà ấy to tiếng rồi kết quả chị kia viết đơn ly dị nói muốn phát triển sự nghiệp bên nước ngoài nên giờ bỏ lại hai bố con tự sinh tự diệt.

Lúc ấy mẹ Diệp hết tháng ở cữ rồi nghe chuyện mà bất bình cực ấy, một hôm buồn đời ngồi trước cổng nhà, nhìn thấy anh hàng xóm tay xách nách ôm nào là bỉm, là sữa ngoại sữa nội, mẹ thương lắm cái cảnh gà trống nuôi con kia.

Tối đấy mẹ về thủ thỉ với bố Diệp, bảo là thương thằng bé nhà đối diện, chưa được vài tháng tuổi đã xa mẹ, trẻ con mà uống sữa ngoại suốt thì sức đề kháng cơ thể yếu, lớn lên bệnh tật lại tốn một đống tiền, rõ khổ.

Bố Diệp làm công nhân viên chức nhỏ, tính tình lại hay thương người, nghĩ cũng tội anh nhà đối diện kia lắm.

Hôm sau, bố vui vẻ sang nhà anh hàng xóm uống vài cốc nước, nói chuyện qua lại êm xuôi. Từ đó mà mỗi lần bé Diệp đói bụng là hay bị mẹ vứt một góc, mẹ thích có con trai cơ... thương cu cậu nhà đối diện hơn Diệp mấy tháng tuổi mà bé tí tẹo teo nên toàn cho cậu ăn trước làm Diệp ghen tỵ khóc hoài.

Một hôm bác gái nhà bên sang thăm cháu trai, thấy mẹ Diệp thương cháu mình lắm, nên mua ít quà sang chơi.

"Chị đặt tên cháu là gì?"

"Nào tôi có được đặt đâu, ông nội con bé đặt cho ấy, bảo con gái tên Diệp, nghe nó nhanh nhẹn mạnh mẽ. Nên đặt cháu tên Vũ Ngọc Diệp cô ạ."

"Ông nội đặt tên cho cháu gái hay thế, cháu Nguyên nhà em, mới đầu ông bà nội bảo đặt cái tên Tý cho cháu, nghe quê mùa lắm cơ. Nào là bồi dưỡng bao nhiêu mà lúc đẻ nặng có hai cân rưỡi, bé nhất cái bệnh viện nhi, còn sinh vào năm chuột, đặt tên cháu là Tý cho nó ý nghĩa."

"Ôi giời thế á, sao cuối cùng cháu nó lại tên Nguyên hả cô?"

"Cậu Quân nhà em bảo mợ Lan thích cái tên Nguyên, vẫn còn thương vợ, đặt tên Nguyên chị ạ. Cậu còn bảo các cụ chỉ có thích mấy cái quê quê cổ cổ thôi."

Hai bà mải tán phét không để ý, có thằng nhóc con hơn bốn tháng tuổi khoẻ nghịch đạp đạp chân lên mặt bạn nhỏ mới được một tháng tuổi kia. Ác ôn nông thôn từ lúc bé, hại Diệp khi ấy bị sẹo ở má phải do cái lắc bạc ở chân cậu cứa vào. Lớn lên vết sẹo năm nào biến thành cái má lúm đồng tiền xinh xinh, mẹ còn trêu là nhờ Nguyên mà Diệp có má lúm đồng tiền.

Mỗi lần mẹ trêu như vậy, Diệp lại đỏ mặt giận dữ: "Chứ không phải nhờ cậu ta mà con suýt nữa bị huỷ hoại dung nhan à, nguy hiểm thêm chút nữa là gặp các cụ ở dưới kia luôn."

*

Lúc Vũ Ngọc Diệp được ba tuổi, khi ấy biết giới thiệu bản thân trước mọi người rồi, giọng nói của Diệp cũng không còn ngọng nữa, nghe trong trẻo lại hơi cao ai nghe giọng bé Diệp cũng đều yêu lắm cơ. Mỗi lần Diệp thi văn nghệ ở trường mẫu giáo, các cô đều phát cho rất nhiều kẹo, Diệp vui vẻ phải biết.

Năm ấy mẹ mới mang bầu em bé nên ít chăm Diệp như lúc trước, thỉnh thoảng cô nhóc vẫn ngồi chơi một mình ở phòng, trong xóm bằng tuổi Diệp chẳng có ai ngoài cậu bạn hàng xóm cả ngày ở lì trong nhà, Diệp chán lắm. Bây giờ chơi đồ chơi với ai cơ chứ.

"Mẹ ơi mẹ, sao con không thấy mẹ của bạn kia ở nhà."

Mẹ Diệp đang mải nấu ăn, nghe con gái diệu thắc mắc, lấy cho cô nương ấy một cốc sữa với ít bánh kẹo để lên bàn. Xoa đầu Diệp một cái, mẹ chậm rãi giải thích.

"Mẹ nghe bố kể, mẹ bạn ấy đi làm xa rồi, không về nữa. Mà bình thường con có muốn chơi với bạn đâu, động tý gặp mặt là cấu véo đánh bạn, hôm nay tâm sự nhẹ nhàng thế, thích bạn rồi à Diệp."

"Ai mà thèm thích cậu ta. Ngay cả tên của cậu ta con còn chẳng buồn nhớ." – Động đến vảy ngược, con bé bướng bỉnh hất mặt lên, học ai cái thói kiêu ngạo thế không biết. 

"Gớm cô, bà cụ non lắm cơ, thôi ăn bánh rồi uống sữa đi Diệp. Mẹ bảo Diệp nhé, sau này phải thương bạn, bạn ở nhà một mình buồn bỏ xừ ra, sang chơi với con mà con cứ ghét bạn thì tội bạn lắm. Mẹ bạn đã không thương bạn rồi, Diệp lớn, phải quý mến bạn nghe chưa."

"Con biết rồi." – Không được mẹ thương thì buồn lắm nhỉ, Diệp thấy mẹ mình nói hơi đúng, nhẹ nhàng gật đầu hơi mủi lòng. 

Buổi sáng ngày Chủ Nhật nọ, Diệp cầm mấy cái bánh chocopie đứng thập thụt ở cổng. Cái ngõ xóm rộng có ba mét, Diệp đi phải mất bảy bước chân mới sang tới nhà bạn, thế thôi mà đã mệt rồi, lười quá thể.

"Này, này..."

Nghe tiếng Diệp gọi, Nguyên từ trong nhà đi ra, mở cổng sắt, ngơ ngác nhìn cô bạn hàng xóm.

"Cho cậu một cái chocopie. Từ giờ chơi với mình nhá."

"Ưmmm."

Nguyên cười rạng rỡ, đưa hai tay nhận lấy chiếc bánh của cô bạn, hai đứa ngồi trước cổng nhà, vui vẻ ăn bánh cùng nhau, còn có màn giới thiệu tên kinh điển giống trong phim nữa cơ.

"Này này, cậu tên là gì thế?"

"Mình tên là Hoàng Trọng Nguyên."

"Còn mình là Vũ Ngọc Diệp."

"Vậy sau này lớn lên cậu tên là gì?"

Có con bé khi ấy đưa tay bụm miệng cười, sau cùng vui vẻ ăn thêm một miếng bánh chocopie mới trả lời.

"Cậu ngốc thế, sau này lớn lên mình vẫn tên là Vũ Ngọc Diệp."

Trời trong xanh, tiếng ve sầu ngân vang, răng con bé đen sì vì màu sắc của bánh ngọt, Diệp khi ấy đã bắt đầu chơi thân với Nguyên.

Năm Vũ Ngọc Diệp lên lớp một, cô giáo nhận xét cô nhóc là bé gái hiếu động nhất lớp.

Ngọc Diệp cũng rất có năng khiếu với mấy môn thể thao, đặc biệt là bóng đá, thành tích môn thể dục tuy xuất sắc nhưng mấy môn Tiếng Việt và Toán học thì tồi tệ quá mức, cô phê bình trong sổ liên lạc đề nghị gia đình về nhà kèm cặp cháu nhiều hơn.

Lên lớp hai, Diệp được chọn vào đội tuyển nhí của trường, tham gia các giải bóng đá nhỏ, mang về không biết bao nhiêu huy chương thành tích cho trường tiểu học Thi Sơn. Bố mẹ tự hào về cô phải biết, nhà cửa bắt đầu treo bằng khen và huy chương mà Diệp được nhận, mỗi lần đi chơi xa là bố lại khoe thành tích thể thao của cô con gái với mọi người, nhưng môn Tiếng Việt và môn Toán của cô nương ấy vẫn không có tín hiệu khả thi cho lắm.

Khác với Diệp, cậu bé hàng xóm ghét nhất là mấy môn thể dục thể thao.

Hoàng Trọng Nguyên lúc lên ba tuổi đã học thuộc bảng chữ cái, lên bốn thì giao tiếp tiếng anh thành thạo như người bản địa, lên năm tuổi đã biết làm toán của học sinh lớp bốn.

Chỉ tiếc là mẹ của Nguyên bỏ cậu đi sớm quá, nếu không chắc chắn sẽ thấy cậu con trai từng bước từng bước trở thành thiên tài, từng bước toả sáng hào quang giữa thế giới tăm tối này.

Từ nhỏ đã thích sách vở, môn Toán và Tiếng Việt vẫn giữ phong độ luôn đứng đầu lớp, là một cậu bé ngoan ngoãn biết điều lại có chút tư duy trưởng thành hơn bạn cùng lứa. Cô giáo quý Nguyên lắm, còn phong làm lớp trưởng, đào tạo cho cậu nhiều kiến thức để có nền tảng vững chắc đi thi cấp quốc gia nữa cơ.

Một ngày đẹp trời, cô chủ nhiệm phát hiện Nguyên và Diệp nhà nằm đối diện nhau, một đứa thì quậy phá còn một đứa thì ngoan hiền, một đứa học giỏi nhưng sao đứa kia ngồi cùng bàn lại học kém thế nhỉ?

"Trọng Nguyên, nhà em ở cạnh bạn Diệp đúng không, vậy sau này học bài thường xuyên rủ Diệp học cùng, mỗi tuần cô sẽ phát kẹo cho em, đồng ý không nào?"

"Nhà em cũng có kẹo, không cần ăn thêm kẹo của cô giáo."

Thằng bé đẹp trai lúc ấy đang mải mê làm bài tập, nếu ngước mặt lên chắc là nhìn thấy đôi mắt diều hâu của cô giáo đang chiếu trên người cậu rồi.

"Vậy Nguyên thấy bạn Diệp học kém như thế, ngồi cạnh bạn có xấu hổ thay bạn không?

Cậu bé không trần trừ, lắc đầu: "Diệp bảo ngồi cạnh một đứa không biết đá bóng như em mới xấu hổ thay em."

Cô giáo nghĩ ngợi, gần mực thì đen gần đèn thì rạng, cô lắc đầu, kiểu này hỏng rồi.

Bỗng cô muốn chuyển chỗ cho hai cô cậu học trò này quá, cậu bé Nguyên đáng yêu học giỏi sắp bị cô nhóc Ngọc Diệp dạy hư.

Thế nhưng cô giáo không hay biết cậu bé Nguyên rất nghe lời, ngay buổi chiều tan học về đã mang sách vở sang gọi Ngọc Diệp học bài. Vì thế mà tình hình học tập trên lớp của Diệp tiến bộ, cô giáo có thể tạm chấp nhận việc cho Diệp được lên lớp.

Hai đứa nhỏ này càng lớn tính tình càng khắc nhau. Đã thế ngay cả cái bảng đo chiều cao cũng khắc nhau.

Mùa xuân năm 2007, khi ấy hai bạn nhỏ vừa học sang học kỳ hai của lớp năm.

Ngọc Diệp lúc đó đã cao một mét năm mươi tám trong khi cậu hàng xóm thì còn đang ở giai đoạn chưa kịp phát triển, lững thững với chiều cao một mét ba mươi hai như nhiều bạn cùng lứa, lớp trưởng bé con toàn phải ngước mặt lên nhìn Diệp mỗi lần con bé đứng cạnh cậu.

Nhưng không sao, người ta bảo IQ (chỉ số thông minh) kém thì tứ chi phát triển, Vũ Ngọc Diệp đoạt giải bóng đá thiếu niên, cô nhận được nhiều huy chương trong thể thao thì Hoàng Trọng Nguyên cậu cũng có chục cái giải nhất toán quốc gia, chữ đẹp quốc gia rồi nhé.

Gần kết thúc học kỳ hai, vào một lần tham gia thi đấu giao lưu giữa các trường tiểu học, trong lúc trận đấu đang nghiêng phần thắng về trường tiểu học Thi Sơn, Vũ Ngọc Diệp liên tục bị mấy bạn nữ trường đối thủ dồn sát.

Diệp là chân sút chính của đội, thế trận hỗn loạn, trong lúc mải thoát vòng vây mà trượt chân ngã đập lưng xuống vệ ngăn cách có đổ chốt bê tông thép, kết quả cô bị thương nặng, mất rất nhiều máu.

Sau lần đó bác sĩ nói rằng cô sẽ không thể hoạt động mạnh hay đá bóng được nữa, chiều cao cũng khó có thể phát triển thêm... năm ấy cho tới tận sau này, Vũ Ngọc Diệp vẫn chỉ cao một mét năm mươi tám. Mơ ước một lần ở tuổi mười sáu đứng trước khán đài đông người, nhận huy chương vàng giải bóng đá quốc gia dành cho thanh niên trong lòng cô gái nhỏ hình như vụt tắt rồi...

Mùa xuân năm 2008, Hoàng Trọng Nguyên khi ấy cao một mét bốn mươi sáu, ôm trái bóng qua nhà bạn hàng xóm xin kinh nghiệm sân cỏ, chẳng qua là cậu bạn vừa được chọn vào đội bóng của trường.

"Rau Diếp, chơi bóng không?"

"Mình không biết chơi bóng." – Diệp cúi đầu nhìn trang sách chi chít chữ, tay hơi run lên. 

"Vậy thì nhìn mình chơi bóng."

Nguyên từ bé vẫn thường xuyên qua nhà Diệp ăn cơm, lúc trước trong nhà hay treo huy chương, cả bằng khen mà Vũ Ngọc Diệp được nhận mỗi lần thi đấu thể thao ở trường. Từ lúc biết mình không còn chơi thể thao được nữa, Diệp cất sạch mấy thứ bằng khen lẫn huy chương vào một cái thùng gỗ trên gác xép.

Tính tình cô cũng dần dần thay đổi, không còn giống cô bé ngang ngược hiếu động ngày nào, cảm giác như Diệp trầm lặng đi, hiểu chuyện và chú tâm vào bài vở hơn xưa. Có lúc Nguyên bắt gặp cô ngồi xem lại mấy bức ảnh chụp chung với đội tuyển nhí của trường cấp một, còn lặng lẽ bật khóc một mình.

Trước giờ chưa từng coi Vũ Ngọc Diệp là con gái, cứ nghĩ cô là thằng con trai đang sống với giới tính thực của mình, sau này mới hiểu cô gái năm ấy tinh nghịch hồn nhiên đã chẳng còn như trước.

Đi qua sân cỏ ngày nào bản thân vẫn vẫy vùng cùng trái bóng nhưng hiện tại chỉ biết bất lực ngắm nhìn từ xa, cảm giác ấy với cô bé mười hai tuổi chẳng dễ dàng gì.

Một chiều tan học, Diệp đứng lặng trên hàng ghế cổ vũ, nhìn đàn anh lớp trên đang tranh bóng, đôi mắt đen láy hơi run run.

"Này Rau Diếp, không sao chứ?"

Cậu bạn hàng xóm trên tay đang cầm cây kẹo mút vị dâu, thương bạn thanh mai, lặng lẽ đưa cây kẹo ra trước mặt bạn.

"Cho cậu đấy, nghĩ gì mà đần người ra thế?"

"Có những chuyện qua rồi, thì cứ để nó qua đi có phải không?"

"Gì cơ?" – Dở hơi nói gì triết lý như bà cụ non, Nguyên gãi đầu khó hiểu. 

"Cậu làm sao hiểu được."

Ừ, thì làm sao mà cậu hiểu được.

Một cô bé chưa tới mười hai tuổi, suy nghĩ tư duy đã già dặn hơn bạn cùng lứa, cảm thấy có chút đau lòng.

Ở tuổi đó đáng lẽ ra phải vui vẻ, ngây thơ và hồn nhiên như những búp măng non, nhưng Ngọc Diệp lại có thể thở dài ra mấy câu kỳ lạ.

Bước song song trên đường làng cùng cô bạn thân về nhà, Nguyên quay sang nắm nhẹ lấy tay bạn mà an ủi, cậu còn rất hiểu chuyện chuyển chủ đề nữa cơ.

"Sau này cậu muốn làm gì hả Diệp?"

"... ừm."

Diệp bặm môi, nghĩ ngợi một chút. Từ trước tới giờ cô chỉ chăm chăm quan tâm tới lĩnh vực bóng đá thể thao, tự nhiên Nguyên hỏi khiến cô thấy khó trả lời, thì ra ngoài bóng đá cũng có rất nhiều sự lựa chọn khác phù hợp, chẳng qua là Diệp không màng quan tâm tới nó thôi.

"Thế cậu muốn làm gì?"

"Kiến trúc sư giống như bố Quân của mình. Được đi nhiều nơi, thiết kế ra nhiều mẫu nội thất thật đẹp trong tương lai." – Ánh mắt Nguyên sáng lấp lánh, giống như những vì sao rủ nhau chạy trốn dưới hàng mi của cậu.

Diệp bặm môi: "Vậy mình sẽ trở thành bác sĩ. Sau này có thể cứu được người, cũng chữa được bệnh cho ông ngoại nữa... dạo gần đây ông của mình bị cảm, cứ nằm hoài trên giường chẳng đi lại được."

"Ô Diệp, nhìn kìa, có người thả diều giấy trên trời."

"Woa, bay cao thật ấy."

Lúc đó còn là những đứa trẻ, ấp ủ trong người bao nhiêu ước mơ lấp lánh.

Giống như cánh diều gặp gió lớn, cứ như vậy bay thật cao, thật xa. Mang theo tiếng cười và hi vọng của rất nhiều đứa trẻ.

By: Linh Yunki's Story.