Chương 4: Gió mưa mang ấm áp
Chương 4: Gió mưa mang ấm áp.
*
Không cần rực rỡ như nam thần, chỉ cần là Hoàng Trọng Nguyên. Tất cả về cậu tôi đều yêu.
Đáp: Bỏ mợ rồi, tôi cũng yêu cậu ấyyyy!!!!
*
Tháng Mười năm 2008, lúc ấy Vũ Ngọc Diệp đi lạc đường, trời sẩm tối, đứng trên vỉa hè khóc nấc lên như một con ngốc.
Cậu bước đến trước mặt, mồ hôi thấm ướt áo sơ mi đồng phục, bộ dạng còn có phần mệt mỏi, không nói không rằng kéo tay Diệp đi một mạch trên đường.
"Tại sao cậu tìm thấy mình?"
"Tập thể dục quanh đây, vô tình thấy." – Giọng cậu bạn bị gió hòa tan, rơi trong bốn bề không gian tĩnh mịch lại cho người khác cảm giác an toàn.
"Ừ, sau này... sau này mình sẽ cố gắng nhớ tên đường."
Giọng cô khi ấy bị nghẹn trong tiếng nấc thật khó nghe, muốn chứng tỏ cho cậu thấy không có cậu Vũ Ngọc Diệp vẫn mạnh mẽ nhường nào.
"Rau Diếp, không cần phải cố gắng nhớ tên đường làm gì, mình nhớ hộ cậu là được rồi."
Ấy vậy mà nhiều năm sau khi bị cậu bỏ lại, cô gái năm nào đã phải cố gắng nhớ tên từng con đường, nhớ tên từng địa điểm xa lạ.
Rất nhiều lần lạc đường, thi thoảng vẫn nhớ tới lời hứa vu vơ của cậu năm ấy.
Cậu thất hứa với cô rồi đúng không?
*
Mùa hè năm 2009, lúc ấy Diệp và Nguyên cũng sắp lên lớp tám. Mẹ Diệp thấy cô con gái nhỏ tính tình không được tốt lắm, lúc nào ăn cơm cũng càu nhàu bắt nạt em trai và bạn hàng xóm. Mẹ quyết định không có cho cô con gái đi học thêm hè gì hết, nhất quyết mang Diệp lên chỗ nhà chùa ở trên núi cách nhà tận năm mươi cây số, hết ba tháng hè Diệp mới được xuống núi trở về bên gia đình.
Lý do là gì ư?
Tiên học lễ, hậu học văn.
Mẹ cho rằng Diệp là con gái mà không thông thạo lễ nghi gì hết, lúc nào cũng lỗ mãng như con trai ấy, nếu không diệt sạch cái tính nết tay nhanh hơn não thì sau này ra ngoài xã hội sẽ gặp nhiều lắm phiền phức.
Hôm mang túi hành lý của con gái ra xe, Diệp mè nheo, Diệp bám chặt tay bố mà bố còn gạt tay cô ra, Diệp ôm khư khư lấy cậu em trai kém mình ba tuổi thì mẹ véo tai Diệp rồi bắt cô lên xe.
Hết cách rồi, sau ba tháng hè ăn cơm chùa, Diệp nhỏ bé sẽ trở thành ni cô mất thôi, nghĩ đến cơn ác mộng này là hai mắt Diệp lại đỏ hoe, rưng rưng như sắp khóc.
"Bố mẹ đừng bỏ Diệp mà, đừng bán con lên chùa mà!"
"Không lải nhải nữa, lên xe đi con gái. Hết hè thì xuống núi. Về nhà bố mẹ nhất định mổ gà, thịt trâu cho con ăn." – Mẹ vừa buồn cười vừa thương, nhưng cứ nói giọng như ghét bỏ.
Ứ chịu đâu, Diệp nức nở.
Cuối cùng trời cũng thương Diệp ban cho cô gái một bạn đồng hành tốt.
Bạn đồng hành trời ban chạy đến chỗ cô, thở hổn hiển: "Rau Diếp, đợi một chút."
Hoàng Trọng Nguyên vác một cái ba lô đen rõ to, chạy uỳnh uỵch như tên lửa hạt nhân, chẳng mấy chốc mà cậu cũng lên được xe.
Hè này Nguyên không đi học thêm, bố cậu có chuyến công tác xa ở Nhật tận cuối tháng Chín mới về mà cậu ở nhà một mình thì buồn chết. Vì thế cậu xin phép bố cho đi theo Diệp lên chùa ở ba tháng. Đúng là thời thế loạn lạc hết rồi.
Ngồi trên xe, Nguyên cười phì nhìn sang cô bạn hàng xóm đang ngủ lăn trên vai mình, may mà có cậu đi cùng nếu không thì Diệp bị bắt cóc cũng chẳng biết đường mò về nhà đâu.
Chùa Trúc Sơn nằm giữa rừng trúc, phải đi bộ qua cánh đồng dưới chân núi, sau đó leo thêm ba trăm bậc thang, đi thêm hơn trăm mét mới thấy bóng dáng lấp ló của ngôi chùa.
Với địa hình nằm trên núi, xung quanh chùa đa phần chỉ trồng riêng cây trúc, có lẽ vậy mà người ta gọi là chùa Trúc Sơn.
"Mẹ của mình bị bệnh thật rồi, tại sao lại bắt con gái diệu lên rừng lên núi sống như thế này chứ. Cậu nói xem quanh đây chỉ toàn là cây với cối thôi, hàng quán không có, chợ cũng không. Chán chết đi được ấy."
"Được rồi bà cô, nếu không phải tính tình cậu tồi tệ quá thì mẹ cậu tống khứ cậu lên đây làm gì. Ăn cơm cũng tranh đồ với thằng Huy, còn bắt nạt thanh niên yếu đuối như mình. Đáng đời cậu lắm."
Diệp trợn mắt, phồng má. Từ khi lên cấp hai cô đã thay đổi bản thân, trở thành một thiếu nữ dịu dàng đoan trang, đến trường cũng không đánh nhau với bạn bè nữa mà.
Trời đất, cuối cùng thì sao chứ, trong mắt mẹ thì cô vẫn là một đứa nghịch ngợm lỗ mãng như hồi cấp một?
"Cậu với mẹ của mình... hai người tẩy trắng nhanh thế hả. Người phải lên đây sống ba tháng hè là cậu đấy Nguyên ngơ ạ. Từ lúc vào đội bóng là bắt đầu chơi thân với mấy anh đầu gấu lớp trên, hừm... mình mà mách bác Quân cái vụ cậu đi theo đàn anh xem đánh nhau ở trường thì cậu có ngày bị bác ấy đánh què chân."
"Cậu mách ai hả?"
Diệp bặm môi, giật lùi hai bước chân khi thiếu niên kia lừ mắt với cô.
Hừm, bây giờ Nguyên đã cao hơn cô mấy phân rồi, chỉ có hai năm học mà từ một mét ba mươi hai Hoàng Trọng Nguyên bây giờ đã vượt lên một mét sáu. Tính tình hiền lành của cậu ta cũng dần dần biến mất theo thời gian.
Tiếng chuông chùa vừa kêu đinh đinh mấy hồi, rừng trúc xanh xào xạc theo cơn gió, có đàn cò trắng nhoài người bay những nhịp là đà trên bầu trời đầy nắng.
Diệp được một sư thầy phát cho vài bộ quần áo màu nâu nhạt. Chất vải khá mềm, mặc lên có cảm giác thoải mái, mang theo chiến hữu là đôi tông huyền thoại, cô gái nhỏ ngồi phịch trên bậc thang ở thiền viện phía Đông.
Hoàng Trọng Nguyên khác cô, cậu đang vác cây chổi làm bằng lá cọ khô, chật vật quét từng góc sân.
"Này Rau Diếp, còn không mau cầm chổi mà ra quét."
"Ây dà, có phải mình tự nguyện muốn đến đây đâu. Cậu quét thì quét luôn phần của mình đi." – Diệp xua tay ghét bỏ.
"Cái gì hả? Cơm trưa cậu ăn cả phần bánh bao của mình. Sư thầy Triết Viễn nói ăn cơm chùa phải quét lá đa, cậu còn không mau cầm chổi mà ra quét sân."
"Bạn học Nguyên, cậu cũng ăn cơm nhà mình từ lúc còn học mầm non, sao chẳng bao giờ thấy cậu qua nhà quét sân cho mẹ mình hả?"
"Cậu được lắm con sâu lười."
Cô gái nhỏ lười biếng phủi phủi một góc bậc thềm, thản nhiên nằm ngả lưng ra sau, miệng huýt vài tiếng sáo khiêu khích bạn trúc mã.
Gió thổi làm lá cây xào xạc, tiếng cành trúc chạm vào nhau tạo ra những âm thanh kèn kẹt, khác với tiếng còi xe cộ, âm thanh ở đây yên bình đến mức nhắm mắt một lúc cũng dễ ngủ say.
Ráng chiều chẳng mấy chốc buông một màu đỏ cam diễm lệ nơi chân trời, vị sư nào đó đã đánh đủ mười tám nhịp lên quả chuông đồng, Diệp dụi mắt, đầu óc hơi trống rỗng khi không trông thấy cậu bạn thân cầm chổi quét sân.
Phía trời Tây, đàn cò trắng vừa bay qua. Cánh đồng lúa dưới chân núi chạy theo cơn gió hết đợt sóng này tới đợt sóng khác mang theo một mùi hương ngạt ngào có chút thương nhớ.
Sư thầy Triết Viễn phụ trách dạy bảo cho Nguyên và Diệp trong mấy tháng hè ở chùa Trúc Sơn.
Hôm Diệp ngủ nướng trên bậc thềm, sư thầy chán Diệp lắm, cô gái nhỏ cực kỳ nghi ngờ thanh niên Nguyên mách lẻo cho thầy biết việc cô trốn quét sân, mà biểu hiện giống tội phạm của cậu mỗi lần Diệp càu nhàu về vụ bị phạt đúng là rất đáng lên án.
Sư thầy Triết Viễn phạt Diệp mỗi ngày phải quét hết lá từ thiền viện phía Đông tới hết thiền viện phía Tây. Để răn đe thói xấu ngủ nướng của Diệp mà sư thầy còn giao nhiệm vụ đánh chuông chùa cứ ba tiếng một lần cho cô.
Một ngày đầu tháng Bảy, Diệp vừa đánh đủ mười hai tiếng chuông xong, hớt hải chạy xuống nhà ăn của chùa.
Hôm nay có món gà chay mà Diệp thích, không nhanh chân thì chỉ được ăn mấy miếng nhỏ thôi, tuy nói là món gà chay cho sang miệng chứ thực ra nó được làm tự đậu phụ, chẳng biết đầu bếp ở chùa có công thức gì mà ăn giống mùi thịt gà kinh khủng khiếp.
"Rau Diếp, mình lấy phần cho cậu rồi."
Nguyên ngồi tựa lưng vào gốc cây hoa nhài trắng, trông xa xa đã ghét thế không biết. Diệp bĩu môi, quay ngoắt người, chạy một mạch ra xếp hàng cùng mấy vị sư thúc, vì cái người nào mà gần một tháng qua cô bị thầy Triết Viễn phạt chứ, đúng là giả nhân giả nghĩa, giả trân.
Nắng vàng chói, ngồi dưới gốc cây, Nguyên khẽ nheo mắt rồi phì cười nhìn cô bạn đang tỏ ra chảnh choẹ đanh đá kia. Từ nhỏ đến lớn hai đứa có biết bao trận ẩu đả, miệng nói ghét người kia nhưng thực ra lại chẳng giống như vậy. Giận nhau lâu nhất là một ngày đã làm lành, lần này sắp tròn một tháng rồi mà Diệp vẫn còn giận cơ đấy.
Thấy Diệp ôm hộp cơm đến gần chỗ mình, Nguyên tự động nhường chỗ ngồi đã dọn sạch sẽ cho cô. Theo thói quen, phần thức ăn của cậu cũng được san ra một nửa nhường cho Diệp.
"Ê, mình bảo này, cậu lại đến tháng à mà khó tính thế."
Nhét một miếng cơm thật to vào miệng, Diệp cố gắng nhai ra tiếng động chóp chép.
"Cậu đến tháng ấy, cả nhà cậu đến tháng."
"Ha ha, ai bảo cậu lười, bị thầy Triết Viễn phạt là đúng rồi."
"Cậu thử nói lại lần nữa xem, chúng ta cắt đứt quan hệ bạn bè."
Cô gái nhỏ bặm môi, Nguyên nhìn thôi cũng không nhịn được cười. Những năm qua bị Diệp doạ cắt đứt quan hệ bạn bè, bộ não của cậu đã sớm lập trình coi như lời nói đùa của mấy đứa con nít từ lâu.
"Rồi rồi, tại hạ nhận sai được chưa. Điện hạ bớt giận, chiều nay thiền viện phía Đông sẽ do tại hạ quét dọn."
"Hứa đấy nha!"
Có tiếng cười giòn tan của Nguyên. Nắng trên cao tinh nghịch nhảy qua phiến lá, một bông hoa nhài trắng vừa bị cơn gió mồ côi đùa giỡn, hoa đứt khỏi cành rồi nhẹ rơi trên không trung, xoay tròn vài vòng mới chậm rãi đáp xuống nền gạch lát màu đỏ theo cái cách yên bình nhất.
Lại có một ngày cuối tháng Bảy, Diệp khi ấy đang ngồi trước cửa thiền viện phía Đông, gật gù đọc mấy bài văn trên mạng rồi ghi ghi chép chép lên quyển vở. Tín hiệu trên núi quả thật không tốt, bắt wifi chùa hẳn hoi mà mãi chẳng load (chạy) nổi nửa bài văn, cô gái nhỏ vốn dĩ hay nóng tính, đôi mắt bồ câu to tròn dần dần híp lại thành đường chỉ mỏng.
"Tín hiệu wifi không tốt. Đúng là sống trên núi cái gì cũng không tốt..."
"Ê Diệp."
Nguyên cầm trên tay túi lớn túi nhỏ, đứng ở cổng thiền viện phía Đông, cậu vẫy vẫy một cánh tay.
"Cậu gọi mình định nhờ vả gì hả?" – Diệp kiêu ngạo phùng mang trợn má.
"Thầy Triết Viễn bảo mình với cậu xuống núi mua đồ ăn. Nhanh qua đây, trời sắp mưa rồi."
"Sắp mưa?"
Diệp bỏ điện thoại vào túi áo, cất gọn đống sách vở ôn tập. Cô ngước mặt lên nhìn bầu trời dưới mái vòm thiền viện.
Trời xanh, một vệt mây trắng cắt ngang qua chân trời phía Tây như dải lụa mềm. Nắng vàng rượm, gió thì chậm rãi lướt qua từng hàng trúc. Hừm, thời tiết đẹp như vậy mà mưa? Ôi thằng bạn dở hơi mồm quạ.
"Trời đẹp như vậy mà bảo sắp mưa, mưa... mưa cái đầu cậu ấy Nguyên ngơ."
Nguyên và Diệp cùng xuống núi, gần hai tháng trời ở trên Trúc Sơn riết toàn đi bộ nên việc lên xuống bậc thang đã chẳng nặng nề giống hôm đầu tiên đến chùa.
Diệp thấy trời đẹp, vác theo cái áo mưa thì lập dị lắm, cuối cùng nhất quyết vứt luôn nó ở chùa. Nguyên trêu, trời mà mưa thật thì không cho cô trú áo mưa cùng, Diệp lườm huýt đanh đá, ai nói trời mưa cô đánh người ấy thừa sống thiếu chết cho coi.
Chật vật mãi hai cô cậu mới mua xong thức ăn, lương thực của chùa hình như chỉ có rau củ và đậu phụ.
Đi ngang qua một tiệm đồ nướng, Diệp nuốt nước miếng cái ực. Cô dẫu sao cũng là người phàm trần, không có tâm niệm quy y cửa phật.
Mẹ nói lúc lên bảy tuổi, Diệp bướng quá, mẹ đã bán Diệp lên chùa, còn làm cả lễ cắt tóc cho cô cơ. Nhưng lễ nghi vẫn chỉ là lễ nghi trên giấy tờ, Diệp thích ăn thịt thì phải ăn thôi.
"Cậu không sợ thầy Triết Viễn mắng hả?"
Gặm một miếng thịt nướng thật to, Diệp chép miệng.
"Thầy mổ bụng của mình ra xem à mà biết. Cậu không nói, mình không kể... thách thầy biết."
Thiền viện phía Đông đêm hôm ấy, có cô gái nhỏ quỳ gối xám hối trước tượng phật quan âm.
"Ngọc Diệp, lần nào con cũng phạm lỗi, đến bao giờ mới sửa sai được hả."
"Con xin lỗi sư phụ." – Diệp cúi đầu, buồn thiu.
"Lần trước ngủ nướng không chịu quét sân, sư Nhật Minh bên thiền viện phía Nam trông thấy, lần này con còn lớn mật hơn, mặc áo nhà chùa mà ngồi ăn ở quán thịt nướng. Thật không có học được điều gì tốt cả. Phạt con quỳ gối tới sáng mai."
"Sư phụ ơi, sư phụ thương con..."
Sư thầy Triết Viễn lắc đầu chán nản. Lúc rời khỏi thiền viện còn nghe loáng thoáng mấy câu thầy than vãn. Gì mà mỗi lần Diệp làm sai toàn do sư Nhật Minh trông coi ở thiền viện phía Nam bắt gặp.
Bên ngoài trời mưa nặng hạt, cái lạnh lẽo của mưa gió khiến Diệp khẽ rùng mình. Ánh đèn thiền viện phía Đông đêm hôm ấy vẫn sáng le lói.
Rừng trúc xộn xạo oằn mình theo từng đợt mưa lớn. Vài cành trúc đã sớm không chịu được sức quật của gió to mà gãy rạp, bay loạn khắp nơi.
"Thì ra là sư Nhật Minh mách lẻo, Nguyên ngơ... mình trách nhầm cho cậu rồi."
Gần mười một giờ đêm, có người nào đó đội mưa đội gió mang áo mưa cho Diệp. Là sư thầy Triết Viễn.
"Được rồi, con về phòng rồi ngủ sớm đi. Lần sau không được mắc lỗi nữa nghe chưa hả Diệp."
"Sư phụ, thầy làm con cảm động quá."
Lúc về phòng, nghe mấy chú tiểu thì thầm to nhỏ, sáng hôm sau Diệp mới biết sư thầy Triết Viễn cả đêm quỳ gối niệm phật ở thiền viện. Mỗi lần có học trò làm sai, thầy đều tự phạt mình, sư thầy còn bảo dạy trò không tốt lỗi là do thầy.
Cô gái bướng bỉnh lại lỗ mãng khi ấy đã học được một bài học lớn. Việc mình mắc lỗi, tuy nhỏ nhưng gây ảnh hưởng cho cả tập thể lớn.
Chùa Trúc Sơn có bốn thiền viện, do bốn người trông coi. Bình thường nước sông không phạm nước giếng, bốn thiền viện sống rất ôn hoà, nhưng mà thiền viện phía Nam có vị sư ấy đứng đầu, rất hay cau có và bắt lỗi các sư ở thiền viện khác. Đúng là ở đâu cũng có tranh đấu, chẳng qua là mức độ nặng hay nhẹ ra sao mà thôi.
Cơn mưa lớn hôm trước vội vã kéo đến, hôm sau đã nhanh chóng đi mất, để lại biết bao nhiêu là tàn tích.
Cành trúc gãy rạp khắp nơi, lá trúc bay loạn thành từng cụm lớn cụm nhỏ khắp sân các thiền viện. Nghe mấy chú tiểu truyền miệng nói cây bằng lăng già trước cửa thiền viện phía Nam đêm hôm qua không chịu được gió lớn mà bật gốc, thân cây nặng trịch, đè vỡ một góc ngói của thiền viện.
Thiền viện phía Nam ấy, thường thường người dân hay lui tới cúng bái, bởi thiền viện vốn là di tích lịch sử lâu đời còn sót sau chiến tranh, lại có thêm đền Trúc thờ một vị tướng ngày xưa rất thiêng ngự ở đấy.
Sư Nhật Minh hàng ngày hay cau có, tự nhiên mấy hôm trời mặt mũi cứ buồn buồn, lẳng lặng chẳng thèm động chạm đến ai. Nghe sư huynh bên thiền viện ấy kể, sư Nhật Minh muốn tu sửa lại chỗ ngói bị cây bằng lăng già làm hỏng nhưng lại không biết thiết kế kiến trúc ra sao.
Mỗi góc ngói của thiền viện phía Nam trước đây đều do tự tay vị tướng nọ thiết kế mẫu, chẳng góc ngói nào giống góc nào, bây giờ chẳng may một góc bị hỏng, đúng là làm khó cho con cháu đời sau.
Chỉ còn một tháng hè nữa là Nguyên và Diệp phải rời khỏi chùa Trúc Sơn. Một chiều nọ, nắng không còn gay gắt như hồi đầu hè, Diệp vu vơ kể một số chuyện rồi như có ánh đèn sáng 2000W trong đầu, cô lôi cậu bạn chạy qua thiền viện phía Nam.
"Gì đây?"
"Nguyên yêu dấu. Mình biết cậu thừa hưởng tài năng kiến trúc thiên phú của bác Quân mà. Bình thường cậu nhìn qua cái gì cũng nhớ rõ như in, mấy trăm cô gái đi trên đường cậu còn biết cô nào mặc đồ màu gì, để kiểu tóc ra sao. Hôm đầu bọn mình tới đây, cậu còn trốn mình đi quanh chùa ngắm nghía từng mẫu kiến trúc, chẳng lẽ..."
"Rau Diếp, cậu nói lòng vòng nhiều như thế là muốn mình giúp sư thầy Nhật Minh?" – Nguyên híp mắt.
"Ừ, thật là bạn thân của mình, quả nhiên rất thông minh, hiểu ý mình ghê ta."
Thấy Diệp gật gật cái đầu nhỏ, Nguyên thở dài một hơi. Cô bạn thân tinh ý cười tít mắt.
"Mình biết là cậu sẽ làm mà."
"Ai bảo cậu là mình sẽ làm thế?"
"Trời ơi, mỗi lần có người nhờ vả, cậu mà thở dài là y chang đồng ý giúp rồi. Mình từ bé tới lớn chứng kiến cậu trưởng thành đấy bạn học Nguyên."
"Đồ nhiều chuyện. Là cậu nhờ thì mình mới giúp thôi."
Nắng hôm ấy đẹp lắm, đẹp dịu dàng như cái cách mà Nguyên đưa tay vò tóc của Diệp.
Dịu dàng như ánh mắt ấm áp và nụ cười nhạt nhạt vương trên môi của Nguyên dành cho Ngọc Diệp.
Dịu dàng như cái cách sư thầy Triết Viễn mỉm cười đứng cạnh sư thầy Nhật Minh, nhìn lũ trẻ sửa lại góc ngói ở thiền viện phía Nam.
By: Linh Yunki's Story.