Chương 3: Tái Ngộ
Đêm hôm đó, lúc Thái Thụy nói muốn mua nam kỹ kia, Khắc Tuân đã kiếm cớ trốn về trước.
Mới ban đầu, khi dáng người quen thuộc dò dẫm từng bước lên sập, gã vẫn còn có đôi chút hoài nghi; hoài nghi rằng mình không thể nào giữa bôn ba ngược xuôi của đường đời, lại gặp con người đó ở đây được. Người giống người trước nay đâu có thiếu, vả lại dáng người của cậu ta cũng thuộc dạng phổ thông. Thế nhưng sự thực chứng minh, Khắc Tuân đã gặp lại Hữu Quân trong một nhà thổ xô bồ của kinh thành Huế.
Khoảnh khắc cái khăn kia được trút ra, Khắc Tuân đã hãi hùng đến mức hít thở thôi cũng khó khăn.
Trong trí nhớ của Khắc Tuân, Hữu Quân ngày đó là một học sinh sáng dạ, là đối thủ đáng nể của gã cả về đạo học lẫn ứng thí quan trường. Hữu Quân chăm chỉ, giỏi giang một cách tự nhiên, thông minh sáng dạ. Cả về tài lẫn đức, Hữu Quân chẳng có gì đáng chê trách cả. Mà khi ấy, cũng hiếm có ai thạo cả chữ Hán lẫn tiếng Pháp như cậu ta.
Có thể nói trong số ít những kẻ học đạo thánh hiền, Hữu Quân là người mà Khắc Tuân kính nể nhất. Mà trong mắt những người cùng học, Nguyễn Hữu Văn Quân đích thị là một viên ngọc sáng.
Rồi tai họa ập xuống, vùi chôn một nhân tài. Ngài Nguyễn Hữu – cha của Hữu Quân – bị khép tội buôn lậu hàng cấm sang mẫu quốc. Trong nhà có người phạm trọng tội, Hữu Quân đương nhiên không thể thuận lợi vào trung học. Kết quả học hành suốt mười mấy năm, cuối cùng hóa thành dã tràng xe cát.
Lúc ấy, gã cũng chỉ nghe cha mình kể chuyện qua loa, cũng không nhận thức được thế nào gọi là quyền lực gia tộc bị phong bế. Cha gã cũng nói gia đình ngài Nguyễn Hữu có nhiều tư sản ở Pháp, nên nếu không thể ở lại Sài Gòn thì cũng chẳng có hề gì. Giờ thì gã nhận ra rồi, kẻ phạm tội thì bị bắt vào tù, gia quyến thì ly tán mỗi người một nơi, mỗi kẻ một chốn. Con cháu trong nhà đến học hành cũng chẳng được vẹn toàn. Cho dù có là người thân thiết với gia đình Huyện Sĩ như ngài Nguyễn Hữu cũng không tránh nổi tai ương. Tư sản ở Pháp nhiều như vậy để làm gì, cuối cùng cũng bị niêm phong hết cả.
Vậy mà cho dù là nam kỹ, cậu ta của ngày hôm qua cũng không mảy may có một chút gì gọi là yếu thế. Thật vậy, Hữu Quân ngày hôm qua đã nhìn thẳng vào gã, ánh mắt không hề tránh né, cũng không có chút nào gọi là hổ thẹn.
Hữu Quân vẫn như những gì gã hằng nhớ, bướng bỉnh cương trực, gương mặt kia vẫn sáng lên những hi vọng, dẫu đang lâm vào cảnh khốn cùng.
Nhưng cũng vì thế, Khắc Tuân càng không thể nào chắc được, một kẻ ngả ngớn như Thái Thụy, liệu có góp thêm phần khiến cho cuộc đời vốn đã cùng khổ của Hữu Quân càng khốn khổ hơn hay không?
Buổi tọa triều sáng hôm nay, Thái Thụy trông vẫn như bình thường, không có vẻ gì đặc biệt. Cho dù có nhìn nhiều hơn vài lần, Khắc Tuân cũng không phân biệt ra được liệu ngày hôm qua Thái Thụy có làm loại chuyện kia với Hữu Quân không?
Loại chuyện mà những lần đi mua danh kỹ trước đây Thái Thụy thường làm ấy.
“Hôm qua…” Khắc Tuân đã mở miệng hỏi Thái Thụy trước khi gã kịp nhớ ra mình đang làm gì.
Thái Thụy ở trong cung khác với khi hắn rong chơi bên ngoài. Thái Thụy ở bên ngoài nổi loạn, ngả ngớn, ham chơi vô phép tắc. Thái Thụy ở trong cung cấm tuy cũng ham chơi, nhưng có lẽ bộ Hoàng Bào hắn mặc trên người đã phần nào gò ép Thái Thụy vào những khuôn mẫu mà người mặc nó nên làm. Thái Thụy vẫn thực hiện những nghĩa vụ của nhà vua, dù cẩu thả, song vẫn đầy đủ.
“Sao đó?” Thái Thụy ngạc nhiên hỏi.
Đối với hắn mà nói, Khắc Tuân hiếm khi nói chuyện ngập ngừng, nhất là khi nói chuyện với Thái Thụy. Thứ mà Vị quan Lễ Bộ trạc tuổi hắn này giỏi nhất là ăn nói, miệng lưỡi trơn tru. Tìm ra được một hai lần Khắc Tuân nói lắp cũng còn khó. Thế nhưng, cũng có những lần người này loay hoay không biết nên mở lời với hắn như thế nào. Thường là khi ấy, Khắc Tuân cảm thấy tội lỗi, hoặc là khi Khắc Tuân biết gã đã khiến ai đó phải thất vọng.
“Hôm qua cậu đã mua nam kỹ kia à?”
“Ừ. Sao vậy?”
“Cậu đã làm chuyện kia với người ta hả?”
Thái Thụy hơi nhướng mày, bật cười:
“Ừ thì cậu còn lý do gì khác để mua nam kỹ hả?”
“Người đó để cho cậu làm sao?”
Thái Thụy xoay hẳn người lại. Có một điều gì đó thật khác ở Thái Thụy khi hắn mặc Hoàng Bào. Có thể là dòng máu nhà Nguyễn chảy trong hắn khiến hắn trông rất ra dáng của một vị Bệ Hạ, dù những điều hắn nghĩ, những việc hắn làm không thật sự như vậy. Nhưng sự uy vũ trong cử chỉ của Thái Thụy lúc này, lạ lùng thay, nó khiến Khắc Tuân hơi lo lắng.
Dù cho gã chưa bao giờ lo lắng trước người bạn thuở thiếu thời kia.
“Cậu sao vậy? Đột nhiên lại quan tâm đến một nam kỹ?”
“Cậu ấy không chỉ là nam kỹ đâu.” Khắc Tuân đáp “Cậu ấy đối với tôi rất đặc biệt.”
Thái Thuỵ gấp lại chiếc quạt trong tay, ra hiệu cho cung nữ chuẩn bị trà, cũng ra hiệu cho Khắc Tuân ngồi xuống chiếc bàn đá dưới đình hóng mát.
“Đặc biệt như thế nào?”
…
Phát An ngồi trong sân, nhìn ra cây gạo trước thềm. Lá cây gạo đã úa hết cả, trời còn hơi hanh nắng, nhưng gió lạnh đã se.
Thời tiết khó chịu thế này, khéo có lẽ đêm nay mưa lớn sẽ kéo về.
“Bẩm ông… bẩm ông… bẩm ông…” Đứa tiểu đồng hớt hải chạy vào, thở phì phò.
“Làm sao? Làm sao mà hớt hải như ma đuổi thế?”
“Không ạ, không phải ma đuổi.” Đứa tiểu đồng lắc đầu quầy quậy. “Cậu Hữu Quân, cậu Hữu Quân về rồi.”
“Cái gì cơ?” Lê Phát An nghe thấy tên cháu trai, vội vã đứng dậy chạy ra ngoài. Vừa lúc ấy, Hữu Quân cũng chạy vào tới sân trong.
“Cậu.” Hữu Quân vội vã chắp tay cúi người “Cậu, con về đến nơi rồi.”
Phát An bỏ qua cả lễ tiết. Ông ôm chầm lấy đứa cháu xa nhà lâu ngày mới gặp, siết chặt Hữu Quân trong vòng tay như nắm giữ một món đồ trân quý. Nếu còn không màng lễ tiết hơn nữa, chắc có lẽ ông đã hôn má Hữu Quân rối rít như hồi cậu còn nhỏ rồi.
“Con về rồi, có làm sao không? Sao con trốn được ra đây?” Phát An vồn vã hỏi. “Ôi cháu của tôi. Con gầy đi nhiều quá rồi. Ta biết ăn nói thế nào với mẫu thân con bây giờ?”
Đối với Lê Phát An, đứa cháu này, đứa con trai của em gái ông, là đứa cháu đặc biệt độc nhất vô nhị. Tuy rằng có nói mình đều yêu thương con cháu như nhau nhưng Lê Phát An vẫn giành một chút thiên vị cho Hữu Quân. Gặp chuyện khó không nao núng, rơi vào thế bí chẳng sờn lòng. Giống như chậu hoa đá mà một người bạn đi Pháp mua về tặng ông, Hữu Quân mạnh mẽ, khôn khéo, vươn lên trên sỏi sống đất cằn.
Chuyện cháu trai bị gán vào kĩ viện trả nợ cho gia đình, Lê Phát An lấy làm đau xót. Ngay lập tức, Lê Phát An rất muốn đem tất cả những gì mình có đổi lấy tiền chuộc cháu. Nhưng cái cơ ngơi cũ kỹ này, có bán hết đi cũng không được tám trăm đồng Đông Dương. Vả lại nếu bán đi rồi thì em gái ông biết nương nhờ ở đâu đây?
Đành ngồi chờ thời đến thôi.
Thế nhưng hôm nay, Hữu Quân lại có thể tự mình về đây. Phát An vừa mừng cho cháu, vừa giận bản thân mình.
“Con không trốn.” Hữu Quân tươi cười. “Một vị khách đã mua con.”
Hữu Quân chỉ trả lời đến đó rồi không nói gì thêm. Phát An cũng tránh hỏi thêm điều gì không nên không phải. Ông thừa hiểu câu chuyện xung quanh chữ mua này, tưởng vậy mà không đơn giản. Nếu thực sự có thể kể được, Hữu Quân sẽ sẵn sàng kể cho ông.
“Tạ ơn Chúa, tạ ơn Chúa.” Lê Phát An mừng rỡ “Mẫu thân con nhớ con lắm đó. Qua chào bà ấy đi.”
Hữu Quân cũng chẳng chờ lâu hơn, chạy vào trong tìm mẹ mình. Cậu đi mãi, đi mãi, cuối cùng mới tìm thấy bà ngồi thẫn thờ bên bậu cửa sổ trong phòng ngủ.
Hữu Quân có khuôn mặt rất giống mẹ. Thật vậy, khuôn mặt của bà Nguyễn Hữu và Hữu Quân trông như được đúc ra từ một khuôn, kể cả cái cau mày khổ não mỗi khi than thân trách phận, mỗi khi giác ngộ cảnh đời éo le.
“Mẫu thân.” Hữu Quân ngập ngừng gọi.
Bà Nguyễn Hữu đã khóc nhiều ngày, nhìn thấy con trai mắt bà nhòe cả đi, chỉ có thể lập cập đi lại gần, vừa đi vừa nói:
“Hữu Quân, Hữu Quân...”
Hữu Quân vội vã chạy lại đỡ lấy mẹ. Bà Nguyễn Hữu ôm chầm lấy con trai, xoa ngược xoa xuôi, xoa đến khi chắc chắn rằng Hữu Quân vẫn còn khỏe mạnh y như vài tháng trước lúc cậu ra khỏi nhà, chỉ là có hơi gầy một chút, bà mới nghẹn ngào nói:
“Con gầy quá...”
“Con không sao. Không có việc gì.” Hữu Quân trả lời “Mẫu thân, người có khỏe không, trong lúc con vắng nhà có xảy ra chuyện gì không?”
Bà Nguyễn Hữu vốn còn có thể kìm lại hai hàng nước mắt, nhưng vì câu hỏi vừa rồi của Hữu Quân, bà lại òa lên.
“Họ nói sẽ mang cha con sang Pháp đi đầy. Quân à, phải làm sao bây giờ, con phải cứu lấy cha con.”
Sao cơ? Tại sao lại như vậy? Hữu Quân bàng hoàng đỡ lấy người mẹ đang khóc ngất đi, mà bản thân cậu cũng không thể kiểm soát được biểu cảm vừa hoảng hốt vừa phẫn nộ trên mặt. Người phụ nữ này hẳn đã đau lòng rất nhiều. Khuôn mặt gầy gò sưng húp, hai mắt đỏ sọng những tơ máu, dáng vóc cũng gầy guộc hẳn đi.
“Họ quyết định rồi ạ?” Hữu Quân mấp máy môi, mãi mới nói được một câu “Không cần mở phiên xét xử luôn sao?”
Bà Nguyễn Hữu chẳng nói được gì, chỉ lắc đầu, rồi lại sụt sùi trong nước mắt.
“Bao giờ… bao giờ cha đi?”
“Họ nói còn phải chờ tàu, nhưng có lẽ là ngày lập đông này sẽ chuyển đi luôn.”
Hữu Quân bặm môi, giờ đang là tháng tám âm lịch. Còn cách ngày lập đông bốn tháng trăng.
“Mẫu thân, người đừng lo, con sẽ cố. Con sắp gặp được Bệ Hạ rồi.” Hữu Quân nắm chặt lấy tay mẹ. “Được không? Chờ con một chút thôi, nhé?”
Bà Nguyễn Hữu không nói gì, chỉ khẽ gật đầu, rồi lại lắc đầu. Hữu Quân thở dài. Lời vừa rồi không phải chỉ hứa với mỗi mẹ. Cậu bắt buộc phải làm bằng được.
Người đó hẳn sẽ không thất hứa đâu.