bởi Robe

275
17
3679 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 3 - Tivi đen trắng


Sáng hôm sau.

Nhờ có vụ việc tối nay ngoài công trình sẽ có chiếu tivi nên việc đám trẻ chọc phá tổ ong tại nhà ông Quỳnh chiều qua không được nhắc tới nữa, cũng không có đứa bị  nào bị bố mẹ la mắng cả. Nhưng hậu quả thì còn nguyên trên trán của An và mí mắt thằng Dương, tội nghiệp nhất là thằng Dương vì một con mắt của nó gần như túp đi hẳn, nó là thằng cầm gậy mà. Hôm qua sau tiếng quát bất ngờ của ai đó thì cũng là lúc cái đầu gậy chạm mạnh vào tổ ong, đám trẻ chưa kịp định thần vì tiếng quát, lũ ong đã lao xuống, sau tiếng á của thằng nào đó trong nhóm thì cũng đến lượt An thấy nhói lên ở trán. Tất cả cùng chạy, vừa chạy vì ong, vừa chạy vì sợ người vừa quát sẽ mách lại với ông Quỳnh. Cuộc chiến chưa bắt đầu thì đã kết thúc tương đối thảm hại. Và sau đó cái trán của An và cái mắt thằng Giang là bằng chứng không thể chối cãi cho việc đột nhập vào nhà người khác để phá ong. Sự việc có lẽ cũng chỉ to lớn trong suy nghĩ của bọn trẻ chứ với bố mẹ của An hay thằng Dương thì cũng chỉ dừng lại ở việc quát vài câu cho có lệ, có lẽ niềm vui vì tối nay sẽ được tận mắt chứng kiến cái gọi là tivi đã át đi những sự việc vụn vặt như vậy. 

Sáng nay cả nhóm gặp mặt chỉ là để báo cáo tình hình xem hình phạt của từng đứa hôm qua là gì, nhưng chẳng đứa nào bị gì đáng kể cả. Ngay cả thằng Dương mắt sưng húp thì cũng chỉ bị mẹ la là “Có sức làm thì có sức chịu”. Nó kể với vẻ hơi tủi thân khi không thấy sự quan tâm từ mẹ nó, nhưng mà thôi thà như thế còn hơn là ăn roi vào mông.

- Tao nghe mẹ tao nói là tối nay cái tivi ở công trình sẽ có đưa tang ông Lê Duẩn đó.  - Thằng An chuyển chủ đề.

Qua câu chuyện của người lớn, tất cả những gì An biết là ông Lê Duẩn là một người rất quan trọng thời chiến tranh và được nhiều người yêu mến. Ổng mới mất và ti vi sẽ đưa tang ổng. Trong khi cả đám bạn đang ồ lên vì cái thông tin An vừa đưa ra thì An đang suy nghĩ và cố hình dung ra xem người ta sẽ khiêng cái quan tài như thế nào? Vì nó thấy ở quê nó mọi người đưa đám là khiêng một cỗ quan tài đặt trên một cái kiệu rất dài, khả năng là cái ti vi nó có chiều ngang to như cái bảng dạy học ở trường, chứ không phải hình dọc và cao như lúc đầu nó hình dung. 

- Từ giờ đến tối còn lâu lắm tao với tụi mày đi bắt bọ ngựa và đúc dế cho nó đánh nhau đi?

Lại là sáng kiến của thằng Dương. Nó đã biết đọc và nó có cuốn truyện "Dế Mèn Phiêu Lưu Ký" của một người Bác trên Hà Nội gửi về. Nó đã từng đọc cho cả bọn nghe và cả nhóm đều vô cùng thích thú. Bọ ngựa hay dế mèn thì ngày nào chúng nó chẳng bắt, buổi tối cứ cầm cái đèn pin của nhà thằng Khanh, trong nhóm chỉ có nhà nó là có đèn pin mà thường là nó mượn khi bố mẹ nó không có nhà, nói đúng ra là lấy cắp tạm thời chứ nó có hỏi thì chắc chắn không bao giờ được cho mượn. Cái đèn pin tuy luôn ở tình trạng hết pin với chút ánh sáng yếu ớt nhưng còn hơn cầm nguyên một bó đuốc vì như vậy rất tốn dẻ và tiền dầu tẩm vào. Dẻ thì chẳng thiếu nhưng dầu thì chỉ có cách lấy trộm từ một cái đèn nào đó của bố mẹ. Cả bọn dùng hết thính lực để nghe xem chỗ nào có tiếng gáy lớn của dế là đến hì hục bắt cho bằng được. Chúng chưa bao giờ cho dế đánh nhau với bọ ngựa như trong miêu tả nên cũng rất tò mò. Nhưng bây giờ lại đang là ban ngày làm sao bắt được dế. Bọ ngựa thì dễ bắt.

- Tao biết chỗ ban ngày vẫn có thể bắt được dế. Thằng Giang khẳng định chắc nịch.

- Ở đâu?

- Trong đống gạch cũ sau nhà tao. Hôm qua lúc bố tao lấy một ít gạch trên bề mặt ra xây chuồng lợn, tao thấy có nhiều dế rúc trong đó.

- Vậy tao với thằng An đi bắt bọ ngựa còn tụi mày đi bắt dế nhé. Vì bắt bọ ngựa thì dễ hơn, chỉ cần hai đứa tao là được. 

Thế là bốn đứa chạy đi còn An và Dương cũng nhanh chóng đi đến bụi điền thanh nằm ngay dọc bờ sông Láng.  Bọ ngựa có ở khắp mọi bụi cây nhưng chúng đặc biệt dễ tìm thấy nhất trong các bụi điền thanh. Có lẽ do đặc điểm của cây điền thanh là vỏ cây mịn và có nhiều loại nhánh to nhỏ khác nhau, bọ ngựa dễ leo trèo và thuận tiện để chùm trứng của chúng bám vào cành. Điền thanh cũng gắn liền với cá trò chơi của đám trẻ như An. Cứ bẻ một cây điền thanh bất kỳ, lấy dây buộc vào ngọn cây rồi kéo cong lên như kiểu gò cương ngựa, để phần cong xuống đất và đẩy trượt đi, thế là tất cả đều cho rằng chúng đang phi ngựa. 

Dọc bờ sông Láng chỉ toàn cây là cây, chỗ này là bụi tre, chỗ kia thì khóm chuối và cây điền thanh thì người ta trồng thành từng hàng ngay sát mép nước. Ra tới rặng cây, Dương nói với An.

- Mày tìm từ đây đến đằng kia. - Nó vừa nói vừa chỉ về bên tay trái - còn tao tìm bên này. Nhớ là bắt bọ ngựa cái nhé.

- Ừ, tao biết rồi. 

An trả lời ngay tức khắc mà không cần hỏi vì sao phải là con cái. Tầm tuổi nó đã thừa biết phân biệt con bọ ngựa nào là cái, con nào là đực. Vì thông thường con bọ ngựa đực chỉ nhỏ bằng một nửa con cái, cánh thì mỏng manh với cái bụng lúc nào cũng như đói ăn. Ngược lại bọ ngựa cái thường có cái bụng to hơn hẳn vì nó để chứa chứng, mà mỗi lần mang bầu cả ngàn chứng. Thằng An còn biết nếu cái viền màu vàng cạnh bụng con bọ ngựa càng to thì có nghĩa nó sắp đẻ. Nhưng lý do chính của việc Thằng Dương dặn như vậy là vì, chúng nó đã nhiều lần chứng kiến cảnh con bọ ngựa cái nhai đầu con bọ ngựa đực. Với bọn trẻ thì điều đó có nghĩa là con bọ ngựa cái mạnh hơn. Còn vì sao nó lại ăn thịt bọ ngựa đực thì chúng không rành. Có lẽ giữa chúng xảy ra các cuộc cãi vã nào đó. Việc đó cũng giống như nhiều gia đình ở quanh nhà An liên tục có các cuộc cãi vã giữa các bà vợ và các ông chồng, có những cặp vợ chồng thậm chí cầm dao rượt nhau. Tuy nhiên khác với bọ ngựa ở chỗ phần thắng lại luôn nghiêng về phía các ông chồng. Nhưng được cái là, mặc dù thắng cũng chưa ông nào ăn thịt vợ mình cả. 

- Tao tìm được một con rồi - thằng Dương kêu lên và giơ lên một con bọ ngựa với cái bụng to bằng ngón tay.

- Vậy mình có tìm nữa không? Thằng An hỏi.

- Thôi, một con này có thể đánh được nhiều con dế rồi.

Thế là cuộc tìm kiếm bọ ngựa nhanh chóng kết thúc.

Hai đứa trẻ quay trở lại xem nhóm thằng Giang có tìm được dế chưa nhưng chưa thấy đứa nào quay lại. Trong lúc Dương và An đang chuẩn bị võ đài thì nhóm Giang đang hì hục bê từng viên gạch ra bên cạnh. Nhưng cứ vừa nhìn thấy con dế nào thì ngay lập tức chúng chui xuống viên dưới thấp hơn. Nếu chờ đến tối thì đi bắt thật dễ hơn bao nhiêu nhưng tối nay thì chúng còn phải đi chiêm ngưỡng xem cái tivi nó như thế nào. Sau một hồi đổ biết bao mồ hôi thì bốn đứa trẻ cũng bắt được hai chú dế. Có vẻ không được lành lặn lắm vì một chú thì bị gạch chèn gãy chân, chú còn lại thì có vẻ còn non vì cánh chưa che hết phần thân. Nhưng thôi có còn hơn không với lại bây giờ sẽ cho hai con này chiến đấu với một con bọ ngựa. Như vậy là công bằng.

Đấu trường là một cái xô không có đáy được úp trên mặt đất. Có vẻ không được chuyên nghiệp lắm như trong Dế Mèn Phiêu Lưu Ký nhưng cũng tạm được. Sáu cái đầu chụm vào bên trên sau khi đã thả con bọ ngựa và hai đấu sĩ dế vào trong. Thằng Mật la lên.

- Con dế đang đá hậu như trong sách nói kìa.

Thằng An nhìn kỹ và nó nghĩ là hình như hai con dế đang cố nhảy để thoát ra khỏi cái võ đài chứ chẳng có vẻ gì là đang đá con bọ ngựa vì nó còn đang cách con bọ ngựa cả nửa gang tay thì làm sao mà đá. Còn con bọ ngựa thì cứ vờn vờn như kiểu đang thủ thế nhưng có lẽ không phải. Đó chỉ là dáng điệu nó luôn như thế và có thể nó đang thắc mắc mấy cái thằng nhóc này làm gì mà lại nhốt chung nó với cái loài chẳng liên quan. 

Phải một lúc sau thì đám trẻ mới nhận ra là sẽ chẳng có trận chiến nào cả. Cả ba con vật đáng thương chỉ đang cố thoát ra khỏi cái xô. Nhưng lý do chúng đưa ra tại sao các con vật không nhảy vào đánh chiến là vì. Con bọ ngựa là con cái, có lẽ nó chỉ thích đánh nhau với bọ ngựa đực. Còn hai con dế kia là dế hoang chưa được thuần hóa nên đương nhiên chúng chẳng nghe lời. 

Cuộc vui mà không được gọi là vui lắm cũng kết thúc khi tiếng gọi í ới của bố mẹ mấy đứa gọi về ăn trưa. Tất nhiên sau đó là ngủ trưa.

Chẳng hiểu ngủ trưa có cái tác dụng gì cho sức khỏe không mà sao người lớn họ cứ bắt trẻ con phải đi ngủ trưa như vậy nhỉ? An thì cho rằng nó chẳng có tác dụng gì liên quan đến sức khỏe, nó còn cá với cả bọn rằng người lớn bắt mình ngủ trưa chẳng qua là vì để cho người lớn yên tâm ngủ chứ chẳng có tác dụng gì. Vì nếu bọn trẻ thức thì sẽ gây ồn ào nên người lớn không ngủ được. Thằng Khanh thì một mực cho rằng người lớn bắt mình đi ngủ trưa vì đó là lúc duy nhất họ không canh chừng được các thói phá phách của trẻ con, vì giờ đó họ bận ngủ. 

Trưa nay thì An đi ngủ với một niềm vui khó tả, ngủ với tâm trạng háo hức vì lời hứa của bố là tối sẽ cho đi xem tivi. 

Quả thật là tối hôm đó trong cái sân của công trình đông kín người. Nhưng thật sự thì không đông theo cách An đã hình dung. Nó tưởng cả làng với đầy đủ lớn bé già trẻ cũng phải có mặt ở đây chứ nhỉ? Nhưng nó và đám bạn đã lầm, lầm vì nghĩ rằng hầu hết không biết tivi là cái gì. Nhưng có lẽ hầu hết đều biết ngoại trừ bọn nó. 

Khán giả hầu hết là bọn con nít, một vài các bà các cô, còn lại là các anh chị ở độ tuổi thanh niên. Mà như vậy cũng là đông lắm rồi. Thời đó chẳng có mấy người đi làm xa như bây giờ. Mọi người đều ở làng và thậm chí ở làng nó chẳng có ai đi học xa, nhất là học đại học thì là điều xa xỉ. 

Trong khi mọi người còn đang chen chúc hướng về phía cái cục vuông vuông phát ra thứ ánh sáng màu trắng xanh dịu nhẹ thì bọn của An đã luồn lách lên đến gần sát cái vật thể được gọi là tivi. Thì ra cái cục vuông vuông có những hình ảnh đang chuyển động bên trong kia được gọi là cái tivi. Nó nhỏ hơn rất nhiều lần so với suy nghĩ của An. Sao trước đây nó không nghĩ đến chuyện người ta được thu nhỏ lại cho vừa cái tivi mà lại cứ nghĩ phải phóng to cái tivi ra cho vừa con người nhỉ. An nghĩ thầm và cảm thấy mình và lũ bạn quả là ngốc. 

Cái tivi được gắn với một cái bình ắc quy quanh hai sợi dây, ngoài ra còn có một cái dây dài lòng thòng từ tivi bắt lên một cây cột mà mấy anh chị lớn gọi là ăng ten gì đó. Họ đang xoay cái cột để hình ảnh trong cái tivi nhìn rõ hơn. Trên màn hình tivi là hình ảnh xếp hàng trật tự và đông đúc giống như quang cảnh đưa tang một ai đó. À mà đúng rồi đưa tang ông Lê Duẩn như nó nghe người lớn nói hôm qua. An và lũ bạn vô cùng thích thú nhưng trong đầu nó thì cứ thắc mắc sao có thể nhìn thấy họ đưa tang ở Hà Nội thông qua cái tivi này nhỉ? 

Buổi tối hôm đó quả là một ngày hội vì nhiều người, trong đó có An được mở mang tầm mắt nhưng hậu quả của nó để lại cũng khá nghiêm trọng. Chuyện là sáng hôm sau khi các cô chú làm việc ở công trình đến làm việc thì cái sân đã biến thành một bãi rác với cơ man nào là thứ, điển hình là những cục gạch và lá cây. Trong bán kính vài trăm mét tất cả những cây nào có lá to bằng bàn tay trở lên đều bị vặt sạch. 

Sau hôm đó thì công trình nhắc nhở bà con nếu muốn xem tivi thì đem đồ theo để ngồi chứ nếu cứ vặt lá và lấy gạch ở công trình ra ngồi thì sẽ không mở tivi nữa. An cũng chẳng nhớ việc đó có được thực hiện một cách tuyệt đối không nhưng nó nhớ mẹ nó và các cô thường đem theo cái quạt thần thánh có tác dụng ba trong một theo để sử dụng. Đó là cái quạt mo, vừa dùng để quạt, vừa dùng để gãi lưng và vừa dùng để ngồi. Một thứ cũng không kém phần xa xỉ đó là vỏ bao xi măng. Thông thường được mọi người để dành để bọc sách vở. 

Do ngày đó chưa có điện. Chỉ có thể xem tivi bằng bình ắc quy mà bình ắc quy lại chỉ được sạc thông qua cái máy xay gạo, nên việc mở tivi ở thời điểm nào là được chọn lọc để đảm bảo đủ điện. Thường chỉ có tối thứ bảy hay chủ nhật thì tivi sẽ chiếu phim và đó là lúc được ưu tiên mở, ấy vậy mà nhiều khi xem đến gần hết phim, đang đoạn gay cấn thì cái màn hình co lại do yếu điện cũng gây ra không ít thất vọng cho bà con. Các bộ phim in đậm trong tâm trí An như Ván Bài Lật Ngửa, Biệt Động Sài Gòn, Tất Cả Các Dòng Sông Đều Chảy, Cánh Đồng Hoang... Có lẽ ở cái tuổi của An, nó không cảm nhận được gì nhiều lắm về nội dung phim nhưng việc khi xem những bộ phim tình cảm thì các bà các cô, kể cả mẹ nó lại khóc sướt mướt  là những thứ đi vào tâm trí nó đầu tiên. Sau đó một vài năm thì có 3 nhà nữa có tivi, và tối nào An và đám con nít cũng đi quần thảo từ nhà này sang nhà kia để xem khe cửa nhà nào có ánh sáng xanh, nếu có ánh sáng xanh thì chắc chắn có mở tivi. Vì ánh đèn dầu thì chỉ có màu vàng. Tuy nhiên tivi có thể bị tắt ngay khi chủ nhà phát hiện ra cả chục đứa con nít chuẩn bị vào nhà và sau buổi xem nào cũng vậy, có khi chủ nhà phải đi gọi bố mẹ của từng đứa qua cõng về vì chúng nó đã ngủ say ngay khi đang xem, ấy là chưa kể nhiều đứa còn tè cả ra nhà.

Giữa thập niên 1980, tình hình kinh tế của cả nước đặc biệt là miền Trung và miền Bắc vẫn rất khó khăn. Cuộc khủng hoảng kinh tế nảy sinh từ cuối thập niên 1970, do cải tạo tư sản ở miền Nam quá mức, do chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc kéo dài gần 10 năm, và càng gay gắt hơn khi Việt Nam bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường. 

Nhiều người gửi tiền tiết kiệm lâm vào cảnh bi đát do lạm phát phi mã xảy ra sau khi đổi tiền. Có người bán một con bò lấy tiền gửi tiết kiệm, sau khi đổi tiền chỉ mua được vài con gà, dân gian hay có câu “bán trâu tậu gà” là như vậy. Việc ngăn cấm thị trường tự do khiến tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trở nên nặng nề.

Ở cái tuổi của An và bọn bạn thì chẳng đứa nào phải lo nghĩ gì về đói nghèo mặc dù đang ăn cơm khoai độn. Ngoài việc sợ bố mẹ đánh, sợ bị điểm thấp ra An chỉ sợ hai người  nữa đó là "ông thu sản" và "ông ăn mày". Trong suy nghĩ của An thì cứ ông thu sản đến nhà điều đó có nghĩa là nhà nó mất thóc. Thời đó các hộ dân đóng thuế bằng cách nộp thóc cho hợp tác xã sau mỗi vụ gặt. Còn ông ăn mày thì không ngày nào nó không gặp. Bọn trẻ gọi chung là ông ăn mày chứ nhiều người ăn mày là phụ nữ. Thằng Giang nói đó là những người xấu, họ sẽ ăn cắp bất cứ thứ gì khi đến nhà ai đó xin ăn mà không có ai ở nhà. Thậm chí mẹ nó còn nói với em gái nó là nếu không ngoan thì có thể bị ông ăn mày bắt bỏ vào bị đem đi. Vì những lý do này mà mỗi lần nhìn thấy ông ăn mày là An sẽ chạy ngay về nhà nó khép cửa lại hoặc sẽ thông báo với ông nội là có ăn mày đến phải cẩn thận. Có lần chứng kiến cảnh An hớt hải chạy về báo tin về vụ có ông ăn mày đang đến và nói mẹ đề phòng, mẹ An đã nói cho nó hiểu và từ đó nó đỡ sợ ăn mày hơn.

Mẹ nó nói đó là những người dân miền Bắc Trung Bộ, do ở đó thường xuyên có bão đổ bộ vào hàng năm, bao nhiêu hoa màu bị tàn phá vì gió và lũ lụt nên có khi cả làng phải đi ăn xin. Họ đi ăn xin vì đã bị dồn đến đường cùng. Mẹ An nói chẳng may quê mình bị như thế và bố mẹ không còn con đường nào khác thì cũng sẵn sàng đi ăn xin để nuôi các con. Từ đó An không còn quá sợ những người ăn mày, nhưng nó cũng chưa bao giờ tranh cãi với đám bạn về việc tại sao lại đi ăn mày. 

Anh trai của An thì cũng đã phải rời nhà đi theo người ta vào tận Cà Mau để làm thuê kiếm sống từ năm An lên bốn tuổi. Gia đình An bây giờ có sáu miệng ăn. Ngoài anh đã vào Cà Mau thì An còn có một anh trai và một em trai nữa. Anh Trai thì lớn hơn An cả chục tuổi đã nghỉ học từ lâu và công việc chính hàng ngày là chăn châu, em trai An thì mới bốn tuổi và bố mẹ rất hạn chế cho đi chơi cùng đám của An, nhất là sau cái lần An dẫn em về với cái đầu bết máu, đó là hậu quả của trận chơi ném nhau giữa đám của An và mấy đứa lớn hơn. Gia đình An còn ông nội năm nay đã hơn 70 tuổi. Bà nội và Cô thì bị trúng bom Mỹ và mất khi Cô mới 16 tuổi. Cũng như hầu hết các gia đình trong xóm, gia đình An cũng thuộc diện phải chạy ăn từng bữa, bố An đã từng đi xẻ gỗ mướn ở miền Nam nhưng rồi cũng quay về vì chẳng kiếm được là bao. Cũng may là còn về được chứ nhiều người đi cùng, như bố thằng Giang thì ở trong đó luôn và nghe đâu là đã cưới vợ hai rồi.