Chương 4
Đã hơn ba giờ chiều, nắng vẫn không thôi đặt lên làn da người những nụ hôn bỏng rát. Bóng râm trên sân trường được đám học trò tận dụng hết mức. Sắc xanh – đen của đồng phục thể dục chen chặt thành từng vùng.
Còn mười phút nữa, suất thể dục đầu mới kết thúc. Lớp 11B học suất thứ hai, từ ba giờ ba mươi cho đến năm giờ. Phong ngồi trên chiếc Martin bạc, như bao người bạn, vừa trốn nắng vừa chờ vào tiết. Thi thoảng, đôi mắt cậu nheo lại, xuyên qua những tia nắng chói chang, nhìn về phía cổng nhỏ của trường, mong bắt gặp bóng dáng của “ai đó”.
Châu chiều nay cũng đến rất sớm. Vừa dựng xe xong, cô bạn nhỏ con tót đi tìm “Bà Tám” Thủy ngay, tiếp tục ca bài ca về oan hồn người cá.
Phong thấy may vì lần này Châu đã buông tha cho cậu. Nhưng chẳng phải vô duyên vô cớ mà cậu được loại ra. Tất cả đều nhờ ơn Thịnh vô tình đang đứng bên cạnh cậu.
Ai trong lớp 11B đều rõ, Châu ghét cay ghét đắng cậu chàng lớp trưởng như ghét loài thiên địch. Ấy mà nghe đâu hai người họ lại học chung suốt từ hồi tiểu học đến tận cấp Ba. Cái sự ghét Thịnh của Châu càng tăng theo cấp số cộng… Chiều qua trực chung, họ cũng nhặng xị hoài, cãi chẳng kém cặp Sơn – Thủy là bao.
Thế nên, nhìn bóng lưng của Châu chạy xa, Phong thầm thở phào nhẹ nhõm. May quá, nhờ có Thịnh “độ”. Đỡ đau cái đầu. Cậu bất giác nhìn sang Thịnh, trao cho lớp trưởng ánh mắt biết ơn.
Xui thay, Thịnh tưởng rằng Phong muốn bắt chuyện. Chàng lớp trưởng nhướng mày lên, ý muốn hỏi “Có chuyện gì à?”.
Phong lắc đầu. Cậu tiếp tục nhìn về phía cổng nhỏ, không bận tâm về Thịnh hay chuyện của Châu nữa.
Tuy nhiên, Thịnh không muốn dừng ở đó. Cậu hỏi thành lời:
“Chiều hôm qua đã xảy ra chuyện gì rồi, đúng không?”
Câu hỏi đó khiến đôi vai Phong phút chốc giật thót. Cậu không khỏi đánh giá cao đôi mắt tinh tường của lớp trưởng.
Phong quay lại. Cậu chối thật nhanh:
“Làm gì có chứ.”
Rồi như để tăng thêm sức thuyết phục, Phong khẽ “à” một tiếng rồi bổ sung: “Thực ra… Sơn và Thủy cãi nhau, tị nạnh việc chuyển đồ ấy mà. Sau đó Long định đấm cho mỗi người một cú. May là cản kịp. Cơ mà… chuyện này không đáng phải báo cáo đúng không? Dù sao cũng đã giải quyết ổn thỏa rồi.”
Giọng Phong pha thêm chút lo lắng. Người ngoài nghe thấy chắc sẽ cho rằng cậu đang sợ Thịnh làm to chuyện. Còn trong lòng Phong nghĩ khác: Mình chẳng gạt ai cả. Sự thật một nửa cũng là sự thật.
Thịnh đều đều đáp:
“Ừm. Tôi không báo cáo đâu.”
Nụ cười mừng rỡ chưa kịp nở trên bờ môi Phong thì đã bị câu nói tiếp theo của Thịnh dập tắt: “Thế còn chuyện người cá? Từ lúc nào nhóm các cậu lại quan tâm đến vấn đề đó vậy?”
Thịnh đã nhấn mạnh từ “nhóm”, Phong hiểu rõ điều đó nghĩa là gì.
Sơn với Thủy là oan gia có tiếng. Long thì thuộc thành phần cá biệt. Châu toàn qua lớp 11C chơi. Còn Phong cũng chỉ thân thiết với mỗi mình Bách. Kết lại, năm người bọn cậu chẳng khác gì năm ngôi sao tách biệt trên bầu trời, trước giờ vốn không có liên hệ. Nhưng rồi cả bọn lại tự dưng thân thiết chỉ sau một buổi chiều trực chung, còn luôn miệng nói về người cá… Phàm là người thông minh, chắc chắn sẽ nhận ra trong chuyện này có gì đó bất thường. Thịnh sinh nghi cũng là lẽ hiển nhiên.
Có điều, Phong vốn không quen nói dối. Nói dối trước mặt một người nhạy bén như Thịnh, cậu càng sợ mình sẽ sớm “lòi đuôi”. Suy tính thật nhanh, Phong quyết định trút hết rắc rối vào một cái tên.
“Chuyện đó thì tớ không rõ lắm. Có gì cậu hỏi Bách nhé?”
Không biết là may hay rủi, Phong vừa nhắc đến Bách thì ở phía cổng nhỏ, Bách đột ngột xuất hiện.
Chàng lớp phó học tập chỉ mới xuống xe, đang dắt chiếc Martin đen qua cổng. Đi bên cạnh, tay dắt chiếc Martin tím, là một cô gái vô cùng quen mặt, chính là Tuệ của lớp 11C.
Bách và Tuệ đang từ từ di chuyển vào sân trong đến khu vực lớp mình. Lớp 11B trốn nắng dưới tán phượng, còn lớp 11C núp dưới bóng râm của nhà thi đấu. Cả hai lớp đều có tiết thể dục chung ngày, cũng vừa chung suất. Điểm khác duy nhất là giáo viên thể dục. Lớp 11B học cô Hảo, còn 11C học thầy Nhân.
Không biết bao lần giống như chiều nay, Phong đều thấy Bách và Tuệ đi chung. Và rồi, trước lúc tách ra, Bách sẽ với lấy túi vợt trong giỏ xe của cậu, rút một trong hai cây vợt cầu lông khỏi túi, đưa cho Tuệ. Đó là một cây vợt với tông màu đỏ – trắng khỏe khoắn, trông rất hợp với con người Tuệ. Nó với cây vợt còn lại trong túi là một cặp. Mỗi lần thấy Bách cầm vợt, Phong lại bất giác nhìn xuống cây vợt màu đen – cam của mình, cảm giác có chút ghen tị cũng vừa khó chịu.
Nhưng rồi ngay khi Bách dắt xe đến trước mặt, mỉm cười với Phong, hỏi rằng: “Hôm nay đến sớm thế?” Mọi cảm xúc tiêu cực trong lòng Phong, như lớp bụi trên lá, đều bị cơn gió mát trong lời nói của Bách cuốn đi.
“Ừm. Lấy giúp cậu Sổ đầu bài luôn rồi.”
Có ai đó đã vui trở lại.
Trường THPT Hồng Giang có hẳn một nhà thi đấu cực kỳ hoành tráng với tổ hợp sân bóng, phòng múa, phòng luyện thanh… đầy đủ trang thiết bị. Ngoài ra, trường còn có một sân cỏ mini với hệ thống đèn cao áp tân tiến. Sắp tới đây, hồ bơi chuẩn bị được xây dựng. Học sinh trường ngoài không ngừng trố mắt ghen tị vì sự tiện nghi, xa hoa của học sinh Hồng Giang.
Thế nhưng, chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ tình hình.
Nhà thi đấu hay sân cỏ gì, phần lớn thời gian đều để cho thuê. Đám học sinh thân yêu của trường chỉ được phép đặt chân vào đó khi có hội thao, hay mưa gió làm ảnh hưởng kiểm tra. Còn bình thường, đồng phục xanh – đen sẽ bao trọn sân C, thu hút nhiệt dưới ánh nắng chiều.
Học kỳ hai, khối Mười một học cầu lông là chính. Sau khi khởi động xong, cố gắng ngồi ngay ngắn, nghe cho hết mớ lý thuyết lằng nhằng rồi “múa may” đại khái vài động tác, cuối cùng thì… thời khắc tự do, nhàn hạ nhất tiết sẽ hân hoan ùa đến: Đám học trò được thoải mái tản ra, đánh đơn, đánh đôi cho đến khi hết tiết.
Bên 11C, thầy Nhân với hơn hai mươi năm kinh nghiệm, biết thừa rằng học sinh bao thế hệ đều “xỏ” lý thuyết tai này sang tai kia. Cho nên, thầy giảng gọn và nhanh như gió. Chưa đầy mười phút, học sinh của lớp 11C đã vung vợt ào ào. Những quả cầu trắng bay vun vút trên không.
Dưới tán phượng, học sinh của lớp 11B chỉ biết ngoảnh đầu sang, ghen tị nhìn những nhịp cầu giao mà lòng oán trách giáo viên bên mình.
Cô Hảo mới ra trường vài năm, cực kỳ năng nổ, nhiệt huyết với nghề. Giáo án có gì, cô tuôn ra hết không sót một chữ. Còn bổ sung kiến thức bên ngoài. Tiết nào cũng vậy. Mồ hôi lăn đầy trên mặt cô. Trong khi đó, đám học trò thì ngáp dài ngáp ngắn, thầm thì to nhỏ.
Chiều hôm nay cũng chẳng khá hơn. Đã gần hai chục phút trôi qua, Thủy ngồi nghe đến tê cứng chân, ê cả “bàn tọa”. Không chịu được nữa, cô nàng chắp hai tay trước ngực, lẩm bẩm khẩn cầu:
“Bớ thầy Đăng! Mong thầy hiển linh!”
Phong và Bách ngồi ở hàng sau, nghe thế bỗng cười.
Thầy Đăng với cô Hảo là bạn cùng khóa, quan hệ khá thân thiết với nhau. Hơn nữa, theo quan sát của đám học trò, thầy Đăng còn là đối tượng thầm thương trộm nhớ của cô Hảo.
Có lần đang dạy, thấy thầy Đăng tình cờ đi ngang qua, cô Hảo bất giác ngẩn ra, má ửng đỏ hồng như người đang say.
Nắm được điểm đó, mấy cô nàng đam mê chuyện “tình yêu, tình báo” trong lớp 11B liền nài nỉ ông thầy chủ nhiệm: “Thầy ơi, lúc lớp mình học thể dục ấy, thầy rảnh thì ghé qua động viên bọn em chút nhé?”
Thế là, mỗi lần thầy Đăng tạt sang phía góc phượng, lớp 11B được ra chơi sớm hơn. Mấy đôi mắt mới lớn tha hồ hóng xem “phim tình cảm dài tập”.
Có điều, cái gì cũng có giá của nó. Vì là “lớp chủ nhiệm của người mình thương” nên 11B được cô Hảo đối xử rất đặc biệt. Tiết thể dục nào cũng được học vượt quá mức cần thiết, hệt như buổi hôm nay.
Nhưng mặc kệ Thủy cầu xin, chủ nhiệm của lớp 11B vẫn chẳng thấy tăm hơi. May thay, nhờ thầy Nhân ghé qua, muốn trao đổi vài việc, cô Hảo mới chịu buông tha cho đám học trò. Lập tức, như cánh chim sổ lồng, Châu vội vã kéo Thủy chạy về phía bồn hoa, nơi Tuệ và Quỳnh đang đánh cầu với nhau.
Câu chuyện về lời nguyền người cá tiếp tục được Châu nhắc lại.
Phong và Bách cũng xách vợt qua đó. Chỗ đối diện bồn hoa, gần nhà để xe là nơi hai cậu bạn thường xuyên đánh cặp. Có điều chiều nay, cặp Long – Thịnh cũng đi sang đó. Bốn cậu trai phút chốc đứng tụ lại một chỗ, lúng túng nhìn nhau.
Tuy không nói ra nhưng Phong biết tỏng: Hai cậu bạn chắc là vì… Quỳnh với Châu chứ gì!
Phong cứ tưởng Long với Thịnh chẳng khác gì rổ rá cạp lại – không ai đánh cặp nên mới kết đôi, ai ngờ về mặt tình cảm cũng đồng lòng phết. Chắc Phong phải khuyên Bách nhường lại chỗ này thôi.
Bách dĩ nhiên cũng nhìn ra được mục đích “lồ lộ” đó. Cậu trao cho hai người bạn học một nụ cười Đức Phật… sau đó nói với giọng lạnh băng:
“Bọn này tới trước nên phiền hai cậu chọn chỗ khác nhé?”
Khi nói câu đó, Phong thấy Bách đang nhắm đến Thịnh. Cảm giác trả đũa hiện lên rõ mồn một, nhưng Phong lại chẳng hiểu nguyên do.
Thịnh xích mích với Bách từ lúc nào chứ? Hay có liên quan đến Châu?
Dù gì Phong cũng không muốn chuyện này phức tạp hơn. Cậu nhanh chóng đề ra ý tưởng khác.
“Thôi thì… đánh đôi đi? Sẵn đấu một trận xem nào!”
Trong lúc bốn cậu trai “thương thảo”, hội bên Châu cũng căng thẳng chẳng kém.
Vừa đánh trả quả cầu trắng về phía Thủy, cái miệng nhỏ của Châu lại tiếp tục hoạt động:
“Tuệ, cậu cũng liên quan đến vụ này mà. Đừng thờ ơ vậy chứ! Lời nguyền không buông tha cho một ai đâu!”
“Tuệ. Cậu nên giải quyết chuyện này sớm đi.”
Bạn cùng lớp của Tuệ cũng đã lên tiếng giục. Nhưng ý Quỳnh không giống như Châu. Quỳnh đang hối Tuệ: “Giải quyết cô ‘Trâu’ này nhanh đi!”
Không cần phải hối, đôi tai Tuệ cũng đã bị tra tấn quá đủ. Cô để mặc quả cầu mà Quỳnh đánh sang bay vút qua đầu rồi thu vợt, thở dài một hơi, nói với Châu:
“Đốt nó đi.”
“Hả?” Châu đứng sững lại, chẳng còn nhớ đến việc phải phát cầu sang cho Thủy.
Tuệ kiên nhẫn lặp lại:
“Đốt tấm ảnh đi. Nếu cậu sợ người cá vì tấm ảnh mà trả thù cậu thì cứ việc đốt nó là xong. Đốt kèm theo chút vàng mã cũng được. Oan hồn người cá nhận lại ảnh rồi sẽ không theo ám cậu nữa đâu.”
“Cậu chắc chứ, Tuệ?”
Gương mặt Châu sáng bừng như mặt trời. Cả Thủy cũng phản chiếu những tia nhìn mừng rỡ.
“Chẳng phải mấy món đồ đã biến mất rồi sao? Chỉ còn mỗi tấm ảnh kẹt lại. Cho nên mới xảy ra những chuyện kỳ quái này. Vậy chỉ cần gửi trả lại là ổn. Không chôn được thì đốt.”
Lý giải của Tuệ thật khác với Bách. Thay vì đào sâu vào nguyên nhân mấy món đồ bị mất, Tuệ đưa ra luôn cách giải quyết vấn đề – điều Châu và Thủy mong chờ nhất hiện tại. Hai cô bạn lập tức ôm lấy nhau mừng vui.
Duy chỉ Quỳnh – cô bạn hiểu rõ Tuệ nhất, là chau mày nghi ngờ. Tuệ mà cô biết không đời nào lại thốt ra mấy lời mê tín, chẳng có lấy cơ sở khoa học kia. Hai cô nàng lớp 11B có thể bị lừa, chứ Quỳnh thì không.
Tuệ đang che giấu gì đó, Quỳnh rất chắc chắn điều này. Nhưng Tuệ đã không tiết lộ. Quỳnh cũng chẳng muốn làm một kẻ nhiều chuyện.
Quỳnh lẳng lặng đứng nhìn Tuệ quay ra sau nhặt cầu. Giọng nói hân hoan của Châu và Thủy vẫn không ngừng vang đến bên tai. Nhưng rồi Châu bỗng thét lên một tiếng. “Á!” Quỳnh ngó sang, giật mình sợ hãi khi nhìn thấy cây vợt trắng – hồng của Châu đang bay vút lên trời.
“Tuệ!!!”
Quỳnh hét lên, lao đến chỗ Tuệ.
Cây vợt đang trên đà rơi xuống đầu Tuệ trong lúc cô đứng lên.
Nghe gọi nên Tuệ quay lại, ngơ ngác nhìn về phía Quỳnh, chẳng hề nhận ra phía trên đầu mình có thứ đang đáp xuống.
“Coi chừng!” Quỳnh chỉ lên trời.
Tuệ nhìn lên theo, bàng hoàng đối diện với cán vợt hồng đang đập thẳng xuống.
“Á…!”
Ai đó bỗng tóm lấy Tuệ, kéo cô sang bên, thoát nạn trong gang tấc. Cây vợt cứ thế đáp xuống đất với một lực rất mạnh làm biến dạng khung, lưới cũng bung ra.
Quỳnh mặt mày trắng bệch, chỉ biết thở hắt ra nhẹ nhõm, không sao nói tiếp được nên lời.
“Tuệ, ổn chứ?”
Ngay lúc tiếng hét của Châu vang lên, nhóm bên Phong quay đầu nhìn ngay. Nhưng chỉ có mỗi Bách là tức tốc băng qua bồn hoa, chạy về phía Tuệ.
Có điều, Bách đã đến chậm một bước. Cậu bị vấp giữa đường như bị ai níu lại.
May thay, thầy Đăng cũng đang ở gần đó, đã kịp thời lao đến. Bách nhìn thầy bằng ánh mắt biết ơn rồi vội vã hỏi han Tuệ – người đang đứng đơ ra bên cạnh thầy.
Châu cũng chạy đến bên, rối rít xin lỗi.
“Xin lỗi, Tuệ! Tớ không cố ý đâu. Tự dưng cây vợt tuột khỏi tay tớ rồi bay đi giống như bị ếm vậy… Ôi, hay chuyện này cũng liên quan đến lời nguyền người cá? Những lời cậu đã nói khi nãy có khi nào… đã chọc giận oan hồn người cá không?”
Giọng Châu trở nên bấn loạn.
Thủy vừa chạy đến nơi cũng sững lại, lẩm bẩm:
“Tuệ đang bị trừng phạt sao?”
“Các cậu thôi đi!” Quỳnh quát lên. Cô đã nghe đến bực vụ oan hồn này rồi. “Châu, là do cậu vung tay quá trớn nên cây vợt mới bay đi đấy! Đừng có đổ lỗi vớ vẩn nữa!”
“Không… Tớ biết là tớ cũng có lỗi. Nhưng chuyện này không bình thường chút nào! Sao cây vợt lại trùng hợp bay về phía của Tuệ được chứ?”
Mấy cô gái tiếp tục tranh cãi. Bách không can thiệp vào, chỉ thầm quan sát nét mặt thầy chủ nhiệm – người nãy giờ chắc chắn đang lắng nghe cuộc cãi vã kia không sót một từ.
Quay ngược lại thời gian một chút. Tại sao thầy Đăng lại xuất hiện đúng lúc như thế? Là vô tình, thầy đang đi ngang qua? Hay bởi vì… thầy đã có mặt ở gần đó từ trước?
Bách tạm dừng những nghi vấn ở đó. Tuệ đang im lặng khác thường khiến cậu có cảm giác bất an.
Lẽ nào sự cố vừa nãy khiến Tuệ sốc đến vậy sao?
Bách vừa nghĩ đến đó thì Tuệ bất ngờ lên tiếng.
“Các cậu cứ luôn miệng bảo oan hồn người cá, lời nguyền này nọ… Tức là, các cậu cho rằng người cá đã chết rồi đúng không?”
Giọng Tuệ hậm hực thấy rõ.
Bách nhận ra, Tuệ không quan tâm mấy đến vụ “vợt bay”. Cô đang bực bội, giận dữ vì chuyện khác. Theo tình hình, hiển nhiên là do sự mê tín cố chấp của Châu.
“Vì tóc đã bị cắt, móng bị rút đi, thậm chí xương còn bị chặt ra, nên khả năng cao người cá đã chết rồi chứ gì?”
Châu và Thủy không đáp. Lúc nhìn thấy mấy bộ phận ghê rợn trong túi rút, phần lớn ai cũng bất giác cho rằng người cá đã chết, chẳng dám nghĩ sâu hơn.
Tuệ chính là đang mắng sự thiển cận đó.
“Các cậu… Đừng có hồ đồ nữa! Sợ cái gì nó đáng sợ ấy! Giả như người cá chưa chết thì lấy đâu ra oan hồn để đeo bám các cậu?”
Quỳnh nhẹ nhõm. Đây mới đúng là những lời thật lòng của Tuệ. Tuệ cũng đã quá mệt mỏi vì phải giấu giếm rồi.
“Còn nếu như người cá đã chết, tớ chắc chắn oan hồn người cá sẽ không tìm đến các cậu đầu tiên đâu.”
Câu tiếp theo Tuệ vừa nói vừa nhìn thẳng vào mặt thầy Đăng. Giọng cô đanh lại.
“Nếu oan hồn có khả năng báo thù, là tớ, tớ sẽ tìm đến kẻ đã giết chết mình đầu tiên!”
Tất cả những gì được viết ở đây đều là sự thật. Chúng tôi đã bắt được người cá.
Không hiểu sao trong đầu của những người liên quan đồng loạt hiện lên dòng chữ ấy. Ai cũng có cảm giác… mình đã đến rất gần một tội ác!