bởi Guno

6
2
2643 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 3


“Biến mất rồi.”

Tiết sinh hoạt chủ nhiệm tuần này, thầy Đăng cho phép học sinh lớp 11B tự do thảo luận, quyết định ý tưởng cho lễ hội trường vào ngày thành lập Đoàn sắp tới. Nhân cơ hội đó, Châu cùng với Phong và Bách tranh thủ tập hợp những người có liên quan đến “sự kiện” chiều qua, ngồi thành một nhóm.

Phong được Châu nhờ cậy làm đại diện, nhận nhiệm vụ thông báo tình hình. Cậu kể lại chi tiết mọi chuyện, từ lúc Châu lấy trộm tấm ảnh, đem về nhà thì ảnh đã biến đổi ra sao cho đến khi đem trả về chỗ cũ. Đến đây, rắc rối mới thực sự bắt đầu.

“Quyển vở, sấp ảnh và cái túi rút đỏ… tất cả đều đã biến mất. Bọn này đã thử đào sâu hơn xuống dưới, nhưng vẫn chẳng thấy gì. Dưới miếng gạch vỡ, chỉ còn lại đất và cát thôi.”

Giọng Phong phát ra vừa đủ nghe. Những người bạn cũng đã hiểu vấn đề. Bằng chứng là, sắc mặt mỗi người đã chẳng còn bình thản như trước. Châu là người thấy hoảng loạn hơn cả. Cô gõ bàn liên tục khiến đôi bông tai nay đã về nguyên cặp cứ đung đưa suốt.

“Các cậu tin chưa? Lời nguyền có thật đó. Nó đã phát động rồi. Nếu không làm gì, bọn mình sẽ chết hết cho coi!”

Chuyện vừa nghe kể đúng thật đáng sợ, Thủy đã mong “chuyện hôm qua kết thúc ở hôm qua”. Nhưng điều kỳ quái vẫn cứ tiếp diễn… Thủy vừa sợ cũng vừa bực bội. Cô đành trút giận vào kẻ đã khơi mào chuyện này.

“Đều tại đồ ‘Trâu’ cậu mà ra! Nếu không phải do cậu tham lam thì làm gì đến nông nỗi này!”

Sơn lần đầu tiên đồng tình với “oan gia”.

“Phải đó! Cậu chính là người đã lấy trộm ảnh. Nếu oan hồn người cá tồn tại, cậu mới là kẻ phải chịu lời nguyền! Bọn này không liên quan gì hết!”

“Các cậu… Sao các cậu dám đổ lỗi cho tớ? Chiều qua, chẳng phải các cậu cũng cùng đào hay sao? Sao có thể phủi tay dễ như thế…?”

Châu thất vọng đến nghẹn ngào. Một cái miệng không thể cãi lại hai. Cô quay sang, đành cầu cứu Bách.

“Lớp phó, cậu thuyết phục bọn họ giúp tớ đi!”

Bách điềm đạm lên tiếng:

“Các cậu, chắc đều đã từng xem qua phim kinh dị đúng chứ? Thường thì trong mấy phim kiểu này, người giống Châu sẽ chết đầu tiên, kế đến là… Sơn và Thủy. Sau đó, những người còn lại rồi sẽ tin thôi.”

Bách kết thúc nhẹ bẫng, chẳng hề quan tâm ba người bạn vừa được nhắc tên đang run người vì sợ. Dẫn chứng quá đỗi “chân thật” đó của cậu khiến bầu không khí đang kích động vượt mức bỗng hạ xuống ngay theo chiều hướng tiêu cực.

Long, người nãy giờ vẫn luôn im lặng, bất ngờ cất giọng:

“Mày mà cũng tin chuyện đó sao, Bách? Hay mày đang muốn ám chỉ gì?”

Đôi mắt Long đầy vẻ nghi ngờ. Cậu không tin vào chuyện ma quỷ nên cũng chẳng sợ. Long chỉ bực vì đã bị lôi vào chuyện này.

Bách trả lời:

“Tớ chỉ đang xét từng phương diện thôi. Ở phương diện tâm linh mà nói, tấm ảnh biến đổi hay đồ chôn bị mất, chính là những dấu hiệu cảnh báo dành cho các cậu. Các cậu đã đào phải thứ không nên động đến và khiến cho lời nguyền phát động. Kết cục cho chuyện này chỉ có thể là…”

Lúc nghe đến đây, hội con gái và Sơn lập tức bịt tai lại.

“Hoặc các cậu phá được lời nguyền. Hoặc từng người sẽ phải đền mạng. Đây là một cốt truyện thường thấy. Tớ nghĩ, nó cũng hợp lý thôi.”

“Hợp lý cái đầu cậu!”

Thủy nhỏ giọng mắng. Những lời đáng sợ luôn có khả năng luồn lách vào đôi tai dù nó đã được che chắn kỹ. Có điều, đáng sợ hơn cả chính là thái độ của Bách. Thủy tự hỏi, sao cậu ta có thể thản nhiên mà thốt lên những điều ghê rợn đó? Tính ra lúc này, Bách còn nguy hiểm gấp bội hơn oan hồn người cá!

Thủy bắt đầu nhìn Bách bằng ánh mắt đề phòng.

Thấy tình hình đang căng thẳng trở lại, Phong vội thúc tay vào người Bách, nhắc: “Đừng dọa mọi người nữa.”

Nụ cười trên môi Bách đã mềm mỏng hơn. Cậu tiếp tục:

“Còn xét ở phương diện khoa học, tớ có lý giải khác. Đầu tiên, tấm ảnh bị phai màu, có thể do trong quá trình mang từ trường về nhà, Châu đã vô tình làm dây nước vào đó. Theo tớ biết, tùy theo lượng nước và thời gian bị ngấm trong nước, ảnh chụp sẽ có các mức độ hư hỏng khác nhau. Tấm ảnh người cá không bị phai màu nhiều, chắc chỉ bị thấm một vài giọt nước thôi. Nước đó có thể là từ nước rửa tay đọng lại, hoặc là… mồ hôi tay rỉ ra.”

Mọi ánh mắt đồng loạt hướng về phía của Châu.

Ai cũng biết Châu bị chứng tăng tiết mồ hôi. Mỗi lần cô nàng bị gọi lên trả bài là mồ hôi mẹ đẻ mồ hôi con tranh nhau lăn trên tay như tắm. Lúc này cũng vậy. Châu bị các bạn nhìn chăm chăm đến không thở nổi. Cô tức giận giơ hai bàn tay ướt nhẹp lên, gào:

“Ừ, đấy…! Mồ hôi tay đây này!”

Gương mặt Châu tổn thương thấy rõ.

May sao, Bách lên tiếng lại, kéo ánh nhìn hướng trở vào mình.

“Về những món đồ bị mất… Nếu gạt đi giả thuyết chúng tự biến mất đi, đồng thời xem đây là một vụ mất đồ thông thường, các cậu nghĩ tại sao đồ đem chôn dưới đất lại không cánh mà bay?”

“Có ai đó đã đào chúng lên.”

Long trả lời. Cậu đã nghĩ đến điều này từ đầu.

Một vài gương mặt phút chốc bừng tỉnh.

Sơn chỉ đích danh Châu:

“Châu, là cậu làm đúng không? Một tấm ảnh chẳng thấm thía gì nên cậu đã trộm hết! Vừa ăn cắp vừa la làng hả?”

“Không. Tớ thề đấy!” Châu cuống cuồng giải thích. “Tớ chỉ lấy trộm một tấm ảnh thôi… lấy trước khi các cậu chôn đồ kìa! Rồi tụi mình sang khu phòng mới. Tớ ở bên các cậu suốt mà, đến tận lúc về, không ai nhớ hả? Khi đó, phòng thực hành cũ cũng đóng cửa rồi, tớ làm sao mà vào được chứ!”

Châu trông sắp khóc đến nơi. Đã nói hết nước hết cái mà mọi người vẫn không chịu tin… chắc Châu chết vì uất ức mất. Cô sắp thành cậu bé chăn cừu, tuyệt vọng nhìn sói đến “thịt” thôi.

“Châu nói… cũng có lý đó.”

May sao, Châu không cần phải chết vì Thủy đã tin lời cô. Cô bạn “Bà Tám” khẳng định: “Chiều qua, bọn này sợ chết khiếp luôn ấy nên dính nhau như sam, còn đi về chung mà. Châu không thể lẻn đi đào đồ được đâu.”

“Thế ai đã đào chứ?”

Sơn hỏi đúng cái câu ai cũng muốn hỏi nhưng lại chẳng biết đáp án là gì.

Mấy người bạn đoán già đoán non, luẩn quẩn mãi trong mớ bòng bong không thấy hồi kết.

Phong thì khác. Cậu có hẳn hai đối tượng tình nghi ngay khi giả thuyết về “tên trộm” được Bách đưa ra.

Người đầu tiên là thầy Dương, còn lại chính là thầy Đăng.

Càng suy nghĩ, xâu chuỗi lại mọi chuyện, Phong cảm thấy cậu đang tiến gần đến đáp án hơn.

Một trong hai người thầy của cậu, hoặc thậm chí là cả hai, có khả năng chính là “tên trộm” bọn cậu đang tìm. Thời điểm lấy trộm không phải chiều qua, mà diễn ra ngay trong sáng hôm nay vào giờ ra chơi thứ nhất.

Phong suy đoán, lúc nhìn thấy tấm ảnh người cá, nhân lúc nhóm bọn cậu đi tìm thầy phụ trách, “tên trộm” đã lẻn vào khu phòng thực hành cũ – cụ thể là phòng Lý, đào mấy món đồ lên.

Có điều, suy luận của Phong vẫn chưa hoàn thiện. Còn vài lỗ hổng, cậu muốn tham khảo thêm ý kiến của Bách, trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

“Bách này, chìa khóa phòng thực hành cũ có mấy cái nhỉ?”

“Thầy phụ trách giữ một rồi này. Tớ nghĩ, phòng bảo vệ cũng có đấy.”

Vậy là mượn bảo vệ. Phong gật gù, như vừa đánh một dấu tích đỏ vào dòng “Cách thức lẻn vào phòng”.

“Thế lúc mình đào tốn bao nhiêu phút nhỉ?”

Phong hỏi tiếp. Bách cũng trả lời rất nhanh như đã có sẵn đáp án trong đầu.

“Khoảng hai, ba phút. Do không tìm thấy nên bọn mình tốn nhiều thời gian hơn. Nghe bảo các cậu chôn khá nông, nếu vẫn còn đồ, chắc đào lên không quá một phút đâu.”

Phong tiếp tục suy tính, chẳng hề nhận ra Bách đã nói trước những điều cậu định hỏi.

Giờ ra chơi đầu kéo dài mười lăm phút. Kể từ lúc nhóm Phong lấy lại được tấm ảnh cho tới khi đến khu thực hành cũ tốn chừng sáu phút. Với khoảng thời gian đó, việc “tên trộm” đào lấy món đồ, lấp lại rồi rời đi là rất có khả năng.

Thắc mắc cuối cùng chính là động cơ.

Phong tự hỏi, tại sao “tên trộm” lại phải gấp rút đào lấy món đồ? Vì trông thấy tấm ảnh người cá nên “tên trộm” chột dạ, vội vã tìm đến nơi cất giấu để kiểm tra?

Nhưng những món đồ Phong đã thấy không giống như mới chôn gần đây. Sắc giấy của quyển vở rất cũ. Vải của túi rút cũng đã mục hết. Thời gian chôn cũng phải chục năm, hoặc lâu hơn thế. Xét đến tuổi tác của hai kẻ tình nghi – người hai mấy và kẻ bốn mươi, liệu rằng đối tượng đã chôn mấy món đồ với “tên trộm” có cùng là một?

Nếu không cùng, tại sao “tên trộm” lại biết rõ được vị trí chôn đồ? Hay vốn dĩ “tên trộm” mà Phong nghi ngờ không phải là tên trộm thật sự? Họ chỉ tình cờ biết về người cá trong tấm ảnh, hoàn toàn không có liên quan gì?

Còn nếu như đôi bên quen biết hoặc cùng là một kẻ, “tên trộm” đã nghĩ gì khi quyết định chuyển món đồ đi? Lo sợ? Sợ rằng người ta sẽ biết được bí mật về người cá, hay còn có ẩn tình nào khác? Giả dụ trước đó, Châu đã lén lấy hết đồ, “tên trộm” sẽ làm gì tiếp theo nếu dưới miếng gạch chỉ còn đất và cát? Từ bỏ sao? Hay “tên trộm” sẽ tìm đến Châu đòi lại?

Câu hỏi đặt ra ngày càng phức tạp, Phong vừa muốn tìm ra câu trả lời, cũng vừa e ngại. Cậu có linh cảm không tốt về chuyện này. Nên dẫu rất muốn trao đổi với Bách, Phong chỉ đành im lặng, không muốn kéo Bách lún sâu.

Cuộc bàn luận ngày một đi xa, cũng ồn ào hơn khiến một nhân vật không mời xuất hiện.

Giây phút thầy Đăng đứng sau lưng Long, Phong không khỏi than lên trong lòng: Tiêu rồi!

Thầy Đăng mỉm cười, cất tiếng. Nhưng Phong thấy đôi mắt thầy là cả một hồ băng.

“Nhóm bên này thảo luận hăng quá nhỉ? Đã nghĩ ra được ý tưởng nào chưa?”

Giọng thầy Đăng thoạt nghe rất vui vẻ, thân thiện. Có điều, học trò của thầy đều rõ: Không trả lời được là có chuyện ngay!

Riêng khoảng này, thầy Đăng và Bách giống nhau như lột. Họ chính là cặp thầy trò “hắc ám” của lớp 11B!

Với tài nhanh miệng, Thủy đã hy sinh lên tiếng cứu các bạn.

“Dạ, thầy… Bọn em nãy giờ có nhiều ý tưởng lắm. Nhưng tranh cãi mãi nên chưa thống nhất được. Chắc phải bàn tiếp ạ!”

“Ồ. Vậy sao?”

Hàng lông mày của thầy Đăng nhướng lên, cảm giác như cả bọn sắp qua ải. Nhưng lời thầy nói thì chẳng hề nhân nhượng:

“Kể ra xem nào.”

Thủy cứng họng ngay.

Những người bạn khác lập tức cúi đầu như đám rùa rụt cổ.

Giữa lúc ấy, giọng Bách vang lên:

“Thưa thầy, bọn em tính làm một thứ gì đó có liên quan đến… người cá ạ.”

Tức khắc, như bị đánh động, mấy cái “đầu rùa” vươn dài trở lại, đồng loạt nhìn về phía của Bách. Ai cũng muốn rống lên: “Sao cậu dám khư chuyện đó ra hả?!!!”

Riêng Phong, cậu lại cho rằng Bách có cái lý của mình. Ai chứ Bách là người không bao giờ phát ngôn mà không có mục đích.

Thầy Đăng cũng hiểu điều đó. Thầy chỉ nói “Nghe hay đấy” với cậu chàng lớp phó rồi chuyển mục tiêu sang Châu ngay.

“Vậy ra, tấm ảnh người cá em đánh rơi lúc sáng là sự chuẩn bị cho ý tưởng này à? Thầy có thể xem lại nó được không?”

Ánh mắt Phong sáng quắc lên, cảnh giác. Cậu như nghe được ẩn ý thầy cố giấu bên trong.

Thầy ấy đang muốn kiểm tra tấm ảnh đó kỹ hơn. Lẽ nào trước đây thầy chưa từng thấy qua?

Phát hiện điều đó, Phong cảm thấy khả năng thầy Đăng là “tên trộm” đã giảm đi một chút.

“Đây ạ.”

Trong lúc đó, thầy Đăng đã nhận lấy tấm ảnh. Một khoảng tối phút chốc hằn trên gương mặt thầy tựa như cảm xúc đang dồn nén bên trong. Đôi mắt thầy không chỉ lạnh lẽo hơn mà dâng đầy oán hận. Bàn tay cầm ảnh đang siết chặt lại khiến mấy ngón tay đột nhiên trắng toát. Còn bàn tay kia – thầy đang đút bên trong túi quần, cũng không ngừng run lên, kích động.

Đám học trò dĩ nhiên thấy hết, nhưng phần lớn đều chọn cách im lặng. Thầy Đăng đang rất “bất thường” nên càng phải cẩn trọng, dè chừng hơn.

Khi thầy hỏi “Em tìm đâu ra tấm ảnh này thế?”, Châu cứ mấp máy môi mà chẳng thốt được lời. Bách tiếp tục làm đại diện phát ngôn:

“Là ảnh photoshop đấy thầy. Bọn em đang thử làm cho nó trông cũ rách một chút, nhìn sẽ ma mị hơn.”

“Ừm. Trông y như thật vậy.”

Thầy Đăng gật đầu. Giọng thầy nhấn mạnh nhưng đầy châm biếm. Rõ ràng, thầy chẳng thèm tin Bách lấy một lời.

Bách vẫn mỉm cười bình thản. Phản ứng của thầy Đăng có vẻ đã nằm trong dự tính của cậu.

Thầy đã thua 0–1, Phong thầm nghĩ.

Có điều, thầy Đăng vốn chẳng phải tay vừa. Kẻ cắp gặp bà già. Vài giây sau đó, thầy đã bất ngờ tung một cú gỡ hòa đến Bách cũng không lường trước được.

“Vậy đi nhé… Các em đã chuẩn bị kỹ càng như thế, thầy cũng không lo lắng gì nữa. Giao cho nhóm các em chỉ đạo lớp trong lễ hội lần này! Bách, em làm nhóm trưởng.”

Nói rồi, thầy Đăng quay trở lên bục giảng, tươi cười thông báo:

“Nghe đây, các em! Thầy đã chọn được ý tưởng cho lễ hội trường. Lớp ta sẽ làm… ‘Nhà ma Người cá’!”