48
6
2496 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 4: Bắt đầu cuộc sống mới


Chương 4: Bắt đầu cuộc sống mới

 

Khóc thương đã đủ, Lê Duy An phải tính đường sống tiếp, bước đầu tiên là làm bản thân khỏe lên. Lê Duy An ăn no ngủ kỹ, uống thuốc đúng giờ, song song đó, hắn từ từ làm quen với cuộc đời mới.

 

Theo như hắn được biết, Đại Ninh này đang ở thời quân chủ phong kiến, họ Mạnh đứng đầu, Hoàng đế sử dụng mô hình tập quyền như các triều đại cũ tại bốn nước Trung, Nhật, Hàn, Việt ở Trái Đất. Ngôn ngữ ở đây, may mắn thay, giống với tiếng mẹ đẻ của hắn từ thanh âm tới ngữ pháp, nhờ vậy mà hắn nói chuyện được với mọi người mà không gặp trở ngại gì, trừ chuyện xưng hô hãy còn lấp vấp. Hắn gọi các vị quan hoạn là "công công" và bị ăn bợp tai từ ông giám gầy gò vì ông ta tưởng hắn học hư từ đâu mà đi trêu họ là bọn chim công lòe loẹt. Thứ lỗi cho hắn, Việt Nam còn chưa thịnh hành phim cung đấu cổ trang nước nhà.

 

Lê Duy An cũng học dần cách sống mà không có "chân giữa". Ban đầu hắn thấy thật trống vắng nhưng riết rồi thành quen, trừ chuyện tiểu tiện phức tạp ra thì còn lại tạm thời không cần để tâm lắm, hắn không thích phụ nữ nên chẳng có dự định sinh con, cũng không thiết tha yêu đương gì, chỉ cần đừng quăng đàn bà cho hắn rồi bắt kết hôn lăn giường là được.

 

Người thu nhận hắn là ông giám họ Lê tên Diệu, quê ở Yên Giang, cùng quê ngoại Lê Duy An thế giới này, có lẽ vì hai sự trùng hợp này mà ông nhận hắn làm dưỡng tử, chăm sóc hắn chẳng khác chi mẹ già chăm con mọn. Ngày ba bữa, tan ca làm xong ông sẽ tới bên giường hắn, dỗ hắn ăn cơm uống thuốc, thậm chí còn giúp hắn tắm rửa, nếu quá bận thì ông sẽ sai đàn em làm thay. Lê Duy An quen sống tự lập mấy chục năm qua, tự dưng thành gà con trong ổ thấy cứ là lạ làm sao, nhưng người ta đã có lòng, hắn thì đang lúc nhung nhớ tình thân gia đình nên cứ thuận theo.

 

Ngày qua ngày, hai kẻ lạ từ từ làm quen với nhau, bắt đầu bằng những câu hỏi han sức khỏe, "hôm nay con đỡ sốt chưa", "ông làm về có mệt không", đại loại như vậy, rồi tiến dần lên mấy chuyện chung chung. Hắn hỏi về công việc của ông lẫn công việc tương lai của mình, được ông giảng giải rất nhiều, nhưng có thể tóm gọn trong một câu: phục vụ các ông trời con.

 

Không còn mô tả nào hợp hơn mô tả này.

 

Lê Diệu là thái giám được đức bà Thái hậu giao trông nom cung Thúy An, cung Thúy An cùng các cung Xuân Tín, Nhật Trú, Kim Giai là nơi ở của con vua Đại Ninh trước khi bọn họ bước vào tuổi trưởng thành. Các ông hoàng, bà chúa này bị tách khỏi mẹ khi vừa dứt sữa, giao cho cung nữ, thái giám nuôi nấng dưới danh nghĩa hầu hạ, để mẹ bọn họ rảnh rang hầu hạ lại đức vua. Lê Duy An cảm thán, không hổ là hoàng gia, cái gì cũng kiện toàn, chuyên môn hóa ngay từ trong nhà.

 

Lê Duy An cảm thấy khá lo lắng, hắn ở trong quân ngũ gần chục năm nay, kinh nghiệm săn sóc trẻ nhỏ, cụ thể là em gái ở nhà, bị bào mòn dần, hắn có "nuôi dạy" một vài đàn em trong quân nhưng toàn bằng nắm đấm. Nghĩ tới đây, Lê Duy An giật thót, nhỡ như hắn theo thói quen ở kiếp trước, nổi khùng lên rồi đập một ông trời con nào đó thì thế nào?

 

"An, con." Ông giám thấy hắn bỏ dở bát cháo nên lấy làm lo. "Con sao vậy? Sao không ăn nữa?"

 

"Dạ, tại con thấy lo." Lê Duy An thành thật thú nhận. "Lỡ con có làm chi sai thì sao?" Họ hàng của Lê Duy An thế giới này là thứ rẻ rách, chết đi đỡ chật đất, nhưng liên lụy đến cả Lê Diệu thì không nên, thế là vô ơn.

 

"Không sao." Lê Diệu cười thực hiền, xoa đầu hắn. "Có cha ở đây rồi, cha sẽ lo cho con."

 

Cha. Đã bao lâu rồi hắn mới nghe lại tiếng gọi này, khóe mắt tự dưng ươn ướt. Hắn há to miệng, ăn muỗng cháo Lê Diệu đút cho.

 

Ăn xong thì phải uống thuốc theo cữ, ông giám gầy gò đẩy cánh cửa, bưng chén thuốc đen ngòm đến, bốc mùi thối hoắc tới. Thuốc thời xưa làm từ cây cỏ, bứng nó lên, đẵn nó xuống, cho vào nước sắc, nên nó giống với mùi cây cối ngâm trong nước lũ, một trong những mùi hương cuối cùng hắn ngửi được trước khi xuyên không. Hắn ghét mùi này, nhưng chẳng sao cả.

 

"Uống!" Ông giám gầy gò gí chén thuốc sát miệng hắn.

 

"Dạ..."

 

Hôm trước hắn ỷ là con bệnh nên nói ông để thuốc lên bàn để uống sau, cả hắn cả Lê Diệu nói đỡ cho hắn đều bị ông này "sấy" cho quắt người. Từ đó hắn rút ra bài học, ở đây, khi được cho thứ gì thì phải nhận ngay, bằng hai tay, sau đó nói lời cảm ơn một cách chân thành nhất.

 

"Con cảm ơn ông ạ." Lê Duy An nhận chén thuốc bằng hai tay, cẩn thận nở một nụ cười chân thành nhất có thể.

 

"Giỏi đấy." Ông giám già ấn đầu hắn bằng bàn tay xương xẩu rồi quay ra ghế ngồi, bắt chéo chân, hất hàm đòi uống trà. "Rót tôi chén trà đi ông Diệu."

 

Lê Diệu nhăn nhó mặt mày nhưng vẫn ì ạch đi rót trà cho ông bạn quý, rồi cũng tự rót cho mình một chén trà. Hai người bọn họ uống Long Tĩnh, loại trà thượng hạng, kể nhau nghe những chuyện trong ca trực của mình, Lê Duy An đem thuốc làm trà, lẳng lặng mà nghe.

 

Ông giám gầy gò tên đầy đủ là Mã Ý, gần với danh nhân Tam Quốc Tư Mã Ý, là một trong những người kề cận Hoàng đế Đại Ninh tại cung Càn Thống, được tin tưởng tới mức nhận việc hầu giấy mực khi vua phê tấu sớ hay thảo lệnh. Nhà vua dạo này đang vào tuổi già, thường thấy đau nhức ở gáy, lưng, và ông cũng bắt đầu cảm nhận được sự đe dọa từ sức trẻ ngùn ngụt của những đứa con trai, cả lớn lẫn bé. Nhà vua bắt đầu than phiền, đồng thời cài cắm những ẩn ý sâu xa, khiến người ta sợ hãi.

 

Xem ra dạo gần đây kẻ hầu người hạ như Lê Diệu chịu không ít cực khổ, Lê Duy An thầm nghĩ.

 

Mã Ý đang nói nửa chừng, liếc sang giường Lê Duy An, thấy đôi tai hắn nhỏng lên, mắt ưng của ông ta quắc sáng, miệng tà tà cười:

 

"Ranh con, mày nghe được gì rồi?"

 

Lê Duy An nuốt trôi ngụm thuốc, nuốt cả nỗi sợ vào bụng, bình tĩnh trả lời Mã Ý:

 

"Dạ thưa ông, con nghe thấy vua mình nói dạo này nóng nực, vậy mà mấy ông lang băm cứ đưa thuốc gì vừa nóng vừa đắng..."

 

Và hắn ăn ngay một cái bạt tai trời giáng từ "danh nhân". Lão Ý gầy mà khỏe như vâm, lại có lợi thế từ những đốt xương tay lồi ra, gây sát thương không nhỏ, mà thân thể Lê Duy An bây giờ yếu như sên, thế là hắn xiểng niểng, phun hết thuốc từ miệng ra giường. Bấy nhiêu đó còn chưa đủ, lão còn cầm tai Lê Duy An, xoắn vặn.

 

"Mày vừa nói gì đấy? Nói lại ông nghe xem nào."

 

Lê Duy An quen trò bắt nạt trong quân rồi, đau đấy, nhưng hắn chỉ rên hừ hừ cho có lệ. Nhưng Lê Diệu thì nóng mặt, ông buông vội chén trà, tới gỡ tay Mã Ý khỏi tai hắn.

 

"Ông làm gì vậy? Đau con tôi!"

 

Mã Ý quát to: "Ông cứ để yên đấy." Lão quay lại Lê Duy An, gầm gừ. "Ranh con, nói lại ta nghe nào."

 

Lê Duy An bặm môi, can đảm nhắc lại lần nữa:

 

"Dạ thưa ông, con nghe thấy vua mình nói dạo này nóng nực vậy mà mấy ông lang băm cứ đưa thuốc gì vừa nóng vừa đắng, làm ngài phát bực."

 

Lần này thì tay lão Ý lại vung lên, nhưng là để vò đầu tóc khô cháy như rơm rạ của hắn. Lão vừa vò đầu hắn, vừa cười ha hả:

 

"Oắt con này có tố chất đấy. Ông Diệu này, ông đưa nó qua tôi mài giũa mấy năm, bảo đảm đáng đồng tiền bát gạo, nuôi được cả họ ông đấy chứ đùa."

 

"Ông thôi đi." Lê Diệu gạt đi, lại xoa bên má đỏ ửng của hắn, xót xa. "Hiếm lắm tôi mới có thằng con này, không muốn đẩy nó vô dầu sôi lửa bỏng đâu."

 

Mã Ý nhướng mày:

 

"Thế ông định để nó ở đâu đây?" Mắt lão tia xuống đũng quần Lê Duy An, bễu môi. "Đã ra thế này, làm sao sống ngoài cung được nữa?"

 

"Tôi để nó bưng bê trước, rồi đưa lên quản sổ sách, vậy thôi, không cần cúi lòn xu nịnh, lương tôi đủ nuôi nó cả đời."

 

Mã Ý nhún vai:

 

"Tùy ông thôi, tôi không nói trước là ông đang cưng yêu hay hại nó đâu." Mã Ý về lại với chén trà còn non nửa, ông bắt chéo chân, nhìn chăm chăm Lê Diệu đang úm Lê Duy An như gà mẹ úm con mình. "Hôm giờ tôi nghe bọn tay chân chỗ ông cứ nhìn chòng chọc về đây mà nghiến răng ken két đấy. Ông Diệu muốn nó sống bằng lương của ông tới cuối đời thì cứ trông cho nó chết trước ông đi ha."

 

Nói xong những lời cay độc ấy, Mã Ý điềm đạm nhấp một ngụm trà, để hai cha con quan hoạn họ Lê chơi vơi trong hoang mang. Lão Ý nói không sai, tình trạng trâu buộc ghét trâu ăn luôn diễn ra ở cuộc sống bầy đàn trong mọi thời đại, mấy ngày qua Lê Duy An cũng nghe những lời xì xầm xộc qua khe cửa hẹp về một thằng oắt may mắn lọt vào mắt xanh của "cha Diệu", may là lúc Lê Diệu đi thì hắn luôn đóng cửa cài then, chỉ mở cửa khi nghe giọng ngọt như đường cát của Lê Diệu hoặc giọng chua như chanh non của Mã Ý.

 

"Cha đừng lo." Lê Duy An nhỏ giọng an ủi Lê Diệu. "Con để ý là được."

 

Chừng vài ngày nữa trôi qua, vết thương của Lê Duy An khép miệng, hắn bắt đầu rời ổ, gia nhập với các quan hoạn mới đi học tập quy củ cung đình.

 

Trước ngày "khai giảng", hắn được phát cho hai bộ quần áo mặc thường và hai bộ đồng phục làm việc theo tiêu chuẩn, ngoài ra còn nhận thêm vài bộ đồ mặc đi ngủ từ các thái giám quen thân với cha mới của hắn. Tất cả đều là đồ kiểu cổ, áo cổ chéo mặc trong, áo cổ tròn khoác ngoài, xẻ ở giữa thành bốn tà, đấy là phần trên, ở phần dưới thì mặc quần bên trong, quây thường ở ngoài, thắt đai lưng, đội mũ, xỏ đôi giày nữa là xong. Về lý thuyết là vậy.

 

"Cái khuy áo khỉ khô!" Lê Duy An chửi thầm trong miệng.

 

Lê Duy An đã thử hai lần mà chưa cài được cúc áo ngoài, nó không như quân phục hiện đại đơm cúc ở giữa, nó đơm sát chỗ eo, tới lần thứ ba cái cúc mới ngoan ngoãn chui qua lỗ khuyết. Đấy mới chỉ là phần áo. Còn phần dưới thì ôi thôi rồi, từ nhỏ tới lớn hắn chưa biết cái thường nó trông thế nào, nói chi đến mặc, thêm quả đai lưng có một đống tua rua nữa. Nhưng may thay, hắn không ở một mình.

 

Lê Diệu chỉ cho hắn cách quây thường, cách cột thắt lưng. Ông làm trước một lần, sau đó yêu cầu Lê Duy An làm lại. Cách ông dạy vừa khít với gương mặt tròn trịa, phúc hậu của mình, cái gì cũng nhẹ nhàng, từ tốn, bảo sao người ta không ngại giao ông đi giữ trẻ. Tuy vậy, ông cũng thể hiện rõ mình là một tay cộm cán trong cung đình, tới chỗ nào, ông nhắc kỹ Lê Duy An chỗ đó, áo phải phẳng sao, quần phải gọn sao, không sót cái gì cả. Lê Duy An lăn lộn trong quân ngũ, được yêu cầu cao về độ chỉn chu trong tác phong, nên nhanh chóng bắt kịp, trời sinh hắn cũng khá thông minh, dạy một hiểu một, cho thời gian nghiền ngẫm thì tự học lên mười, khiến Lê Diệu rất mừng.

 

Rồi ngày "khai giảng" cũng đến.

 

Tảng sáng, giờ Dần, Lê Duy An theo thói quen tự động thức giấc, vệ sinh cá nhân sơ qua rồi ra sân tập thể dục. Người hắn hãy còn yếu nên chỉ tập mấy động tác dưỡng sinh thư giãn gân cốt, vì vẫn đang trong mối nguy "trâu buộc ghét trâu ăn" nên Lê Duy An tập trong phòng, đằng sau cánh cửa cài chắc then. Một lúc sau, Lê Diệu gõ cửa gọi hắn ra ăn sớm, ông cho rằng hắn vẫn còn yếu nên cho ăn cháo thịt bằm, hắn ăn một loáng hết sạch. Ăn xong thì súc miệng, mượn của "cha Diệu" một ít than tre để làm sạch răng. Bước cuối cùng là mặc đồng phục.

 

Tất cả đã sẵn sàng.

 

"Con theo cha, nhớ đừng đi lạc nha."

 

"Dạ."

 

Lê Diệu cầm tay hắn, dẫn đi qua những lầu đài, đền gác, tới trước sân viện, nơi các quan hoạn mới lũ lượt tìm tới học lễ nghi. Mã Ý đứng bên trong, tay cầm quyển tập gì đó, trông thấy hắn, lão nhếch miệng cười.

Truyện cùng tác giả