Chương 4 - Cái miếu cũ
Phía trước nhà có một mái hiên, không quá rộng nhưng đủ để che phủ tới tận bậc thang ngoài cùng. Đây là nơi Hạnh và mẹ chồng thường tập Yoga cùng nhau vào mỗi buổi sáng sớm và chiều muộn, hoặc là những ngày họ không lên nương hoặc làm vườn. Hạnh nhìn bà Loan, trong lòng tin chắc mẹ mình là một cao thủ Yoga đã quy ẩn giang hồ. Hoặc là bà có năng khiếu bẩm sinh với bộ môn này. Bởi bà luôn miệng hỏi cô xem mình có làm đúng hay không và thường nói rằng mình mới tập lần đầu. Nhưng mỗi động tác của bà đều thể hiện sự thuần thục, chính xác và dẻo dai tới mức đáng kinh ngạc. Thậm chí có thời điểm, Hạnh đã muốn cắt bỏ hình ảnh của mình trong những video về Yoga trên kênh youtube. Bởi lẽ trông cô cứ như là khách mời của chương trình chứ không phải bà ấy, hoặc đơn giản cô chỉ là một bé Idol nào đó, được may mắn trở thành MC trong chương trình tập Yoga cùng chuyên gia vậy.
Ngày lên nương lại là một trải nghiệm khác, Hạnh lần đầu được tự tay cấy lúa trước ống kính máy quay. Đêm trước đó, cô đã dùng thời gian rảnh buổi tối để tìm kiếm bảy bảy bốn mươi chín cách cấy lúa chuyên nghiệp. Chú ý tới cả những tiểu tiết như cấy lúa phải ngửa tay, ngắt gốc mạ thì chọn lấy ba hoặc bốn gốc to khoẻ là tốt nhất hoặc căng dây để cấy cho thẳng hàng. Nhưng cô nhận ra mình và mẹ chồng không đủ thời gian để làm điều đó, những thửa ruộng bậc thang quá dài và nhiều. Riêng gia đình cô đã sở hữu tới 6 thửa ruộng. Sức người có hạn mà mạ thì ngày một lớn, cô sẽ cần phải chăm chỉ và tập trung để giúp mẹ chồng cấy lúa xong sớm, lược bớt công đoạn thuyết trình trên Vlog và thay thế bằng những cảnh quay timelapse. Có lẽ như vậy sẽ hợp lý hơn, biết đâu còn tạo ra hiệu ứng mới mẻ trên kênh nữa thì sao? Đó là những gì Hạnh nghĩ để tự động viên chính mình. Cái khó là khi về nhà, cô đã quá mệt để thức khuya như mọi ngày. Chỉ cần đặt tấm lưng mỏi nhừ xuống giường, thì khi mở mắt nhìn ra cửa sổ đã thấy trời sắp sáng cùng tiếng gà gáy vang rồi.
Cuối cùng thì chuỗi ngày cấy lúa trên nương cũng kết thúc. Hôm nay là ngày Hạnh và bà Loan tự mở tiệc ăn mừng, tổng kết thành tích của giai đoạn đầu vụ. Hạnh xách con gà đã bắt sẵn từ đêm qua ra giếng. Vốn là định để nó ở ngoài, nhốt trong lồng nhưng vì con Quýt nghịch ngợm cứ sủa liên hồi suốt đêm nên cô phải đem con gà vào phòng vệ sinh trong nhà để nhốt lại. Từ nhỏ tới lớn, những món như thịt gà thường được bố mẹ cô mua từ chợ về. Việc giết thịt một sinh vật như thế chưa bao giờ nằm trong danh sách kĩ năng của cô cho tới hôm nay. Bà Loan thì không thể làm việc đó, chỉ cần nhìn thấy máu tươi là bà sẽ nôn ọe ngay. Hơn nữa, bà còn đang phải trông bé Dũng kia mà. Thế nên dù có sợ thì Hạnh vẫn phải xắn tay áo và làm cái việc mà cô rất sợ này.
Bà Loan gợi ý cho cô việc nhốt con gà vào cái lồng, sau đó luồn phần đầu và cổ nó ra ngoài để hoàn thành việc cắt tiết trước. Giờ thì cô cần phải vặt chính xác những túm lông ở phần cổ của nó, cách phần yếm thịt khoảng năm centimet. Mọi thứ lẽ ra sẽ hơi khó khăn với một người thuận tay trái như cô, nhưng bà Loan bằng cách nào đó đã giải thích và nhắc cô sắp đặt mọi thứ dễ dàng hơn. Từ tư thế nằm của con gà, tay phải nắm đầu nó và tay trái thực hiện việc vặt lông cổ.
“Bà ấy đúng là thiên tài.” Cô nghĩ thầm trong đầu như vậy.
Hạnh từng bước thực hiện những gì mẹ chồng bảo. Giờ là lúc cô cầm con dao lên để cắt cổ sinh vật tội nghiệp kia. Hạnh hít một hơi sâu rồi giơ dao lên định bổ xuống.
- Ấy! Ấy! Không phải thế. - Bà Loan vội vàng lên tiếng.
Hạnh dừng động tác lại, nhìn lên mẹ chồng.
- Con chỉ nên cứa vào vùng cổ của nó thôi, đừng chặt như thế tí nữa luộc sẽ bị mất thẩm mỹ. Hơn nữa, con phải nói lời an ủi nó đã.
- Lời an ủi là gì hả mẹ? - Hạnh bối rối.
- Hãy nói là: Sống kiếp con gà đủ khổ rồi. Để tao hóa kiếp cho mày, sang kiếp sau làm người và sống trong nhung lụa nhé. - Bà Loan đọc nguyên văn những gì hiện ra trong đầu với vẻ mặt không thể nghiêm túc hơn.
Hạnh ngừng một nhịp rồi bật cười.
- Phải nói thế thật à mẹ?
- Thật đấy. Dù nghe hơi buồn cười. Nhưng đó là cách để con giải nghiệp sát sinh của mình.
- Vâng. Vậy thì… Gà ơi! Sống kiếp này đủ khổ rồi, để tao hóa kiếp giúp mày, sang kiếp sau hãy làm tỉ phú và sống cuộc sống sung sướng nhé.
Bà Loan phì cười nhưng nhanh chóng bịt miệng lại. Không khí lúc này bỗng nhiên không còn chút căng thẳng nào cả. Hạnh cảm thấy nhẹ nhõm trước những gì mình sắp làm tiếp theo, cô kề dao vào vùng cổ của con gà, gần nơi mà cô đã dùng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay phải bóp chặt, kéo căng phần da. Một cú cứa đủ lực sẽ hợp lý, ít nhất là cô nghĩ như vậy. Hạnh thở một cái nhẹ nhàng rồi đưa một đường con dao thật dứt khoát. Máu bắn thẳng lên mặt cô khiến Hạnh giật mình, theo phản xạ mà nhắm tịt hai mắt lại.
Nắp nồi mở ra và gương mặt bối rối của Hạnh thò vào, ném ánh mắt băn khoăn kèm lo lắng xuống bên dưới.
Cô đang đứng nhìn nồi thịt gà trên bếp với cái đầu gà như sắp đứt ra khỏi cổ, nổi lềnh bềnh trên mặt nước đang sôi. Bà Loan từ phía sau ló đầu tới, vỗ vai Hạnh và nở nụ cười dịu dàng.
- Ai cũng có lần đầu con ạ.
- Hì hì. Mẹ không chê con thật à? - Hạnh gượng cười, quay sang hỏi lại bà Loan.
- Không hề. Mẹ tự tin là mình khác hoàn toàn những bà mẹ chồng ở thế giới ngoài kia. Yên tâm!
Hạnh nhìn vẻ mặt chắc chắn của bà ấy một lần nữa. Cô cũng không thể tin rằng mình sẽ có được một gia đình yên ấm tới vậy. Dù hơi khó khăn, nhưng mọi thứ đều rất tuyệt vời với cô.
Buổi chiều, bà Loan cùng Hạnh ra mảnh vườn nhỏ cạnh nhà. Đất của gia đình khá rộng, nên việc chỉ có một mảnh vườn khiêm tốt cho thấy vấn đề về nhân lực của gia đình rất đáng báo động. Nhưng không sao cả, giờ họ đã có Hạnh, một con người ham học hỏi chỉ là hơi thiếu kỹ năng mà thôi.
Hạnh gắn máy quay lên tripod, đặt ở góc vườn. Hôm nay vẫn sẽ là một video timelapse, chủ yếu quay lại các hoạt động của cô và mẹ chồng tại khu vườn nhỏ. Ít thoại và thật nhiều hoạt động bổ ích, để không ai có thể nghĩ cô là kẻ thích làm màu.
Hạnh cúi thấp để dọn cỏ ở cạnh hàng rào tre cũ kỹ, đây là việc cô ít khi phải làm dù đã về đây làm dâu khá lâu. Vì thế mà vừa cắt được vài cái, cô phải đứng thẳng người rồi văn vẹo cái lưng, gương mặt nhăn nhó vì đau mỏi. Hạnh liếc mắt nhìn lên tán lá của cái cây cao gần đó.
Trên cành cây lấp ló một con chim sâu kỳ lạ, nói nó kỳ lạ là vì nó không nhảy qua nhảy lại hay xà xuống cạnh vườn để tìm bắt những con sâu. Thay vào đó, nó thường đứng yên trên cành cây lớn, nghiêng đầu mà nhìn chằm chằm vào cô như đang dò xét vậy.
Đấy là chưa kể tới cái miếu gỗ đặt ở gốc cây cạnh vườn. Lần đầu tiên khi vác đống cỏ đi vứt, Hạnh đã giật mình khi thấy nó. Một cái miếu thờ thổ địa cỡ nhỏ, hơi dày ở phần lưng, mặt ngoài đều bị rêu và bùn đất bám lấy trông rất cũ kĩ và bẩn thỉu. Bên trong miếu không đặt tượng thờ ông địa, mà là một bức tượng quan âm bồ tát, ít nhất là vẻ ngoài của bức tượng cho cô biết nó giống như thế. Chứ gương mặt của tượng thì không giống lắm, ít hiền từ hơn, ít giống phật hơn. Tuy vậy thì nhà bà Loan vẫn đặt trong cái miếu một bát hương, một chai rượu, vài đôi đũa và một cái đĩa để tiện thờ cúng mỗi khi tới ngày rằm.
Hạnh nhìn sang bà Loan, ngập ngừng đôi chút rồi cất tiếng hỏi.
- Mẹ ơi. Sao ở góc vườn lại có cái miếu nhìn sợ thế hả mẹ?
Bà Loan ngẩng đầu lên, nhìn về phía cái miếu rồi quay lại cười nói với Hạnh.
- À. Con đừng sợ. Cái miếu của thằng Định đem về đấy. Nhìn nó thế thôi chứ nó mê tín phết, thấy bảo đem về trấn yểm, tránh điềm ác gì gì đó mẹ chả nhớ.
- Mẹ cũng không đồng tình vụ đó phải không ạ?
- Hì hì. Thật ra tính mẹ không tin tưởng mấy cái thần thánh, số phận rồi là trấn yểm này kia đâu. Nhưng mà nhà có mỗi thằng con trai, nó thích gì thì cho nó làm. Tùy nó. - Bà Loan ngừng lại chút rồi nói tiếp. - Hơn nữa, từ lúc nó đặt cái đấy nó đi ra thành phố cũng ăn nên làm ra, về trả được nợ. Lại còn vớ được cô vợ xinh hết nước chấm nữa.
- Ha ha. - Hạnh bật cười - Mẹ học câu đấy ở đâu mà nghe sến thế?
- Mẹ học ở dưới chợ đấy. Xuống nghe mấy bà dưới đấy khen con nhiều quá mẹ sắp nổ cả mũi rồi đây này.
- Mẹ này. Hay là mẹ con mình mua cái miếu khác mới hơn về đặt đi.
- Ơ không được! - Bà Loan đang vui vẻ bỗng nhiên nghiêm mặt, tỏ vẻ lo lắng. - Thằng Định nó khó tính lắm. Tự nhiên dọn đồ của nó, nó lại mắng cho. Mệt người.
Hạnh nhìn vẻ mặt của bà Loan. Có vẻ những trận cãi vã giữa hai mẹ con trong quá khứ rất căng thẳng. Là một người mẹ, bà đâu biết cách nào ngoài chiều theo ý đứa con duy nhất của mình. Hạnh gượng cười rồi gật đầu đồng ý với mẹ chồng. Chuyện cái miếu cũ kĩ lại coi như chưa bao giờ được đem ra thảo luận.