0
0
1627 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 4: Hàng xóm Hải Anh


Chuyện Trúc Linh xây lại căn nhà gây sự chú ý đến hàng xóm xung quanh. Các bác cô dì vốn quen biết bác gái giúp việc trước đó, nay tự dưng nhà đổi chủ mà lại thay đổi lớn như vậy làm cho họ không khỏi hóng dưa.

Trúc Linh muốn tạo mối quan hệ nên cô thường hay mang quà đến hàng xóm, dần dà hàng xóm đều có ấn tượng tốt với cô. Ngoại trừ một người.

Trong gia đình nọ, một nhà ba người đang quây quần nhau ăn cơm. Bà mẹ bỗng nhiên nghĩ đến chuyện gì đó, hứng khởi kể cho cả nhà nghe: “Biết tin gì chưa? Con bé hàng xóm gần nhà chúng ta định mở quán ăn đấy.”

Ông bố ăn xong sớm, đang mở tờ báo ra xem, nghe vậy thì không khỏi nâng mắt: “Con bé gì hôm nọ dẫn công an đến đấy à?”

“Đúng rồi.” Có người quan tâm, bà mẹ như mở máy hát: “Hôm nay con bé đến biếu hoa quả cho nhà mình. Tôi nhìn thấy con bé xinh xắn lắm, mới hai mươi mấy tuổi đã biết tự lập. Tôi đang định hỏi con bé có ai chưa?”

Coi bộ bà mẹ này ưng ý lắm.

“Bà làm như con trai nhà mình ế lắm vậy.” Ông bố cạn lời.

“Lại chẳng phải à?” Bà mẹ lườm nguýt sang bên cạnh.

Đó là một thanh niên trẻ khoảng hơn hai mươi tuổi. Vẻ ngoài điển trai, dù chỉ ngồi vẫn thể hiện ra được đôi chân dài. Cậu yên tĩnh ăn cơm, dường như không nghe thấy ba mẹ mình đang nói về chuyện gì. Chỉ là lúc nhắc đến Trúc Linh, cậu hơi khựng người. Đôi mắt đen tuyền dưới lớp kính càng thêm tối.

Cậu gác đũa, đứng dậy thưa: “Con ăn xong rồi.”

Nói xong, cậu dịch ghế đứng dậy trở về phòng mình.

Ba mẹ cậu ngơ ngác nhìn bóng lưng cậu khuất sau cánh cửa phòng. Bà mẹ lẩm bẩm thu dọn bát đũa: “Cái thằng này lại dở chứng gì rồi.”

“Bà bớt hối thúc nó đi. Hải Anh nó còn đi học, chưa đến tuổi lập gia đình mà cứ hối hoài.” Ông bố tỏ vẻ không đồng ý.

Bà mẹ phản bác: “Cái gì mà chưa đến tuổi lập gia đình, cuối tháng này thằng bé tốt nghiệp, nghĩ dần là vừa. Bà bạn tôi có đứa con trai tầm tuổi nó, đã lấy vợ sinh hai đứa con rồi. Tôi cũng chỉ mong có cháu bồng.”

Ông bố thở dài lắc đầu.

Cửa phòng không cách âm, thanh niên ở trong đều nghe thấy hết. Kỳ thực, cậu không khó chịu với điều mẹ mình nói. Hai người họ đã có tuổi, mãi sau này vất vả lắm mới sinh ra được đứa con là cậu. Mỗi năm cậu thêm tuổi, mỗi năm ba mẹ lại già đi. Tất nhiên là mong cậu có gia đình có cuộc sống ổn định, mong có đứa cháu an ủi tuổi già. Vả lại, ba mẹ cậu chỉ nói vậy thôi chứ chưa từng ép buộc thái quá.

Kỳ thực, điều cậu không thoải mái là chủ đề cuộc nói chuyện giữa ba mẹ cậu kia.

“Mở quán ăn?” Giọng nói trầm thấp lẩm bẩm, đáy mắt tối tăm.

Mở quán ăn đồng nghĩa dỡ bỏ quán cũ. Từ lúc cậu biết ý thức, quán nước đã luôn ở tại. Giống như một “ông lão” hiền từ dõi theo từng bước chân cậu trưởng thành. Trước quán nước sẽ có các cụ tụ họp chơi cờ tướng, bàn tán những câu chuyện thời sự. Sẽ có những đứa trẻ nô đùa rồi ghé quán mua bim bim hay đồ chơi nhựa nhỏ xinh. Hoặc sẽ có tốp năm tốp ba học sinh sau khi tan trường ghé vào uống nước.

Thời gian trôi đi kéo theo xã hội phát triển, mọi thứ đều thay đổi, chỉ có quán nước vẫn ở đây.

Vậy mà bây giờ…

Tuy Hải Anh chỉ là người lạ không có quyền, nhưng trong lòng vẫn thấy khó chịu. Vì thế dù cho Hải Anh chưa từng gặp và tiếp xúc với Trúc Linh, thì cậu cũng chẳng có ấn tượng tốt đẹp gì cho cam.

Nhắc đến Trúc Linh, bây giờ cô đang đạp xe cà tàn của mình đi chợ. Mỹ Huệ bận chút việc nên không đi cùng cô. Trong Phố cổ có rất nhiều chợ, nổi tiếng nhất là chợ Đồng Xuân bán buôn rất nhiều mặt hàng như vải, kẹo bánh, đồ văn phòng phẩm và các chất liệu khác nữa. Tuổi đời của chợ Đồng Xuân còn hơn tuổi Trúc Linh nhiều. Nơi đây được biết đến là thiên đường mua sắm ẩm thực, đủ nói lên khu chợ này phong phú thế nào. Cơ bản bạn cần đến cái gì đều sẽ có cái đó.

Nhưng đi kèm với những mặt tốt đều sẽ có mặt xấu. Ví dụ như dễ bị bắt chẹt, dễ mua phải hàng giả hàng kém chất lượng, hoặc là đến hạn sử dụng,… Trúc Linh cần phải tìm nguồn hàng đáng tin cậy. Cô có tham khảo từ người thân quen, khoanh vùng được một số chỗ.

“Bác ơi, cân mộc nhĩ này bán thế nào ạ?” Trúc Linh ghé qua hàng bán thực phẩm khô trước.

“Trăm tám cháu ạ.” Người bán hàng chỉ nhìn liếc qua gói mộc nhĩ Trúc Linh đang cầm trên tay, trả lời.

Trúc Linh hỏi tiếp: “Giá sỉ thế nào bác? Cháu định mua nhiều.”

Trúc Linh và người bán hàng trao đổi mặc cả qua lại cho đến khi thống nhất được cái giá hài lòng. Nhưng Trúc Linh không chốt vội, cô còn muốn sang mấy hàng quán khác xem như nào. Diện tích chợ khá lớn, nhiều hàng bán cạnh tranh nên Trúc Linh phải loay hoay hết cả buổi mới chọn được mấy nguồn ưng ý. Có tiệm do người quen giới thiệu, có tiệm Trúc Linh tìm được bán giá rẻ hơn. Để cẩn thận, trước tiên cô sẽ mua số lượng vừa phải trước, tránh gặp tình trạng nhận hàng kém chất lượng. Có gì phát sinh Trúc Linh còn có thể thay đổi điều chỉnh được. Tất nhiên khi làm vậy Trúc Linh không ngại học hỏi những người có kinh nghiệm mà cô biết, thậm chí là mấy bác hàng xóm đã quen đi chợ gần đây.

Về đến nhà đã quá bữa, Trúc Linh tranh thủ dọn hành lý để chuyển sang khách sạn. Sau đó làm bát cơm rang trứng đơn giản để lấp đầy bụng. Bình thường cô không thích thêm hành và quá nhiều gia vị nên chỉ đập hai quả trứng gà lên chảo, sau đó cho cơm nguội và đảo đều với lửa tầm năm phút. Vậy là có bát cơm rang ngon lành!

Canh thì lại càng đơn giản, Trúc Linh luộc su hào lên là có ngay bát canh.

Một mình tùy tiện vậy đấy, có đôi lúc cô chỉ cần úp mì tôm là xong bữa. Mặc dù có tay nghề nhưng không phải lúc nào Trúc Linh cũng chăm chỉ vào bếp nấu cho bản thân.

Ngày mai đội ngũ thi công sẽ bắt tay làm việc, Trúc Linh định bụng nghỉ ngơi xong sẽ rà soát một lượt ngôi nhà này. Tối hôm nọ cô cùng Mỹ Huệ đã dọn dẹp kha khá. Những đồ vật dụng nặng khó di chuyển như tủ đồ nội thất vân vân, Trúc Linh đã đăng kí gửi nhờ cho đơn vị vận chuyển mang đến nhà kho. Hiện tại chỉ cần kiểm tra xem có bỏ sót gì không thôi.

Có bác hàng xóm đi ngang qua, ngó cửa vào trông thấy Trúc Linh thì bắt chuyện: “Chuyển nhà à cháu?”

Trúc Linh cười tươi trả lời: “Cháu chào bác, cháu xây sửa lại căn nhà nên chuyển sang ở khách sạn bên cạnh ít hôm. Mấy ngày tới chắc là sẽ ồn ào làm ảnh hưởng đến mọi người, mong bác thông cảm ạ.”

“Ôi dào, không sao đâu.” Bác hàng xua tay, đoạn hỏi thăm: “Một mình cháu ở đây thôi sao? Có an toàn không? Tốt nhất nên có người ở cùng cho an toàn, xã hội bây giờ nhiều thành phần lắm không biết đâu mà lần.”

Nghe bác nhắc nhở, Trúc Linh khiêm tốn: “Dạ vâng cháu cảm ơn bác.”

Không tiện ở lâu nên hai người chỉ hàn huyên vài câu, chủ yếu là nghe bác hàng xóm dặn dò con gái phải cẩn thận, phải biết tự bảo vệ mình. Bác gái này ngày thường không hay hóng hớt chuyện xung quanh, nên chưa biết tin Trúc Linh sẽ cải tạo ngôi nhà thành quán ăn. Còn việc cô ở đâu, tất nhiên lúc đó Trúc Linh tự có sắp xếp. Cô cũng từng suy nghĩ đến lời bác gái nói, đúng là con gái ở một mình không an ninh bảo hộ cũng không tốt. Một là nên ở chung cư có bảo vệ, hai là nên có người ở chung. Vậy sẽ tốt hơn nhiều!

Mỹ Huệ thực ra có thể ở cùng cô, nhưng cô ấy còn rất nhiều thứ phải lo toan. Với lại gia đình cần cô ấy chăm sóc, nếu ra ngoài sống sẽ phải đi đi về về rất nhiều. Trúc Linh không muốn làm khó bạn, nên khi Mỹ Huệ ngỏ lời thì cô đã từ chối.

Trúc Linh đang nghĩ cô sẽ thuê phòng khách sạn dài ngày, đợi khi mọi thứ ổn định rồi tính sau.