bởi Azul Rhosyn

108
10
3265 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Aesthete


NGOẠI TRUYỆN I

Đó là ngày duy nhất trong cuộc đời này tôi được hát ở một sân khấu lớn. Nhà hát Bolvena được chọn làm trung tâm triển lãm nghệ thuật cho một trăm mấy họa sĩ ưu tú, trẻ già có đủ. Họ cần một người hát khai mạc, cho nên mời tôi kể từ lúc gặp nhau ở Lana Drey. Tôi không có tên tuổi gì, chỉ là một ca sĩ phòng trà, hát vì đam mê được hát, nhạc lý chỉ đọc được phần cơ bản. Để đến Cobali như để mơ một giấc mơ, vậy nên tôi không từ chối cơ hội dệt cơn mộng thành thực.

Khác với Pocallos, thành phố nhỏ bé giáp phía Tây của nó, Cobali rộng hơn rất nhiều. Nó có một rừng nhiệt đới bao bọc khắp biên giới phía Bắc gọi là Sirah dưới chân dãy núi Yester. Lần về phía Tây có dòng sông Holvan, một nhánh của nó đổ vào hồ Oddysira trong thành phố Pocallos. Phía Nam và ở trung tâm được gọi là “điểm Mặt trời” vì sự sầm uất và quy tụ nhiều lĩnh vực. Nhưng Cobali thưa dần về phía Đông, nơi có những cánh đồng ngô và một vài hộ nông dân.

Ba giờ chiều, phòng luyện thanh vẳng tiếng hát của tôi lại, hòa trong tiếng đàn du dương từ người nghệ sĩ dương cầm. Anh lên một tông vì giọng tôi nhẹ và nhảy nốt mượt, âm vực được phân vào giọng nữ trung trữ tình màu sắc. 

"Staccato!"

Tôi dứt quãng nối âm liên tiếp của mình để nảy giọng làm tiếng chim hót. Nghe các chị nhân viên trang điểm nói, không chỉ là một nhạc công, anh còn là thầy dạy thanh nhạc cho thiếu nhi thành phố. Vì thế, anh không chỉ say sưa bấm phím mà còn giúp tôi sửa lại kỹ thuật để âm thanh vang lên đẹp hơn.

"Tuyệt vời, cô Amara, tuyệt vời." Người nhạc sĩ thốt ra lời khen khi anh dứt ngón đàn, "Giọng hát của cô là một loại nhạc cụ giàu tình cảm. Tôi khuyên chân thành cô nên theo đuổi dòng nhạc này nhé, dù nó không đại trà nhưng không ai hát hay hơn cô những làn điệu dân ca."

Tôi hí hửng cảm ơn anh, vẫn hồ hởi như đứa con nít dẫu đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận lời khen từ một nghệ sĩ lớn. Có lẽ từ việc sinh ra ở một vùng quê nhiều chuyện thần kỳ, tôi mang lời ru đi theo từng năm tháng. Nền âm nhạc từ buổi xa xưa cứ thế bước vào giọng hát của tôi một cách truyền cảm, chân thành và hoài niệm. Chỉ từ khi chuyển đến Lana Drey, tôi mới phải ép bản thân hát nhạc đại chúng. Nói cách khác, để mưu sinh, tôi đã từ chối chính mình. Bởi vậy nên, tôi chưa bao giờ nổi tiếng.

Mọi người nghỉ tay. Tôi nâng một cốc nước ấm, cảm nhận hơi nóng truyền vào da thịt rồi tiếp xúc đầu lưỡi của mình. Sau khi chạy âm giai thêm mười phút, tôi ngồi xuống ghế và tập thở. Để giọng hát có nội lực, luồng hơi phải được đẩy từ bụng lên chứ không chỉ ở phần trên phổi, tức là cơ bụng phải hóp sâu và phình to theo nhịp thở ra, hít vào.

Sang phòng thử đồ, tôi được đưa cho một chiếc áo chemise vải lanh trắng, cùng lớp áo choàng tunic dài chạm sàn. Tôi hóa thân thành một cô gái trẻ thôn quê, với tiếng ca đậm đà hương đồng cỏ nội. Không còn phải mang những trang sức rườm rà như khi đi hát ở Lana Drey, không còn phải hát dòng nhạc mình kén chỉ vì thị hiếu, tôi cảm thấy một sự giải thoát nhẹ nhàng. Tôi đang đứng ở đây, triển lãm tranh Exquisite tại Cobali, nơi những tâm hồn chạm vào nhau qua nghệ thuật, không có ranh giới, không có phán xét.

Nhìn đồng hồ, vẫn còn đủ sớm để đi dạo một vòng quanh cổng chào Morcais. Người ta vẫn thường hay so sánh Morcais với D’rêver ở Pocallos, tôi thì chưa thấy cả hai. Dẫu khi đến đây ngựa phải chạy qua cổng, nhưng vì buồng xe che chắn đủ phía nên tôi chẳng quan sát được gì. Mặt khác, tôi được biết người thiết kế Morcais là một người làm vườn, vậy nên các họa tiết cách điệu của nó liên quan đến hoa màu nhiều hơn D’rêver - vốn chỉ tập trung vào thiên thần, mây và sóng. 

Khi được tận mắt nhìn thấy, tôi quả thực đã há hốc mồm vì kinh ngạc. Trước tiên là vì thức cột conrith được ôm lấy bởi thân cây ô rô có độ tỉ mỉ đến hoàn hảo, thứ đến là bảy hành tinh trên vòm cổng tượng trưng cho bảy loại hình nghệ thuật, và thứ đến nữa là một cậu trai không đội nón đang đứng vẽ dưới cái nắng gay gắt. Tóc cậu búi cao, xoăn tít như cọng mì, dáng cậu chập chờn trong chuyển động lả lơi của chiếc váy bohemain thổ cẩm.

Tôi che ô đến gần cậu và nói, “Xin chào?”

Cậu không đáp gì mà vẫn hí hoáy vẽ tiếp.

“Cậu đang vẽ à?”

“...”

“Cậu đang vẽ gì đấy?”

Người họa sĩ trẻ không buồn nói nửa câu, bất ngờ xoay lưng sang bên phải để tôi có thể thấy cái cậu đang thể hiện. Chỉ là những mảng màu quyện vào nhau rất khó hiểu, có vàng, có đen, nhưng không có ý nghĩa gì. 

“Khi một nghệ sĩ đang làm việc, cô nên tôn trọng họ. Đừng nhảy vào thế giới của tôi một cách đột ngột như thế. Hãy quan sát thôi và chờ tôi mời” Cậu trai nói, và quay sang tiếp tục vẽ.

“Tôi xin lỗi, tôi không cố ý.”

Mặt tôi nóng hơn cả mặt trời. Có lẽ nó chín và đỏ au như tuýp màu cậu vừa phác lên bảng vẽ. 

“Đây là nguồn sáng.” Cậu nói với tôi, vẽ đè màu đỏ lên lớp lót màu vàng chưa khô hẳn.

“Tôi tưởng mình phải giữ im lặng?”

“Cô đã xộc vào phòng tôi rồi, tôi phải lịch sự đuổi đi. Nếu không thì đầu óc tôi không thể quan tâm đến bức tranh được nữa.”

Tôi suýt giận, nhưng nhận ra mình là người có lỗi nên chỉ làm thinh. Điều cậu ta nói tôi đã từng trải qua. Có một người rất thô lỗ bình luận ngay vào lúc tôi lên giọng cao đến bốn quãng tám. Khi người đó bỏ đi, tôi vẫn còn ấm ức đến mức không hoàn thành bài hát cho trọn vẹn được. Trong đầu tôi, thay vì lời nhạc, chỉ toàn là cái mặt xưng xỉa của ông ta. 

Tôi không thể nán lại xem cậu ta vẽ quá lâu vì phải về lại nhà hát cho kịp giờ. Sân khấu chuẩn bị rất hoành tráng, người đến tham dự rất đông khiến tôi hơi run. Nhưng tôi không thể phá hủy giây phút vinh quang duy nhất trong cuộc đời mình, bởi tôi biết sau hôm nay thôi, cái tên tôi sẽ trở về với bốn chữ “ca sĩ phòng trà”. Tôi có mơ đến việc được nổi tiếng, nhưng tôi không muốn mình vỡ mộng nên chẳng dám tin tưởng vào nó nhiều. Có khi tôi không hiểu, liệu mình là người thực tế, hay là người bi quan.

Giờ khai mạc đã điểm, mọi người tập trung về khán đài. Khúc dạo đầu nổi lên bằng tiếng sáo piccolo thanh thoát và tiếng êm ru của đàn hạc. Từ xa có tiếng trống làng dồn dập, không khí sôi nổi của một ngày mùa hiện ra qua điệu múa của những vũ công. Tôi bước vào phía trung tâm, giữa những con cừu giả, bắt đầu hát Lời thiếu nữ.

Nắng đã lên rồi, mở mắt ra đi

Xem nhân gian thì thầm điều gì...

Tôi rót hồn mình vào bài nhạc, dùng giai điệu để tự sự một chuyện tình bi đát. Người con gái tuổi xuân mà tôi đóng vai chỉ là người kể chuyện, cô ngồi giữa đàn chiên và thao thao bất tuyệt. Nào là nàng Harmonia có tiếng ca lay người mê tỉnh giấc, nào là chàng Ars có thể vẽ nơi tối nhất trong thiên hà. Họ đã quyện vào nhau một thứ tình yêu say đắm, cho đến khi chiến tranh xảy ra đẩy người trai đi lính. Harmonia đã treo một sợi dây đỏ lên cành cam ngọt trước nhà, xem như là lời nguyện cầu bình an cho người thương. Ngày nọ, khi gió lay cây ngã, nàng ngỡ là điềm chẳng lành nên vội vàng khăn gói chạy về phía biên thùy, nơi cuộc chiến đang diễn ra ác liệt. Trong làn mưa tên không có mắt, số phận đã bóp nghẹt nàng một cách nghiệt ngã. Chàng Ars vô tình bước ngang xác người yêu, liền hóa điên mà tự chém mình. Đêm đó, hai ngôi sao đã làm một cuộc di cư trên bầu trời, trước khi một lần nữa chúng lại rớt xuống để tìm nhau trong nhân gian.

Tiếng vỗ tay dậy lên như hải triều gầm, mắt tôi rươm rướm không biết vì hạnh phúc hay vì xót thương cho hai nhân vật. Tấm màn khép lại sau lời chào còn bỏ ngỏ những suy nghĩ mông lung. Có lẽ người vẽ tranh dưới cổng Morcais đã nói đúng, người tham quan nghệ thuật phải có sự kiên nhẫn chờ đợi. Nếu bất ngờ giữa buổi diễn có một ai tùy tiện xen vào, dẫu chỉ là một lời bàn tán thôi, có lẽ ca khúc đã không thành công đến vậy.

Dẫu đã tự nhủ chỉ gieo những hạt mầm có thể lên cây, tôi đã hy vọng rằng trong những người đang đứng lên tán dương đây, sẽ có một ai đó chủ động liên lạc để mời tôi hát trên một sân khấu lớn hơn nữa.

"Chị gì ơi!" Vào lúc tôi rời cánh gà để đến phòng trưng bày ngắm tranh, có tiếng gọi từ phía sau kéo lại. Hóa ra là cậu họa sĩ.

Tôi cúi đầu và nở nụ cười lịch sự. Cậu ta hấp tấp chạy đến gần, gấu váy cuốn theo cái nhún nhảy của bàn chân. Có lẽ linh hồn một cụ non khó chịu đã thoát xác và trả lại cho cậu sự tươi tắn, khác xa con người đã phũ phàng “đuổi tôi ra khỏi thế giới của họ.”

“Chị là người đã hát Lời thiếu nữ đúng không?”

Không đợi sự xác nhận từ tôi, cậu đã luýnh quýnh tay bắt mặt mừng. Cậu chắc đúng tôi rồi, chỉ hỏi vậy cho có lệ thôi, bởi ngộ nhỡ nhầm người thì quê ra mặt. Không biết mấy lần tôi cứ che miệng cảm ơn, cậu vẽ chín tầng mây để tôi tưởng mình cũng ngang hàng Harmonia thuở nào. Thấy cậu có vẻ thích mình, tôi không để bụng chuyện cũ, chuyển sang ngỏ ý muốn làm quen.

"Cậu tên là gì nhỉ? Hay ý tôi là..." Tôi khựng lại vì cách ăn mặc dễ gây hiểu nhầm của cậu.

"Androne, cậu hay cô gì cũng được. Dequisive Anthony Vonne. Chị phải biết tôi thôi, vì tôi rất nổi tiếng.”

Sự kiêu hãnh của cậu quả thật không ngoa. Tôi, và rất nhiều người nữa, có lẽ là trên khắp thế giới, trừ khi là em bé chưa đụng tới màu vẽ, còn lại đều nghe tên Androne đến thuộc. Cậu xuất hiện trên đủ các tờ báo, tập san hội họa lại càng gọi tên nhiều. Cậu là danh họa, không của riêng một quốc gia mà là hiện tượng lạ toàn quốc. Mười bảy tuổi mà nét vẽ đã chững như những bậc thầy. Nhưng đấy chưa phải cái khiến cậu nổi tiếng. Người ta nhớ tới phát biểu "Tôi sẽ tìm ra nghệ thuật thực sự." của Androne hơn là tranh cậu vẽ. Nhiều người chỉ trích, nhiều người ủng hộ, nhiều người trung lập và nhiều người chỉ tham gia hóng chuyện vì chẳng hiểu gì.

“Chào cậu, Androne, rất vui khi được biết một nhân vật có tên tuổi như cậu.” Tôi giễu.

“Còn tôi rất vui khi được nghe giọng hát của chị.” Đôi mắt cậu sáng lên, “Nó đặc biệt quá.”

Và chúng tôi đã làm quen nhau như thế.

*

* * *

Cậu mời tôi ở lại Cobali thêm một tuần vì vài cái lý do kiểu như muốn khai sáng cho tôi về vùng đất này. Nghe là biết cậu kiếm cớ, nhưng tôi là ca sĩ tự do, nghĩa là tôi rỗi việc, nên một tuần cũng chẳng ảnh hưởng mấy. Mỗi ngày, cậu lại đưa tôi đi xem chỗ này chỗ kia, la cà hàng quán rồi lại năn nỉ tôi hát khan cả cổ. Có một lần, sau hôm chào hỏi ở triển lãm, cậu có mời tôi đi một nhà hàng trung lưu. Androne lại chẳng nói câu nào, chỉ tập trung vào cây bút chì và tờ giấy. Tôi thấy gương mặt mình hiện ra nhưng không nói gì. Bạn bè sẽ không lặp lại sai lầm lần thứ hai.

"Chị biết không, gương mặt của chị gần đúng tỉ lệ vàng."

Dù tôi không hiểu cái cậu vừa đề cập đến là gì, nhưng tôi vẫn cảm ơn. Cái gì vàng vàng thì hẳn là một lời khen.

"Tại sao cậu lại vẽ tôi thế?"

"Để tôi không bao giờ quên." Androne đáp.

"Cậu nhớ tôi để làm gì?"

"Vì tôi thích chị mà. Phải giữ hình chị để mai mốt còn biết đường tìm chứ."

Tôi ngượng, nhưng có cười. Năm này tôi hai mươi hai mà vẫn chưa nói lời yêu bao giờ, một chàng trai trẻ tuổi sao lại có thể thẳng thắn như vậy chứ.

"Thế cậu tính ám tôi suốt đời sao, em trai?" Tôi nhấn nhá hai chữ cuối.

"Thật mà..." Cậu nói rất nghiêm túc, "Thường khi có ấn tượng với người nào rồi tôi không quên đâu. Nhưng cứ vẽ đây để phòng hờ. Nhỡ có chết ngang vẫn..."

"Suỵt!" Tôi đưa ngón trỏ chắn ngang câu nói của Androne, "Đừng có nói bậy bạ."

Cậu hiểu ý tôi nên thôi nói. Chẳng phải là người mê tín nhưng tôi ái ngại chuyện điềm gở. Trái tim tôi không nhận ra ngay lúc này nó sợ viễn cảnh cậu bỏ đi đến dường nào. Nó nhất định không chịu nổi nếu một ngày cậu chết. Vì chúng tôi chỉ vừa gặp nhau hai ngày, tôi không lường được con nhện tơ duyên đã kéo một sợi dây ràng buộc.

"Mà, tôi chưa biết tên chị."

"Amara."

"Cái tên đó xấu thế!" Cậu giơ hai tay lên trời, ngả người ra sau ghế, "Nó có ý nghĩa gì không vậy?"

"Bố mẹ tôi đã nghĩ con gái họ sẽ trở thành một công nhân nhà máy, nên không nghĩ tới chuyện đặt tên đẹp." Tôi xoay xoay tách trà trên bàn, "Amara, nghe hơi kì cục nhỉ?"

"Tôi đặt lại tên cho chị nhé?"

"Tên gì?"

"Cecilia."

Tôi không đủ nổi tiếng để gặp trở ngại trong việc đổi tên, và danh từ Androne đặt có tiết tấu hài hòa hơn Amara nhiều. Kể từ đấy, nghệ danh của tôi là Cecilia, nghĩa là người được dẫn dắt bởi thanh âm.

“Một ngày nào đó tôi sẽ tặng chị bức kiệt tác của mình.”

“Đó sẽ là gì đây?” Tôi nhìn về phía một đám mây trôi lưng chừng trời, tự hỏi.

“Nghệ thuật thực sự.” Androne đáp.

“Nhưng tôi thì lại nghĩ chẳng có gì là nghệ thuật thực... à mà có lẽ cậu sẽ sớm tìm ra thôi.” Tôi an ủi Androne. Nói huỵch toẹt vừa làm mếch lòng, vừa mất đi ý chí của cậu. Suy cho cùng, vì có một ước mơ mà Androne trở thành danh họa. Vì có một ước mơ mà tôi mới được hát ở Cobali. Vì có ước mơ mà còn người ta sống hết mình.

Ngày cuối cùng cũng đến. Khác hoàn toàn với dự tính ban đầu, tôi dùng dằng không muốn ra khỏi thành phố vì sự tò mò xem cái rộng lớn của nó là bao chưa thỏa. Androne đã chỉ tôi biết rất nhiều, nhưng cậu nhất định không chịu đưa bức tranh cho tôi làm quà lưu niệm. Tôi cũng hiểu trong nhân gian mặt người khó tìm thấy nhau, nhất là khi đã chia xa rồi, nhưng chẳng lẽ cậu không biết bản thân tôi cũng nhớ cậu vậy!

"Sau này, tôi không thể lần theo tơ duyên mà gặp cậu được. Biết đâu lần này là lần cuối đấy, cậu chẳng muốn gửi tôi thứ gì thật sao?"

"Tôi đã gửi những dấu ấn về mình vào tâm trí của chị rồi mà." Androne phân trần, "Khi nào không còn có thể tin vào đường chỉ tay của số phận, đến lúc đó, tôi sẽ đi tìm chị."

Không lấy được bức tranh, tôi nài cậu cho xem qua một lần. Quả là y như thật. Đã từ lâu tôi ước có người vẽ mình, không cần mỹ nhân hóa, chỉ cần đúng thật là đôi mắt này, chiếc mũi này, cái miệng này, không khác. Tôi thách thức người vẽ như vậy đấy, vì tự chính linh hồn tôi còn chả biết hình dung mình ra sao. Cái xác này thì tôi đã biết rồi, nhưng cái thật sự là tôi nó trông như thế nào? Chẳng ngờ rằng có ngày, qua một bức tranh tĩnh mà tôi được soi gương.

"Trời ơi chị Cecilia!" Androne vội rút khăn mùi xoa lau mắt cho tôi, "Sao chị khóc thế này? Tôi có vẽ xấu lắm đâu."

"Không, không phải." Tôi cười với cậu, "Cậu khéo lắm, nhìn như thật, không lệch một li."

"Ái chà, như vậy không hay rồi. Hội họa cần phải cắt bớt một phần máu thịt của nó với thực tế để trở thành hội họa. Nếu mà nó chỉ đúc lại mặt người thì hóa ra tôi chẳng vẽ được ấn tượng nào cả."

"Cậu thấy tôi xúc động tới mức khóc như con nít thế này cơ... Cậu thành công rồi đấy Androne, cứ đà này, cậu sẽ sớm tìm ra nghệ thuật thực sự."

Cậu không nói gì.

Năm phút trôi qua, cậu vẫn không nói gì.

Tôi nhìn qua cửa sổ, con chim đang đập cánh đã đứng lại trong không trung. Thời gian đã bỏ mặc tôi một mình trong sự ngưng đọng của nó. Bỗng không gian nhão ra và mở một lối vào ngôi đền cổ.

"Đi thôi, Cecilia." Androne cử động, cậu dắt tay tôi vào phía trong.

"Đi đâu?"

Ngay khi tôi vừa ngửi thấy mùi rêu, một làn khói mù mịt xộc lên vấn lấy mắt. Hơi nóng thiêu đốt không gian. Mùi lửa bén vào khứu giác.

“Androne!” Tôi hét lớn, âm thanh vọng vang ngôi đền. Nhưng cậu có vẻ đã biến mất.

Một ý niệm cho rằng nơi đây chỉ hữu hình với cậu lướt qua đầu tôi.