bởi Trí Nghiên

659
70
2072 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương II: Viếng Đền Bát Đế


Văn Liễu vội vàng chớp thời cơ, đưa máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc hiếm có này, gương mặt anh hiện lên nỗi vui mừng tột độ:


“Em có biết chúng ta gặp may rồi không! Đây là hiện tượng mọi người vẫn hay đồn, Bát Đế hiển linh đó.”



 Văn Liễu vừa dứt lời, trong tích tắc mây đen ùn ùn kéo đến, bầu trời xám xịt, gió cuồn cuộn. Mưa bắt đầu rơi, một giọt, hai giọt, rồi ào ào tuôn như trút ngược xuống sân đền, tưởng chừng như muốn nhấn chìm nơi đây trong màn mưa trắng xóa.


 Mấy luống hoa mẫu đơn đỏ thắm xác xơ rủ xuống. Không khí nồng ngai ngái của trận mưa đầu mùa, lại thêm những giọt mưa nhớp nháp bắn vào chân làm Ngọc Oanh có cảm giác ớn lạnh đến tận sống lưng. Những bức tường phủ đầy rêu phía trước mặt làm cô thấy quá đỗi ngột ngạt.


Những ngày như thế này không ai lại đi vui chơi, ngôi đền vắng tanh. Sân đình rộng lớn đìu hiu, vắng lặng đến lạ thường. Chỉ có tiếng gió thổi rít lên như tiếng khóc ai oán dội vào tai. Văn Liễu đứng tựa bên vách cửa, chăm chú xem lại mấy tấm ảnh trong máy. Ngọc Oanh thư thái đứng tựa cột nhà, mắt lơ đễnh nhìn vào màn mưa nặng hạt. Đột nhiên, vai cô bỗng cảm thấy lành lạnh. Ngọc Oanh hơi giật mình nhưng vẫn không ngoái nhìn, vì cứ ngỡ là bàn tay của bạn trai đang trêu đùa.


“Lạnh quá! Anh đừng trêu em.”


Ngọc Oanh quay đầu nhìn lại, một tia sét rạch ngang bầu trời. Sau lưng cô không phải Văn Liễu mà là ông lão trông hết sức kì quái. Đôi mắt mờ đục, gương mặt in hằn những vết tích tháng năm xô chằng chịt xô khít vào nhau. Người này làm cô có cảm giác rờn rợn. 


Văn Liễu thấy người lạ đến làm phiền. Anh đưa cánh tay kéo bạn gái vào lòng mình,  cau mày nhìn ông lão hỏi:


“Ông là ai?”


Ông lão nhìn Văn Liễu cúi đầu chào.


“Lão là người quét dọn lâu năm nhất ở nơi này.”


Ngọc Oanh hỏi ông lão:


“Có chuyện gì sao ông?”


 Ông lại cúi chào Ngọc Oanh lần nữa, không trả lời câu hỏi của cô mà tiếp tục nói mấy lời quái dị.


“Tình cảm kiếp này là nghiệp duyên kiếp trước còn sót lại, không thể cưỡng lại định mệnh cay nghiệt. Nhưng hết rồi, khổ tận cam lai.”

 

Hàng lông mày Ngọc Oanh hơi xô lại vào nhau.


“Là ý gì ạ? Ông giải thích cho cháu hiểu có được không?”


Ông lão cứ thế quay lưng vừa đi vừa đáp:


“Hãy nắm bắt cơ hội này nhé.”


Cứ như thế, ông lão vẫn lẩm bẩm một mình, mặc kệ cho hai người họ nhìn nhau bày vẻ khó hiểu.


“Tiệt nhiên thiên thư còn đó.”


Nhìn thấy gương mặt Ngọc Oanh bỗng nhiên biến sắc, Văn Liễu cố gắng trấn an. 


“Người già thường hay lảm nhảm vậy đó, đừng quan tâm đến ông ta.”

Dù bạn trai đã cố gắng trấn an, nhưng lời nói của anh thật sự không làm Ngọc Oanh vơi bớt đi những bồn chồn. Hết cậu Cảnh luyên thuyên về tiền kiếp làm hôm trước Ngọc Oanh cả đêm mất ngủ, hôm nay lại đến ông lão kỳ lạ này, không biết ở đâu tự nhiên xuất hiện trước mặt cô, ăn nói mấy lời vớ vẩn. Cho dù có là tinh thần thép không tin vào mấy chuyện mê tín dị đoan nhưng Ngọc Oanh vẫn có đôi phần hoang mang, lo lắng. Trong khoảnh khắc ấy, Ngọc Oanh thấy đôi vai mình vô thức run lên vì lo sợ, rồi cô lại phải tự trấn an mình.


“Chỉ là một người quét dọn thôi mà.”


Vẫn đó vết tích triều đại cũ dù đền Đô đã trải qua vô vàn vùi dập của bom đạn phương Tây. Bên trong đền có thủy đình dựng trên hồ bán nguyệt, có kiến trúc chồng diêm tám mái, tám đao cong; là nơi ngày trước được dùng để múa rối nước. Nhà tiền tế có điện thờ vua Lý Thái Tổ, không gian bên trong cổ kính, uy nghiêm. Bên phải viết “Chiếu Dời Đô”(1) của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Bên trái là bài thơ nổi tiếng “Nam quốc sơn hà”:


Phía bên ngoài gió nổi lên cuồn cuộn, đám mây đen kịt không rõ hình thù vẫn chưa tan. Hai người ngồi dưới mái hiên điện trước nhìn về phía hồ nước xa xa, từng giọt mưa rơi xuống mặt nước rồi lan dần vô tận. Văn Liễu gấp ô lại để một bên, anh ngó người ra nhìn cơn mưa nói:


“Mưa lớn thế này không khéo lại kéo dài hết ngày.” 


Lát sau, hai người bước vào Điện Cổ Pháp được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của tám vị vua thời Lý. Gian thờ giữa là nơi thờ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông. Ba gian bên phải lần lượt thờ Lý Thánh Tông, Lý Thần Tông và Lý Cao Tông. Ba gian bên trái lần lượt thờ Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông và Lý Huệ Tông. 


Ngọc Oanh tiến đền bàn thờ, nhẹ nhàng lấy một nén hương châm vào ngọn đèn dầu rồi cắm vào ly hương. Đã nghìn năm rồi, lớp lớp người đời sau dùng để cúng viếng, chiếc lư đồng nay đã hoen gỉ bởi dấu vết của thời gian.


Thắp xong nén hương, Ngọc Oanh đưa mắt nhìn khung cảnh xung quanh, ngắm thật kỹ những con người của lịch sử. Thoáng chốc đã nghìn năm sử, các vị vẫn ngồi nơi đây, lặng lẽ để người đời sau kính cẩn bái lễ. Cô thầm nghĩ:


“Đã hưng thịnh thế nào, ngạo nghễ ra sao? Tất cả cũng chỉ như bọt nước phút chốc vỡ tan tành. Nếu đã hình thành thì sẽ có biến mất. Cớ sao lại dấy binh đao tranh giành quyền lực.”


Cô quay sang hỏi Văn Liễu:


“Anh có muốn làm hoàng đế không?”


Đến đây, bệnh nghề nghiệp của Tổng biên tập lại tái phát, anh bắt đầu thao thao bất tuyệt như đang viết bài luận:


“Tiếc là không có chuyện nếu như. Anh thật sự chưa từng nghĩ mình sẽ làm vua. Em nghĩ xem anh sẽ như thế nào nếu là một vị vua? Là hoàng đế sáng lập một triều đại cường thịnh như Lý Thái Tổ hay chỉ là một ông vua bù nhìn mặc quyền thần làm loạn?”

Thật ra từ sáng đến giờ, Ngọc Oanh luôn chăm chú phân tích các công trình kiến trúc một cách thật tỉ mỉ, chỉ là, một con người có niềm đam mê bất tận với văn hoá cổ xưa như cô không thể từ bỏ cơ hội tuyệt vời này mà làm vài bộ ảnh. Mặc kệ mấy lời của Văn Liễu, Ngọc Oanh nhìn ngắm thật kỹ từng pho tượng. Mỗi người mang cho cô cảm giác vinh dự, tự hào đến lạ thường. Cô bỗng sững lại khi nhìn đến ngai vị hoàng đế cuối cùng phía trái gian thờ. Vị hoàng đế thứ tám của triều Lý.


 “Lý Huệ Tông!” - Ngọc Oanh thầm thì với chính mình.


Gương mặt của vua Lý Huệ Tông trong phút chốc bỗng trở nên thân thuộc đến kỳ lạ, những tưởng như cô đã quen biết ngài từ rất lâu. Nhìn bức tượng ngài ngồi trên ngai thờ, Ngọc Oanh tưởng chừng mình có thể nghe được giọng nói ấm áp của ngài đang du dương trong mái điện. 


Văn Liễu không biết gì, vẫn tiếp tục hào hứng nói:


“Em có tin rằng Lý Huệ Tông bị điên thật không, hay là có chuyện gì uẩn khúc?”


Đột nhiên cơn đau đầu ập đến với Ngọc Oanh. Những hình ảnh vụn vỡ hỗn độn chợt hiện lên trong tâm trí cô. Trong vô thức cô bật lên thành tiếng.


“Huệ Tông!”


Văn Liễu nhìn thấy cô ôm đầu đau đớn lo lắng hỏi: 


“Ngọc Oanh! Em sao vậy?”


Ngọc Oanh cũng không hiểu tại sao mình lại bật ra tiếng gọi đó. Những hình ảnh chắp vá nhảy múa trong đầu mình, đau như sắp vỡ tung.


“Mình đã quên mất điều gì sao?”


Ngước lên ngai, Ngọc Oanh nhìn về phía Lý Huệ Tông thật lâu. Nước mắt cô chảy giàn giụa. Cô cứ ngỡ rằng bức tượng của vị vua cuối triều Lý đang nhìn mình một cách hiền từ.


Thái độ kì là của Ngọc Oanh làm Văn Liễu lo lắng siết chặt vai cô:


“Em có làm sao không?”


 Tâm trí Ngọc Oanh quay cuồng. Bất chợt, cô vô thức bất chấp ngoài trời đang đổ mưa, chạy vọt ra khỏi điện thờ. Cô ngẩn ngơ nhìn góc sân đền nghìn năm tuổi, đền nghìn năm tuổi. Bắt gặp hình bóng ông lão vừa nãy đang cúi đầu kính cẩn với mình mình.


“Cơ hội lần này, mong công chúa đừng bỏ lỡ.”


Văn Liễu không hiểu Ngọc Oanh đang nhìn gì ngoài kia. Hoang mang lớn tiếng gọi:


“Ngọc Oanh!”


Sấm nổi lên liên hồi, từng tia chớp sáng lóe bầu trời đen khịt, gió cuồn cuộn rít lên làm đổ rạp cả mấy khóm hoa trước cửa điện thờ.


Ngọc Oanh như vô thức chạy ào ra ngoài trời giông bão. Cơn mưa trắng lập tức xóa phủ xuống đầu cô.


 Tiếng gọi thất thanh của Văn Liễu tan vào mưa:


“Ngọc Oanh quay lại mau ngoài trời mưa lớn lắm.”


Nước mắt, nước mưa lấp lánh nhảy múa quanh khoé mắt, cứ thế cả hai hòa thành một. Ngọc Oanh lúc này chẳng thể nghe lấy tiếng Văn Liễu đang gào khản cả giọng ở phía sau:


“Ngọc Oanh dừng lại đi!”


“ Ngọc Oanh!”


Tám triều hưng phế ngỡ còn đây 

Chợt tỉnh bàng hoàng tuôn lệ cay

Vạn dặm giang san cờ loạn thế 

Tựa như hư ảnh vụt qua tay. 

......


Cô cảm thấy mình đang chìm trong biển nước giá lạnh, chới với vùng vẫy mãi không thoát ra được.


 “ Ngọc Oanh!”


“Ngọc Oanh! Đưa tay cho phụ hoàng.”

......

(1) Chiếu được lập khi Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La- Thăng Long. Nội dung chiếu dời đô bản dịch tiếng Việt:


Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh 5 lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương 3 lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà 2 nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương, Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.


Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.


Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?


(Bản dịch của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993)