bởi Kỳ Kỳ

17
9
2289 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

III


“Tôi muốn đến cuộc đời nơi mình có thể tự do làm điều mình muốn.” Kiều An nói ngay khi hình ảnh của Bảo tàng hiện ra. Bên cạnh cô, quả cầu tuyết chứa đựng ngôi nhà của cô và Nam dần vỡ ra rồi tan vào thinh không.

“Cô cần cụ thể hơn. Có muôn vàn cuộc đời như thế kia mà.”

Kiều An suy nghĩ một lúc. Lần này, cô sẽ chọn một cuộc đời thật hoàn hảo với mình. Không ràng buộc bởi tình yêu hay gia đình nữa. Cô muốn được tự do. Như người bạn tên Châu đã từng rất thân thiết của mình. 

Vào thời cấp ba, Kiều An và Châu được xếp chung một lớp, lại còn chung bàn. Họ như hình với bóng không thể tách rời, đặc biệt là sau khi biết được cả hai đều chung một ước mơ, đó là thi vào khoa Nhiếp ảnh. 

Sau đó, người thực hiện được nguyện vọng chỉ có một mình Châu. Cô bạn năm nào trở thành nhà báo du lịch, được chu du khắp nơi với chiếc máy ảnh. Vì không thể vào đại học, Kiều An cảm thấy mình luôn thua kém bạn. Vô tình, một bức tường ngăn cách họ được hình thành. Họ không còn chung một con đường nữa.

Đó là điều Kiều An muốn thay đổi. Cô muốn được lên đại học và trở thành đồng nghiệp cùng Châu. Các dãy cầu tuyết trong Bảo tàng bắt đầu dịch chuyển với tốc độ chóng mặt. Khi chúng dừng lại, Kiều An đã thấy quả cầu mà cô cần.


*

* *


Căn phòng trọ bốc mùi mốc meo của đồ ăn thiu và quần áo dơ nhiều ngày chưa giặt. Kiều An kéo tấm rèm bên cửa sổ ra, và ngay lập tức ăn trọn một cái gối vào lưng.

“Này! Mình còn đang ngủ đấy!” 

Giọng lè nhè của Châu vang lên từ chiếc giường sát góc tường. Kiều An nhặt chiếc gối lên, ném trả lại bạn mình.

“Dậy đi. Trễ giờ phỏng vấn rồi kìa!”

“Kệ!” Châu đáp lại bằng cách kéo tấm chăn dày lên che mặt. “Đầu mình đau như búa bổ ấy!”

“Ai bảo tối qua bồ uống nhiều quá làm gì! Nhanh lên! Chúng ta không đến trễ được đâu!”

Sau một hồi vật lộn với cái chăn, Kiều An cũng thành công kéo nó ra khỏi người bạn mình. Cô mau chóng rửa ráy, thay bộ quần áo trông lịch sự và đủ ấm để chuẩn bị cho công việc của họ.

Nơi này là Phần Lan. Cô đến đây cùng Châu vào tuần trước, ngay cái mùa giá rét nhất trong năm. Họ cùng làm việc cho một tờ báo du lịch. Có thể thấy rằng họ không nổi trội cho lắm, vì họ bị đẩy đi đến tận nơi xa xôi, băng giá suốt hai trăm ngày trong năm này để viết bài. Tuy luôn miệng kêu ca, Kiều An hiểu rõ đây là cơ hội tốt nhất dành cho mình để thăng tiến ở toà soạn. Vì thật sự cô chẳng còn lựa chọn nào khác.

Sau khi tốt nghiệp, hai người bạn quyết định dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm và được gia đình tài trợ để đi du lịch. Họ sống nhờ nhuận bút ít ỏi từ những bài viết chia sẻ về chuyến đi của mình. Ngoài ra, cả hai còn nhận bất cứ công việc nào có thể ở địa phương nơi họ đến. Ban đầu, Kiều An cảm thấy vô cùng tự do và thích thú cuộc sống thế này. Dù có cực khổ đôi chút, họ vẫn tự xoay sở được. Nhưng dần dà, cô nhận ra nó chẳng như mình mơ tưởng, hay như cách cô đã từng nghĩ về đời sống của Châu. 

Ở cuộc đời gốc, Kiều An có theo dõi Châu trên mạng xã hội. Cô bạn là người nổi tiếng, thường xuyên đăng những bức ảnh du lịch vòng quanh thế giới khiến ai cũng thèm thuồng. Nhất là những người bạn từng học cùng Châu, như Kiều An. Cô không nhớ đã bao lần mình ao ước được sống như thế nữa. Tất cả chỉ vì cô lỡ cuộc thi trọng đại năm đó.

Từ khi bố mẹ Kiều An chia rẽ, cô được gửi về nhà bà ngoại. Vào hôm cô lên thành phố thi đại học, bà cô ốm nặng không qua khỏi. Cô đã bỏ qua cuộc thi quan trọng nhất đời mình như thế. Sau đó cô cũng không thi lại nữa mà quyết định tìm việc luôn. Cô lên thành phố, làm đủ việc, vay mượn khắp nơi để sống. Thỉnh thoảng, cô nghĩ đến việc đi học lại, hoặc ít nhất vẫn theo đuổi sở thích chụp ảnh của mình. Nhưng cuộc sống nhiều mối lo toan đã tước đi nhiệt huyết của cô với mọi thứ mình từng yêu thích.

Trở lại cuộc đời này, cô đã quyết định đi thi đại học. Bà ngoại vẫn qua đời và cô không có mặt. Trong thâm tâm cô thấy mình có lỗi vì đã không ở bên bà lúc lâm chung, cũng không về kịp để dự lễ tang. Nhưng họ hàng hiểu và tha thứ cho cô vì cuộc thi quan trọng nhất đời. Cô dùng số tiền bà để lại cũng như chắt chiu từ khoản mẹ cô ở nước ngoài gửi về vài năm trước để trả học phí và chi tiêu. Cứ tưởng sau khi ra trường có thể tìm được công việc tốt, ngờ đâu cơ hội không nhiều như cô mong đợi.

Cuộc sống bôn ba khắp nơi cũng chẳng dễ dàng chút nào. Hai cô gái trẻ dựa dẫm vào nhau đến được hôm nay cũng là một kỳ tích rồi. Tiền bạc cứ thế mà cạn dần, tiêu pha trong những chuyến đi xa, những đêm tiệc tùng đến sáng, rượu chè cùng khói thuốc. Cũng vì say xỉn mà họ đến trễ buổi phỏng vấn với khách hàng. Bản khiếu nại được đưa đến tòa soạn, rồi cả hai đều mất việc cùng một lúc.

Khói thuốc trắng xóa phả ra từ miệng Châu, bay thẳng vào mặt Kiều An khiến cô nhăn nhó. Khói tan, tiếng người bạn vang lên:

“Mình chán sống như vầy lắm rồi.”

“Hay là quay về nhà đi?” Kiều An hét lớn để át đi tiếng nhạc ồn ào từ DJ. Họ đang ở trong một hộp đêm, và tất cả điều cô muốn là trở về nhà. Nhà thật sự. Có trong cảnh túng quẫn nơi đất khách quê người thì mới thấy nhớ quê hương da diết. Ít nhất ở đó, cô có thể tìm công việc tạm bợ. Bưng bê hay làm trong xí nghiệp cũng được. Còn đỡ hơn rỗng túi ở nơi này, ngay cả việc làm thêm cũng không kiếm được. Việc chụp ảnh vốn là sở thích, nay trở thành gánh nặng đè lên đôi vai Kiều An. 

Châu lại lắc đầu nguầy nguậy.

“Không về! Về cũng chẳng biết làm gì. Mình muốn đi đâu đó. Hay chúng ta sang Thụy Điển đi! Nga cũng được!”

“Mình làm gì còn tiền!” 

Châu nắm lấy vai cô, lắc lư theo điệu nhạc.

“Lo gì! Cứ phiêu đi đã! Mình sẽ kiếm được tiền cho cả hai!”

Nói rồi, Châu bỏ đi cùng với một anh chàng hoàn toàn xa lạ. Đó là cách cô bạn “kiếm tiền”; dùng nhan sắc để đổi lấy sự cung phụng hay vài đồng tiêu vặt, thậm chí lừa lọc và trộm cắp. Nhiều lần, cô bạn còn bị cuốn vào những cuộc gây rối trong quán bar, tệ hơn là cờ bạc và thuốc.

Trong thứ ánh sáng mờ mờ, nhấp nháy liên tục ở hộp đêm, Kiều An không còn nhận ra cô bạn mình luôn ngưỡng mộ nữa rồi. Châu ở đây không phải là cô nàng xinh đẹp, thành đạt và tự do như trên mạng xã hội ở cuộc đời gốc. Tất cả chỉ được cố tình phô bày ra đó, nhằm đánh bóng tên tuổi và khiến người khác ghen tị.

Nhận ra mình không muốn sống như Châu nữa, Kiều An trở lại Bảo tàng với tiếng nhạc còn lùng bùng trong tai.  


*

* *


Sự im lặng bao trùm lên Bảo tàng một lúc thật dài, dù ở đây thời gian như ngưng đọng. Kiều An nhìn cuộc đời tưởng chừng như hoàn hảo của mình với người bạn thân tan biến, tự hỏi vì sao mọi thứ lại sai lầm đến như vậy. Thế rồi, cô quyết định một lần nữa:

“Có lẽ tôi đã chọn sai. Có lẽ đời tôi sẽ thật hạnh phúc khi đạt được ước mơ và thành công một mình.”

Người trông coi Bảo tàng đáp lời:

“Có một cuộc đời mà ở đó cô đứng trên đỉnh vinh quang. Đó là cuộc đời mà cô đã thấy lúc vừa đặt chân đến đây.”

Kiều An nhớ lại quả cầu nơi mình giơ cao quyển sách giữa hội trường chật kín người. Và nó xuất hiện trước mặt như đã chờ đợi cô từ lâu. Không chần chờ, cô bước vào bên trong.


*

* *


Tràng pháo tay nổ ra đón chào Kiều An trong cuộc đời mới này. Cô đứng trên bục, diễn thuyết suốt một tiếng rưỡi đồng hồ về khoảng thời gian đến Châu Phi và viết quyển sách kèm ảnh nghệ thuật đạt giải thưởng và truyền cảm hứng này. Cô nói thật trôi chảy, cứ như thể đây hoàn toàn là cuộc đời của mình chứ chẳng phải thứ chỉ vừa xuất hiện cách đây vài phút. Cô đã đạt được thành công, danh vọng và tiền của. Cô không bị bó buộc trong vai trò người vợ và người mẹ, cũng không bị người bạn thân thuở nhỏ kéo xuống vũng bùn nữa. Vinh quang rực rỡ này là của một mình cô mà thôi.

Sau buổi diễn thuyết, Kiều An được hộ tống đến phòng nghỉ. Chừng nửa tiếng nữa sẽ có mục ký tặng sách ở đại sảnh khách sạn sang trọng này. Chưa kịp nghỉ ngơi, cô đã nghe thấy tiếng ồn ào ngoài cửa.

“Bà không được vào trong!” Giọng nam nói.

“Sao không?” Một giọng nữ cất lên khiến Kiều An giật mình. Cô biết giọng nói này. “Tôi là mẹ nó! Tôi có quyền!”

Cuộc cãi vã ngắn diễn ra rồi kết thúc ngay khi Kiều An mở cửa phòng. Mẹ cô - giờ đã khác so với người mẹ ở cuộc đời gốc bởi mớ son phấn trên mặt và mùi nước hoa nồng nặc trên chiếc váy diêm dúa rẻ tiền - chỉ thẳng vào mặt cô và nói:

“Mày định không gặp mẹ đó hả? Giờ mày đủ lông đủ cánh rồi nên không cần tao nữa chứ gì? Tao đẻ ra mày đấy!”

Miệng Kiều An mở ra một cách tự nhiên, và cô cảm thấy ngạc nhiên với lời lẽ của mình:

“Bà đã không còn là mẹ tôi kể từ khi bà bỏ tôi để sang nước ngoài rồi. Tôi đã nói với bà bao nhiêu lần, tôi sẽ không đưa cho bà một xu nào hết! Đừng đến tìm tôi nữa!”

Cô đưa mắt về phía hai người bảo vệ, ngụ ý mau đưa mẹ mình đi. Rồi cô đóng sầm cửa lại, mặc cho bà la hét bên ngoài.

Ở đời này, mẹ cô cũng bỏ cô lại cho bà ngoại nuôi. Nhiều năm trời không có lấy một đồng chu cấp, giờ bà lại đòi tiền từ cô. Nếu cô không nổi tiếng và giàu có, liệu bà có còn nhớ đến cô?

Kiều An vẫn thấy sốc vì không ngờ được người mẹ hiền dịu của mình trong ký ức của cuộc đời gốc lại trở nên thế này. Nhưng ngay cả ở dòng thời gian đó, bà ấy cũng đã bỏ mặc cô nhiều năm trời. Tiền gửi về cho cô chỉ được vỏn vẹn vài năm. Nghe nói, bà đã tái giá ở nước ngoài và có một gia đình khác êm ấm hơn nhiều, hệt như viễn cảnh của một trong những quả cầu mà cô đã chọn.

Có lẽ, mẹ cô bị ghẻ lạnh ở đời này là hoàn toàn xứng đáng. Khi vùi mình vào sự êm ái của chiếc ghế đắt tiền, khi rót cho mình một ly rượu vang lâu năm, khi chìm vào giấc ngủ trong sự sung túc và hành công mỹ mãn, Kiều An nhận ra một điều: cô vốn chẳng cần ai cả để có một cuộc đời hoàn hảo. Không phải Nam, không phải Châu, không phải bố mẹ. Cô hạnh phúc nhất khi đứng một mình.

Và thế là, khi ở tuổi gần đất xa trời, quanh giường bệnh của Kiều An chẳng có ai. Không gia đình, không bè bạn. Những người từng hâm mộ cô giờ đâu hết. Cô đã đẩy tất cả ra xa, chẳng chia sẻ cuộc đời này với bất kỳ ai. Chính vì thế mà cô sẽ chết đi một mình. Mãi mãi cô độc. 

Giọt nước mắt nóng hổi trào ra. Bỗng Kiều An nhớ lại cái siết tay của bà ngoại rất nhiều năm về trước. Trong giây phút lìa đời, bà đã nói rằng bà yêu cô biết bao. 

Nhắm mắt. Kiều An nghĩ về Bảo tàng nơi có những quả cầu tuyết rực rỡ của mình lần đầu tiên kể từ khi cô đến cuộc đời này.