bởi Kỳ Kỳ

11
9
2366 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

II


Cái nắng dịu của chiều tà rơi lên bàn chân trần của Kiều An. Mùi bánh kem dâu tây thơm phức khiến bụng cô bắt đầu réo gọi. Cô nhìn xuống chiếc bánh mừng sinh nhật có tên mình. Mười một cây nến đã cháy quá nửa. Sáp bắt đầu phủ lên lớp kem trắng muốt.

Từ phòng khách phát ra tiếng ồn ào. Cô ngẩng đầu lên. Đây rồi cái khoảnh khắc lần đầu tiên trong đời cô ao ước mọi chuyện khác đi. Ở dòng thời gian cũ, cô đã chứng kiến cảnh bố mẹ mình cãi vã, đánh đập nhau trong chính ngày sinh nhật của cô. Sau đó họ ly dị. Bố đi lấy vợ khác, rồi mẹ cũng xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Cô bị quẳng về quê ngoại như một món đồ chẳng ai cần.

Nếu bố mẹ cô không chia tay thì tốt quá. Nếu cô có thể ngăn họ lại… Cô nghĩ đến Bảo tàng của những Khoảnh khắc Rực rỡ. Đây là cơ hội dành cho cô, là cuộc đời cô đã lựa chọn. Cuộc đời này sẽ có đủ bố mẹ kề bên.

Kiều An lao tới ngay khi bố vừa giơ tay lên cao. Cô ôm chầm lấy ông, vừa khóc vừa nói:

“Bố ơi! Đừng đánh mẹ mà!”

Trong cuộc đời cô từng sống, cô đã ngồi yên. Cô làm lơ trước những trận cãi vã của bố mẹ. Cô đã ăn bánh một mình trong khi cú đánh trời giáng của bố là giọt nước tràn ly khiến mẹ quyết định ly hôn. Ở cuộc đời này, chuyện đó sẽ không lặp lại nữa.

Bị cô đẩy ra và tóm lấy, bố cô bất ngờ khựng lại. Ông nhìn xuống đứa con gái đang dụi vào mình, rồi nhìn người vợ mình đã chán ngấy từ lâu. Hiểu ra điều gì, ông từ từ hạ tay xuống và ôm cô vào lòng.

Bố mẹ cô không ly hôn nữa. Kiều An đã có một sinh nhật thứ mười một thật rực rỡ như trong quả cầu tuyết cô đã thấy.

Trong một khoảng thời gian, Kiều An đã thật sự hạnh phúc. Cô trở về tuổi thơ cùng gia đình ấm êm của mình. Đôi lúc, cô quên mất Bảo tàng và những quả cầu tuyết. Đây có thể chính là cuộc đời dành cho cô, cuộc đời mà đáng ra cô nên có. Thế rồi, ngay khi cô nghĩ mình sẽ không trở lại Bảo tàng nữa, mọi chuyện lại đổ vỡ. 

Gia đình nhỏ của cô vốn được xây dựng từ dối trá và đau khổ. Mặc dù bề ngoài họ vẫn hạnh phúc, bố cô vẫn lén lút ngoại tình. Cũng vì chuyện đó mà mẹ cô luôn u buồn. Cộng thêm việc phải một mình chăm sóc cho con gái nhỏ, bà trở nên kiệt sức. Bà quyết định chấm dứt cuộc đời mình vào năm Kiều An mười ba tuổi.

Trong tang lễ của mẹ, Kiều An đã nhắm mắt và nghĩ về Bảo tàng của những Khoảnh khắc Rực rỡ.



* *


Quả cầu tuyết trước mặt Kiều An nứt ra. Khung cảnh bên trong xám dần như thể toàn bộ màu sắc đang bị hút ra khỏi đó. Rồi nó sụp đổ, cùng tan biến với phần thủy tinh bao bọc bên ngoài, để lại một chỗ trống rộng lớn giữa hàng lớp các quả cầu.

Giọng nói của thực thể trông coi Bảo tàng vọng lại từ xa xăm:

“Cô về sớm thế?”

Hai tay buông thõng siết lại thành nắm bên mạn sườn, Kiều An tức giận:

“Đó không phải cuộc đời tôi mong muốn! Tôi đã thay đổi việc bố mẹ ly hôn. Vậy mà… Vậy mà mẹ vẫn chết! Tại sao?”

Cơn giận đem lời nói của chính cô vang vọng khắp căn phòng bất tận. Trái với cô, thực thể bí ẩn kia đáp lời vô cùng điềm tĩnh:

“Vì đó là sự lựa chọn của bố mẹ cô. Không phải của cô. Dù cô đã ngăn cản việc họ ly hôn, cô vẫn không thể thay đổi việc bố cô chọn ngoại tình, hay hành động tự giải thoát của mẹ cô. Cô chỉ có thể thay đổi điều mình chọn. Cuộc sống của chính cô cũng sẽ thay đổi dựa trên những lựa chọn đó.”

Hiểu được điều này không có nghĩa Kiều An cảm thấy thoải mái hơn. Cô bắt đầu cảm thấy như thể ở bất cứ cuộc đời nào, gia đình cô cũng tan nát theo đủ mọi cách có thể xảy ra. Ắt hẳn bi kịch là điều không thể tránh trong đời cô rồi. Tuy vậy, cô vẫn muốn đánh cược thêm nữa.

“Tôi muốn thử một cuộc đời khác.” Cô nói.

“Tất nhiên rồi. Hãy cứ nghĩ đến một sự lựa chọn nào đó mà cô muốn thay đổi.”

Kiều An ngẫm nghĩ. Cô muốn biết cuộc sống mình sẽ ra sao nếu được sống cùng mẹ. Có lẽ cô nên làm thế, vì cô không chịu được cái tính vũ phu của bố. Quyết định rồi, cô nhận ra quả cầu mình cần đã nằm ngay phía trước.

Đã từng có lần mẹ ngỏ ý muốn đưa Kiều An sang Nhật sinh sống cùng mình. Ở dòng thời gian đó, cô đã từ chối vì trong lòng vẫn còn rất nhiều uất hận với người mẹ đã bỏ đi. Nhưng ở quả cầu tuyết được lựa chọn lại, cô quyết định đi cùng mẹ. 

Mất một thời gian để làm quen với cuộc sống mới ở Nhật, rồi mọi chuyện cũng trở nên ổn thỏa với Kiều An. Cũng có nhiều vất vả, nhưng được ở cùng mẹ khiến cô thấy mình vẫn hạnh phúc hơn cuộc đời cũ nhiều lắm. Mẹ sớm tái giá với một người Nhật là đồng nghiệp ở công ty và hạ sinh một bé trai kháu khỉnh.

Kiều An yêu quý em mình. Thế nhưng, cứ mỗi lần bắt gặp hình ảnh mẹ và dượng nâng niu đứa trẻ, cô lại cảm thấy chạnh lòng. Khung cảnh hạnh phúc đó vốn dĩ là của cô. Bố mẹ đã từng bế bồng cô như thế. Dần dà, cô cảm thấy như thể đứa em trai đang cướp đi toàn bộ tình thương ít ỏi mà mẹ dành cho mình. Ánh mắt mẹ nhìn nó mới trìu mến, mới đong đầy yêu thương làm sao! Thế mà cô chẳng nhớ được lần cuối mẹ nhìn mình như vậy là khi nào. Đối với cô, mẹ chỉ đang làm tròn bổn phận của người mẹ. Trong lòng bà, phải chăng cô gợi nhớ đến quãng thời gian đầy bất hạnh khi xưa? Dù không nói ra, Kiều An vẫn nhận thấy như thế.

Cô chọn quay trở về Bảo tàng. Cô từ chối tin rằng không có một dòng thời gian nào mà cô chẳng có được gia đình hạnh phúc. Và thế là cô đã thử rất nhiều quả cầu tuyết khác nhau. Trong một số cuộc đời, cô chỉ ở lại được vài tháng, có khi vài ngày rồi muốn quay lại. Ở vài cuộc đời khác, cô thật sự đã sống vui được nhiều năm trời. Nhưng cuối cùng, cô vẫn luôn quay trở về Bảo tàng vì nhiều lý do khác nhau. Cứ thế, từng quả cầu biến mất dần.

Vẫn còn rất nhiều quả cầu khác đang chờ đợi cô, song Kiều An không chắc mình nên thử cái nào nữa. Cô cho rằng những bất hạnh thời thơ ấu là khởi nguồn cho mọi bi kịch của mình sau này. Nhưng dù đã hàn gắn lại gia đình, chuyện gì đó không vui cũng sẽ xảy ra và cướp đi một trong hai người thân nhất của cô. Nếu bố mẹ không thể cho cô một gia đình hạnh phúc, chi bằng tự tạo dựng gia đình của riêng mình?

Vừa nghĩ thế, một quả cầu tuyết hiện ra trước mặt Kiều An. Bên trong đó là cảnh của thời cấp ba, vào lúc cô được tỏ tình. Cô vươn tay chạm vào quả cầu.


*

* *


Kiều An đang ở sân trường trong buổi lễ tốt nghiệp cấp ba. Người đứng trước mặt cô là Nam, cậu bạn cùng lớp đã thầm thương trộm nhớ cô từ buổi lễ nhập học ba năm về trước. Anh luôn dịu dàng quan tâm cô. Thành thật mà nói, ở cuộc đời thật sự của cô, anh là người con trai tốt nhất mà cô từng gặp. Nhưng cô đã thẳng thừng từ chối anh. Vì cô không có cảm xúc nào khác với anh ngoại trừ tình bạn. Sau đó cô cũng đã gặp gỡ nhiều người, và do luôn bị ám ảnh bởi sự chia ly của bố mẹ mình, cô nào có tin vào tình yêu nữa. Cô đã quyết định không yêu ai, không kết hôn. Như thế, cô sẽ không đi vào vết xe đổ của bố mẹ mình.

Nhưng ở đây, cuộc đời này, cô đã chấp nhận Nam. Họ hẹn hò vài năm trước khi tiến đến hôn nhân. Cô trở thành bà nội trợ đúng nghĩa, ngày ngày quẩn quanh công việc chăm sóc hai đứa con nhỏ và trông coi nhà cửa. 

Họ có một gia đình êm ấm. Mức lương của Nam và tài sản thừa kế của gia đình bên chồng đủ sức để Kiều An sống hết cuộc đời trong nhung lụa. Đó là thứ ở cuộc đời gốc cô đã không có được. Cô nhớ về những ngày tháng phải chật vật làm nhiều công việc cùng lúc, có khi mì gói cũng chẳng có mà ăn. Thế nên cô lại càng thích cuộc đời này hơn nữa. Kiều An ở đây chẳng phải lo lắng điều gì. Cô đã có người chồng biết chăm lo cho gia đình và hai đứa con nhỏ xinh xắn. Mọi thứ quá hoàn hảo.

Vậy mà cô lại cảm thấy không hài lòng. Trong cô luôn có một khoảng trống rỗng mà cô không rõ tại sao.

Một hôm, cô tìm được một chiếc máy ảnh cũ trong ngăn kéo tủ. Cô nhớ nó. Đó là chiếc máy ảnh đầu tiên cô mua được bằng tiền dành dụm từng đồng của mình ở cả cuộc đời gốc và cuộc đời này. Ngón tay cô lướt nhẹ theo từng cạnh, ống kính và những nút nhỏ bên trên chiếc máy. Đã bao lâu rồi cô chưa chạm vào nó nhỉ? Ánh mắt chạm vào một phong bì lớn trong góc được kê bên dưới chiếc máy ảnh, Kiều An cầm lấy và mở nó ra. Bên trong chứa đựng những khoảnh khắc cô đã ghi lại và rửa thành ảnh. Cô nhớ mình đã từng lang thang khắp phố phường, chụp lại mọi khoảnh khắc đẹp đẽ mà mình thấy. Là em nhỏ đến trường lần đầu tiên, là bác gánh hàng rong qua con ngõ vắng, là nụ cười của những người lạ vô tình lướt qua… Hình ảnh sau ống kính chính là những tia sáng le lói trong cuộc đời ảm đạm của cô.

Nhiếp ảnh luôn là điều cô yêu. Nhưng ở cuộc đời cô đã sống, nó là thú vui đắt đỏ mà cô không còn kham nổi nữa. Cô đã rời câu lạc bộ nơi có những người cùng sở thích và bán đi chiếc máy ảnh mà cô từng quyết sẽ mãi giữ bên mình.

Còn ở đời này, vật quan trọng như thế lại nằm im trong tủ. Bị lãng quên. Bị ghẻ lạnh. Vì sao nhỉ? Kiều An nhìn tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi khoa Nhiếp ảnh trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh cũng bị bỏ trong xó tủ. Cô đã không có cơ hội đến đại học ở cuộc đời gốc. Nhưng ở đây, cô đã được đi học và còn tốt nghiệp. Thế mà cô đã chọn trở thành một bà nội trợ, chọn lấy gia đình thay vì sự nghiệp của mình. Rồi, cô tự hỏi liệu sự lựa chọn đó của mình có đúng không.

Tối hôm đó, cô đã nói chuyện với chồng mình.

“Em muốn trở thành một nhiếp ảnh gia.”

Nam nghe thế thì ngạc nhiên lắm. Anh đáp:

“Chúng ta đã nói chuyện này nhiều lần rồi mà? Em cũng đã đồng ý chỉ làm nội trợ trong nhà. Còn việc nhiếp ảnh… Anh nghĩ nó không hợp với em đâu.”

“Tại sao?” Kiều An chau mày. Hai tay cô bấu vào phần váy lụa đắt tiền trên đùi mình.

Nam thở dài một hơi. Anh gác đũa. Bữa cơm thịnh soạn trên bàn trở nên nguội lạnh.

“Em biết mẹ không thích em vác máy ảnh chạy lung tung khắp thành phố kia mà. Gia đình mình tôn trọng truyền thống. Phụ nữ chỉ nên ở nhà chăm sóc con cái.”

Kiều An càng cắm móng tay mình chặt hơn vào váy, đến mức chúng bắt đầu cứa vào da cô. Cô nói ra suy nghĩ của mình:

“Thời buổi này rồi, phụ nữ có gia đình cũng có thể theo đuổi sự nghiệp chứ…”

Chưa để cô nói hết câu, Nam đã ngắt lời:

“Em ở đây đâu có thiếu thốn thứ gì? Em không cần phải đi làm. Mẹ đã nói vậy rồi. Anh cũng thấy em như thế này là tốt nhất. Anh không thích em phải vất vả lao động ở bên ngoài.”

Hóa ra, thứ tình yêu mà Nam dành cho cô là thế này, là xem cô như một con búp bê trong lồng kính, ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của gia đình anh ta. Kiều An thấy đắng nghét ở miệng. Cô biết mình không hề yêu Nam. Cô chọn anh là vì muốn có một gia đình hoàn hảo. Thế mà thứ trông thật hoàn hảo này lại chẳng phải điều cô mong đợi. 

Nhắm chặt mắt lại, cô ước mình đang ở Bảo tàng của những Khoảnh khắc Rực rỡ.