bởi Vi Phong

3
0
1517 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Kafka Bên Bờ Biển - Haruki Murakami


Kafka Bên Bờ Biển - Cơn cuồng phong xới tung tâm hồn 


Tiêu đề Kafka bên bờ biển gợi lên cảm giác bình yên với bãi cát miên man, sóng vỗ dập dìu. Nhưng bạn nên chú ý, không gian nên thơ đó chỉ làm nền cho một bóng đen kì dị và cô độc. Hình ảnh cậu bé mười hai tuổi ngồi trên ghế và chống cằm nhìn về biển cả tự thân không có gì đáng sợ, cái đáng sợ đến từ lớp rèm kí ức bao phủ lên trên. Chìm vào từng lớp sóng ngôn từ trong tác phẩm, bạn mới thấy kí ức nguy hiểm dường nào. Nó trở thành "quái vật", ngốn nát sự sống của con người.

Haruki dùng ngôn từ của mình thổi lên một cơn cuồng phong bất khả kháng của số phận. Ông thả nhân vật vào “cơn bão” của chính mình để họ vật lộn và tìm ra lối thoát. Như thằng tên Quạ - cái tôi thứ hai của Kafka đã nói: “Đôi khi số phận giống như một cơn bão cát nhỏ cứ xoay chiều đổi hướng liên tục. Cơn bão đó là mày. Một cái gì bên trong mày. Cho nên tất cả những gì mày có thể làm là cam chịu nó, bước thẳng vào trong cơn bão, nhắm mắt lại và bịt chặt tai để cát khỏi lọt vào và từng bước một đi xuyên qua nó.”

 Nội dung tóm lược

Tác giả trình bày theo hai tuyến chính. Những chương lẻ được kể lại bởi một cậu thiếu niên mười lăm tuổi tự xưng là Kafka Tamura. Các chương chẵn tường thuật theo ngôi thứ ba về một lão già tên Satoru Nakata.

Kafka đã chuẩn bị về thể lực, tiền bạc từ nhỏ để chạy trốn khỏi lời nguyền độc ác của ông bố: “Một ngày mày sẽ giết cha mày, ngủ với mẹ mày và cưỡng hiếp chị gái mày.” Cả mẹ và chị gái đều bỏ đi từ nhỏ nên Kafka chẳng nhớ nổi hình dáng của họ. Điều duy nhất cậu có thể làm là rời xa bố trước khi vế đầu tiên của lời nguyền ứng nghiệm. Điểm đáng chú ý là Kafka biết đây là cơn bão của mình và phải “bịt mắt, bịt tai” để bước qua, nhưng vì nó quá tàn nhẫn và phi lí nên cách cậu chọn là “bỏ chạy”. Không ngờ, hành trình chạy trốn là bước khởi đầu tiến về phía tâm bão. Hay đúng hơn, cơn bão đó đã “ở sẵn bên trong” và không cách nào chạy thoát được.

Về phần Satoru Nakata, ngày bé, lão bị tại nạn và mất khả năng đọc viết, nhưng cũng từ sau sự cố, lão có thể nói chuyện với mèo và trở thành chuyên gia tìm mèo lạc. Nakata sống một mình bằng tiền trợ cấp và không bao giờ ra khỏi thành phố. Lão có tư duy hồn nhiên như một đứa trẻ, sống tách rời hoàn toàn với lối sống hiện đại, chỉ có vừa đủ những thứ cơ bản nhất của một con người đơn giản nhất. Thế mà lão chính là người được chọn để giải quyết những vấn đề phức tạp có tính mấu chốt, ví như lời nguyền của Kafka và giải thoát cho người phụ nữ cực kì tinh tế và thông minh - Miss Saeki.

Hai lộ trình vượt qua cơn bão

Một là của Kafka. Cậu đang cố chạy trốn khỏi lời nguyền, nhưng thực ra là đâm đầu vào lời nguyền đó. Mọi thứ dần ứng nghiệm và tạo nên bối cảnh ngột ngạt như đang ở trên đoàn tàu mất phanh. Càng về sau, càng có lí để đồng tình với anh chàng Hoshino rằng: “Sự tình cờ quả là dễ sợ”. Theo chân Kafka, ta thấy quá khứ đầy ám ảnh, thực tại tưởng như không lối thoát, lựa chọn mang tính quyết định và tầm vóc của một con người khi bước ra khỏi cơn bão nội tâm.

Hai là của Nakata. Lão tự nhận cuộc sống dưới đáy xã hội là rất ổn. Lão không có tham vọng, không có nhu cầu. Lão như bờ cát phẳng lặng chẳng bao giờ chạy trốn bão táp, lòng của lão cũng chưa từng dậy sóng vì “chẳng đủ sáng láng” để suy nghĩ nghiêm túc vấn đề gì. Sau khi ngộ sát bố của Kafka thì lão mới nhận được “thông điệp” để đi đến một nơi và làm một việc mình không hề biết. Đây là hành trình liều lĩnh đối với một lão già mù chữ và ngây ngô như Nakata, một hành trình vô lí mà chẳng ai sẵn sàng đón nhận. Nó quá kì lạ và hẳn chỉ dành cho một người kì lạ tầm cỡ Nakata. 

Có vẻ cơn bão của Nakata là vượt ra khỏi vùng an toàn để tìm lại chính mình – một con người toàn vẹn có một chiếc bóng hoàn chỉnh, biết mình thích gì và cần gì. Sau cuối, lão nhận ra mình yêu quí con chữ, muốn biết đọc và đi đến các thư viện. Nhưng trước khi làm được điều đó, lão đã qua đời.

Một nửa chiếc bóng nhạt nhòa của Nakata mang theo ước mơ đọc sách chôn vùi vào lòng Kafka. Để dù lão chết đi nhưng lại như tái sinh lần nữa trong một Kafka Tamura vừa trưởng thành. Như cách Quạ xuất hiện trong vai trò là một cái tôi tách biệt của Kafka, có lẽ một nửa cái tôi đi lạc của Nakata cũng đã dừng chân nơi cậu vì họ có điểm tương đồng.

Cách đi từ “rỗng” đến “đầy”

Kafka bên bờ biển còn đặt ra một vấn đề rất cấp thiết: Làm sao lấp đầy một tâm hồn trống rỗng? Câu trả lời được sáng tỏ dần khi ta theo dõi hành trình của Nakata và tác động của lão đến người xung quanh. 

Những gì mà con người duy vật theo đuổi đều vô nghĩa đối với lão. Điểm sáng ở Nakata chính là sự chân thật. Lão chân thật đến nỗi ai cũng phải tò mò và lạ lẫm dõi theo. Giữa cuộc đời đầy lọc lừa, một Nakata “rỗng tuếch” đột nhiên xuất hiện. Lão không có gì để người ta lừa, sự hồn nhiên của lão khiến họ an tâm mở lòng và tìm thấy một phần giá trị ngủ vùi trong tâm hồn.

Điển hình như cách Hoshino dần “đầy” lên khi ở bên lão. Một gã thanh niên hai mươi sáu tuổi “cà lơ phất phơ”, chưa bao giờ hứng thú với sách vở, bỗng một hôm chăm chú lắng nghe tiếng cello sang nhã và dào dạt của Fournier và suy nghĩ thế này: “Dạo ấy, mình thường ra sông bắt cá, chẳng lo nghĩ gì. Mỗi ngày đến thế nào thì mình sống thế ấy, mình là một cái gì. Cứ tự nhiên thế thôi. Nhưng rồi một hôm, tất cả bỗng thay đổi, cuộc sống khiến mình không là cái gì nữa. Người ta sinh ra là để sống, phải không nào? Nhưng càng sống, mình càng mất đi cái gì ở bên trong mình và rốt cuộc, mình trở thành trống rỗng. Và mình dám chắc là càng sống, mình sẽ càng trống rỗng hơn, vô giá trị hơn.”

Con người hiện tại đi từ “đầy” đến “rỗng”, càng sống càng rỗng. Còn Nakata lại đi ngược lại, từ “rỗng” đến “đầy”. Lão làm được điều đó là nhờ sở hữu trái tim chân thành và sẵn sàng chia sẻ. Lão chẳng ý thức được điều đó, nhưng mỗi câu lão nói đều khiến tâm hồn rung động một cách lạ kì. 

“Murakami là họa sĩ của những khoảng - chân - không” – John Updike 

Ông khiến điều siêu thực trở nên hữu hình, biến cái không thể thành có thể như phết một vệt sơn vào không trung. Tác phẩm thấm nồng hơi thở thời đại, từ bi kịch Sophocles tới mặc cảm Oedipus, từ Đông sang Tây, từ thực tại vào tâm linh. 

Các nhân vật đồng hành, chia sẻ và nâng đỡ lẫn nhau. Lời thoại rất đắt, dù đọc qua có vẻ vu vơ nhưng luôn khiến độc giả “vỡ lẽ”. Họ toát ra chất riêng và rất đáng đồng cảm, yêu thương. Ta tìm thấy chính mình ở mỗi người một chút. Nỗi sợ hãi, bất lực, cô đơn bị bóc trần và làm nổi rõ niềm khao khát hoàn thiện, được sống chân thật và sống tốt.

 Đọc nhiều của Haruki Murakami, tôi phát hiện ra ánh sáng của chủ nghĩa khắc kỉ: Đừng cố kiểm soát những gì xảy đến với bạn, vì đơn giản là bạn không thể. Thay vào đó hãy kiểm soát phản ứng của mình trước những sự việc đó. Để khi “bước ra khỏi cơn bão”, “tỉnh dậy” sau giấc ngủ thiếp đi, bạn “là một phần của thế giới mới toanh” và sở hữu một động lực sống mới toanh. Thật may Kafka bên bờ biển không có những vụ tự sát hàng loạt như Rừng Na Uy. Mọi nhân vật đều tìm được lối thoát theo cách riêng. Thực sự, tôi rất cảm kích vì điều đó.

Đánh giá điểm số (ý kiến cá nhân):

Hình tượng nhân vật: 5/5

Cốt truyện, tình tiết: 4,5/5

Hành văn: 5/5

Thông điệp truyền tải: 4,9/5

Độ chăm chút cho tác phẩm: 5/5