bởi Hạ Vy

10
2
926 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Khi nói hai chữ “giá như”, nghĩa là không còn cơ hội nữa


Ngày ông bà còn sống, tôi lại dửng dưng vô tâm, vì những cuộc vui khác trong cuộc sống mà gạt ông bà sang một bên. Lúc nào cũng nghĩ, không sao cả, ông bà còn khỏe mạnh thế, mình còn thiếu gì thời gian để về thăm, để gặp ông bà.

Nhưng tôi quên mất rằng, tôi càng trưởng thành, thì ông bà càng ngày một già yếu đi, thời gian cũng ít dần đi. Vậy mà tôi cứ lấy hàng đống lý do vì bận học, vì bận làm, vì bận thứ này thứ kia mà biện hộ cho bản thân, để bớt đi cảm giác tội lỗi.

Tôi cứ vô tâm vô phế như thế, đi mãi không chịu ngừng lại, mặc cho ông bà ở phía sau gọi tên tôi. Đợi đến khi, tôi có chút lương tâm ngoảnh lại, mới đau đớn nhận ra ông bà đã ở xa tôi quá, có đưa tay tôi cũng chẳng thể chạm lấy, có dư dả nhiều thời gian cũng chẳng ích gì, vì ông bà đã không còn có thể ngồi nghe tôi kể chuyện như lúc thơ bé nữa.

Tôi thương ông bà, nhưng lại chưa từng nói điều đó với ông bà một lần nào. Tôi bảo chứng minh bằng hành động, nhưng thử hỏi tôi đã làm được gì rồi? Chỉ với vài ba lần về thăm nội, chỉ mới vài ba câu hỏi thăm, chỉ có vài món quà bánh mua cho nội, như vậy là đủ để tôi nói thương nội rồi sao?

Tôi đã từng hứa đợi lớn sẽ kiếm nhiều tiền cho nội, mua nhiều thức ăn ngon cho nội, để nội sống sung sướng hơn. Nhưng tôi vẫn chưa thể thực hiện lời hứa đó, thì nội đã đi mất. Mãi đến lúc mất đi, nội vẫn chưa thể có được cuộc sống an nhàn, hưởng lạc. Cả cuộc đời tôi, làm cho nội vui và tự hào nhất, chắc chỉ có lần tôi nhét vào tay nội tờ một trăm ngàn đồng - đồng tiền đầu tiên tôi kiếm ra được từ nhuận bút năm cấp ba.

Còn lại, tôi tự thấy mình chưa làm được gì cho nội, càng không xứng đáng với tình yêu thương của nội. Dù giờ tôi có nhớ thương về nội, có thấy khóe mắt cay cay mỗi lần nghĩ về nội, cũng đã nói lên được gì? Chỉ có thể nói lên việc tôi là đứa cháu vô tâm, không xứng đáng là đứa cháu cưng, chính vì chưa làm gì được cho nội, nên mới có cảm giác ân hận và đau đớn này.

Ngày ông nội mất, tôi tự hỏi bản thân mình hằng đêm, rằng đã làm được những gì cho ông, rằng đã tận tâm tận lực vì ông chưa, để được ông yêu thương, đến cuối đời, vẫn không quên lo nghĩ cho tôi? Rồi bà nội mất, tôi cũng lại tiếp tục hỏi mình những câu tương tự như vậy, và câu trả lời luôn làm tôi đau lòng.

Tôi đã khóc nhiều đêm, và cầu nguyện rất nhiều lần cho thời gian trở lại. Giá như tôi dành nhiều thời gian quan tâm yêu thương ông bà hơn, giá như ông bà ở bên tôi lâu hơn, đợi đến ngày tôi thực hiện được lời hứa của mình; giá như tôi mãi là đứa con nít ngây ngô, bao nhiêu tâm tư đều đem trút hết ra với ông bà; giá như tôi vẫn còn ông bà; giá như quay ngược thời gian ngày ông bà còn đứng nơi hiên nhà quen thuộc mỉm cười với tôi, thì dù cho có bỏ tất cả, tôi cũng sẽ dành thật nhiều, thật nhiều thời gian cho ông bà.

Giá như trên đời có hai chữ "giá như". Tiếc là điều đó mãi không xảy ra, giống như thời gian đã trôi qua làm sao quay lại. Con người ta thường không trân trọng những điều quý giá bên cạnh mình, chỉ đến khi mất đi mới thấy hối hận, mới bắt đầu thốt lên hàng loạt câu giá như. Nhưng một khi câu giá như được nói ra, nghĩa là việc đã xảy ra mất rồi, nghĩa là không còn cơ hội để làm lại nữa, nghĩa là ta vĩnh viễn mất đi cái ta quý, người ta thương.

Vậy nên, hi vọng tôi, hi vọng các bạn, từ nay về sau sẽ không bao giờ nói hai chữ "giá như" nữa. Cuộc sống này vô thường, sống hôm nay chưa biết ngày mai ra sao. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tất yếu của cuộc sống, không ai tránh khỏi được. Chỉ là có người trải qua sớm, có người được ưu ái trải qua lâu một chút, để có đủ thời gian làm những chuyện nên làm.

Còn được ở bên những người thân yêu là điều quý giá nhất trên cõi đời này. Tiền bạc có nhiều rồi cũng hết. Đừng mải miết kiếm tiền mà cho mình lý do chính đáng để được vô tâm với họ. Vì đến khi không còn họ nữa, tiền nhiều để làm gì? Hãy yêu thương, hãy trân quý, hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho người thương. Đừng để đến khi họ về với cát bụi, nấm mồ đã lạnh mới ngậm ngùi tiếc thương. Vì cuộc sống này không dài như chúng ta vẫn nghĩ, lại càng không có hai chữ "giá như"!

Hạ Vy