Chương 1: Không Nên Tồn Tại
Không Nên Tồn Tại
Xóm Nước Xoáy nằm trên một vùng quê của nhánh sông Cửu Long quanh năm cuồn cuộn sóng, hai bên bờ là vô số loại trái cây miền quê sông nước.
Căn nhà sàn ba gian cạnh bến sông lúc này người ra kẻ vào bận rộn lắm. Loáng thoáng nghe từ cuộc trò chuyện của họ mới biết trong nhà đang chuẩn bị giỗ cho cụ ông. Trước nhà có hàng dừa xanh thẳng tắp dẫn lối đi vào, mấy cây xoài cát xung quanh đang chín thoang thoảng hương thơm, còn phía xa xa là một đứa nhóc nhìn về phía bên này bằng ánh mắt khát khao.
Chịu đựng cái đói cồn cào, nó vẫn chờ ông cụ mang thức ăn đến như lời đã hứa. Cơn gió thổi hiu hiu ngoài đường vắng tanh không bóng người qua lại, độc mỗi căn nhà ông cụ còn sáng trong đêm, và là thứ ánh sáng vàng ấm cúng của đèn dây tóc. Cụ mặc bộ âu phục mới toanh mà mấy đứa con mới vừa hoá cho. Ngồi trên chiếc võng khẽ đung đưa, cụ cười mãn nguyện nhìn gia đình thân thương đang ngồi quây quần bên nhau. Họ cười đùa vui vẻ, tình cảm chan hòa, rồi kể nhau nghe những chuyện thuở còn bé.
So với nó, tuổi đời của cụ lớn hơn nhiều lắm, nhưng xét về ngày đến thế giới này, thì nó đến trước. Nó không biết mình đã đến đây bao lâu rồi, chỉ biết những người từng ở thế giới này cùng lúc và cả những người đến sau nó đều đã từng người, từng người rời đi hết rồi, còn mỗi nó là mãi chưa được đi. Ngày ông cụ biết mình đã bước sang một thế giới khác. Đứa nhóc thấy ông cụ buồn lắm, cụ ngồi một mình bên ngôi mộ mới quét vôi của mình, gương mặt sầu não chưa thể chấp nhận sự thật đắng cay rằng: ông cụ đã chết.
Rồi ông cụ cũng quen dần với việc này, cụ trở thành một người bạn tán gẫu của nó. Mấy lần pha trò, ông cụ lại gọi nó bằng lão đại. Có hôm cao hứng, cụ kể với nó chuyện hồi ông cụ còn sống, cụ phong lưu lắm, giai nhân, mỹ nữ khắp Nam Kỳ Lục tỉnh đều không thể cưỡng lại cái vẻ lãng tử của cụ, rồi họ sa vào lưới tình. Những mối tình trong cuộc đời cụ nhiều đếm không xuể, và cũng chẳng thể nhớ hết được. Kể đến đây mặt ông cụ đột nhiên buồn thiu nói:
“Tánh tao hay đi đây đi đó, ham của mới của lạ, cứ sớm mận tối đào rồi phụ người ta. Giờ nghĩ lại mới hối hận sao ngày xưa tao lại tệ bạc đến vậy.”
Đến cuối đời, sau những lần sa đọa chốn thành đô, cả gia sản đều đổ vào những bữa tiệc rượu thâu đêm. Thời niên thiếu phong lưu sa ngã để rồi tuổi xế chiều, cụ lại không có đến một người bầu bạn. Tiếc nuối về sai lầm một thời trai trẻ, cụ rơm rớm nước mắt.
“Cũng may là tao còn có cái nhà để về.”
Nhưng đã muộn rồi, cuối đời ông chỉ biết nằm liệt một chỗ chờ cụ bà chăm sóc bón cơm. Ông cụ kể với nó:
“Lúc đó tao ân hận lắm, giá như ngày đó biết yêu thương cụ bà hơn thì khi bà ấy đi rồi tao sẽ không cắn rứt như bây giờ.”
Ông cụ cũng may mắn thật. Không chỉ cụ bà mà mấy đứa con cụ, đứa nào cũng hiếu thuận bỏ qua chuyện cũ, chăm sóc ông cụ cho đến ngày cụ nhắm mắt xuôi tay.
Nó thấy cụ ông buồn lắm, nhưng biết làm sao được đây. Những người đã sang thế giới bên này rồi thì không nên vấn vương chuyện dương gian mà.
Ngày mai là giỗ của ông cụ. Kể từ ngày ông rời đi, mấy người con làm ăn khấm khá lên đã sửa sang lại mộ cho cụ. Ông cười tươi rói khoe với đứa nhóc:
“Con gái tao nó tân trang lại cho cái “nhà” rồi, đẹp lắm mạy!”
Nhóc vốn dĩ là linh hồn trong sáng nhất, không vướng một chút tạp niệm, không có hỷ nộ ái ố vì chưa được trải qua một kiếp người. Nhưng nó học được những cảm xúc, tình cảm thiêng liêng này từ những linh hồn mà nó đã quen biết, họ đã từng được sống, vui, buồn, hờn, giận đều đã trải qua.
Đứa nhóc mừng thầm cho ông cụ, rồi lại tự thấy tủi cho cái thân của nó, nhóc không có nhà, không có gia đình. Ông cụ một đời lầm lỗi, khi biết sai còn có chốn để về nhưng với nhóc, cả thân xác vẹn nguyên hình người nó cũng không có được.
Sinh lão bệnh tử, là một vòng tuần hoàn của kiếp người, nhưng đứa nhóc đáng thương ấy đã bị bắt từ giã cõi đời khi chưa được lọt lòng, chỉ vì nó là một tai nạn sau những lần “ yêu” nồng cháy, là thứ phiền phức mà cha muốn vứt bỏ bằng mọi giá.
Đứa nhóc còn nhớ rõ lắm. Cái ngày hôm đó, để được một lần sống trọn vẹn, nhóc đã cố gắng bơi thật nhanh vượt lên hết mọi anh em của mình. Kết quả là nhóc đã thành công, nó cuộn tròn cơ thể bên trong “căn nhà” mới ấm áp của mẹ. Nó tự hứa với bản thân sẽ thật ngoan ngoãn để không làm mẹ nó phải mệt mỏi, nhưng đớn đau thay quãng đường chín tháng ấy quá xa xôi với một đứa bé chưa thành hình người như nhóc.
Vào một ngày nọ, khi đứa nhóc vẫn còn đang ngủ bên trong cơ thể mẹ. Nhóc nghe thấy tiếng cha nó lớn tiếng mắng nhiếc:
“Mày có bị thần kinh không mà bắt tao chịu trách nhiệm.”
Lúc này, đứa nhóc cảm nhận được mẹ nó đang khóc, từng tiếng nấc liên hồi không dừng lại, rồi cha nó lại lớn tiếng nói:
“Tự đi mà giải quyết”.
Lời nói ngắn gọn tuyệt tình đấy khiến mẹ nó khóc nhiều ngày liền. Nhóc không hiểu gì sao mẹ lại khóc. Nó muốn an ủi mẹ, nhưng nó không biết phải làm thế nào.
Đột nhiên, đứa nhóc cảm nhận được cơ thể nó đau đến tê dại, cánh tay nhỏ bé bị một vật cứng xé toẹt ra, thanh kim loại lạnh ngắt đâm dần vào thân xác nhóc từng hồi, đôi chân đứt lìa, rồi cả đầu nó nữa. Dây nhau đứa nhóc không bao giờ được cắt thay vào đó là cơ thể bị cắt be bét thành nhiều mảnh vụn.
Linh hồn đứa nhóc lìa khỏi đống máu thịt lẫn lộn kia nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Đứa nhóc đau đớn nhưng không thể khóc. Nó lặng lẽ nhìn hình hài của mình. Thân xác bé nhỏ bê bết máu của nó bị đem vứt bỏ không thương tiếc cùng với đống rác thải y học. Đứa nhóc tự hỏi bản thân:
Nó đã làm gì sai!
Căn phòng im bặt. Không ngờ lần đầu tiên nó nhìn thấy mẹ lại ở hoàn cảnh như vậy. Không, nó không muốn chết. Đứa nhóc muốn được nhìn thấy thế giới dưới hình hài của một con người hoàn chỉnh, chứ không phải như bây giờ. Ước mộng tan vỡ, nó lặng lẽ nhìn mẹ từ từ bước ra khỏi bốn bức tường lạnh lẽo. Đứa nhóc cũng muốn được cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc của cha mẹ, nhưng không bao giờ nó được cảm nhận cái hạnh phúc của ngày hôm ấy. Cái ngày thật đẹp mà người ta thường gọi là ngày sinh, được nhận những món quà ý nghĩa từ cha mẹ. Không có quà cũng được mà, nhóc chỉ muốn sống, muốn có người yêu thương nó. Nhưng...
Nó chết rồi. Cũng không hẳn, nó còn chưa từng được sống thì sao có thể gọi là chết. Thậm chí người ta còn không thắp cho nó một nén hương hay cho nó một "mái nhà", không một người đưa tiễn. Bổng nó nghẹn ngào kêu to dù biết người mẹ ấy không nghe thấy:
“Cái sai duy nhất của con là không nên tồn tại. Phải không mẹ?”
Người mẹ lầm lỡ kia không hề hay biết, dáng người thon gầy từng bước nặng nề ra khỏi bệnh viện, đó là cách mà một người lớn vứt bỏ đi một quá khứ sai lầm, chối bỏ một sự thật mình đã từng cuồng si, vụng dại. Từ ngày hôm đó, nhóc mãi mãi không còn được gặp lại mẹ. Nó một mình gào thét trong đêm vắng.
“Không có con bên cạnh, mẹ có buồn không?”
“Con muốn được cất tiếng khóc chào đời mẹ ơi.”
Không một ai nghe thấy tiếng thổn thức từ tâm can nó, bào thai dần nên hình người, bỗng chốc thành vong hồn vô chủ, vất vưởng không nơi nương tựa. Đứa nhóc thèm tiếng “à ơi” ru ngủ trong đêm, nhưng chỉ là mộng ước, là vọng tưởng mà thôi.
Bơ vơ lạc lõng, đứa nhóc được mấy linh hồn khác rủ rê đi lang thang khắp nơi. Có lúc đói lả, nó trộm đồ ăn của những linh hồn khác rồi bị đánh đuổi. Chịu ánh mắt miệt thị của những con người đã khuất kia, bỗng nhiên nó thèm có mẹ che chở.Bỗng nhiên nó lại thèm có mẹ che chở. Bọn chúng đều đến đây lâu hơn nó và cũng trải đời hơn rất nhiều. Dĩ nhiên ma mới như nhóc không thể nào chống trả lại bọn chúng được.
Vào một hôm nó bị đánh. Đó là linh hồn của một con chuột. Sự xuất hiện của chuột giống như một vị cứu tinh của cuộc đời nó, là người bạn đúng nghĩa đầu tiên của nhóc. Nó tách khỏi đám kia theo con chuột đến một bãi rác, nơi này không được tốt cho lắm nhưng nó vẫn thích ở cùng chuột hơn là đám kia. Lâu dần cũng thành thói quen, nhóc không chỉ quen với cái với cái mùi tanh hôi khó ngửi của đống chất thải nhơ nhuốc bẩn thỉu nơi đây, mà nó còn quen luôn việc có con chuột ở cạnh. Nhưng tiệc vui chóng tàn, chuột cũng đến ngày được hóa kiếp. Thế là nó lại cô độc một mình, không gia đình, không người thân.
Hôm đó trời mưa rả rích, những đám mây xám xịt mang đến cho người ta cảm giác u ám nặng nề đến khó chịu. Nó nhìn thấy người phụ nữ lén lút ôm một chiếc giỏ đến vứt đó rồi rời đi. Cô ta thậm chí còn không quay lại nhìn lấy một lần. Nó tò mò lại gần cái giỏ. Không ngờ trong đó lại là một đứa bé đỏ hỏn.Trời thì đang mưa tầm tã, thế mà người kia lại đành lòng bỏ đứa bé lại nơi này.
Từng hạt mưa nặng nề rơi xuống, rơi cả vào người đứa bé. Nó thấy thương lắm nên muốn đứng chặn đi hạt mưa buốt lạnh. Nhưng nó quên mất nó chỉ là linh hồn, không cách nào bảo vệ cho đứa bé. Nhóc chỉ có thể bất lực đứng nhìn. Cơ thể trẻ sơ sinh vốn rất yếu ớt, đứa bé chẳng mấy chốc đã bị rét cóng, hơi thở cũng dần trở nên thoi thóp cuối cùng tắt lịm.
Linh hồn đứa bé bị bỏ rơi,thoát khỏi thân xác, cũng rưng rưng nước mắt. Đứa bé cũng không biết vì sao mình bị vứt bỏ. Nó khóc mãi cuối cùng thu hút đến một đám cô hồn dã quỷ. Đứa bé bị mấy lời nói đầy oán hận của bọn chúng cảm nhiễm, hai mắt nó đen lại đầy oán hận đối với con người.Nhóc không để ý đến bọn chúng, thất thần nhìn cái giỏ kia. Đám quỷ thấy nó không để bọn chúng vào mắt thì tức tối, vật nó xuống đất mà đánh. Cuối cùng trước khi rời đi với đám quỷ, đứa bé liếc nhìn nó từ trên cao.
“Mày cũng như tao thôi, có muốn đi cùng với bọn tao tìm bọn họ báo thù không?”.
Nhóc vẫn không phản ứng với bọn chúng mà chỉ nặng nề đứng dậy. Bọn chúng đành mặc kệ nó, lần lượt biến mất trong màn mưa dày đặc.
Nó vẫn đăm đăm nhìn về hướng cái xác kia. Chưa bao giờ nó cảm thấy thời gian lại trôi qua chậm đến vậy. Cơn mưa cuối cùng cũng dứt, bầu trời cũng trong xanh trở lại nhưng tâm trạng nó thì không cách nào tốt lên được. Nó chỉ biết đứng chôn chân tại đó, đờ đẫn nhìn cái xác đã lạnh cóng của đứa trẻ. Hai mắt nó dại ra, nó lại nhớ đến thân xác bê bết máu của nó ngày bị chính mẹ ruột vứt bỏ.
Chẳng biết nó đã đứng đó bao lâu, kiến cũng đã bò đầy lên hình hài đứa bé đáng thương. Rồi cuối cùng người ta cũng phát hiện ra xác của đứa trẻ. Có người thương xót cho đứa trẻ, có người lại cảm thán sự vô tâm của những người làm cha làm mẹ.
Nếu đã sinh nó ra sao lại không cho nó một cuộc sống trọn vẹn, đứa trẻ có tội tình gì chứ?
Đứa nhóc vẫn đứng mãi ở đó. Tận đến khi người ta mang xác đứa trẻ đi chôn. Nó mới rời đi khỏi cái nơi đau thương này, nơi này đã không còn chuột ở đây nữa Ở lại cái bãi rác bẩn thỉu này nó lại nhớ đến đoạn kí ức thảm thương từng có, nó ghét cay ghét đắng nơi này. Nó đi lang thang mãi, dù không có đích đến nó cũng muốn đi. Nhóc không muốn ở lại nơi này thêm một giây phút nào nữa. Đứa nhóc sợ nó sẽ nhớ đến thân thể bê bết máu của nó, nhớ đến nỗi đau khi bị vứt bỏ.
Chả biết đi đến bao giờ,cho đến khi một linh hồn người lính mang nó về nó cái xóm này. Người ta thường bảo sống như thế nào thì khi chết đi cũng như thế ấy. Những người vùng quê này, sống chất phác, gần gũi nên khi thác đi, họ đâu thể nào đành tâm xua đuổi linh hồn một đứa bé. Được những linh hồn ở đấy cưu mang, rồi nhìn những từng người lần lượt hoá kiếp. Nghĩ đến đây đứa nhóc bỗng chốc cảm thấy nhớ họ.
Trong lúc đang nhớ lại kí ức đau buồn đó, nó nghe thấy tiếng ông cụ gọi:
“Mày chờ ông có lâu không? Xin lỗi nha, mải nhìn mấy đứa cháu ngủ, mặt đứa nào đứa nấy nhìn cưng lắm nên giờ mới ra đây. Tao có đem cho mày nắm xôi nè. Mau ăn đi!”
Đứa nhóc nhận lấy nắm xôi được gói trong lá chuối cẩn thận, ăn ngấu nghiến. Bất chợt nhóc cảm thấy tủi thân nhưng không biết vì sao. Có lẽ là vì đứa nhóc ghen tỵ với người bạn già tâm giao của mình vì cụ có một mái ấm mà nó không bao giờ có được. Ông cụ lại nói với nó:
“Mai là “ngày kỉ niệm” ông đến thế giới này, nhà có tiệc đồ ăn nhiều lắm mày đi theo ông không?”
Nhưng đứa nhóc lại lắc đầu từ chối, không phải nhóc không muốn đến, mà là một linh hồn lang thang như nó sẽ không được phép bước vào ngưỡng cửa nhà của người khác. Rồi nó lại nói với ông cụ:
“Con đi trước đây, trời gần sáng rồi”.
Mặt trời dần ló dạng, từng tia nắng yếu ớt không xuyên qua được tàu lá chuối. Tiếng gà buổi sớm vang lên. Trên con sông phù sa đầy ắp, thuyền bè bắt đầu qua lại tấp nập, xôn xao họp chợ. Thi thoảng lại văng vẳng tiếng rao trong vắt của mấy cô bán hàng.
“Theo chồng về chốn bưng biền
Thấy bông điên điển nghiêng mình nhớ quê
Lấy chồng xa rất khó dìa (về)
Hết mùa điên điển, đường quê còn dài
Aiiii bông điên điển hông bà con cô bác ơi!”
Không một dấu vết gì cho thấy có những “con người” khuất mặt đang hiện hữu tại đây. Đâu đó trong bụi tre làng,một đứa nhóc chưa vẹn tròn hình hài, cô độc nhìn mãi về hướng căn nhà sàn ba gian đang có giỗ, nó muốn mình là một phần trong nhà sum vầy, tiếng cười nói rôm rả ấm cúng ấy.