Chương 2: Bóng Hồng Của Tôi
Bóng Hồng Của Tôi
“Mày không đi ăn đám giỗ của thằng Tư à, mà còn đứng đó.” Từ đằng xa vọng lại tiếng một người thanh niên trạc ngoài hai mươi.
Đứa nhỏ mặt buồn thiu lắc lắc đầu đáp:
“Em không có được vào nhà người ta. Còn anh Nghệ sao anh không đi ăn đám giỗ ông Tư à?”
Người thanh niên đó chính là người lính đưa nó về xóm Nước Xoáy. Nếu ông Tư suốt ngày kể cho nó nghe về chuyện ở đô thành, trong các bữa tiệc hoa lệ. Thì anh Nghệ lại hay hớn hở nhắc lại chuyện ở chiến khu còn không thì buồn rũ rượi kể mãi về chị Út-người con gái anh thương chưa dám nói lời hẹn ước.
Nghe anh nói thương thì nó biết vậy chứ đứa nhóc cũng không biết thương là gì. Có dạo nó ngô nghê hỏi anh Nghệ:
“Thương là gì hả anh, mà sao anh cứ thương chị Út mãi mấy chục năm nay.”
Thương? Là gì chính bản thân Nghê cũng không biết nữa. Chỉ biết vì thương mà năm ấy, trước lúc hành quân Nghệ không dám ngỏ lời, vì sợ mình bỏ xác lại trong khói lửa không về. Thương là sao? Mà ngày còn sống ở chiến khu ngày nào anh cũng cầm tấm hình của Út ra xem. Bây giờ thì chiều chiều ra bờ sông nhớ lại những kỉ niệm hai đứa từng trải qua.
Thương là lúc Nghệ nhìn ai cũng chỉ thấy nhớ một người. Nhớ món canh điên điển em nấu mang sang nhà. Nhớ nụ cười nhớ ánh mắt em bẽn lẽn lúc bác nhà bên hứa gả.
Vậy mà nữa chừng đứt gánh chữ thương, một người không thể chờ, một người không về được. Ngày hòa bình tổ quốc rợp bóng màu cờ. Người người, nhà nhà đều hân hoan niềm vui chung. Hòa vào niềm vui nó là tiếng khóc than của mẹ:
“Mày là ai? mà mày giết chồng tao, giết con tao!”
***
Nhà chị Út cũng pháo đổ rượu mừng ngày xuất giá, cũng là ngày người ta đứa anh về với đất mẹ. Một nhà ngập nước mắt mẹ già một nhà vui chén rượu nồng. Trách ai bây giờ, trách chiến tranh tàn ác, cướp mất anh đi, xa người anh thương, chứ làm sao trách người sang đò được, người ta đã chờ đã đợi bao năm, vậy mà hòa bình rồi mà người lính trận vẫn không về.
Nhớ ngày xưa anh Nghệ thường hay ghé nhà chị Út chơi. Vì cha và các anh của Út cũng đi lính, nhà cửa mẹ con đơn chiếc nên anh thường sang nhà phụ giúp gánh nước, bửa củi. Mẹ chị ưng anh lắm, bà vẫn thường hay khen bóng gió:
“Nghệ sao mày giỏi vậy con? Cái gì mày cũng làm được hết trơn á. Con gái nhà nào ưng mày có phước lắm à nha.”
Nghe thế anh Nghệ mừng thầm trong lòng, lén nhìn sang phía chị. Cô cười e thẹn, hai má chín hồng như trái mận đầu mùa. Anh với Út hai người đã hiểu ý đối phương, chỉ là chưa dám thổ lộ. Nghệ cười tươi rói đáp lời:
“Vậy bác gả Út cho con nha bác.”
Mẹ chị liếc mắt nhìn về phía Út đang giả vờ vá áo:
“Ờ. Nó ưng thì tao gả cho.”
Giờ nghĩ lại anh vẫn còn thấy thẹn thùng. Làm một người lính, từng đối mặt trước bao nhiêu quân thù đều không run sợ. Vậy mà nghĩ đến người con gái mình thương anh lại xấu hổ, ngập ngừng.
***
Ngày chị Út lấy chồng anh Nghệ có đến chứ mà người ta không thấy anh, lòng anh tê dại khi thấy chị sánh bước bên người ta, lòng tự hỏi:
“Út có vui không, có còn chút gì nhớ thương anh không?
Nghệ đến trước nhà của Út khi trời vừa kịp sáng. Sân nhà cô người ta ra vào nhộn nhịp. Nghệ đứng chết trân nhìn cánh cổng vu quy kết hoa rực rỡ mà lòng đau tê tái. Vậy là đời này anh mất em, mất em thật rồi, chỉ chậm một chút thôi mà mất em một đời.
Chiến trường khốc liệt thế nào anh cũng chưa từng rơi lệ vậy mà giờ đây khi hòa bình rồi lại không kìm được nước mắt. Anh tự thấy mình thật buồn cười. Trong lòng vừa giận lại vừa thương cô ấy. Giận là vì trái tim anh chưa từng quên Út. Vào sinh ra tử, mấy lần giành sống, giành chết với tử thần để mơ một ngày về bên Út. Vậy mà giờ đây Út đã vội lấy chồng, Út quên tình cảm của anh. Nhưng anh cũng thương cô. Đời con gái xuân xanh có được bao.
“Ừ mà cũng phải. Tôi đâu thể trách em, lúc ra đi không hẹn ước điều gì, thì làm sao trách người phụ bạc được?”
Anh chỉ có thể trách duyên trời đã an bài. Người không phụ người mà vẫn để cho một mối tình vừa chớm nở đã phải dở dang. Út theo chồng rồi, mai này không còn bóng hồng Nghệ từng thương nữa. Giờ thì anh biết thương ai? Vì ngoài Út ra anh sợ rằng mình chẳng thể thương ai khác.
Nghệ thương mái tóc thề bồng bềnh như những con sóng trên sông Cửu Long. Thương đôi mắt đen láy, thương dáng người thướt tha của Út... Mà thật ra là anh thương tất cả, tất cả những gì thuộc về Út.
Út mặc áo dài đỏ, sánh bước bên chồng mà khiến lòng anh tê dại. Đôi mắt Út rũ buồn, có phải chăng là một chút thương nhớ cuối cùng cô dành cho người con trai chưa kịp thề hẹn đang đứng ngẩn ngơ nhìn.
Trong mắt Nghệ, Út vẫn thế, vẫn xinh đẹp vẹn nguyên như ngày nào. Vẹn nguyên như hình dung của cô trong tấm ảnh phim nhòe mực, như bóng hình đã khắc sâu vào trái tim người thanh niên không sợ cả cái chết.
Nghệ còn yêu Út quá! Thương Út quá! Anh muốn chạy thật nhanh tới và ôm cô ấy vào lòng. Nhưng anh không có đủ dũng khí. Giờ Út đã là cô dâu của người khác. Anh đứng chết lặng nhìn cô thật lâu, thật lâu. Và rồi nhà trai đưa cô đi, đưa mối tình thơ ngây ngày nào của anh đi mất.
Út lạnh nhạt cùng chồng bước qua anh như người vô hình. Không một lời chào từ biệt, Không một ánh mắt chia ly. Vậy là đoạn tình ngắn ngủi của cả hai đành dừng lại tại đây, đôi đầu sợi tơ chưa kịp chắp nối đã chia về đôi ngả. Từ thẳm sâu trong lồng ngực Nghệ đau nhói như trái tim đang không ngừng rỉ máu.
“Em theo chồng rồi, giờ tôi biết thương ai?”
Câu hỏi không ai nghe, không ai thấu, từng câu chữ chỉ biết khắc vào tim người trai trẻ. Kẻ vô hình đứng trước mặt người mình thương, đang tay trong tay một người khác. Chả lẽ bắt người ta cả đời góa bụa chỉ vì một người đã khuất.
“Muộn mất rồi! Vậy là anh đã đánh mất em.”
***
“Mày không đi ăn đám giỗ của thằng Tư à, mà còn đứng đó.”Từ đằng xa vọng lại tiếng một người người thanh niên trạc ngoài hai mươi.
Đứa nhỏ mặt buồn thiu lắc lắc đầu đáp:
“Em không có được vào nhà người ta. Còn anh Nghệ sao anh không đi ăn đám giỗ ông Tư à?”
Anh Nghệ đáp:
“Từ lúc thằng Tư nó chết đến giờ, tao có dự cái đám giỗ nào của nó đâu mà mày hỏi vậy.”
Đứa bé không biết tại sao mà anh Nghệ lại ghét ông Tư đến vậy ghét đến nổi mỗi năm có một ngày giỗ mà cũng không đến chơi. Nó khó hiểu hỏi:
“Ủa sao vậy anh?”
Anh Nghệ không biết trả lời thế nào, đành quay mặt đi hướng về cái đám giỗ của ông Tư. Nhìn nhà người ta đông vui thế kia, không khỏi chạnh lòng. Chẳng lẽ lại đi nói với đứa trẻ chưa kịp lọt lòng mẹ rằng. Người Phụ nữ trong căn nhà đó cái cái người mà bà con lối xóm quý mến gọi bà Tư lại là cô Út mà anh đem lòng thương mến.
Đã gần ấy năm, anh Nghệ vẫn ở đây ngày ngày mỏi mòn trông chờ điều gì? Lòng anh chưa dứt duyên trần, anh chờ người tự độ đôi mươi đến khi người con gái ấy đã là một bà lão đầu hai thứ tóc, con cháu đề huề anh cũng vẫn còn thương. Mà thương thì sao chứ, em là người nhà người ta dù có khuất đi em cũng là vợ người ta. Vậy chờ làm gì? Đợi làm gì? Bao năm rồi mà vẫn chưa dứt duyên trần.
Nên đừng hỏi vì sao anh Nghệ lại ghét ông Tư đến vậy. Người anh dành cả đời thương lại bị kẻ khác lấy về làm vợ. Nếu đã lấy là yêu thương cho trọn nghĩa phu thê thì anh Nghệ đâu có ghét làm gì?
Anh xót cho người anh thương, chiều chiều lại tay bế tay bồng chờ chồng ra bờ sông chờ chồng, mà người phương xa nào có một lần để tâm đến. Về nhà người ta Út cũng bỏ luôn cái tên thân thương anh Nghệ thường gọi. Giờ đâu còn ai nhớ đến cái tên đó nữa, người ta chỉ biết mỗi cái tên gọi vợ thằng Tư.
Cái đứa mà dành cả tuổi xuân trọn đạo làm vợ, phận làm mẹ. Vậy mà đến cuối đời, khi người ta tay trắng những thứ của cải cứ tưởng rằng ăn mấy đời cũng không hết đã đổ vào tiệc rượu thân xác bệnh tật già nua. Người chồng ngày trước mới nhớ tới người vợ tào khang.
Còn đâu người con gái với đôi má đỏ ứng như mận chính khi thẹn thùng, chỉ còn lại vết hằn năm tháng trên gương mặt, nét phong sương vương trên mái tóc. Còn đâu người em gái bé nhỏ anh Nghệ thương ngày đó.
Anh Nghệ nghĩ thầm đàn ông sao mà bạc bẽo thế, cũng tại cái thằng đàn ông mà biết bao nhiêu cô gái phải chịu khổ...
Nghĩ đến đây Nghệ chẳng muốn nói nhiều đành đánh trống lảng:
“Anh bận công chuyện rồi, anh đi đây.”
Đứa nhóc ngơ ngác nhìn anh đi khuất, không khỏi thắc mắc, đã qua cái cõi này rồi anh còn bận bịu chuyện gì nữa.
Còn không hiểu anh Nghệ bị làm sao, thì phía xa xa có tiếng con gái vọng lại:
“Ê nhỏ! Cô hai của tụi mình sắp bị người ta bắt rồi kìa.”