0
1
2894 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Liên - Mưa giăng


Hè năm ngoái, bố mẹ tôi quyết định cho thuê căn gác bỏ trống bấy lâu. Đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải chia sẻ không gian với một kẻ xa lạ - dĩ nhiên chẳng dễ chịu gì cho cam. Kể từ khi anh trai tôi ở lại thành phố làm việc, tôi đã quen làm chủ nguyên một góc nhà suốt bốn năm. Tôi không tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra nếu khách thuê là kiểu bê bối vô ý thức mở nhạc cả ngày, trong khi tôi ở phòng dưới vừa bịt tai vừa vật lộn với mớ đề luyện thi đại học. Tôi vốn nhạy âm thanh, nửa đêm chỉ cần tiếng gió hú qua rặng thông sau nhà cũng đủ khiến tôi thao thức vài giờ. Tôi không tài nào tập trung vào bất cứ việc gì nếu bị làm ồn.


Không phải tôi chưa từng lên tiếng năn nỉ bố mẹ đừng cho người khác thuê. Nhưng chỉ cần một cú lừ mắt của bố là tôi đành nín thít, ngoan ngoãn trở về phòng, cố gắng tận hưởng những ngày đầu hè yên bình cuối cùng. Tôi lờ mờ hiểu lí do thực sự, và biết không nên chạm đến vấn đề tiền nong trong nhà.


Tôi nằm trên giường, nhìn ra khoảng sân đầy sương sau cơn mưa chiều, tự hỏi vị khách nào lại chịu lặn lội đến thuê phòng ở thị trấn vắng lặng buồn tẻ này. Mẹ chỉ kể sơ vài chi tiết, rằng anh ta lớn hơn tôi vài tuổi, do bạn của bố giới thiệu. Dường bố mẹ cũng không rõ lắm về người đó, chỉ bảo phải gặp trực tiếp rồi mới quyết định chính thức. Nghe vậy, lòng tôi khấp khởi hi vọng rằng biết đâu hắn là một kẻ khó ưa thô lỗ, như vậy bố mẹ sẽ tống hắn ra khỏi cửa, rút lại quyết định, và tôi lại tiếp tục sống vui vẻ trong vương quốc biệt lập của mình.   


Tuy nhiên, ước mơ nhỏ bé của tôi đã nhanh chóng sụp đổ. Hai ngày sau, cơn mưa dầm đặc trưng của thị trấn cao nguyên vừa tạm dứt, vị khách không mời đã xuất hiện trước cổng nhà tôi. Xúi quẩy hơn nữa, lúc đó tôi đang chăm chú xem xét mấy bụi thạch thảo trồng quanh sân, mưa gió mấy hôm làm chúng rũ rượi hết cả. Tôi vừa ngẩng lên thì thấy một gã tóc dài chấm vai, nhuộm hoe vàng nhe răng cười với mình qua song cổng: "Cho anh hỏi đây có phải nhà bác Thạch không?"


Tôi có nhược điểm là phản ứng rất chậm khi bị hỏi bất thình lình. Tôi ngẩn ra nhìn anh ta một lúc, rồi ba hồn bảy vía mới quay lại để ấp úng: "V-vâng, phải ạ. Để em gọi bố..."


Bỏ anh ta lại đó, tôi chạy vội xuống nhà thông báo cho bố mẹ. Không như những thị trấn khác, vùng này địa hình rất dốc nên từ cổng xuống nhà cũng phải đi qua một con đường thoai thoải, rồi một bậc thang dài dẫn đến cửa chính. Tôi chẳng hứng thú với chuyện tiếp đón kẻ phá hỏng sự bình yên của mình, nên báo xong thì lập tức về phòng, cố ép mình quên đi khoảnh khắc đáng xấu hổ vừa rồi.


Tôi chẳng rõ anh ta đứng ngoài cổng tự bao giờ, chắc chắn anh đã nghe được hết bài hát vớ vẩn tôi ngẫu hứng sáng tác, lại còn tự biên tự diễn với giọng ngang phè. Đây không phải tình huống lãng mạn giống như trong tiểu thuyết, khi nam chính tình cờ thấy nữ chính xinh đẹp yêu kiều vừa chăm hoa vừa nhẹ hát bài tình ca nào đó. Chẳng có nữ chính nào tóc tai rối bù chải mấy cũng không ẹp xuống được, mặt đầy mụn sau mấy đêm thức khuya đọc truyện, gọng kính to đùng che nửa khuôn mặt, còn mặc nguyên bộ đồ ngủ và dép lê. Vả lại tôi cũng chẳng có ấn tượng gì mấy về anh ta ngoài việc trông hao hao mấy ca sĩ trẻ mới nổi. Điểm nổi bật nhất chắc là nụ cười của anh ta - có gì đó rất lạ, rất khác biệt mà lúc bấy giờ tôi vẫn chưa chỉ ra được.


Chí ít trông anh ta cũng tươi sáng hơn vị khách trọ nhà bà Tư Hạnh, cách nhà tôi hai mảnh vườn. Nghe bố kể người đó là nhà văn hay nhà báo gì đó, tính tình hơi kì dị, đúng hơn là sống khép kín, mỗi ngày đều rời khỏi nhà từ sớm đến chiều tối mới về, ít khi tiếp xúc với người trong khu phố. Ngay cả cửa sổ nhìn sang phía nhà tôi anh ta cũng luôn kéo màn kín mít. Tôi đã đọc quá nhiều tiểu thuyết để có thể tưởng tượng anh ta làm gì trong căn phòng cô độc đó. Chắc chắn là một căn phòng vô cùng bừa bãi, giấy tờ sách vở vứt bừa dưới nền, còn anh ta hì hục viết bản thảo cả đêm với tách cà phê nguội ngắt. Vì giờ giấc sinh hoạt bất thường nên anh ta trọ ở đó một năm rồi mà tôi vẫn chưa chạm mặt lần nào, trừ vài lần đứng trên gác thấy anh ta đi bộ ngang qua, lúc nào cũng đóng một bộ đen từ đầu đến chân, mũ áo khoác luôn kéo sùm sụp che kín mặt chẳng khác nào mấy kẻ làm chuyện mờ ám - hoặc cũng có thể là anh ta sợ lạnh. Nghe nói nhiều người xứ nóng đến đây phải mất cả năm mới quen được với sương lạnh mưa ẩm và nhiệt độ lúc nào cũng ở ngưỡng mười sáu mười bảy độ.


Tiếng bước chân dồn dập cùng tiếng gõ cửa cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Biết thừa chuyện gì sắp xảy ra, tôi vội vàng mở cửa. Không ngoài dự đoán, thoả thuận đã xong, mẹ đã dẫn vị khách vào nhà. Chỉ cần nhìn khuôn mặt mẹ và nụ cười của anh ta là tôi không còn hi vọng gì vào viễn cảnh anh ta bị tống ra cửa. Gã này cao hơn tôi hẳn một cái đầu, không phải kiểu thư sinh mình dây khẳng khiu, dùng từ "cân đối" có lẽ sẽ sát nhất. Hành trang của anh rất đơn giản, chỉ có một túi đeo cùng chiếc ba lô đã bạc màu, cả hai đều căng phồng, chật cứng.


"Con gái út của bác, năm nay lên lớp mười hai." Mẹ giới thiệu. "Liên, anh này là nhiếp ảnh gia, cháu họ ông Viên bạn cũ của bố, thuê phòng để tiện chụp phong cảnh thị trấn. Có gì giúp đỡ người ta nghe con." 


Tôi chẳng biết đáp gì hơn ngoài mấy câu chào xã giao. Trong một thoáng, anh ta nhìn xoáy vào tôi, có vẻ nghĩ ngợi, nhưng sự trầm ngâm bất thường ấy tan biến rất nhanh. Anh ta lại cười toe toét, dễ dàng nhanh chóng như thể đó là năng khiếu bẩm sinh. Nụ cười hợp với khuôn mặt trẻ trung của anh vô cùng, chẳng khác nào được người ta thêu lên.


"Yên tâm, anh sẽ không làm phiền nhiều đâu." Anh vui vẻ nói.


Tôi cúi đầu. Vẻ tươi cười ấy làm tôi đột nhiên nghĩ đến một bông hoa dã quỳ vàng rực nở bung. Mẹ sốt sắng bảo anh ta lên xem phòng, thiếu đồ gì cứ nói ngay. Anh ta vâng dạ, gật đầu với tôi rồi kéo chiếc túi nặng nề lên thang gác. Tôi toan rút vào phòng, nhưng mẹ đã hối tôi xuống bếp giúp mẹ nấu cơm đãi khách. Từ nay anh ta sẽ ăn cơm cùng gia đình tôi, trừ những hôm anh ta ra ngoài. Xem như con cháu trong nhà thôi, nó cũng trạc tuổi con mình mà, tôi nghe mẹ nói với bố. Tôi biết mẹ đang nhớ ông anh trai đi biền biệt chỉ về thăm nhà mỗi dịp tết.


Tôi sực nhớ mình còn chưa biết tên vị khách trọ để tiện xưng hô, bèn hỏi mẹ. Thì ra anh ta tên Vĩ. Lê Thanh Vĩ. Tên gì mà kì quái, chẳng biết phụ huynh nào lại ngẫu hứng đặt tên con mình nghĩa là cái đuôi.


"Vĩ có thể mang nghĩa là to lớn, hoặc rực rỡ."Bố tiếp lời, như thể đọc được suy nghĩ của tôi. Hễ nhắc đến vấn đề chữ nghĩa là ông trở nên nghiêm túc đến đáng sợ. Tôi vội vàng bưng rổ rau ra sau nhà rửa, tránh khỏi bài thuyết giảng thao thao bất tuyệt về âm Hán Việt và cách viết chữ Hán loằng ngoằng khó hiểu.


Cái tên cũng hợp với người thật, tôi lơ đãng nghĩ. Vừa lúc đó Vĩ xuất hiện ở cửa bếp, hăm hở xắn tay áo phụ mẹ tôi giã tỏi ớt làm nước chấm. Tôi bỗng có chút cảm tình với vị khách mới đến này. Có khi tương lai chia sẻ căn gác với người lạ không bi đát như tôi tưởng tượng.


***


Tôi miễn cưỡng ra khỏi nhà đi dạo lòng vòng, cốt để mẹ không lo lắng chuyện con gái sẽ đóng mốc trong phòng suốt ba tháng hè với đống sách truyện. Không hẳn vì tôi lười, mà vì thị trấn cao nguyên hình như chỉ có hai mùa: mùa mưa dầm và mùa đông lạnh giá. Nhất là từ tháng sáu trở đi, mưa sẵn sàng trút xuống đầu không báo trước và có thể kéo dài từ sáng đến khuya. Tôi không thích ẩm ướt, lại càng ghét bầu không khí sũng nước u buồn của đồi thông bên kia đường sau nhiều ngày mưa tầm tã. Chỉ những ngày hiếm hoi trời đột nhiên quang đãng bất thường, nắng đổ rực rỡ như hôm nay tôi mới như con thú ngủ đông chui từ hang ra. 


Tôi khâm phục độ siêng năng của Vĩ, hôm nào anh cũng trùm áo mưa vác ba lô ra ngoài bất kể thời tiết. Anh hào hứng bảo thị trấn này đẹp nhất vào những ngày mưa giăng sương phủ, còn cho tôi xem vài tấm hình đã rửa. Quả là đẹp thật, nhưng nghĩ đến việc phải nằm xoài trên bãi cỏ ướt đầm, đầy giun đất, bùn sình để canh chụp thì tôi hơi ớn. Nhịp sinh hoạt của Vĩ làm tôi bất giác nhớ đến nhà văn bí ẩn thuê trọ bên nhà bà Tư Hạnh. Cũng là kiểu ra ngoài từ sớm và trở về lúc chiều muộn, không màng nắng mưa. Hai người này mà quen nhau chắc sẽ hợp, dù tôi không chắc nhà văn nọ sẽ muốn tiếp bất kì ai. 


"Anh đi cùng em được không?" Vĩ thò đầu khỏi cửa sổ, gọi với theo lúc tôi đã ra đến cổng. Tôi giật mình, hoá ra hôm nay anh chưa ra ngoài. Từ chối là bất lịch sự, vả lại đi bộ một mình cũng hơi buồn nên tôi gật đầu. Chưa đầy năm phút sau, anh ta đã chạy ra, quần áo chỉnh tề, mái tóc dài buộc túm sau gáy vung vẩy như cái đuôi mèo vàng hoe, chỉ thiếu mất ba lô và chiếc mũ tai bèo nhăn nhúm bất li thân.


Anh nhìn tôi, cười cười: "Em tính đi dọc theo rừng thông phải không? Anh chưa đi phía này bao giờ. Toàn ngược ra đường ngoài để tới chỗ hồ lớn."


"Trong này toàn vườn tược cả thôi, chẳng có cảnh nào đặc biệt hết." Tôi nói, nhớ đến những tấm hình chụp mặt hồ lãng đãng sương giăng, đỉnh núi hùng vĩ hoặc thung lũng trải rộng ẩn hiện trong mây mà Vĩ hay cho tôi xem. "Hôm nay anh không mang đồ theo hả?"


"Hôm nay anh nghỉ." Vĩ nhe răng cười, duỗi hai cánh tay dài như tay vượn, làm động tác khởi động. "Thỉnh thoảng anh muốn được thong thả tản bộ trong khô ráo."


Chúng tôi chầm chậm đi xuôi theo con đường lát đá xanh, hai bên đường hoa dại bắt đầu bung nở rực rỡ. Xuyến chi trắng muốt, sao nhái đủ màu tím hồng vàng cam, râm bụt ớt đỏ rực. Nhìn lên triền dốc, mọc xen giữa những thân thông thẳng vút là hằng hà sa số cây dại không tên cũng đang đơm bông, chẳng khác nào những cụm mây vàng phớt thơm ngát. Con đường nhỏ lặng lẽ men theo chân đồi, một bên là thông, một bên là vườn cây hồng xen lẫn cà phê, ngăn cách nhau bằng hàng rào râm bụt ken đặc. Vĩ vừa đi vừa huýt sáo khe khẽ, giai điệu rất quen nhưng tôi không cách nào nhớ ra. Thi thoảng chúng tôi cũng trò chuyện vài câu, song Vĩ rất ít kể về bản thân mình, tôi lại ngại mở lời với người lớn tuổi hơn nên chẳng có bao nhiêu chủ đề để nói.


Chẳng bao lâu, mỗi người đều im lặng theo đuổi dòng suy nghĩ riêng, giữa khung cảnh tịch mịch chỉ có tiếng thông reo vi vu cùng gió hạ. Chúng tôi vẫn đi bên cạnh nhau, nhưng thực chất mỗi người lại ở một đầu thế giới xa vời vợi.


"Anh nghe bác Thạch kể nhà này cũng cho thuê. Một thanh niên mờ ám đáng sợ nào đó phải không?" Vĩ đột ngột lên tiếng lúc chúng tôi còn cách nhà bà Tư Hạnh một quãng. Ngôi nhà hai lầu đơn giản lọt thỏm giữa đám cây hồng, màu sơn xanh sẫm ban đầu đã sớm bạc màu vì mưa gió. Sân nhà bà Tư Hạnh nhỏ hơn sân nhà tôi, nhưng trồng rất nhiều cây hoa khác nhau, dễ cũng phải đến gần trăm loại. Tôi vốn là dân thị trấn chính cống cũng không thể biết hết tên chúng. Bà Tư sống cùng người con trai lớn. Anh bỏ việc ở thành phố sau khi ông Tư mất, về đây phụ mẹ làm vườn.

    

"Em chẳng rõ nữa." Tôi đáp. Như mọi khi, tôi phản ứng rất chậm với câu hỏi bất ngờ. "Em chỉ thấy anh đó vài lần, từ xa. Hơi giống Thần chết."


Vĩ bật cười: "Đừng nói to kẻo anh ta nghe được. Em xem quá nhiều phim truyện rồi. Ai lại gọi người ta là Thần chết."


"Em chỉ thấy gì nói nấy thôi." Tôi cãi lại. "Với cả anh đó ra ngoài từ sớm tinh mơ rồi, lo gì chứ?"


Lời vừa dứt, cánh cửa dẫn ra ban công tầng hai của căn nhà liền bật mở, chẳng khác nào một sự trùng hợp kì quái. Tôi ngậm miệng, cả Vĩ cũng ngừng huýt sáo. Một thanh niên dong dỏng cao mặc sơ mi đen bước ra, dáng điệu giống như người ở mãi trong phòng cần chút không khí thoáng đãng. Vừa nhác thấy chúng tôi đứng bên kia đường, anh ta lập tức quay vào.


Đó là lần đầu tiên tôi gặp Tuyền - trong khoảng cách gần đủ để thấy khuôn mặt xanh xao, đôi mắt đen thẳm, đôi môi mím chặt và mái tóc đen mượt rũ xuống vai. Không hiểu sao ánh nhìn sắc lẻm từ đôi mắt ấy làm tôi bất giác gai lạnh. Nếu Vĩ làm tôi liên tưởng đến hoa dã quỳ bung nở vàng rực, thì Tuyền làm tôi nghĩ đến cơn mưa chiều, u ám, ảm đạm, lạnh buốt. Tôi biết không nên trông mặt mà bắt hình dong, song thành thực mà nói trừ trường hợp bắt buộc, còn lại tôi chẳng bao giờ dám lại gần anh ta, chủ động làm quen hay chào hỏi lại càng không. Anh ta giống như một khối băng tua tủa gai, cự tuyệt mọi nỗ lực tiếp xúc từ người đối diện. Tôi thường rất dễ thất vọng nếu thành ý của mình không được đối phương tiếp nhận.


Tôi cứ ngỡ Vĩ sẽ đưa ra lời bình luận nào đó về khoảnh khắc chạm mặt chớp nhoáng với nhà văn hắc ám nọ. Tuy nhiên anh chỉ khẽ nhún vai, trầm ngâm nhìn lên cánh cửa đóng chặt rồi lẩm bẩm gì đó.


Tôi để ý lúc chúng tôi đi tiếp, Vĩ đã ngoái lại nhà bà Tư Hạnh không dưới ba lần. 


Vài hôm sau, Vĩ hồ hởi thông báo rằng hoá ra con trai lớn của bà Tư Hạnh học chung trường cấp ba với anh - từ cái thuở xa lắc xa lơ mà tôi đồ rằng hai người chỉ lướt qua nhau trên sân trường là cùng. Bằng cách nào đó, Vĩ đã kết bạn được với anh ta và thường xuyên sang đó chơi đến chín, mười giờ tối mới về. Thật may giờ giới nghiêm ngầm định của bố tôi là quãng mười rưỡi.


Tôi nghe tiếng đàn hát náo nhiệt vọng từ nhà bà Tư sang mà ngán ngẩm, cầu mong nhà văn hắc ám trên lầu hai không nổi trận lôi đình.

Truyện cùng tác giả