bởi Do Diệp

27
2
1663 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Mâu thuẫn âm ỉ


Đã mấy ngày trôi qua kể từ sự kiện xuyên qua của nàng, sinh hoạt của mọi người dưới căn nhà tranh vách đất này vẫn diễn ra như cũ. Các vết thương nhanh chóng liền lại, đồng thời cũng để lại một số vết sẹo mờ. Tiểu Mỹ tắc lưỡi soi bóng mình trong thau nước, nàng không biết sự hồi phục này là nhờ vào mấy vị thuốc kia hay do thể lực trẻ con tốt.

- Cúc Nhi! - Vợ chồng lão tam đang vác cuốc chuẩn bị ra đồng, bọn họ nhìn thấy nàng loanh quanh đấy thì ngoái lại dặn dò - Ở nhà phụ bà nội làm việc, không được trốn vào rừng chơi nữa nghe không?

- Dạ!

Dù hơi oan ức nhưng Tiểu Mỹ vẫn tỏ vẻ ngoan ngoãn đáp lời, nàng liếc thấy trong góc nhà đám Thuý Nhi vừa nhìn nàng vừa băn khoăn nhìn sang cha nương của chúng. Hiển nhiên Mai Nhi đã kể cho hai đứa bé kia nghe đầu đuôi câu chuyện nên chúng rất hiểu nỗi oan của nàng.

Tiểu Mỹ trộm cười trong bụng vì thật ra cái cảm giác được yêu thương quan tâm như này khiến nàng sung sướng đến phát ngốc, những gì trống vắng thiếu thốn ở kiếp trước đều được đền bù, mỗi tội vật chất thì thiếu trầm trọng, nàng thầm cảm thán đời không như mơ.

Tiểu Mỹ thèm hạt gạo, thịt cá đến điên lên được. Cái cảm giác đi nặng ra nguyên hạt lúa mì chắc chỉ ai từng ăn mới hiểu, nàng thật sự sợ cái cảnh này, ngay cả mơ cũng chỉ thấy toàn mấy món ăn thời hiện đại, khiến nước dãi còn vương trên ngọn tóc mỗi khi ngủ dậy. Có hôm trong cơn mơ nàng còn bỏ tóc vào miệng mà ngậm vì nhầm chúng với những sợi mì vàng ươm.


- Đại tỉ, rửa xong chuồng heo chúng ta ra sông bắt cá đi.


- Ừ, để tỉ luộc xong nồi rau đã rồi đi, muội mệt thì ra kia chơi đi, tí nữa xong thì ta gọi muội đi.


Cúc Nhi gật đầu, nàng chạy ra một góc dùng miếng nứa cắt mấy con giun ra thành đoạn nhỏ rồi bỏ vào ống tre để sẵn. Mấy ngày trước nàng dùng dây mây mềm đan ra một cái lưới nhỏ dưới sự giúp đỡ của các tỷ tỷ, giờ chỉ chờ cơ hội ra sông thả lưới. Con sông này là của làng nên người ta thường ra sông câu cá hoặc giặt đồ, số lượng cá chắc chả có bao nhiêu, chỉ đành trông chờ vào may mắn. 

Sau khi Thúy Nhi sắp xếp xong việc nhà đâu đấy, gói thức ăn mang cho các nam nhân ngoài đồng, xin phép lão bà rồi dắt Cúc Nhi tung tăng đi về phía ruộng, giao cơm xong các nàng rủ thêm A Phong theo.


Cúc Nhi thả lũ giun đất vào lưới, chăng và cố định các góc lưới trước cửa dẫn nước vào ruộng, sau đó chia nhau ra vùng nước nông mò ốc trong thời gian chờ thu lưới. Có một số thanh niên trong làng cũng đang ngồi câu cá rải rác, thấy đám trẻ con các nàng chăng lưới thì cười khì cho lời khuyên:

- Lấy cành tre làm cần này, ra chỗ sâu mà câu. Mấy đứa lưới chỗ nông vậy chưa chắc đã có cá!

- Bọn đệ không biết câu, nên đi mò ốc là chính, mọi người cứ tiếp tục đi. - Phong Nhi đáp.

Quay qua quay lại trời đã gần chiều, hôm nay may mắn thu hoạch được một rổ nhỏ ốc và hai con cá béo, tuy không nhiều nhưng bữa ăn tối nay đảm bảo tốt hơn rồi. Tâm trạng hớn hở, ba đứa trẻ vừa đi vừa nghịch bụng cá nhưng khi tới sân nhà đã nghe tiếng chửi rủa vọng ra:


- Ăn vào rồi trốn việc, theo chân đám nha đầu chơi bời, chỉ tội cho Báo nhi, Hổ nhi, nai lưng mà làm cả ngày... - Tiếng của nhị thẩm vọng ra.


- Mi biết thương con mình, nhưng đám Lân Nhi chúng nó là cháu ruột ngươi, làm không hết việc nó, còn phải gánh thêm việc tam phòng nhà ngươi, lương tâm ngươi bị chó ăn rồi à? - Đích thị tiếng của lão bà bà đay nghiến.


A Phong định bước vào nhận lỗi, nhưng nàng vội ngăn lại, đến đã vài ngày nhưng chưa nhìn thấu nhân tình thế thái, nay là một dịp tốt để xem ai là mặt chuột, nàng ra hiệu cho hai đứa trẻ còn lại đứng nghe.


- Tam đệ à, nhà đệ vốn nhân khẩu đông, ăn nhiều làm ít, chúng nó là nữ, là cháu ta, ta cũng không tính toán, nhưng lúc làm việc cũng nên hết mình, chứ lại kiếm cớ trốn việc như vậy sao được? Tội cho ba đứa bé nhà ta, ăn cũng như nhau, làm mửa mật ra, người làm cậu như đệ phải công bằng chứ! - Đại thẩm hờn oán, thích tỏ ra đoan chính, lời nói nhẹ như bông lại giấu ngàn cây kim, tính toán chi li - Ngày thường đại ca yêu thương đệ, ta không tiện nói, nhưng hôm nay lại quá lắm rồi.


- Chúng cháu ra sông bắt ít cá, mò ít ốc, cũng chỉ mong cải thiện bữa ăn cho cả nhà, để mọi người có sức cày ruộng thôi mà - Nhìn thấy lão tam và Tống thị ngồi cúi đầu im lặng, Tiểu Mỹ vừa bước vào vừa nói, không quên chỉ về hai con cá đang được đại tỷ cầm trong tay. Cả đám người đang say sưa bắt bẻ, nghe được lời nàng liền quay đầu nhìn về mấy con cá béo mắt sáng rỡ.


- Nếu đi bắt cá thì a Thúy, a Cúc là đủ rồi, a Phong ở lại làm việc là được, còn theo góp vui làm gì? - Vị nhị thẩm vẫn không cam lòng bồi thêm một cước - Ba đứa đi cả ngày mà được có hai con cá, trốn việc đi chơi thì có!


- Con và đại tỷ không biết bơi, có ca ca theo giúp đỡ mới bắt được thêm rổ ốc. - Nói đoạn nàng híp mắt nhìn nhị thẩm và đại thẩm rồi nói tiếp - Các thẩm thương con vậy sẽ không muốn nhìn thấy con nổi lềnh bềnh trên sông trong lúc bắt cá cho mọi người chứ?


- Trời ơi! Con nít mà ăn nói linh tinh, xúi quẩy! - Đoạn bà ta quay qua lão tam nói - Đệ xem, nó ăn nói như vậy đấy...


- Thôi được rồi, xuống làm đồ ăn tối đi, không cãi nhau nữa! - Từ lúc xuyên qua tới giờ, đây là lần đầu tiên vị ông nội lên tiếng trấn áp đám đàn bà này, nàng hơi kinh ngạc nâng mắt lên quan sát ông ta, gương mặt khắc khổ, đen do cháy nắng, chòm râu và mái tóc điểm hoa râm, điển hình của một lão nông dân bám đất, nhận thấy ánh mắt của nàng, ông ta cất giọng - Cúc Nhi từ nay về sau không được ăn nói linh tinh như vậy nữa, trẻ con nói điều xúi quẩy sẽ bị ghét bỏ, không tìm được nhà chồng tốt, nghe chưa?


- Dạ, cháu nghe rồi ạ - Nàng cũng chẳng tội gì làm gay cấn với tất cả mọi người, liền dùng ngữ điệu hết sức cung kính mà đáp lời.


Đám đàn bà liền nối đuôi nhau xuống bếp làm đồ ăn. Cơm tối có món ốc xào rau, và canh cá nên xôm tụ hẳn lên, mắt ai cũng sáng rực nhìn chằm chằm vào hai con cá sốt cà chua trên dĩa.


Bà nội dùng đũa sắn một miếng cá lớn cho ông nội, sau đó từng nam nhân trong nhà được một miếng, lúc chia xuống cho đám đàn bà và ba mẹ con gái nhà Tống thị thì chỉ còn cái bụng xương và chút thịt thừa dính dọc xương cá.


Nàng vốn không trông mong gì nhiều vào món cá, nên bắt đầu gắp ốc mà ăn, bỗng thấy một miếng thịt cá óng ánh được bỏ vào chén, nhìn lên thì thấy nhị ca đang chia miếng cá của hắn cho mình và tam tỉ, không khách sáo nàng cong mắt lên cười với hắn.


Cá chế biến thô sơ vẫn tanh mùi bùn và cỏ, nếu bình thường ở hiện đại nàng hẳn là lên Facebook cho nơi đó một sao, nhưng sau mấy ngày chịu khổ ở đây, mùi tanh này cứ như chất gây nghiện vậy, tắc lưỡi thầm nghĩ: "mỹ vị nhân gian, ôi mỹ vị nhân gian!"


Bữa cơm đêm nay trôi qua yên lành, xoa dịu cơn thèm thịt cá của nàng một chút. Đêm cuối xuân mưa rả rích, nằm trên chiếc giường tre cọt kẹt với hai vị tỉ tỉ kia mà nàng trằn trọc suy nghĩ, không biết phải bắt đầu kế hoạch kiếm tiền như thế nào khi trong người không một đồng tiền vốn, tri thức đầy đầu nhưng bị hạn chế bởi thân phận và tuổi tác, muốn thổi cơm cần phải có gạo, muốn trồng lúa cũng phải có lúa giống, thêm nữa tiền có kiếm được cũng phải giao về tay vị bà nội, chẳng lẽ phải kéo dài đến lúc nàng lớn lên sao?


Nhiều thật nhiều suy nghĩ ập đến, nhưng cơ thể một đứa bé không thể chịu nổi những áp lực này, bên ngoài tiếng dế kêu cứ như một giai điệu du dương khiến đôi mắt nàng nặng trĩu, Cúc Nhi chỉ khẽ lẩm bẩm rồi chìm vào mộng.