15
4
1510 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Mỗi ngày tỉnh giấc, tôi đều hi vọng mình sẽ mạnh mẽ hơn hôm qua


"Yêu để hiểu cô đơn, buồn để hiểu niềm vui và tự lập để hiểu tầm quan trọng của gia đình.[1]"


Một ngày chủ nhật bị đánh thức bởi cuộc điện thoại của mẹ gọi từ nhà. Tôi nghe mẹ bảo là nói chuyện với ông ngoại đi, máy tiếp nối, giọng ông vang lên bên đầu dây hỏi han tôi về tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn, dặn dò tôi phải cố gắng học tập.

Cuộc hội thoại cũng kết thúc sau mấy phút đồng hồ, tôi ngẩn ra nhìn bức tường trước mặt. Tròn một năm tôi vào thành phố, so với đám bạn ngay từ năm nhất đã dấn thân vào cái chốn "hoa cho người, lệ cho ta" này thì có lẽ tôi chẳng là gì.

Nhưng tôi là kiểu người mà khi gục ngã lại dễ dàng muốn từ bỏ, có lẽ là do hậu di chứng từ căn bệnh tâm lý chết tiệt diễn ra hồi dậy thì.

Tôi từng nói với một người, tôi rất ghét bản thân tôi. Vì tôi không đủ tự tin về ngoại hình, kiến thức hay tài năng. Thậm chí, tôi chán ghét tính cách tiêu cực, chán ghét suy nghĩ bất lực của chính bản thân mình. Tôi rất ghét chính tôi.

Tôi tự ý thức được hoàn cảnh của bản thân, cho nên tôi vẫn luôn cố gắng, cố gắng và cố gắng. Nhưng thực chất, những thứ tôi bỏ ra lại không bằng một phần ba của những người không đặt nặng về sự mưu cầu tiền đồ trong tương lai đó. Vì thứ áp lực của họ chỉ có cho riêng bản thân, còn tôi thì ôm đồm tất cả mọi thứ lớn lao gói gọn trong hai chữ "gia đình".

Tôi từng nghĩ đến cái chết, trên dưới chục lần. Vì tôi nghĩ mình là gánh nặng của gia đình. Tôi chiếm dụng càng nhiều tiền bạc, công sức của người khác, càng là hy vọng tươi đẹp của người khác, tôi càng trở nên mục ruỗng và dần trống rỗng bên trong. Tôi muốn từ bỏ, muốn buông tay để bản thân không phải mang trên mình nhiều sự gửi gắm lớn lao đến như vậy.

Tôi chưa từng được cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang làm.

Tôi không rõ nữa, tôi mơ hồ và luôn cảm thấy ngột ngạt. Tôi luôn lo sợ rằng mình không đủ dũng cảm, không đủ mạnh mẽ để mỗi một ngày thức dậy mà không nghĩ đến cái chết.

Những suy nghĩ về cái chết cứ lặp đi lặp lại, từ suy nghĩ rồi đến hành động, nhiều đến mức "nỗi ám ảnh về tự tử trở thành nỗi sợ hãi thực hiện nó, hơn là quyết tâm để làm điều đó[2]

Mỗi lúc như vậy, tôi càng muốn chia sẻ những điều tiêu cực ấy ra trên mạng xã hội. Nó giống như một lời cầu cứu, một công cụ để tôi cố gắng thương tiếc bản thân mình, để người khác thương hại giúp đỡ chú ý đến tôi.

Nhưng đôi lúc, tôi cảm thấy rằng mình không nên làm như thế. Bởi lẽ, dù cho tôi có biến mất khỏi thế gian này, cũng chỉ giống như một viên đá ném xuống đại dương sâu thẳm rộng lớn mà thôi.

Sẽ không còn ai nhớ đến tôi cả. Buồn cười là, tôi vẫn luôn nhớ rõ từng người.

Năm hai không mười tám, năm cuối cấp ba. Tôi nhận được tin bạn học chung lớp cấp hai qua đời vì u não. Buổi sáng hôm ấy, trời rất đẹp.

Tôi đã rất sốc, rất bàng hoàng và ngỡ ngàng trước sự ra đi quá đỗi đột ngột của cô ấy. Thứ tôi có thể làm được là liên tục hỏi thăm từ những người bạn khác về tình hình hiện tại.

Chiều hôm ấy, tôi và bạn thân đến nhà để tiễn cô ấy lần cuối cùng trước khi nằm về với đất mẹ, nơi mà người bạn của tôi sẽ mãi tuổi mười tám.

Dạo ấy, tôi bắt đầu học cách vị tha với người khác, bao dung và trân trọng những người bạn bên cạnh tôi. Vì trên đời này chẳng mấy ai đoán được mình sẽ ra đi vào lúc nào.

Qua hai năm sau đó, năm nào tôi cũng nhớ đến ngày giỗ của cô ấy và dặn dò các bạn khác cùng đến nhà thắp hương. Tôi không biết những người khác thế nào, nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến cô ấy, dù rằng chúng tôi chưa hề thân thiết với nhau.

Có lẽ vì vậy mà đôi lúc tôi đặt quá nhiều hy vọng vào bạn bè, tôi mong rằng họ cũng sẽ nhớ đến tôi khi thời gian qua nếu một ngày tôi không còn tỉnh giấc nữa, nhưng đôi khi trải nghiệm của mỗi người là không giống nhau, cho nên cảm giác mất mát và hốt hoảng ấy sẽ chỉ có tôi hiểu rõ.

Tháng mười hai, năm hai không mười chín. Bà nội tôi qua đời. Mất mát và bi thương liên tiếp kéo đến, giống như thế giới này sẽ chọn một vài thời điểm để mang đến bất hạnh và đau đớn cho bạn, dồn dập không báo trước khiến bạn không kịp trở tay. Như những con sóng lớn, lớp lớp ập đến, nhấn chìm bạn.

Tôi ở giữa con sóng lớn ấy, ngộp thở và chới với giữa đại dương đang nổi lên giông bão.

Tôi không thể nào bấu víu được điều gì, tôi chợt nhận ra rằng những thứ tôi cố gây dựng cho mình toàn là những điều phù phiếm, không thực chất tí nào. Và tôi cũng ý thức sâu sắc được rằng bản thân cô độc ra sao.

May mắn thay, tôi không bị nhấn chìm và chết đuối nơi ngoài xa đại dương ấy.

Tôi trôi dạt vào bờ, khao khát tìm lấy nước ngọt. Tôi gồng mình lên chiến đấu và tìm kiếm, dù rằng dưới chân đều là những vết cắt đẫm máu khi đi trên những bãi đá ngầm, những rặng san hô đã chết.

Dường như, tôi dùng nhiều nỗi đau khác nhau để khỏa lấp đi vết thương lớn lao chưa thể liền sẹo ấy.

Tôi ngày càng tiêu cực, tôi nhìn mọi thứ bi quan nhất có thể. Tôi không ngủ được, tôi trốn tránh hiện thực, tôi rệu rã và mục ruỗng trong phòng ngày qua ngày.

Tôi mơ hồ sống tiếp, vì hèn nhát không đủ can đảm để kết thúc cuộc sống không hạnh phúc này.

Rồi dịch bệnh kéo đến, tôi kẹt ở giữa vùng tâm dịch cô độc và lẻ loi. Trong cơn mê ấy, tôi tỉnh dậy. Cái chết trước mắt khiến tôi lo sợ, cũng khiến tôi chấp nhận thỏa hiệp rằng cuộc sống bao giờ cũng sẽ tàn khốc như thế.

Chết thì rất dễ, nhưng sống tiếp mới khó.

Đôi khi, vết thương chính là nơi ánh sáng chiếu rọi vào tâm hồn bạn[3].

Cái chết luôn hiện hữu trong tâm trí tôi dần biến thành động lực để tôi thay đổi bản thân.

Tôi gọi điện về cho gia đình nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn, thôi không ôm lấy khuyết điểm trên gương mặt mình ra để mà khóc lóc, để mà tự ti bi quan rằng mình xấu xí và ghê tởm đến mức nào.

Tôi bắt đầu nói chuyện với những người bạn mà đã lâu tôi không còn tiếp xúc, trả lời tin nhắn của những người đã nhắn tin an ủi và động viên mỗi khi tôi gục ngã, mệt mỏi tiêu cực.

Tôi đón nhận những sự kiện xấu lẫn tốt trên mạng xã hội với tần suất vừa phải. Tôi nhìn thoáng và tự rút ra vài bài học cho bản thân với một mối tình đơn phương chết tiệt nào đó.

Tôi không quá bận lòng đến việc bạn bè tôi không thèm chủ động nhắn tin hỏi han như trước, không kiểm tra tin nhắn hay thông báo liên tục trên các mạng xã hội nữa. Tôi để cho mọi thứ thuận theo tự nhiên diễn ra, điều mà bấy lâu nay tôi luôn dùng cách thức theo đuổi để nắm bắt nó, rồi trấn an lấy một cái tôi đầy hoang mang, lo sợ và mơ hồ.

Tôi vẫn đang cố gắng, dù không quá nhiều nhưng vẫn luôn.

Và mỗi ngày tỉnh giấc, tôi đều hy vọng rằng mình sẽ mạnh mẽ hơn hôm qua.

 

 

 


[1]Trích từ Kiên, người truyền cảm hứng, ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Việt Nam.

[2]Matt Haig,Ghi chép về một hành tinh âu lo,(Bản dịch bởi Yuki, Nhà xuất bản Bloom Books, 2020).

[3]Erin Niimi Longhurst,Japonisme - Những điều Rất Nhật Bản (Bản dịch bởi Tố Sơn, Nhà xuất bản Thế giới, 2019)