Một
“Năm, mười, mười lăm, hai mươi… Các cậu xong chưa?”
“Chưa! Tại sao cậu không đếm tiếp đi?”
“Ừ, cậu tính chơi ăn gian hả?”
Đứa con gái cột tóc hai chùm đang úp mặt vào tường tỏ ra bực bội. Nó đáp:
“Ai thèm ăn gian! Các cậu trốn lâu quá đấy!”
Một thằng bé trong đám lên tiếng:
“Cậu chưa đếm tới một trăm! Đào không biết đếm tới một trăm à?”
“Tớ biết!” Con bé tên Đào la lớn. Hai chùm tóc của nó đung đưa bên vai khi nó giậm chân xuống đất. “Tớ biết đếm tới một trăm!”
Nó luôn tự hào vì nó là đứa duy nhất ở mẫu giáo biết đếm tới một trăm. Ừ thì, không hẳn là toàn bộ các số từ một đến một trăm. Nhưng nó biết rõ các số trong trò chơi này, và cũng chính vì thế mà chẳng đứa trẻ nào thắng được nó bao giờ.
“Mau trốn đi! Chuông reo bây giờ!” Con bé nói với mấy đứa bạn.
Lúc nó quay trở lại bức tường gạch đỏ, nó bỗng thấy một đứa trẻ khác, lạ hoắc, đang đứng lớ ngớ gần cổng. Trông con bé đó gầy lắm, tóc của nó thì lởm chởm phía trên vai một chút. Trên tay con bé cầm con thỏ bông cũ rích, một tai gần như sứt hẳn ra, còn có thể thấy phần bông trắng lộ ra ngoài.
“Ai thế nhỉ?” Đào lẩm nhẩm. Nó chưa từng thấy con bé kia ở trường, hay ở quanh khu phố. Mà nó tự tin rằng nó biết mọi đứa trẻ đi học ở đây.
Không có thời gian tìm hiểu nữa rồi, vì tiếng chuông báo vào học đã vang lên. Đào bỏ lại con bé lạ mặt kia và chạy ùa vào lớp cùng đám bạn.
Một lát sau, cô bảo mẫu đứng bên ngoài phòng học của nó. Cô đang trò chuyện với ai đó. Đào lén nhìn ra ngoài, vì chỗ của nó ở ngay cửa sổ. Nó nhìn thấy cái dáng cao gầy trong bộ âu phục trắng, cùng cái nón trắng đặc trưng giúp nó xác định được kia là ai. Bác sĩ Bạch.
Lũ trẻ ai cũng sợ bác sĩ, riêng bác sĩ Bạch lại có thể làm cho cả người lớn sợ chết khiếp nữa. Bác hành nghề chữa trị bằng Đông y ở đây khá lâu rồi. Người ta đồn rằng bác ấy không già, vì đã tìm được bài thuốc bí mật giúp trường sinh bất lão. Bác ấy còn nổi danh với những phương pháp chữa bệnh dị thường khiến ai yếu tim dễ mà phát khiếp. Bác sĩ Bạch không có gia đình, chỉ sống thui thủi ở hiệu thuốc Đông y cách trường vài con phố nhỏ. Thế nên ai cũng lấy làm lạ khi bác dẫn theo một đứa trẻ đến trường mẫu giáo. Chính là con bé Đào đã thấy lúc nãy ở ngoài sân.
“Lớp mình hôm nay có bạn mới nhé.”
Cô bảo mẫu giới thiệu. Khi ngó ra ngoài sân, Đào đã thấy bác sĩ Bạch rảo bước về phía cổng.
“Bạn ấy mắc phải một căn bệnh lạ, khiến cho trí nhớ của bạn ấy không được như các con.”
Có đứa trong lớp hỏi:
“Là sao hả cô?”
“Tức là bạn ấy hay bị mất trí nhớ, chỉ nhớ được vài thứ vừa mới xảy ra thôi. Nếu các con hỏi bạn ấy chuyện ngày hôm qua, bạn ấy sẽ không nhớ được đâu.”
Ánh mắt tò mò của Đào nhìn đứa trẻ mới đến. Cô bảo mẫu cúi xuống vỗ vào vai con bé kia.
“Bạn ấy tên Quỳnh Chi. Chúng ta cùng chào mừng bạn ấy đến lớp của mình nhé?”
Một tràng pháo tay lốp bốp vang lên từ lũ trẻ, nghe chẳng có ra nhịp gì vì đứa vỗ trước, đứa vỗ sau. Cuối cùng thì con bé tên Chi cũng được hướng dẫn bước vào chỗ ngồi, mà chỗ đó lại là cái ghế còn trống duy nhất bên cạnh Đào.
Con bé ngơ ngác đến tội. Cả buổi nó chỉ đưa cặp mắt tròn xoe nhìn hết bảo mẫu đến lũ bạn ca hát nhảy múa mà chẳng thuộc từ lẫn động tác. Đám trẻ ở lớp vẫn còn ngại ngùng, vả lại, chúng nó thấy dáng vẻ của Chi cứ ôm khư khư con thỏ sứt tai khá đáng sợ nên chẳng ai dám lại gần. Đào cứ thấy tội nghiệp.
Nó quyết định kể cho ông nghe về đứa trẻ mới đến vào lúc tan trường. Ông nó là người hiền hậu, được mọi người kính nể; phần vì sự uyên bác của ông, phần vì công việc ông đang làm. Gia đình họ có truyền thống làm nghề đưa tiễn vong linh sang thế giới bên kia. Nói cách khác, họ có một trại hòm. Ông nội của Đào là chủ đời thứ sáu.
Đào rất thích công việc của ông. Lo ma chay cho người chết và tiễn vong hồn họ về nơi chín suối, nghe mới ngầu làm sao! Trái với những đứa trẻ khác, Đào không thấy sợ hãi chuyện chết chóc, vì như ông nó nói, cái chết chỉ là sự hóa thân; rũ bỏ cuộc đời trần thế này và bước sang cõi vĩnh hằng… Thật ra, nó chẳng hiểu gì sất. Nhưng những lời ấy nghe hay ho lắm. Nó còn học thuộc để thỉnh thoảng đọc cho lũ bạn nghe. Như thế khiến nó cảm thấy mình đã lớn và uyên bác, hệt như ông vậy.
Nếu ghé thăm trại hòm vào chiều muộn hoặc vào những ngày nghỉ, người ta dễ dàng bắt gặp đứa cháu gái của ông chủ ngủ say trong một chiếc quan tài để mở. Đôi khi còn bị nó nhảy ra từ bên trong hù cho một trận khiếp vía! Cũng vì thế mà Đào mang danh “siêu quậy” trong khu phố và cả ở trường học nữa. Ông nó lại luôn chiều chuộng, dù có mắng cũng chỉ trách nhẹ vài ba câu. Vì thế mà con bé chẳng sợ ai hay thứ gì. Điều nó sợ duy nhất có lẽ là sang năm không còn được ở đây nữa.
Năm sau, nó sẽ vào lớp một. Mà vào lớp một cũng đồng nghĩa với việc phải chuyển lên thành phố sống cùng bố mẹ. Do công việc bận rộn nên họ mới gửi nó lại cho ông chăm sóc những năm học mẫu giáo này. Họ muốn nó vào học ở thành phố để giỏi hơn. Nhưng nó đã giỏi giang lắm rồi. Nó đã biết đếm đến một trăm, và với suy nghĩ trẻ thơ của nó, như thế đã là quá đủ.
Đào cũng thương bố mẹ, nhưng nó thích ở với ông hơn. Trên thành phố ngột ngạt lắm, chẳng được bay nhảy như ở đây. Bố mẹ nó đi làm suốt từ sáng sớm đến tối mịt, chẳng ai cùng chơi với nó. Rõ là ở quê tốt hơn nhiều. Sao bố không nối nghiệp ông mà ở lại đây nhỉ? Nó từng nghe loáng thoáng ông nội giải thích, rằng bố không có “con mắt tâm linh” như ông để cảm nhận những điều mắt thường không thấu được, thế nên bố không thể làm công việc này. Nhưng đó là chuyện của người lớn. Đào chỉ mong nó có thể sống ở đây thêm nhiều, nhiều ngày nữa.
Quay trở lại con đường nhỏ nơi ông cháu dắt tay nhau từ trường về, ông khoác chiếc ba lô màu đỏ của nó lên vai và nói:
“Cô bạn mới đến nếu chỉ chơi một mình thì tội thật, nhỉ? Hay cháu thử rủ bạn ấy cùng chơi xem? Trò trốn tìm cháu giỏi nhất ấy?”
Đào là một đứa trẻ rất nghe lời ông. Thế là hôm sau, nó đến bắt chuyện với bạn mới ở góc sân.
“Này! Chúng ta cùng chơi năm mười đi!”
“Năm mười… là gì?”
Đứa trẻ tên Chi nghiêng đầu hỏi lại. Cả cái cách nó nói chuyện cũng khiến người ta thấy thương, vì nó không hoạt bát như bạn cùng trang lứa.
“Năm mười mà cậu cũng không biết à? Đó là tên khác của trò trốn tìm ấy! Sẽ có một người đi trốn, và một người đi tìm. Người đi tìm sẽ phải đếm đến một trăm. Mà, cậu biết đếm tới một trăm chứ?”
Chi lắc đầu. Đào lại được dịp nở mũi.
“Thế thì tớ sẽ chỉ cho cậu! Không khó lắm đâu. Năm, mười, mười lăm, hai mươi…”
Đếm được đến chừng năm mươi, con bé dừng lại.
“Cậu có theo kịp không?”
Vẻ ngơ ngác trên mặt Chi đã nói lên tất cả. Đào thở dài.
“Thôi để tớ đếm chậm lại cho…”
Cứ thế cả mười phút sau, hai đứa trẻ tập đếm cùng nhau trong sân. Đúng như cô bảo mẫu nói, Chi gặp khó khăn ghi nhớ mọi thứ. Mọi thứ. Trừ tên của mình.
Đến cuối giờ chơi thì Đào mệt và tức đến nỗi con bé hậm hực đi vào lớp một mình, bỏ mặc bạn ở ngoài đó.
Ngày hôm sau, Đào kéo tay Chi ra sân và lại chỉ cho con bé học đếm. Nhưng mọi chuyện có vẻ không ổn thỏa cho lắm.
“Ơ… Cậu là ai?” Chi hỏi.
“Hả? Hôm qua tớ đã nói rồi mà? Tớ tên là Đào. Xuân Đào!”
“Chi… không nhớ…”
Con bé siết chặt thỏ bông trong tay, nhìn thấy mà tội. Vậy là Đào lại phải một lần nữa nhắc tên mình cùng trò chơi chúng đang chơi cho Chi.
Sau hồi lâu, cuối cùng Chi cũng nắm được sơ sơ về trò trốn tìm. Đào chỉ tay vào bức tường gạch và nói:
“Cậu úp mặt vào tường và đếm đi. Tớ sẽ đi trốn.”
“Được.”
Chi đáp. Môi con bé vừa mấp máy “Năm, mười…” thì Đào đã nhanh chân chạy đi mất.
Với vẻ hí hửng trên mặt, Đào mường tượng ra cảnh mọi người sẽ khen ngợi nó, vì nó vừa lập được một “chiến công”. Nó đã giúp Chi biết chơi trò trốn tìm. Các cô bảo mẫu sẽ không la mắng nó vì quậy phá nữa. Họ sẽ còn trao cho nó túi bánh kẹo to đùng, và những đứa trẻ khác sẽ trầm trồ thán phục nó.
Suy cho cùng, nó là “thủ lĩnh” ở đây cơ mà.
Quả vậy, Đào là đứa trẻ nổi tiếng nhất trường mẫu giáo. Các cô trông trẻ quan tâm nó nhất vì nó khó bảo. Còn với đám bạn, con bé là một đứa thật ngầu, không mít ướt và luôn có đồ chơi xịn. Chúng thích vây quanh con bé vì nó có thể nghĩ ra đủ thứ trò nghịch ngợm vui phải biết, tuy trong mắt người lớn thì có vẻ quá sức chịu đựng. Đám trẻ nghe lời Đào nhất, thậm chí còn tôn nó lên làm thủ lĩnh của cả bọn.
Khóe miệng Đào nhếch lên một nụ cười đắc thắng. Nhưng chẳng mấy chốc, nó cảm thấy có gì đó không ổn lắm.
Lẽ ra Chi phải đi tìm nó từ mấy phút trước rồi. Nó đã nấp sau bụi cỏ lâu đến nỗi hai chân bắt đầu tê đi, như có ngàn con kiến chạy lên vậy. Nó cố chờ thêm một chút nữa, rồi quyết định chạy về chỗ bức tường cũ.
Chi vẫn đứng đó với con thỏ bông. Ngó trái, ngó phải. Trông ngớ ngẩn đến buồn cười.
“Cậu làm cái gì vậy hả?” Đào nhíu mày. “Cậu phải đi tìm tớ chứ!”
“Đi tìm?”
“Ừ! Đi tìm tớ! Chúng ta đang chơi năm mười cơ mà!”
Chi lắc đầu nguây nguẩy. “Không nhớ gì cả…”
Đào dậm mạnh xuống mặt đất. Tức quá là tức! Bao công sức nó hai ngày nay đều bay mất rồi.
Cứ tưởng rằng Đào sẽ bỏ cuộc, nhưng con bé lại kéo Chi ra sân chơi vào ngày thứ ba. Lần này, nó quyết định đổi vai.
“Nếu cậu không đếm được đến một trăm thì đi trốn đi! Tớ sẽ là người đi tìm.”
“Tớ đi trốn ư?...”
Gật đầu thật mạnh rồi nắm lấy vai của Chi, Đào khẽ đẩy con bé đi về hướng khác.
“Nhớ trốn thật kỹ đấy. Chưa có ai chơi trò này thắng nổi tớ đâu. Vì tớ luôn tìm ra được bất kể người khác trốn ở chỗ nào.”
Hất một chùm tóc bên vai, Đào tỏ ra hết sức kiêu kỳ. Nó luôn tự tin ở trò này, cũng như mọi trò khác. Nó quay mặt vào tường và đếm một mạch tới một trăm. Khi quay đầu lại, nó hết sức ngạc nhiên khi thấy Chi vẫn đứng đằng sau nhìn nó.
“Sao cậu còn ở đây? Mau đi trốn đi!”
Con bé gãi đầu trông bỡ ngỡ lắm. “Chi… đang định làm gì vậy nhỉ?”
“Tất nhiên là đi trốn rồi! Chúng ta đang chơi trốn tìm đó! Cậu đi trốn, tớ đi tìm. Nhớ chưa?”
Chi khẽ gật đầu. Lần này, Đào ngó theo đến khi Chi đi ra xa một đoạn rồi bắt đầu đếm.
“Năm, mười, mười lăm…”
Biết tuân thủ luật chơi, Đào đếm đến một trăm rồi mới đi tìm Chi. Con bé tìm trong phòng học đầu tiên. Theo nó nghĩ, nơi đó quen thuộc nhất. Nhưng Chi không có ở đó. Thế là nó lại nhanh chân chạy ra phòng ăn, rồi tìm kiếm khắp xung quanh vườn, ở những bụi cây bản thân nó hay trốn nữa. Vẫn chẳng thấy bóng dáng Chi đâu.
“Cậu ấy ở chỗ nào nhỉ?”
Chạy qua chạy lại mãi mà không tìm thấy bạn, Đào vừa mệt vừa khó chịu. Nó không chấp nhận chuyện Chi giỏi hơn nó trong trò chơi này được! Nhất định nó phải tìm ra Chi!
Chuông vào học đã vang lên. Đào không chịu vào lớp. Nó nhất quyết phải thắng. Cũng vì thế mà nó làm cô bảo mẫu của lớp phải chạy theo mệt bở hơi tai. Cô dọa sẽ cho nó một trận và mách ông nội.
Như thế cũng không cản được tính hiếu thắng của con bé. Nó luồn lách ra khỏi gọng kìm là bàn tay của cô, rồi lỉnh về phía sau nhà bếp. Cũng chính ở đó, nó phát hiện ra mấy vại nước to bằng gốm trống không, vừa vặn một đứa trẻ leo vào.
“Chi?!”
Nó reo lên khi thấy cơ thể nhỏ bé của bạn mình lọt thỏm trong đáy vại. Chi đang ngủ say, không biết trời trăng gì cả. Hóa ra con bé trốn ở đây! Ngay cả Đào cũng không biết tới chỗ này, vì chẳng có đứa trẻ nào được phép chạy tới đây cả.
“Tìm được Chi rồi! Tớ thắng rồi!”
Đào vừa reo vừa nhảy quanh cái vại. Nghe tiếng, đôi mắt ngái ngủ của Chi khẽ chớp.
“Hả? Sao mình lại ở đây?”
Đào dùng tay mình vỗ một cái bốp vào trán, như cái cách người lớn hay làm mỗi khi không bắt nó nghe lời được. Nó chìa tay ra trước để Chi bám lấy rồi đỡ con bé trèo ra ngoài. Đúng lúc cô bảo mẫu cũng đến và mắng cho cả hai một trận.
Đào không hiểu nổi, nó chỉ muốn chơi cùng bạn mới thôi mà? Kết cục thì nó vừa bị mắng, vừa phải ở lại với cô và ông nội sau giờ học. Cô bảo mẫu nói:
“Quỳnh Chi mắc bệnh lạ, trí nhớ bạn ấy không tốt. Nếu con bảo bạn ấy trốn đi rồi bạn ấy quên mất đường về lớp thì sẽ thế nào?”
“Thì con sẽ đi tìm bạn ấy! Giống như hôm nay vậy.”
Cô bảo mẫu thở dài, vừa định nói gì thêm thì ông nội đã cắt ngang.
“Sự việc hôm nay cũng do con bé Xuân Đào ham chơi quá. Tôi sẽ nhắc nhở cháu cẩn thận. Xin lỗi đã làm cô phiền lòng.”
Nghe người già có tiếng trong vùng nói thế, cô bảo mẫu cũng không làm khó dễ Đào nữa. Cô chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở:
“Lần sau con đừng rủ Chi chơi trốn tìm nữa nhé! Hãy để bạn ấy chơi một mình trong lớp thôi.”
Đào cúi mặt. Nó chỉ “dạ” một tiếng rất khẽ. Trên đường về, nó siết chặt tay ông.
“Mất trí nhớ ngắn hạn là sao hả ông?”
“Cắt nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu thì, cháu sẽ không nhớ những sự việc vừa mới xảy ra.”
“Vậy… Chi cũng sẽ không nhớ chuyện hôm nay phải không ạ?”
Nhìn xuống vẻ mặt tiu nghỉu của đứa cháu, ông tạm dừng bước. Ông cúi xuống xoa đầu nó.
“Có lẽ bạn ấy không nhớ. Nhưng nếu cháu nghĩ ra cách nào đó giúp được bạn ghi nhớ thì cháu chính là một người bạn tuyệt vời đấy.”
Ánh mắt ông nhìn Đào chứa đầy ẩn ý. Con bé cũng không mất quá lâu để hiểu ra. Nó cần phải làm gì đó để giúp Chi; ít nhất Chi cũng sẽ nhớ được tên nó.