175
29
1590 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Nơi Uyển Nhi ở


Đạp xe về đến nhà, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm. Sài Gòn đang bước vào tháng Tư, là tháng nóng bức nhất. Cộng thêm nhà cửa san sát, xe cộ tấp nập, những dòng phương tiện giao thông nối đuôi nhau bóp còi inh ỏi làm cho không khí càng thêm ngột ngạt. 

Uyển Nhi sống ở chung cư Miếu Nổi, dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cô khá thích nơi này. Nhiều năm trước, con kênh này rất bẩn và nhiều tệ nạn. Từ năm 2003, thành phố quyết tâm cải tạo cảnh quan đô thị, nhiều hạng mục được thực hiện. Giờ đây, con kênh trở thành điểm nhấn của thành phố. Phía hai bên bờ trái, phải là hai con đường Trường Sa, Hoàng Sa, uốn lượn ôm lấy dòng kênh cùng với hàng cây xanh mát. Đây là hai con đường đẹp đẽ trong lòng thành phố. Rất nhiều người chọn tuyến đường này đi để tránh kẹt xe và tránh cái nóng ở những con đường lớn. Hàng quán mọc lên dọc hai bên đường, sầm uất. Nơi đây từ lúc nào đã trở thành khu ẩm thực, giải trí của người dân Sài thành về đêm. 

Nhưng lý do cô thích không vì nó náo nhiệt mà do từ phòng cô, sáng có thể ngắm bình minh, tối ngắm hai dãy đèn đường uốn khúc, như những dây ruy băng trang điểm cho dòng kênh. Vào những ngày rằm lớn, còn có thể ngắm nhìn hoa đăng được các chùa nằm dọc bên kênh thả xuống. Không gian xanh mát thoáng đãng, không bị chắn tầm nhìn, tha hồ cho Uyển Nhi thả hồn theo mây gió. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn những loài cây trổ hoa theo từng mùa đặc trưng. Tháng Ba ngắm sắc hồng phấn ngọt ngào của cây ô môi chúm chím, tháng Tư là lúc phượng vĩ chớm đỏ, vương vấn đợi đến tháng Năm màu tím thuỷ chung của bằng lăng xuất hiện, rồi tháng Sáu khi mà phượng đỏ và bằng lăng tím vẫn còn thắm thì không gian xuất hiện thêm màu vàng tươi của những cây điệp vàng tạo nên bảng phối màu rực rỡ. Tháng Chín không gian vấn vít mùi hoa sữa nồng nàn không lẫn vào đâu được.

Lúc này căn phòng rộng mười mét vuông của Ngô Uyển Nhi như một cái hộp hấp thu nhiệt. Cô mở cửa sổ, bật quạt để xua đi hơi nóng. Lấy từ tủ lạnh ra vài cục đá cho vô chậu, để trước cây quạt cho hơi lạnh tỏa ra, vậy mà cô còn phải quạt thêm bằng tay cho khô mồ hôi. Đây chính là bí quyết chống nóng rẻ tiền thần thánh mà các sinh viên rỉ tai nhau vượt qua mùa hè oi ả. Uyển Nhi thích quang cảnh của chung cư, phải tập thích luôn cái nóng kinh người này. Mà Sài Gòn vào mùa nắng, chỉ có máy lạnh là mát, còn ở đâu không có máy lạnh cũng sẽ oi ả thế này thôi. 

Căn phòng cô thuê là một phòng ngủ phụ rộng khoảng mười mét vuông trong căn chung cư nhỏ gọn, có hai phòng ngủ, phòng khách liền bếp. Phòng ngủ chính chị chủ nhà để lại để thi thoảng ở quê lên chị sẽ ghé qua ở lại. Phòng khách và bếp thì để cô dùng thoải mái, nhưng thật ra phòng khách chị chủ tận dụng để khá nhiều đồ, nên chỉ còn bếp là thoải mái thật sự, có tủ lạnh, bếp gas tiện cho cô nấu ăn. Đồ cá nhân của Uyển Nhi không nhiều, nhưng dụng cụ vẽ, tranh vẽ thì khá nhiều. Để riêng tư sáng tác thì dụng cụ vẽ cô để hết trong phòng mình, ngồi vẽ trong đó. Tranh vẽ nhiều quá cô treo đầy nhà, chất trong phòng khách, làm cho căn phòng thêm sinh động, đầy màu sắc. 

Chân Lý thường rủ cô ở cùng cho vui và cũng tiết kiệm. Nhưng Uyển Nhi từ nhỏ là con một, luôn ngủ phòng riêng, giờ ngủ chung với người khác, dù đó là Chân Lý thân thiết cô cũng thấy không quen. Có câu “ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng”, hai cô gái ở cùng thể nào cũng có chuyện khó chịu nhau rồi mất tình chị em. Ở riêng, tiền thuê mắc thêm một chút nhưng có không gian riêng tư, khiến cô hài lòng. 

Cái bụng đói sôi réo ồ ồ, nghĩ chiều nay đã nấu ăn hoành tráng, vậy trưa ăn tạm mì gói là xong. Mì gói nhưng Uyển Nhi nấu khá kĩ, bắc nước sôi, trụng mì, vớt ra để loại bỏ phần dầu chiên không tốt. Sau đó nếu ăn khô thì trộn gia vị vào. Hôm nay trời nóng cô muốn ăn nước, thấy trong tủ lạnh còn tí rau, cô đem ra rửa, cho vào nồi nước nấu, nêm chút gia vị, xong mới cho mì đã trụng vào. Vậy là có món mì thơm ngon mà không lo bị nóng. 

Ăn trưa xong gần một giờ, cô không trải nệm mà trải chiếu, lăn ra sàn ngủ cho mát. Bù lại một tuần chạy ngược chạy xuôi, tối về còn bị những cơn ác mộng làm cho thiếu ngủ. 

Đang ngủ say sưa, thì tiếng chuông điện thoại vang lên không ngừng:

Lật đật í à lật đật

Lắc lư í à lắc lư

Em ngồi ngay nào

Sao mà cứ thích lúc lắc thế...

Bài hát gần kết thúc, cô mới mơ màng bấm nút nghe: “Em tới rồi à, để chị xuống mở thang cho.” 

Tỉnh dậy đột ngột Uyển Nhi còn thèm ngủ, gật gà gật gù xuống tầng trệt bấm thang cho Chân Lý lên nhà. Chung cư này khá cũ, nhưng thang máy thì phải có thẻ mới lên tầng được, mất công chút nhưng an ninh. Nhìn bộ dạng của Uyển Nhi, Chân Lý phì cười: 

“Trông chị như con ma đói ngủ.” 

Nghe đến từ ngủ Uyển Nhi ngáp dài, dụi mắt vài cái mới tỉnh: “Bốn giờ rồi à?”

“Mới ba giờ thôi, em đói bụng quá tới sớm." Chân Lý cười toét miệng, giơ túi đồ ăn vặt ra khoe: “Em mua qua nhâm nhi trước, chút đi chợ đỡ mệt.”

Hai chị em ngồi chỗ bàn bếp, bày ra các món mà Chân Lý mua. Bánh tráng trộn với đủ thứ bên trong: xoài bằm, khô bò, khô gà, trứng cút, hành phi, rau răm, sa tế, đậu phộng... Bánh mì nướng giòn tan, phủ ruốc đều, vị cay the the, có một chút ngọt và béo của sốt mayonnaise ăn kèm. Món nào vừa nhìn thôi đã khiến hai chị em thèm chảy nước bọt.

Vừa nhâm nhi vừa tán gẫu đủ chuyện trong tuần. Chẳng mấy chốc mấy món ăn vặt đã hết veo, hai chị em phá lên cười: “Vẫn giữ vững phong độ”.

Uyển Nhi liệt kê ra các nguyên liệu nấu bún riêu để đi chợ cho nhanh: cua xay, đậu hũ, cà chua, hành ngò, măng luộc, chả ăn kèm, rau muống bào sợi, hoa chuối, giá, rau thơm, bún, mắm ruốc Huế, chanh ớt. Uyển Nhi nấu bún riêu theo cách của mẹ, không nấu thịt mà dùng cua làm vị ngọt, cho thêm tí măng luộc giòn ngọt ăn bắt miệng. Món này dễ nấu mà thanh mát, ngon miệng nên Uyển Nhi hay làm đãi Chân Lý.

***

Hai chị em chở nhau đi chợ Thị Nghè. Thỉnh thoảng Uyển Nhi thích đi chợ, để cảm nhận bầu không khí rất riêng mà chỉ chợ mới có. Từng quầy hàng bày ra các món mình bán một cách bắt mắt, tiếng mời tiếng rao nghe vui tai. Một thú vui nữa chỉ chợ mới có là được trả giá và được cho thêm, đôi khi chỉ vài ngàn đồng hay cọng hành mớ rau là đủ vui rồi. 

Chợ Thị Nghè hình thành lâu đời, từ thập niên bốn mươi của thế kỷ hai mươi, từ thời Pháp thuộc. Ngôi chợ này đã chứng kiến bao cuộc thăng trầm của lịch sử, nó vừa là nơi kinh doanh, vừa mang dấu ấn lịch sử. Đồ bán ở đây rất tươi, giá cả công khai dễ mua. Hai chị em nhanh chóng mua được những thứ mình cần. Lượn qua chỗ bán đồ ăn vặt, thị giác khứu giác kích thích vị giác, hai chị em mua thêm vài món về, tối nhâm nhi.

Uyển Nhi mua thêm ít rau, thịt cá, trái cây ăn trong tuần. Cô chú trọng chất lượng bữa ăn để đỡ uống thuốc. Nên cô dành một khoản chi nhất định cho việc ăn uống, phần tiết kiệm là rất ít mua sắm quần áo, giày dép, son phấn như nhiều cô gái khác. 

Về lại nhà, loay hoay nấu nướng, đến lúc bày lên ăn vừa tới giờ ăn tối. Không khí dịu mát hẳn so với trưa. Thời tiết mát mẻ tạo cảm giác thèm ăn, hai chị em nhiệt tình chiến đấu với nồi bún riêu. Sau khi ăn sạch sành sanh, ôm một bụng căng cứng cười thỏa mãn, Chân Lý khen nịnh: 

“Chị của em là nhất!”

“Cảm ơn em gái đã quá khen, chị biết mình nấu ngon mà!” Uyển Nhi cười tự hào đáp lời Chân Lý.