bởi Xám

196
22
4234 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Phần 1



Tác giả: Xám

Truyện được xuất bản trong tập sách Nắng trong đáy mắt – NXB Văn học

Năm 2012

A/N: Vui lòng không re-up.

*
* *

Có khi tôi từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ muốn viết ra câu chuyện này. Thế nhưng “nó” ám ảnh, “nó” gào thét, “nó” thôi thúc tôi viết về “nó”. “Nó” của tôi là một thiếu nữ bốc đồng, có nhiều mâu thuẫn trong tâm hồn. Tôi đã nhiều lần tôi mơ thấy “nó” cười nhếch mép dửng dưng, cách cười cuồng ngạo của kẻ đã đánh mất đi tin yêu và khát khao của cuộc đời. “Nó” và tôi có gì đó đối lập, nhưng sâu xa lại có một mối quan hệ vô hình. Tôi và “nó” như hai bản ngã khác biệt, nhưng viết càng nhiều, hóa ra “nó” và tôi lại tương đồng nhau đến mức khó tin. Tôi muốn cười khẩy lên: “Nó” đang ăn sâu vào tôi, chỉ có cách cho nó thoát ra khỏi thâm tâm, nhảy múa trên những con chữ thì có vẻ “nó” mới chịu buông tha cho tôi.


*
* *


Mẹ tôi rất hận những người đồng tính, vì họ đã hại bà mất đi một đứa con.

Và... cha tôi... đã từng là một người đồng tính!

Tôi muốn giới thiệu thẳng thế đấy, có thế người ta mới biết được rõ ràng nhất về gia đình của tôi
. Thực ra tôi cũng chẳng thích thú gì cái trò “vạch áo cho người xem lưng “ này nhưng tôi muốn cho tất cả biết về lí do khiến cho những mâu thuẫn bùng phát trong ngôi nhà này.

Nực cười! Đồng tính có vợ và hai con!

Bạn hiểu gì về cảm giác bị bạn học mình chỉ vào mặt mình và nói: “Cha của mày là bê đê!”?

Tôi không dám chơi với ai, gia đình tôi chìm trong sự ghẻ lạnh, kinh tởm của hàng xóm và họ ngoại.

À, cha tôi cũng đâu phải đồng tính, là lưỡng tính thì đúng hơn!

Tuổi trẻ của ông đào hoa phết. Một sinh viên trường điện ảnh đẹp trai, phong nhã, sẵn sàng đốn gục trái tim của những quý bà lắm tiền và cả giới thứ ba. Có cả những cô gái ngây thơ cũng bị ông ấy lừa, như mẹ tôi chẳng hạn. Bỏ mặc sự can ngăn của gia đình, mẹ theo ông ấy. Lúc bà 17 tuổi, bà mang thai anh hay chị tôi gì đó.

Nhưng khi bà biết ông đang cặp kè cùng một gã bóng bẩy, nỗi kinh tởm khiến bà nhẫn tâm giết chết anh (chị) tôi khi cái thai chỉ ba tháng. Tôi không biết bằng cách nào, cha tôi có thể khiến mẹ tôi quay lại với ông. Có lẽ, ông ám ảnh bởi giấc mơ có đứa bé trai đứng nhìn ông với ánh mắt căm hận rồi bỏ chạy. Đó phải chăng là linh hồn xấu số chưa kịp chào đời của anh tôi (có lẽ bào thai của mẹ là một bé trai nhỉ?). Ông rút khỏi showbiz, rút khỏi những cuộc chơi, rút khỏi những mối tình và kết hôn với mẹ tôi.

Hai mươi lăm tuổi, mẹ có tôi. Bà kể cha tôi đã phải dâng hương cầu khấn không biết bao nhiêu chùa. Có lẽ, ông vẫn còn mụ mị bởi đứa bé trai trong giấc mơ năm xưa. Có thể nói, tôi là một đứa con cầu, con khẩn. Ban đầu, khi biết tôi là con gái, cha tôi buồn lắm, ông ta vẫn quan niệm "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Tuy nhiên, có lẽ tình thân cao hơn cả, ông vẫn yêu thương tôi, vì tôi là con của ông. Gia đình tôi sống tạm cho là an ổn trong ngôi-nhà-của-tình-nhân-cũ-mua-cho-ông, một bà già đáng tuổi nội tôi.

Lão bà ấy nghe theo lời nhân tình (nhân tình ấy là ai thì cũng rõ), bán hết nhà cửa, đất đai ở quê, mặc con cái ngăn cản để mua một ngôi nhà nhỏ có một lầu với ý: “Một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Chẳng may, bà ấy bị cha tôi phụ bạc, ông cưới mẹ tôi. Mất hết tài sản, mấy năm sau, bà ta chết vì tuổi cao sức yếu trong ngôi nhà lá sụp xệ ở quê nhà. Ngôi nhà ở thành thị mà bà mua đứng dưới tên sở hữu của cha tôi đã mặc nhiên trở thành tổ ấm của ba con người. Mỗi lần mẹ kể về chuyện cũ, bà hay rủa oán rằng cha tôi là điếm thúi!

Lúc nhỏ, tôi không hiểu bê đê, đĩ điếm là gì nhưng mỗi lần hàng xóm chọc cha tôi từng làm điếm hay ổng là bê đê thì tôi thấy quê lắm. Mỗi lần như vậy tôi lại khóc oà lên rồi về méc mẹ. Bà cười chua chát rồi ôm tôi vỗ về. Bà bảo tôi phải nghe lời bà, đừng tin những gì cha nói. Tuổi thơ ở con hẻm sâu trong thành thị với lũ trẻ hay đẩy tôi ra mọi cuộc chơi đã thành điều quen thuộc. Thuở bé tôi chẳng có bạn bè, đơn giản vì cha tôi là bê đê! Tôi hiểu thế thôi và nhục nhã với câu nói đó vô cùng.

Cha tôi vẫn ham chơi lắm. Ông đẹp mã và có nhiều bạn bè. Ông thường về nhà rất khuya và trên người luôn sực mùi nước hoa. Hình như ông vẫn lén lút qua lại với đám người đồng tính. Mẹ tôi mãi dùng lí do đó dằn vặt ông. Bà xét nét từng người bạn của ông và ghen tuông mù quáng.

Ba tuổi, tôi theo nhà về nông thôn sinh sống. Cha bán ngôi nhà một trệt, một lầu do lão bà kia mua, cùng tiền dành dụm mua một công đất mặt tiền ở quê. Còn một số tiền thì ông mua mấy công đất vườn gần nhà để trồng trái cây. Thời đó quê nghèo lắm, nhà tôi thuộc hạng sang khi cha tôi có chiếc Wave mới cáu, tôi có váy công chúa mà mấy đứa con nít chảy nước mũi ròng ròng ở đây luôn thèm thuồng. Nhưng vẫn lối sống thành thị, ngôi nhà to lớn bao bọc bằng lưới và cổng cao kín mít. Vì thế, dù tôi có búp bê barbie, có đồ hàng, có xe điều khiển nhưng tôi cũng chẳng có ai chơi cùng. Cha tôi mở một salon tóc ở trấn, cách chỗ tôi ở 20 phút đi xe. Ở trấn thì nhộn nhịp và hiện đại hơn nhiều. Và chỗ đó người ta cũng đủ khôn ngoan và dễ dàng đồn đại rằng: "Ông H. chủ salon tóc đó là bê đê, xem bê đê ngày nào cũng tới salon đó chơi cả!".

Tiếng xấu đồn xa, đồn tới tận chỗ quê tôi ở. Mỗi lần ai hỏi tôi là con của ai, tôi trả lời, xong họ lại che miệng cười tủm tỉm. Mẹ lại lên cơn Hoạn Thư quằn quại. Gia đình tôi trở thành nơi đầy bạo lực khi có những cơn chè chén của cha kéo theo tiếng tru tréo của mẹ. Tôi hay trốn trong kẹt cửa nhìn họ, mắt rưng rưng. Gia đình tôi trở thành trò hề lớn cho thiên hạ bàn tán.

Lúc nhỏ mẹ hay châm vào đầu tôi những tư tưởng móp méo về cha, như một thứ rất kinh tởm. Còn cha, ông chỉ thở dài và bảo: "Chừng nào lớn con sẽ hiểu!". Tất cả những gì tôi nghe, tôi thấy dần làm trái tim tôi trở nên trơ lỳ, tôi già dặn hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Thật vậy! Lớn dần, tôi chả tin ai trong ngôi nhà này. Tôi ghét mẹ mỗi lần phẫn uất vì cha lại giày vò con cái. Suốt 17 năm vẫn thế. Mệt mỏi và chán chường không?

 

Tôi không ghét bỏ cha, đối với ông vẫn là sự tôn trọng như bao người cha bình thường. Ông dạy tôi cách đối nhân, xử thế, nuôi tôi lớn ngần ấy năm. Lí do gì mà ghét bỏ người đã dưỡng dục, yêu thương mình? Vì dư luận xã hội mà tôi không còn có quyền yêu cha mình sao? Nực cười! Tôi buồn cười cho cả mẹ. Rắp tâm, ích kỉ, nhỏ nhen của bà đã làm cuộc hôn nhân này tồi tệ hết sức! Sự bao dung, dịu hiền của một người vợ, người mẹ của bà trong mắt tôi thật hư ảo, cơn ghen tuông, đa nghi đã khiến bà không khác gì một ác quỷ.

Đứa em tôi cũng là gái, nó được mẹ tẩy não từ nhỏ. Nó không ưa cha. Theo nó nghĩ, ông chỉ đang thực hiện trách nhiệm là đưa tiền ăn uống nuôi gia đình, ngoài ra, ông vẫn ưa ở ngoài suốt đêm. Nó bất trị hơn tôi nghĩ, với ông, nó đối xử quát tháo, hỗn xược, nhiều khi làm ông giận đến đánh nó.

 

Ngôi nhà tôi giống một sân khấu hỉ, nộ, ái ố có đủ. Tôi chỉ muốn một gia đình êm ấm, cha mẹ hòa thuận, muốn một bữa cơm có đủ mặt gia đình, muốn sống hạnh muốn trong tình yêu của cha mẹ. Nhưng sao ước mơ đó xa vời quá!

 

Nhiều khi tôi muốn thoát khỏi ngôi nhà này!

Rồi cái ngày đó cũng tới, như tôi đã ước ao…


Vào buổi chiều hôm đó, do hôm trước dầm mưa đi học mà tôi chìm sâu trong cơn mê man sốt. Trong giấc ngủ u mê tràn đầy tiếng cãi vã, sau đó là tiếng xe nổ máy chát chúa. Cảm giác lồng ngực đang rất đau, cảm giác chơi vơi khi gắng gượng tỉnh dậy. Tiếng la hét êm dần, êm dần khi tiếng xe máy rời xa. Cơn mụ mị êm theo, tôi lại chìm trong cơn sốt rệu rã. Những ý thức lơ mơ đủ đoán ra là nhà tôi vừa có một trận cãi nhau. Chuyện quá thường xuyên, tôi chẳng quan tâm, cứ đóng chặt cửa phòng, không ai biết tôi đang bệnh.

Chắc đã khuya, giấc ngủ lại bị kéo căng như dây đàn khi âm thanh mắng nhiếc bủa tràn. Có khi nào vừa ngủ, trong cơn mê sảng, đầu nặng trịch, bạn khóc không?

Tỉnh dậy, đầu đau như búa bổ. Tiếng mắng nhiếc bổ thẳng vào mình xối xả. Vừa đau, mệt, khó chịu, phẫn uất. Mẹ vào phòng tôi, chửi rủa tôi một trận cho hả tức khi cha của tôi đã bỏ đi. Bà như sư tử cái nhào đến lấy roi quất tới tấp vào tôi, chỉ vì tưởng tôi biếng nhác, bỏ ăn, cứ trốn trong phòng mà ngủ. Tôi cáu bẳn gào lên, điên tiết giật phắt cây roi của mẹ, bẻ gãy. Đau đầu quá! Nóng quá! Tôi vừa điên vừa khóc như mưa. Không phải khóc vì đau, tôi khóc vì uất ức. Xô bà mẹ khỏi phòng, tiếng cửa đập mạnh bạo đóng lại, tôi ngả dài trên giường. Khóc nức nở! Tàn dư trong cuộc chiến này chỉ có những nỗi đau bị xới lên ê buốt.

Tôi muốn thoát khỏi đây!

Ai cũng có bản năng
điên loạn trong người, quan trọng là nó bộc phát khi nào và vì cái gì. Một khi nó đã xuất hiện rồi thì liệu còn đủ lý trí để kiềm chế được không? Tôi quá lý trí, quá thực dụng và thận trọng. Tôi muốn lo cho tương lai mình, ít ra cũng phải lên đến đại học để có cái nghề ra hồn. Nhưng giờ, không nhất thiết thế nữa! Tôi chẳng cần thiết gì ngoài muốn bỏ đi khỏi cái nhà này!

Sửa soạn một ba lô, gần sáng tôi sẽ trốn khỏi đây! Nhất quyết là vậy! Chưa bao giờ trong lòng tôi dâng lên sự ham muốn cồn cào, mãnh liệt đến như vậy: Tôi muốn thoát ly!

Cuộc đời tôi chỉ yên bình và thoát ra cái bể nhơ nhuốc này khi rời khỏi gia đình. Tôi muốn là một cánh chim, bay cao thật cao, xa thật xa. Bay đến đâu đó người ta không biết tôi là ai, tôi tên gì và... cha tôi là ai.

Gần thi học kì hai, bài vở cao như núi. Tôi vờ tỉnh táo ăn qua loa, lén uống hạ sốt và rút trong phòng làm bài tập như thường lệ. Tôi chờ họ ngủ để mình thoát khỏi đây. Hơn một giờ sáng, tôi tỉnh như sáo, lắng tai nghe thấy tiếng Honda về. Bão táp lại về ư? Ha ha, sao trốn được đây?

Trái như tôi nghĩ, căn phòng sát bên vang tiếng rầm rầm của tủ quần áo, tiếng mẹ làu bàu nho nhỏ rồi lớn dần. Phát giác! Hình như... Cha muốn bỏ nhà đi!

Hừm, một ngày có hai người cùng muốn thoát khỏi địa ngục này. Thật trùng hợp! Tôi cầm chặt bút, mím môi, nước mắt loang ướt trang giấy trắng, chữ nhoè rồi! Gạt tay thật nhanh lau đi nước mắt, tay tôi run lẩy bẩy.

Cửa phòng thô bạo bị mở toang, cha kéo vali ngang phòng, ông tìm tôi. Tôi cúi gằm mặt xuống đống bài vở, cố che đôi mắt đỏ ầng ậc, ngón tay bấm chặt vào nhau, siết, không được khóc!

Cha cất cái tiếng khàn trầm, gương mặt đen lại, tràn một mảng quả quyết. Ông hỏi thẳng:

- Hạ à, con có muốn đi cùng cha?

Muốn! Dại gì mà không? Nhưng đi theo cha thì cuộc đời tôi sẽ ra sao? Tôi sợ cái bức tường thực dụng trong tâm can sụp đổ. Tôi nghĩ đến những cái như việc ăn học đang dang dở, nghĩ đến cảnh ấm no hiện tại, nghĩ đến nhiều thứ nữa. Ở lại hay là đi?

Tôi ngước nhìn ông bằng con mắt ráo hoảnh, giọng cũng nhẹ tênh:

- Cha có chắc là nuôi con tốt nghiệp đại học nổi không?

Cha nói:

- Bằng mọi giá. Con đi chứ?

Không chần chừ, tôi bình thản thảy cây bút xuống, lôi ba lô trong tủ đồ ra. Cắn chặt môi:

- Chờ chút, con thay đồ.

Đến lúc cần phải tìm lối thoát. Tôi không thể để đời tôi phải dính vào những điều áp bức mình trong khổ ải, đau đớn. Đã đến lúc tìm cho mình một cuộc đời khác đi. Sướng hay khổ chưa biết, có điều, thoát khỏi nỗi khổ hiện tại là hoan hỉ lắm rồi!

Mẹ dựa vào cửa nhìn tôi, lầm bầm:

- Mày đi theo nó sớm muộn mày cũng như nó thôi. Con ngu!

Lòng xót tấy, mắt cay như xát phải ớt, tôi nghe tim mình cuồng loạn. Mặc kệ! Nhìn thẳng và đi nào! Em gái đang ngủ, nó nghe động, choàng tỉnh rồi chui ra khỏi mùng, ôm lấy chân tôi. Nó khóc và lết theo mỗi bước chân tôi, kéo theo lòng tôi nặng trịch. Mệt mỏi quá rồi! Hãy để tôi yên! Kiếp này chị em mình có duyên làm người ruột thịt đến đây thôi!

Tôi hôn lên trán nó. Mặt nó tèm nhem nước mắt. Nó níu vali của cha, hét om sòm:

- Tui không cho ông dắt chị hai tui đi! Không cho! Không cho! Chị Hạ, đừng bỏ em!

Chán chường đã ăn mòn tâm hồn tôi quá rồi. Thà là chết trong nhẹ nhõm, lúc tôi đang đói khổ còn hơn là đày đoạ mình trong ngôi nhà giả tạo rỗng tuếch tình thương này. Một gia đình mà tôi không muốn chấp nhận, phải hành hạ bản thân trong đơn độc, thống khổ, sỉ nhục như bây giờ, đã đến lúc tới lượt tôi lựa chọn: Đi thôi!

Nửa đêm đèn nhà sáng trưng, tiếng chó sủa dữ dội vang trong đêm tối. Tâm hồn tôi muốn chết đi rồi! Tiếng xe lại nổ máy, tôi rúc người trong chiếc hoodie, thấy đầu mình trống rỗng. Đêm lạnh buốt. Bóng đêm nuốt chửng hai con người đang lao cùng xe trong gió, bỏ lại phía sau em gái tôi khóc nấc, đuổi theo thật xa, con bé bỏ chân trần chạy trên con đường nhựa nhám. Chân đau không em? Vết thương rồi sẽ lành thôi. Chị cũng cần cho vết thương lòng mình lành lại, bỏ đi là ích kỉ, nhưng với chị là giải thoát. Chị xin lỗi, em gái của chị.

Vĩnh biệt ngôi nhà to có vườn trái cây mát lành – nơi mà ít nhiều gì thì tôi vẫn gắn bó với nó trong từng ấy năm, vĩnh biệt người mẹ mà tôi kính trọng, vĩnh biệt em gái, vĩnh biệt những nỗi u uẩn kiềm hãm tôi. Đi thôi! Thế là xong!

Gió đêm tạt vào người, lạnh buốt. Tôi trốn sau lưng cha. Mặc kệ ông là gay, là trai bao gì tôi chả cần biết! Tôi biết ông đang là thiên sứ lôi tôi khỏi những bế tắc này trước khi tôi muốn tự tử.

Bắt đầu tự lực mà sống! Hạ à, mày chẳng còn sống trong chăn êm nệm ấm nữa đâu!

 

Có lẽ .. tôi không biết rằng chính sau này có lẽ tôi sẽ phải cảm ơn những ngày tháng vất vả đó. Vì nó đã tôi luyện con người tôi trở nên cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn trước biết bao sóng gió của dòng đời.

***

Tiếng radio trưa kêu sột soạt lanh lảnh bản cải lương của bà chủ nhà vang khắp xóm trọ. Tôi lim dim mắt, trán đắp khăn nóng. Bớt sốt rồi nhỉ? Âm thanh mái tôn oằn lên trong nắng trưa thiêu đốt. Trên căn gác hầm hầm nóng, chiếc quạt máy nhỏ không đủ xua đi cái nóng đầu hè. Tôi lồm cồm bò dậy đi xuống gác. Quá trưa, xóm trọ vắng tanh, trong căn phòng nhỏ xíu có mình tôi. Cha chắc đã đi làm rồi.

Vậy là tôi đã bỏ học cả tuần, cha đưa tôi về thành phố. Hôm ngày mới bỏ đi, chưa tìm được chỗ ở nên cha đành thuê nhà nghỉ ở tạm một hôm, ngủ một giấc dài sau chuyến đi mệt, đến trưa cha mới đi tìm nhà. May mắn mà có nhà trọ này, tuy nhỏ và khá xa trung tâm thành phố nhưng có cái che nắng che mưa được rồi!

Đổ dĩa rau muống luộc sơ vào chảo xào qua lại, dầu ăn bắn vào tay bỏng rát, tôi nén đau, câm lặng. Giờ cái gì cũng phải tự lo, tôi còn cái quyền lựa chọn sao?

Cha xách hộp đồ nghề cũ kĩ đi hớt tóc dạo, sẵn tiện tìm xem coi có tiệm làm tóc nào nhận ông không. Ông nội tôi vốn là thợ hớt tóc với bảng hiệu gia truyền tên "Trần Thiện Nghệ" - cái nghề lương thiện của họ Trần. Cha tôi lúc bé học được món nghề lương thiện này của ông phòng thân, cha hay kể chuyện bao cấp cực khổ thế nào, kể nhà cha nghèo đến nỗi bằng tuổi tôi cha phải đi buôn gạo lậu. Những kí ức đó khiến ông căm ghét cái nghèo và yêu tiền, bằng mọi giá kiếm tiền. Vậy mà đến khi cơ ngơi đã có chút dư giả, không chịu được cái cảnh éo le của gia đình, cha mang theo tôi đi nơi khác làm lại từ đầu với bàn tay trắng, bỏ hết tiền của cho mẹ và em. Nhiều khi ngẫm nghĩ mà tôi cũng ngờ vực, một con người với tuổi trẻ từng bất chấp tất cả để có được sự giàu sang, ông đã lao công xây đắp cho gia đình bao nhiêu năm, như ông thừa nhận là một kẻ yêu tiền, thế mà quá dễ dãi dắt tôi đi và sống trong cực khổ vì không chịu đựng nổi cuộc sống ngột ngạt của gia đình. Tin nổi không?

Tôi ghét những người sống trong xóm trọ này, đó là những gã thanh niên xăm hình vằn vện, cởi trần trùng trục khoe hình xăm, tóc dài cột đuôi gà phì phò thuốc lá. Những lối vào phòng những gã nuôi đầy gà đá. Tôi ghét nhất trong đám đó cái gã tóc qua gáy nhuộm highlight hay ôm con gà chuối đi ngang qua phòng tôi.

Thấy tôi đang phơi đồ trước phòng, gã tiến lại choàng vai, bá cổ, vừa nói bông đùa vừa nhả vào mặt tôi mùi thuốc lá kinh tởm. Tôi trừng trừng mắt nhìn gã, gã lại sờ má tôi. Khi tôi đẩy cái tay gớm ghiếc đó ra và cắp cái thau giặt đồ vào phòng thì hắn lại vươn tay ôm tôi vào lòng. Hoảng quá, tôi thảy cái thau xuống, xoay người và gồng tay vật một cú trời giáng khiến gã bò lăn ra đất. Đám người phía sau cùng gã trố mắt nhìn tôi. Tôi hừ lạnh, đưa tay quệt quệt bầu má bị bàn tay kia sờ mó, lãnh đạm đóng chốt cửa lại, bên trong phòng ôm ngực thở hắt. May thay lúc bé tôi đã mê tít cái môn Judo khi mà gần xóm có ông võ sư từ trấn về mở lớp dạy. Tôi nằng nặc xin đi học võ. Đến giờ thì cũng đã chục năm, cũng dư giả chiêu đá đấm phòng thân rồi còn gì. Nhờ vụ hôm tôi vật ngã gã đó mà giờ mấy tên trong xóm chả thằng nào còn dám sớ rớ tới gần tôi. Thật tốt!

Cha cứ đi làm tới tối mịt mới về, tôi nấu mâm cơm đạm bạc nhất quyết chờ cha về ăn cùng. Cuộc sống của tôi trông lay lắt và thảm hại quá.

Kệ đi! Tôi đã chọn nó và không được phép hối hận. Cứ thế, tôi cảm giác cuộc sống tẻ nhạt này nặng nề trôi qua. Bao giờ mới tìm ra cho mình chút ý nghĩa để sống?

***

Nửa tháng qua rồi. Hè tới đổ lên những con đường phố thị cái nắng muốn bỏng da. Tôi khoác lớp áo khoác dày cộm, khẩu trang và mũ tai bèo kín mặt, mồ hôi ướt đầm đìa, co người đạp từng vòng trên chiếc xe cũ hàng thanh lí được cha mua ở tiệm cầm đồ cho tôi. Tôi không thể ở nhà ăn bám suốt ngày được, cha thì kiếm được nhiêu tiền lo xuể cho hai cha con? Thế nên tôi quyết định đi bán vé số phụ thêm tiền cho cha.

Dù sao cũng đã dở dang năm lớp 10, còn vài ngày nữa là thi mà tôi lại bỏ học thì coi như xong rồi. Chắc qua hè tôi sẽ nhờ cha xin vào một trung tâm giáo dục thường xuyên học.

Trước mùa nhập học tranh thủ kiếm thêm tiền mua sách vở, tôi muốn tự lo. Vì thế, tôi nhận thêm vé số và bán dạo vào những nơi xa chỗ ở hơn, tối về thì xin gia công kẹp tóc làm thêm. Cuộc sống tôi bắt đầu bận rộn bươn chải. Nhiều khi tiết kiệm tiền cơm, trưa tôi và cha đèo nhau sang quận kế bên ăn cơm chay từ thiện. Có hôm, tối khi tôi rút trong góc nhà làm kẹp, cha nhìn tôi rồi run giọng:

- Theo cha con khổ quá! Con có hối hận không?

Lúc đó, tôi nghiến mạnh quai hàm vì cơn xúc động trào lên,
khóe mắt cay cay, cố cười:

- Không cực! Con chịu được. Ở đây rất thoải mái!

- Cha sẽ ráng xin cho con đi học lại. Hôm nào cha về quê đem giấy tờ cho con. Mình vẫn còn hộ khẩu thành phố mà! Tiện thể cha đưa đơn ly hôn.

Ly hôn? Ha ha, kết thúc của một cuộc hôn nhân ngột ngạt bị hai từ "ly hôn" nhẹ nhàng đạp đổ. Trên đời này chẳng có gì là vĩnh cửu. Tình yêu cũng vậy. À, đúng hơn là cha chỉ cưới mẹ vì trách nhiệm, vì ông sợ quả báo. Ông thương mẹ được bao nhiêu? Còn tôi, tôi không thương, cũng không ghét mẹ. Tôi không trách bà xem tôi là thứ ràng chân cha ở nhà. Phải, mẹ hay dùng tôi làm cái cớ để cha êm xuôi mọi chuyện. Và khi cha mang theo tôi đi thì bà chẳng còn cách nào níu kéo ông. Tội nghiệp em tôi! Nó đã có những rắp tâm căm hờn cha từ nhỏ. Mẹ vừa yêu, vừa hận cha. Cớ sao mẹ nỡ nhồi nhét những tư tưởng đó vào đầu một đứa bé?

Tôi im lìm không đáp và chúi đầu làm kẹp tiếp. Tiếng cải lương trên sóng phát thanh nhà bên cứ lảnh lót xuyên trong đêm khuya não nề. Có con gà kê chướng tính, nó canh giữa khuya lại gáy lên ầm ĩ. Tôi rất muốn bẻ cổ, vặt lông nó. Gà gì lại gáy nửa đêm!