Phần 2
Một trưa cuối tháng năm, sau đợt triều cường lụt lội thì cơn nóng lại thiêu đốt đất trời. Tôi đạp xe ngang góc đường có cây phượng lớn nằm trong khuôn viên nhà văn hoá. Hè về và phượng đã đỏ cả cây. Tiếng ve râm ran nghe nhức hết cả đầu. Nhìn mấy bóng áo dài trắng đạp xe cười nói ngang qua mình mà thấy lòng chạnh lại. Tôi nhớ trường lớp, thầy cô, bè bạn quá!
Tôi muốn đi học!
Tôi nhớ những phương trình mình hay than thở là rắc rối, nhớ bài thơ trong Truyện Kiều hay lải nhải là khó học. Tôi nhớ tất cả. Muốn sớm hết hè và xin đi học lại quá!
Hi vọng là cha sẽ tìm được chỗ học cho tôi.
Mấy hôm trước, phòng trọ sát vách có khách trọ là hai gã đàn ông ẻo lả. Nhìn cũng đoán ra là giới nào. Nghĩ sâu hơn, bậy bạ hơn là đám trai đứng đường, trai bao. Xóm trọ của dân lao động phức tạp, dân nghiện cũng có, gái bán hoa cũng có, thứ hỗn tạp nào cũng có.
Thường lệ, ban trưa tôi sẽ về nhà nấu cơm. Hôm nay khi về đến cửa phòng, xóm trọ như mọi hôm vẫn vắng im ỉm. Đa phần người ta đi làm, hay mấy người "đi làm vào ban đêm" đã đóng cửa ngủ bù.
Tôi định mở cửa phòng vào trong, nhưng chợt nghe thấy tiếng rên rỉ, thở dốc bên phòng kế bên, chợt thấy má đỏ bừng. Ngượng chín người, phòng hai gã bê đê kia cứ phát ra âm thanh như đặt loa cho cả xóm nghe.
Lủi thủi gạt chống xe rồi quay đi bán vé số tiếp. Nghĩ đến họ, tôi lại liên tưởng đến những câu chuyện về cha lúc trẻ, không hiểu sao tự nhiên thấy buồn nôn.
Vé số hôm nay bị ế, tôi muốn đốt phong long cái bà ăn cơm tấm hồi sáng gì đâu. Mới sáng chìa cọc vé số mời bả mua, thấy bả ăn mặc cũng sang, vẽ cái mặt loè loẹt như hát bội, tôi cố niềm nở nịnh nọt.
“Cô ơi nay muốn vài tờ biết đâu chiều sắm thêm chiếc xe hơi cô hén!”
Bà ta đưa cái tay béo múp lật lật xem xem.
“Bữa nay đài chính là đâu đó?”
“Dạ Đồng Nai.”
“Cho tao mượn vé dò tí.” Chờ hết năm phút, bà ta lại hỏi. “Có 51 không?
“Dạ không cô!”
“Vậy 73?”
“Ờm không luôn ạ!”
Cái môi đỏ chóe đó bĩu ra, quẳng lại cọc vé cho tôi, xua tay:
“Dẹp, chẳng có cái gì ra hồn.”
Tôi cười sượng trân, chỉ có thể bỏ đi. Sau bà khách khó chịu đó thì cả sáng chẳng ai thèm mua cả. Nếu chiều nay bán không đủ số này là coi như xong rồi. Phải tranh thủ đi bán xa hơn coi sao!
Bán vé số cũng cực lắm, phải lê đến mọi nơi mời mọc người ta mua. Tôi sợ nhất là đến mời chào ở mấy quán nhậu, mấy gã bợm cứ hay sờ soạng tôi. Nhưng khổ nỗi mấy gã đó hay chơi sộp, có khi boa thêm tiền nhiều lắm. Mỗi lần bán cho đám thanh niên đi xe tôi lại canh cánh lo, sợ bị giật, bị cướp. Mấy "đồng nghiệp" kể cho tôi nghe về kinh nghiệm của họ, những tai nạn họ từng bị, nhắc tôi phải cảnh giác.
Đi nhong nhong dưới nắng, tôi đen đúa và gầy gò đi, không còn giống lúc ở quê. Đang đạp xe rao bán vé số, tự nhiên trong một nhà bán tạp hoá vang lên tiếng gọi:
“Ê, nhỏ, vé số!”
Tôi thắng xe ngay, quẹo vào trong nơi vừa réo, thò lỏ mắt nhìn trong nhà. Trước mắt là gã đàn ông chừng gần bốn chục béo phệ, cởi trần khoe làn da bánh mật dưới sàn gạch men ở phòng khách. Ông ta ngoắc tôi.
“Bỏ dép ngoài thềm, vô đây nhỏ!”
Tôi vào bên trong nhà. Quạt máy làm tôi thấy thật dễ chịu khi bơi mình dưới nắng suốt trưa. Đá mắt qua tường, thấy đã gần bốn giờ chiều. Tôi cắn răng lạy trời cho ông thần này mua được nhiều nhiều xíu!
Gã bắc chân chữ ngũ nằm yên, kêu tôi lại gần để đưa vé. Tôi ngồi gần đó, thở phì phò cho dịu cơn nắng, lặng yên chờ đợi người ta lựa số.
Người này nhìn ghê ghê. Trên ngực và tay xăm mấy hình rồng, hổ. Đầu gã cạo trọc, miệng thì ngậm điếu thuốc, chốc lại giũ vào gạt tàn.
Một linh cảm dặn mình phải rời sớm khỏi đây. Nhưng mà… hôm nay bán được ít quá!
Nhìn trên tường còn mấy cái bằng khen, bàn thờ bên góc có khói hương thờ liệt sĩ, tôi lại nghĩ chắc mình đề phòng quá.
Ông ta vẫn chú tâm lựa, không hỏi han, cũng không nhìn tôi.
Tâm trạng nơi lỏng, tôi tháo cái nón, đưa tay phe phẩy quạt.
“Có 11 không nhóc?”
“Có chú!” Nghe có cơ may, giọng tôi tươi tỉnh hẳn.
“Đâu?” Tay ông ta cứ lật lựa trong mơ hồ.
Tôi nhích lại gần, mượn lại xấp vé để lấy cho nhanh.
Bất ngờ, cánh tay đang giữ đống vé đột nhiên giữ lấy bàn tay tôi rồi đè mạnh.
Xương sườn tôi đau điếng. Bàn tay khô ráp của bịt chặt miệng, hãm tay chân tôi lại. Cái thân thể béo ú đó đè lên người tôi, ra sức sờ soạng, hôn hít.
Tôi thử lật dậy, nhưng không nổi. Gã ta biết khóa những chỗ khớp tay, khớp chân của tôi có thể phản đòn.
Tôi cắn tay gã, hét lên kêu cứu, âm thanh thất thanh nhỏ dần khi tôi bị gã giáng cho một cái tát nảy lửa vào mặt.
Đau quá! Sợ quá! Cha ơi cứu con!
Tôi cố vẫy vùng, phản kháng càng bị gã tát dã man. Cái cảm giác tởm lợm kinh khủng khi gã cấu véo trên cổ tôi, hôn nham nhở trên mặt làm tôi muốn phỉ nhổ vào bộ mặt đó. Bàn tay to lớn đó di dần xuống áo tôi, xé toạc cúc áo. Bờ môi đó lan dần đến ngực.
Khủng khiếp quá! Kinh tởm quá!
Vùng vằng đến khi mệt lả, tôi thôi giãy giụa, cứng đờ như xác chết, bình tĩnh để gã làm loạn trên người mình. Bàn tay đang len lén mò mẫm, tôi chụp được một dị vật cứng rắn.
CỐP!!!
Những giọt máu nóng hổi trên mặt gã đàn ông đang nằm đè lên tôi nhỏ giọt lên mặt tôi. Đôi mắt tên đó trợn to rồi ngã gục lên người. Tôi dùng hét sức bình sinh lật tên khốn đó dậy, thở từng nhịp nặng nề.
Nhìn cái gạt tàn thuốc bằng thuỷ tinh dính đầy máu, tim tôi như muốn nhảy xổ khỏi lồng ngực.
Khi tôi muốn giật lại cọc vé trên tay thì gã ấy lại bật dậy chụp chân. Hoảng quá, tay tôi lại nện hai ba lần vào đầu gã, ổng chửi um sùm rồi buông tôi ra.
Tôi không nghĩ nhiều nữa, chỉ biết chụp lấy xe đạp bỏ chạy nhanh khỏi ngôi nhà đáng sợ đó.
Dắt xe lang thang trên con đường phố thị đã lên đèn. Tôi như cái xác không hồn vất vưởng thảm hại.
Hết thật rồi! Tiền đâu bù lỗ cho cọc vé số này? Tiền làm cả tháng chưa chắc đủ nữa!
Tôi đi một cách vô hồn trên con đường nườm nượp xe qua lại. Áo khoác được kéo cao che chiếc áo sơ mi bên trong đã rách rưới vì gã đốn mạt ban chiều. Bầu má sưng đau, môi bị tát đến rỉ máu.
Tại sao khi người ta thấy tâm hồn mình có chút giải thoát thì thể xác mình lại bị đày đoạ? Tôi thèm như xưa, có giường to, phòng riêng, có đồ ăn ngon miệng chứ không phải cảnh trôi nổi, bạc bẽo, nơm nớp lo như bây giờ!
Khổ quá! Mẹ ơi con khổ quá!
Nhưng chỉ một khắc thôi tôi lại sực tỉnh ngay. Không, không thể trở về nhà. Nơi đó có khác gì đâu?
Cuộc sống là gì mà sao khó khăn quá? Mọi con đường trước mắt tôi đều hóa thành vực thẳm, còn cách nào để thoát khỏi đây?
Chết phải chăng là hết?
Tôi nhắm mắt, miên man suy nghĩ, khao khát được thoát khỏi những đọa đày của cuộc đời làm tôi phát rồ. Tôi muốn chết!
Nhưng không thể chết với hình hài một con ma đói được!
Bụng đói sôi sục, người lem nhem bẩn thỉu, tôi đưa mắt nhìn về phía nhà hàng sang trọng đường. Trên bàn ăn đó có nồi lẩu sôi bùng, có tôm, có đùi gà nữa, những sơn hào hải vị thật no mắt. Nuổt ực một cái, cổ họng chỉ đáp trả bằng cơn đau bỏng khó chịu.
Tôi đói lắm! Rất lâu rồi tôi chưa ăn một bữa thật no. Nghĩ đến thùng gạo sắp cạn ở nhà, lòng lại sầu não.
Nhìn những vị khách đang ăn, bàn ăn bốn người với gã trai mặc áo hường in hoa to bản, nhìn bộ điệu ẻo lả đó cũng hiểu rồi. Tôi phì cười. Trên đời sao phổ biến cái giới tính lửng lơ thế không biết. Đồng tính không xấu. Nhưng quá nhiều năm tháng sống với cái danh con của bê đê khiến tôi không thoát khỏi được suy nghĩ kì thị của mình.
Tôi rất muốn nói là cha không xấu. Tôi muốn đấu tranh rằng điều đó cũng thật bình thường. Thế mà cảm xúc luôn đi ngược với lý trí. Và tôi đã khắc quá sâu những lời của mẹ, cho nên giờ mới thấy họ là cảm giác nôn mửa đã tràn lên ngay.
Làm sao tôi bỏ được cái suy nghĩ gớm ghiếc đó ra khỏi đầu óc mình?
Và tôi đang đói đến hoa mắt phải không? Tên áo hường đó đang cặp kè người đàn ông kia, bàn tay vuốt ve, sờ soạng rồi cười vui vẻ. Mắt tôi có vấn đề phải không? Tại sao tôi trông thấy người đàn ông đang ăn cùng gã lại là cha?
Trong lúc con gái mình đang khổ sở bán vé số, xém bị cưỡng hiếp và còn lỗ tiền bán thì ông ta quần là áo lượt đi ăn cùng đám bạn bê đê ở một nhà hàng sang trọng ở trung tâm.
Trong khi tôi chẳng dám ăn nhiều cơm, chừa ra nhiều đồ ăn cho cha thì ông ta lại có tôm hùm, cua lớn và cả bia nữa.
Đó là cha của tôi sao? Cha sung sướng chơi bời rồi lại làm bộ khổ cực khi về nhà với tôi. Nhìn gương mặt vui vẻ đang dang tay cụng bia với đám nọ có phải là ánh mắt thương xót tôi nữa đâu!
Giả dối! Tất cả là giả dối! Ông lừa gạt tôi! Ông giống như lời mẹ nói, chỉ là tên điếm thúi cơ hội ăn bám! Ông lừa phỉnh tôi! Ông xấu xa!
Tôi cười chua chát, nước mắt tuôn thành dòng dài, lẳng lặng quay đầu xe trở về nhà.
Tiếng xe chạy về con hẻm nhỏ, văng vẳng tiếng chó sủa khan. Ánh sáng trắng đột nhiên sáng khắp phòng, phơi bày ra hình ảnh đứa con gái đang ngồi rúc trong góc, bộ đồ trên người nhàu nhĩ. Xé toạc khoảng không tịch mịch là âm thanh có chút bất ngờ:
“Hạ, con còn thức sao? Sao không bật đèn?” Rồi chất giọng đó trở nên vui vẻ. Ông đưa trước mặt tôi một cái bánh kem ngon lành cùng dòng chữ "Mừng sinh nhật con gái Nhật Hạ - 16 tuổi".
“Chúc mừng sinh nhật con gái yêu, bận rộn quá cha xém quên hôm nay là sinh nhật con. Thứ lỗi cho cha nhé!"
Ừ, cha bận rộn lắm! Bận rộn tới mức trên người nồng nặc mùi cồn trộn với mùi nước hoa đắt tiền, quần áo đẹp đẽ thế mà.
Cha rất "cực khổ"! Ha ha, "cực khổ "!
Tôi nói, giọng chát ngầm:
“Vâng, rất bận. Vậy thì cha có thể quên hẳn sinh nhật con cho đỡ bận!”
“Uầy, sao con lại nói vậy? Sinh nhật mỗi năm chỉ có một lần, dù bận thế nào cha cũng phải mừng cho con chứ! Sinh nhật con yêu của cha mà!”
Ừ, sinh nhật thì một năm chỉ có một ngày còn chơi bời thì ngày nào cũng được, phải không?
“Con không cần!” Tôi gằn giọng.
"Kìa Hạ, sao ẩm ương thế? Sao má con sưng đỏ vậy? Ai đánh con?"
Tôi gạt bàn tay đang sờ trên má mình xuống, kích động nhìn ông, đứng dậy hét lên:
“Đừng giơ bàn tay đã đụng vào những thứ dơ bẩn đó chạm vào mặt tôi! Không cần sinh nhật gì cả! Không cần ông phải giả nhân nghĩa với tôi! Ông ăn chơi vui vẻ bên ngoài rồi về vờ vịt ban chút tình thương bố thí đó!"
Cha bất ngờ nhìn tôi chăm chăm, lắp bắp:
“Hạ, con nói gì vậy?”
Tôi chỉ thấy trong tôi hiện tại là một chân trời sụp đổ. Kinh tởm! Thật đáng sợ với một người cha như thế! Hình tượng của ông trong tôi đổ vỡ cả rồi!
- Câu nói của mẹ cứ như cào xé ruột gan tôi!
- Phải, ông cực kì để tiện!
Mẹ nói đúng hết! Tôi sai rồi! Sai rồi!
Tay tôi hất đổ chiếc bánh kem đang ở ngay trước mắt, không hiểu sao lại tuôn một tràn dài:
"Tôi không cần ông tiếp tục vờ vịt như thế! Sao không tiếp tục vui chơi cùng đám bạn bóng bẩy của ông đi? Sao phải về đây làm gì? Sao không ở nhà hàng ôm ấp nhau tiếp đi! Ông làm tôi thấy thật tởm! Ha ha, mẹ nói đúng thật chứ! Ha ha, ông là điếm thúi! Ha ha, là điếm thúi! Là thứ bẩn thỉu mạt hạn nhất trên đời! Là điếm!"
CHÁT!!!
Bầu má đau buốt vừa lãnh một cái tát tàn bạo từ ông. Cha đứng nhìn tôi mắt long sòng sọc, môi mấp máy nói gì đó nhưng lại thôi.
Tôi trân mắt đối mặt với ông, nước mắt tuôn giàn giụa khắp mặt, đôi mắt như đang đập tan tất cả kí ức tốt đẹp về cha.
Tất cả mọi thứ tan biến hết rồi! Hết thật rồi! Giả tạo! Đều là giả tạo tất!
Tôi bước ngang qua chiếc bánh kem nát bét dưới sàn. Bỏ chạy.
Sau lưng, chỉ còn có tiếng tiếng cửa bị đóng sập nặng nề. Tiếng chó giật mình sủa loạn. Tiếng chân huỳnh huỵch chạy trên đất và... tiếng gọi tên tôi.
“Hạ! Đứng lại! Hạ!”
Tôi chạy điên cuồng, nước mắt mờ nhoè hết mọi thứ. Chạy, cứ chạy.
Làm sao xoá hết nỗi đau đớn ê chề này? Làm sao cho tôi một lối thoát? Tôi muốn trốn thoát khỏi những nghiệt ngã này!
Người cha ấm áp của tôi? Hết rồi!
Người mẹ năm nào vỗ về tôi trong vòng tay? Hết rồi!
Gia đình nhỏ bé của tôi? Hết thật rồi!
Giả dối! Tất cả lừa gạt tôi! Ha ha, đều là một trò lừa lố bịch! Tôi mất tất cả rồi!
Đứng trên lề đường, nhìn dòng xe đang chạy như mắc cửi. Tôi khóc trong điên loạn. Cõi tâm hồn tôi đã chết rồi! Còn gì mà luyến tiếc! Còn gì mà hi vọng! Chấm hết!
Nhắm mắt lại và cảm nhận cơn đau xác thịt sắp ập tới. Đừng sợ! Đau một chút tôi thì mày sẽ được bình yên! Đừng sợ! Mạnh mẽ lên Hạ à!
Bước chân càn xuống lòng đường, xông ào ra giữa lộ, ánh đèn xe chói loà rọi vào mắt, tiếng kèn xe chói tai và tiếng hét thất thanh bao lấy tôi. Tim như đứng lại.
“Cẩn thận, Hạ!!!”
Trước mắt chỉ còn một nguồn sáng chói chang, tôi chẳng còn thấy được gì.
Lúc đó trong tiềm thức tôi chỉ còn một ý nghĩ duy nhất: Tôi sẽ chết, đúng không?
Tôi cứ chôn chân giữa phố xá hỗn loạn đó cho đến khi âm thanh va đập chúa chát bao bọc trọn lấy màng nhĩ...
Tiếng xe cấp cứu ngân dài, băng ca trượt nhanh trên nền gạch, sau đuôi là những bóng áo blouse trắng. Tôi chạy theo chiếc băng ca, luôn miệng không ngớt:
“Cha ơi, đừng làm con sợ mà! Tỉnh lại đi cha! Cha ơi! Đừng bỏ con! Cha đừng chết mà!”
Người đàn ông máu me bê bết trên người khẽ động đậy con ngươi, ông đưa tay run run giơ tay vuốt nước mắt trên mặt tôi, thều thào:
“Đừng khóc, con gái! Đừng làm sinh nhật mất vui!”
Tôi vuốt nước mắt trên mặt, gật đầu loạn lên.
“Con không khóc! Cha đừng có chuyện gì nha cha!”
Cha mím nhẹ môi, gật đầu rồi mắt nhắm nghiền lại, ngất lịm.
Tôi bị cản lại ở cửa phòng cấp cứu, chỉ biết bất lực ngồi thừ. Cô điều dưỡng nào đó dắt tôi đi làm hồ sơ. Miệng cứ máy móc nói, đầu lắc lắc hoặc gật gật. Nhưng tôi chẳng nhớ được gì cả.
Thời gian đằng đẵng trôi, ánh đèn đỏ gay gắt trước phòng cấp cứu vẫn sáng tỏ. Tôi ôm người ngồi trên băng ghế, tóc tai bù xù, tay chân bê bết máu tươi. Lúc tôi xông ra đường, cha đã đẩy tôi khỏi mũi xe tử thần, còn ông thì...
Hức, hức, nếu cha có bề gì tôi sẽ hối hận cả đời!
Cô điều dưỡng gửi lại cho tôi những tư trang của cha, một chiếc di động bể nát, một ví tiền và một phong thư, tất cả loang đầy máu. Trên phong thư, dòng chữ nắn nót ghi: "Thân gửi con gái của cha!".
Là gửi cho tôi ư? Lá thư này là gì đây? Sao cha lại viết thư cho tôi?
Bóc thư ra khỏi phong thư, trang giấy trắng xỉn màu máu đỏ đã khô cứng, màu mực đã nhoè cùng máu của cha. Tôi đọc.
Tôi thở dài, tự nghĩ: Mình né tránh ông khi nào ta?
Là mỗi lần cha hỏi chuyện, tôi đã bảo mình buồn ngủ sao?
Còn gì nữa nhỉ? Sao tôi chẳng nhớ gì cả!
Bỏ qua nỗi băn khoăn trong lòng, tôi vẫn cố gắng đọc trọn lá thư.
Đọc tới đây, nỗi tủi nhục suốt một thời gian qua như một chiếc đê vỡ, tôi cứ khóc giàn giụa. Để khi nước mắt làm đau rát cả mu bàn tày đầy vết xước thì tôi mới chợt tỉnh. Trong thư vẫn còn rất dài, tôi mệt lịm.
Ngả người trên băng ghế dài, tôi vừa đọc vừa khóc.
…
Tôi đơ người, không biết là bao nhiêu lâu. Đến khi phát giác, nhìn quanh, phòng cứu thương vẫn chưa có ai bước ra. Mệt nhoài, tôi lại ngắm những con chữ mềm mại.
“Vỗ tay quyết tâm với con nào!" Tôi đưa bàn tay run rẩy giữa khoảng không, trơ trọi một bàn tay nhớt nháp máu của tôi ở đó. Không có tiếng vỗ "bốp" vang lên giòn giã, không có tay cha ấm áp vỗ vào.
Thuở nhỏ, mỗi lần cha và tôi quyết tâm điều gì cũng hào hứng vỗ tay với cha. Bây giờ, ở nơi lạnh lẽo này, tôi chỉ có thể thầm nguyện cầu cho cha được bình an.
Nước mắt từ đâu ướt đẫm lá thư, hoà cùng máu thành mảng loang lổ.
Cha ơi! Cha sẽ không sao mà? Đúng không?
Chăm chú theo dõi biểu hiện trên gương mặt của người đối diện, từ trắng bệch rồi dần dần nhăn nhó. Tôi sốt ruột hỏi dồn:
“Như thế nào? Lạt quá hả cha?” Rồi thở dài. “Ráng nhịn đi cha, bác sĩ chỉ cho ăn vậy thôi. Uống nước yến đỡ nha!”
Cha nằm trên giường bệnh cùng cái tay bị bó bột, cười vui vẻ:
“Ha ha, không sao, đủt tiếp đi. Sớm biết bị tai nạn mà được con gái chăm như ông hoàng kiểu này thì cũng nên bị lâu rồi!”
Tôi bí xị mặt, làu bàu khe khẽ rồi tiếp tục đút cháo cho cha. Sọ não bị nửt, đã lấy được máu tụ. Trên người gãy vài đoạn xương. Qua một tuần chăm sóc, ông ấy đã có thể ngồi dậy bình thường.
Đôi lúc có bạn của ông ghé thăm, tôi nhận ra là người trong thư cha đã kể. Người đó đã trả hết viện phí, còn dặn tôi đừng nghĩ nhiều. Từng lời nhiệt thành, ánh mắt thân quen đó làm tôi cảm thấy xấu hổ mỗi khi nghĩ về những điều không hay mình đã nói về ông ta.
Sau cùng, họ vẫn ở đây, giúp đỡ cho cha trong lúc không may này. Tôi không nghĩ nhiều nữa, chỉ như một đứa bé lễ phép, vâng vâng rồi dạ dạ.
Ngày hôm nay trời quang đãng, những cây xanh mơn mởn bên ngoài cửa sổ rung lao xao trong gió. Cha ăn xong, tôi đưa khăn lau miệng cho ông, cất tiếng ngập ngừng:
“Con đọc lá thư đó rồi!”
“Ừ.”Cha đáp. “Có lẽ con đã hiểu lầm gì đó. Cha muốn giải thích với con, cơ mà con bé ngốc này dại dột quá!”
“Hổng có, con chỉ chạy thôi, không có tự tử nha!”
“Ờ, đã dặn bao nhiêu lần ra đường thì mở to mắt ra nhìn mà có nhớ đâu!”
Tôi cười sượng sùng, bàn tay đảo chiếc muỗng trong vô thức. Sau đó bối rối cúi gằm mặt, lí nhí:
“Con xin lỗi. Con đã hiểu lầm cha!”
Trên cơ mặt của cha giãn ra những đường nét hiền hoà, ông ôm tôi áp vào lòng, dỗ dành:
“Đừng khóc mà con gái! Qua rồi! Tất cả chỉ là hiểu lầm thôi! Cha cũng xin lỗi vì đã lỡ đánh con! Nào, bỏ qua tất cả nhé, bắt đầu từ hôm nay không ai nhắc tới chuyện cũ nữa!”
Tôi rúc trong ngực cha, gật gật đầu, rồi lại ngẩng lên, nũng nịu:
“Còn một điều cha chưa làm cho con!”
“Hả?”
Tôi phì cười, giơ bàn tay lên cao:
“Vỗ tay quyết tâm với con nào!”
Cha cũng bật cười, đưa tay phải lên đập. Bàn tay bị vướng lại trong lớp thạch cao y tế, ông đổi qua cái tay lành lặn còn lại.
Một tiếng vang an lành vang lên. Cả hai cười khúc khích.
Cha kéo đầu tôi xuống, thơm lên trán.
Tôi chôn đầu vào ngực ông, thỏ thẻ:
“Cha, con thương cha nhiều lắm!”
“Cha cũng vậy! Thương Hạ nhất đời!”
Khoảnh khắc này tôi không cần biết gì cả. Mặc kệ cha là ai, cha có quá khứ thế nào, tôi chỉ biết rằng ông là người cha tốt nhất thế giới.