bởi Trí Nghiên

3
3
2810 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 3: Phỉ Nguyền Bói Phượng


Phỉ Nguyền Bói Phượng

"Ê nhỏ! Cô Hai sắp bị người ta bắt rồi kìa."


Cái tiếng trẻ con lanh lảnh từ xa vọng lại là của con Mùi. Con nhỏ này chết vì đuối nước mấy năm trước. Từ ngày đó, cả cái xóm này ai cũng đồn là nó oan khuất hay hiện về phá làng phá xóm. Đỉnh điểm là chuyện có người còn ác mồm, ác miệng đồn, nó phá ông bán bánh mì ở xóm trên. 


Nghe đâu người đó đi ngang nhà nó gặp một đứa bé mua bánh mì. Trong cái tối lờ mờ, tiếng dừa xào xạc phía hai hàng ven đường, ông bánh mì không thấy rõ mặt đứa nào. Chỉ nghe mỗi tiếng nói  lảnh lót của đứa trẻ:


"Con quên mang tiền ra, chú vào nhà kêu mẹ con đưa tiền, giờ con phải ra thị trấn mua đồ."


Vậy là người đàn ông bước vào căn nhà theo hướng tay đứa bé chỉ. Căn nhà sàn cửa mở to. Thấy vậy ông nhìn vào nhà  kêu lớn:


"Chị ơi! Nhỏ con chị kêu vào nhà lấy tiền, nó vừa mua bánh mì của tui."


Người mẹ đang quét nhà gương mặt tỉnh bơ, một tay chống hông, một tay cầm chổi chỉ về phía bàn thờ đang khói nhang nghi ngút:


"Phải nhỏ này không?"


Ông bánh mì miệng ú ớ, không nói được câu nào? Cái thứ dung dịch hữu cơ chảy dài ướt nhem cả chiếc quần. Chân không đứng vững cố bò lết, rồi chạy thục mạng không dám quay đầu lại. Đời nghĩ cũng ngộ, ai mà ác mồm ác miệng thế không biết. Mấy lần cô Hai hỏi con Mùi:


"Em có phá người ta không đó?"


Con nhỏ lắc lắc một mực chối không phải nó làm. Ừ thì chắc là con nít trong xóm nghịch phá rồi đổ tội cho nó. Lời ra tiếng vào bàn tán. Dần dà mọi chuyện cũng qua. Gia đình nó cũng lên thành phố buôn bán, lâu lâu mới về dịp lễ tết. Nên có người đồn do nó phá quá nên nhà đó không ai ở được.


***

Con Mùi cực thích chơi với cô Hai chắc tại vì cũng là con gái với nhau nên dễ trò chuyện lâu ngày thành mến. Còn về cô Hai thì từ đời cô bà con Mùi người ta đã rỉ tai nhau về chuyện cô Hai con ông Bá.

Phía đầu con đường vào xóm Cồn Xoáy này có một căn nhà ngói đỏ chữ Đinh, được dựng lên bằng loại gỗ quý đen óng, trong nhà chằng chịt tơ nhện. Phía trước cửa có hai câu đối bằng chữ Nôm thếp vàng, trong xóm này chẳng ai biết hai câu đối có nghĩa gì, cũng không ai có cả gan bén mảng đến căn nhà đó. Cô Hai ở trong đó, rồi chiều hay ngồi sau hè, tóc phất phơ trong gió hát nghêu ngao mấy câu lục bát mà nó không hiểu gì hết. Tiếng hát cô Hai ngọt ngào làm sao. Mùi nào biết đó là những lời mà tình xưa đã dạy cho cô:


"Trai anh hùng gái thuyền quyên

Phỉ nguyền bói phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

Ước gì anh được chung phòng

Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan

Sẵn sàng phượng liễn loan nghi

Hoa quan phấp phới hà y rỡ ràng"


Trong xóm này, cô cũng là linh hồn không được nhận hương hỏa của người thân, nghe đâu ban đầu cha mẹ cô thương cũng khói hương đầy đủ lắm. Nhưng rồi họ cũng thành người thiên cổ rồi lại hoá kiếp, vậy mà cô còn mãi ở đây trông ngóng một người.

 

 Từ người già đến trẻ nhỏ không ai là không biết chuyện về cô Hai. Vốn là con gái lớn của ông Bá, một nhà gia đình giàu có ở vùng. Gia đình cô giàu có tiếng một thì cái danh ngoan hiền lại xinh đẹp của cô lại vang đến mười.


Ngay cả ông Tư, khi còn sống một đời bôn ba xứ người, không bỏ được thói trêu hoa ghẹo nguyệt cũng tấm tắc khen cô: 


"Ngày xưa, khi còn bé tao cũng đã nghe người lớn kể chuyện về cô Hai, nhưng khi về bên này được tận mắt thấy cô." Ông mới vỡ lẽ rằng chuyện mọi người trong xóm truyền tai nhau là có thật.

Người ta đồn nhau trong cấm cung, không thiếu các bóng hồng đất Nam Bộ, nhưng chắc cũng không ai sánh bằng cô Hai đâu. Rồi ông chậc lưỡi nói tiếp:


"Thật đáng tiếc cho cô Hai mày."


Người là con nhà vương quyền sa cơ lỡ vận, một lòng rửa hận nước trả nợ nhà. Dân làng nơi đây ai mà không quý mến gia tộc của ngài Phúc. Trong lúc trốn chạy quân thù, gia đình ông Bá quý cái tài của bậc hiền vương nên cưu mang, hàng ngày biết bao nhiêu ghe lúa cập bến trước nhà ông Bá để nuôi tướng sĩ.

Cô cũng quý người ta như cha mình. Nhưng cái tình cái nghĩa của cô trao nó khác lắm. Khác thế nào thì có lẽ một đời một kiếp người mới nhận ra được. Khác là khác làm sao? Khác ở chỗ cô Hai hay trốn cha ra xem người ta luyện võ. Nhìn chàng trai có thân hình vạm vỡ mồ hôi ướt cả tấm áo nâu sòng cô thấy xót lắm cơ. Hai ánh mắt trao tình từ thuở ấy. Ngài luyện võ mà tim không thôi xao xuyến về bóng hồng đất Nam Bộ.


Buổi đầu, cô đâu có say đắm người ta như thế. Tại người ta vừa mắt cô rồi đem lời hứa hẹn. Hỏi xem nam nhân trong thế gian này có ai mà không bị say đắm bởi cái dáng vẻ nết na của cô. Trai làng không dám trèo cao chứ một bậc vương giả như ngài chỉ mở lời một tiếng ai mà không muốn gả con gái cho. Tuy rằng, bây giờ ngài có sa cơ lỡ vận, nhưng cái thân phận tôn quý của ngài thì vẫn đó, người ta vẫn phải kính nể đó thôi. 


Có những lần cả hai ra bờ sông ngắm trăng. Ngài tỏ ý muốn kết duyên trầu cau với cô. Cô Hai chỉ bẽn lẽn cúi mặt:


"Cha mẹ đặt đâu thì em ngồi đó, phận như em đâu dám trèo cao."


Đôi tay rắn chắc của ngài ghì chặt lấy cô, gần đến nổi ngài có thể ngửi được hương tóc cô Hai. Ngài nghiêm nghị nói:


"Chỉ cần trả được nợ nước, vinh hoa phú quý tôi có đều là của em."


Cuồng si tuổi mới yêu là thế, ngài yêu đến nỗi muốn cô Hai cả đời này là của mình. Trong đêm trăng tròn đôi mắt cô Hai cũng không kém gì trăng, thực xứng với hai chữ hồng nhan. Nhưng hồng nhan thường đi đôi với mệnh bạc, tiếc thay cho người con gái mệnh khổ, từ đầu đến cuối trong đôi mắt ấy chỉ có mỗi một người, mỗi một hình hài đến cuối đời cô vẫn còn nhung nhớ.


 Hai linh hồn đan tay nhau tìm đến những cảm xúc nguyên thủy nhất của loài người. Nơi tình yêu được bóc ra từng lớp trần trụi. Trong lúc này chỉ nghe được tiếng đôi tim của nhau run lên. Nét trinh nguyên này vì gã trai anh hùng đành buông bỏ.


"Ước gì anh được chung phòng

Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan

Sẵn sàng phượng liễn loan nghi

Hoa quan phấp phới hà y rỡ ràng"


Trai anh hùng phải sánh đôi với gái thuyền quyên, mối duyên tình ai thấy cũng phải tấm tắc khen xứng lứa vừa đôi. Đời trớ trêu người cũng say đắm cô Hai, nhưng cái tình yêu của người có xá gì với nợ giang san. Vậy là, ngài cũng phải xa đôi mắt ngọc sáng như trăng trên Cửu Long Giang một lòng giết quân thù.


Người đi rồi có trở lại nữa đâu. Người có phụ lòng cô Hai không, mà để dang dở một đời. Đêm ngài đi mưa giăng trên xóm nhỏ. Giọt mưa tuôn hay nước mắt người con gái chân quê đang chảy. Nhìn đoàn thuyền nghìn quân đi ngày một xa mà lòng đau như cắt. Cô Hai chạy theo ngài cả một đoạn đường dài, đến nỗi bùn đất lấm lem. Nợ nước ngài đã trả được chưa? Cớ sao không về lại chốn này? Từ ngày đó, ngày nào cô cũng ra bờ sông mắt hướng về kinh bắc, trùng dương cách biệt.

Cô Hai chết dần chết mòn trong nỗi nhớ nhung, liệu người ở phương xa có đôi lần nhớ đến cô. Hay trong vạn dặm sa trường người đã đem lòng yêu bóng hồng khác. Chỉ tội cho cô Hai qua đời rồi mà không được đem chôn. Ông bà Bá bảo rằng hứa gả cho ngài Phúc rồi, đã là vợ ngài thì phải để ngài nhìn mặt lần cuối. 


Năm tháng dần qua, xóm làng bàn tán. Cuối cùng ông bà Bá cũng phải cho cô Hai yên nghỉ, rồi dần dần ông bà cũng theo cô. Người trong nhà cũng không còn theo vết tích tháng năm. Chỉ độc mỗi căn nhà cũ kỹ ngày nào còn ở lại với cô Hai. Để chờ! Chờ một người sẽ không bao giờ trở lại. Nếu Ngài còn thương còn nhớ thì cũng đã thác mấy đời mấy kiếp. Chứ cũng đâu còn mà cho cô Hai chờ cô nhớ.


Toàn tâm toàn ý yêu một người, rồi mọi chuyện phó thác cho mệnh trời. Người đó lại chạy theo những thứ khác không màng đến mối chân tình khờ dại. Lật lại dòng lịch sử, từ các mối tình bi tráng, đến các phả hệ các bà phi cung cấm cũng chưa có ai biết đến cô Hai, cái tên của cô cứ nhạt nhòa như thế, nó chỉ được len lỏi vào những câu truyện ma mà mỗi khi bàn chuyện phiếm các mẹ kể nhau nghe.


Chuyện về cô Hai có thật hay không thì, người trong xóm này bước sang thế giới bên kia mới tỏ tường được. Ấy vậy mà mối tình ấy cứ dài đằng đẵng không dứt. Xót xa một kiếp người mấy chục năm tưởng chừng như vô tận.


Người ta thường bảo thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương, nhưng đối với cô Hai thì không, thời gian như một tên lang băm tự xưng thần y, nó cứ trôi cứ trôi đi mãi để lại thân xác hao gầy chờ một người mòn mỏi, ngần ấy tháng năm cũng đâu chữa lành một tâm can vỡ nát. Thân xác dưới mồ chôn kia đã mục rữa vậy mà linh hồn vẫn còn chờ mãi một người.

Nếu vì nhớ nhung mà những cơn mưa đầu mùa tuôn xối xả, thì lòng dạ con người ắt hẳn hóa bão giông. Lời hứa người trao êm ái đến vậy sao cũng trở thành nhát dao cứa vụn vỡ con tim. Ắt hẳn ngài có yêu cô thì cũng yêu tại thời khắc đó mà thôi, nếu không tại sao mà để cô chờ cho đến tận bây giờ. Một kiếp người mấy mươi năm bỗng chốc tưởng chừng như vô tận chỉ vì đôi câu mật ngọt người trao. Hỏi cô Hai có yêu người trai kia không thì hãy nhìn cách mà cô chờ cô đợi người ta. Còn hỏi người ta yêu cô được bao nhiêu thì... Ai mà biết được.


Cô Hai cứ tồn tại như thế từ đời này qua đời nọ, cho đến tận bây giờ. Vào một hôm trời mưa giông, một kẻ say rượu lạc đường, vào căn nhà đã bị bỏ hoang đó, trong cơn say, trong cái tối tăm tơ nhện giăng đầy nhà. 


Sấm nổ đùng đùng, kẻ đi đêm ắt có ngày gặp ma, hắn ta thấy cô ẩn hiện gương mặt trắng bệch trong đống tơ chằng chịt. Gã ta hốt hoảng chạy ra khỏi nhà, trong cơn gió rít ào ào. Một đồn mười, mười đồn một trăm, tam sao thất bản. Thành câu truyện cô Hai âm hồn bất tán cả trăm năm không siêu thoát đến hóa quỷ.


Trong đám giỗ ông Tư, người ta bàn tán về cô Hai, đòi mời thầy pháp về nhốt "cái linh hồn yêu nữ" đó lại. Rồi có người lại can ngăn:


"Thôi! Mời mấy sư về siêu thoát cho cổ, đừng nhốt tội người ta."


Thế là xong đám giỗ ông Tư cả xóm mời một vị sư đến, cầu siêu cho cô Hai. Con Mùi tưởng người ta đòi bắt cô nó. Ông Tư  cũng dắt hai đứa nhỏ theo cùng. Bước vào căn nhà hoang phế, hai đứa nhỏ chạy ào về phía cô, một mực đòi  đưa cô Hai đi trốn. Nhưng lòng cô hai đã quyết ở nơi này từ trăm năm trước thì dễ dầu gì cô chịu đi.

Dưới cái nắng chói chang giữa trưa hè, dân làng cùng một nhà sư cùng đến ngôi nhà cổ kính, người ta đồn nhau rằng ngôi nhà đó có một hồn ma ở đó trên 200 năm vẫn chưa chịu siêu thoát. Tất cả đều khấn vái cho cô được về thế giới bên kia. Tiếng kinh cầu ngân vang làm con người ta tĩnh tâm lại.


Ông Tư người từng đi bôn ba tứ phương, ông hiểu người đàn ông kia đã quên cô rồi. 


"Hãy yên nghỉ đi, đừng vương vấn nữa, người mà cô chờ, cũng đâu có còn trên thế gian này nữa."


Như trách chính bản thân mình ông nói thêm:


"Chờ làm chi một kẻ bạc tình."


Lời ông Tư hòa cùng câu kinh cầu siêu cũng là tiếng lòng, hay tiếng ai đó đang nói với cô? Phải? Người cô chờ giờ ắt cũng đã luân hồi về cõi khác chỉ còn mình cô cô quạnh nơi này vì điều gì chứ? Có đáng không? Nước mắt hòa nụ cười.


"Trai anh hùng gái thuyền quyên

Phỉ nguyền bói phượng, đẹp duyên cưỡi rồng..."

Cô lẩm bẩm câu thơ tựa như mọi ngày như nhớ lại một thời yêu nồng cháy, như để nhớ về người lần cuối. Một luồng sáng mà chỉ hai đứa trẻ mới thấy được vụt qua rồi biến mất. Cô Hai cũng biến mất trong nháy mắt. Con Mùi đứng khóc tức tưởi:


"Cô Hai biến mất rồi kìa, Cô Hai..."


Chuyện hóa kiếp này đứa nhỏ bị mẹ nó vứt bỏ từ lúc chưa thành hình người đã quá quen thuộc. Cô Hai cũng giống như con chuột bạn của nó. Hóa kiếp rồi, có lẽ sẽ làm lại một kiếp khác tốt hơn kiếp này cũng nên. Đứa nhỏ nói:


"Coi như là sự giải thoát cho cô Hai đi mày, cô ở lại đây một mình cũng tội cô"


Con Mùi tức tối cãi lại trong tiếng nấc:


"Còn tao thì sao?"


Xóm làng lúc này ai cũng đã về nhà nấy. Trả lại sự yên tĩnh vốn có của căn nhà. 


"Còn có anh mày mà." Anh Nghệ bước vào nhà vỗ vai con Mùi. Anh kéo con Mùi ra khỏi căn nhà có quá nhiều kỉ niệm buồn đó. Ông Tư thấy vậy bế đứa bé lót tót phía sau. Dường như ông muốn nói lời gì đó với anh.


Ngồi trong vòng tay ông Tư đứa bé thầm nghĩ. Chuyện tình yêu trong thế gian này đúng thật phiền não, vì người mình yêu bất chấp hy sinh  đến thế sao? Yêu là gì? Là như ông Tư vẫn hay quan tâm nó sao? Trong một thoáng vu vơ, nó ước rằng ông Tư là cha của nó, không phải là ước nữa nó tưởng như thế thật.


Anh Nghệ không nói không rằng cứ nắm tay con Mùi đi về phía trước nhưng trong tâm tư có lẽ phần nào thầm tha thứ cho ông Tư. Lỗi lầm gì đi chăng nữa thì cũng là người về cõi vĩnh hằng rồi. 


Bốn linh hồn cùng nhau rời đi trong nắng chiều. Bầu không khí căng thẳng đột nhiên bị xóa tan trở nên thanh bình đến lạ, đã từ rất lâu rồi ông Tư và anh Nghệ đã không nói với nhau câu nào. Vậy mà, chiều nay bốn con người có thể đi cùng nhau trên con đường làng cười nói rôm rả như chưa từng trải qua đau thương.