bởi Mon (*_*)

51
4
2155 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Theo nghiệp tằm tơ


THEO NGHIỆP TẰM TƠ _ 1

Nguyễn Thu Hương

Tôi đóng laptop lại, cuối cùng cũng hoàn thành xong hồ sơ xin nhập học, nhưng lòng cứ cảm thấy lưu luyến, xốn xang khôn tả...

 

Cùng lúc đó, thằng Toàn mở ti vi, dường như khỏi cần nhìn nó đã chọn ngay được kênh Youtube ưa thích của mình. Nhạc nền vừa vang lên, nó đã quơ ngay cái mền gấp gọn trên đi văng choàng từ đằng sau lưng lên rồi cố định bằng một nút thắt trước cần cổ. Lấy khăn rằng của ngoại quàng ngang eo và thuổng luôn cây thước gỗ dài của má dùng để may đồ vắt vào bên hông.

 

Tôi từ nhà dưới bước lên đã bị bộ dạng này của nó dọa cho xém nhảy dựng!

 

“Chị hai thấy em sao?” - nó tươi tỉnh hỏi tôi.

 

“Sao là sao?”

 

“Bảnh hết chỗ chê phải không?”

 

Tôi trợn ngược mắt, chả lẽ tôi nói thật là cái nút cột trước cổ nó tôi nhìn đến phát nghẹt thở?

 

“Nhìn y như con trăng trắc!” - vậy là còn nhẹ đấy em.

 

“Xì, chị không có mắt thưởng thức nghệ thuật gì cả!”

 

Tôi kéo ghế ngồi xuống, kiểm tra bình trà đã cạn trơ trên bàn, rồi ngó lên màn hình ti vi:

 

“Tuồng gì vậy?”

 

“Trảm Triệu Khải!” - Thằng Toàn hào hứng đáp.

 

Trên màn hình là vở cải lương hồ quãng vang bóng một thời, kép chính là nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh những năm 90 với phong thái của một dũng tướng uy vũ ngút trời, giọng ca vang mãi với tháng năm. Tôi lại nhìn thằng Toàn, ngó nó ra bộ hồ quảng coi cũng thuần thục không kém, giọng ca cũng ổn, chỉ trừ cái bộ dạng “bươm bướm thắt cổ” của nó là cách biệt cả trăm cây số!

 

“Tao nói lỡ xui nghệ sĩ Vũ Linh mà nằm mơ thấy bộ dạng này của mày chắc người ta có nước dang tay kêu trời oán đất!”

 

“Chị đợi đi, chừng 10 năm nữa em thành kép cải lương rồi thì cũng oai phong lẫm liệt vậy à!” - Thằng Toàn vừa nói vừa nhìn màn hình để ra bộ không bị sai.

 

Tôi cầm khay trà ngao ngán lắc đầu, đi xuống nhà sau rửa cho sạch, đề phòng khách tới còn có cái uống cho thấm cổ họng, bỏ lại một mình thằng Toàn hăng say với từng cung nhạc âm đàn của thế giới cải lương.

 

Đây không phải lần đầu tiên nó khiến tôi phải nhảy dựng lên vì bộ dạng tập tuồng kì quặc của mình. Thằng con trai 14 tuổi đầu nghịch ngợm, lí chí loắt choắt không ai bằng, học hành dở dở ương ương làm tôi lần nào khảo bài cho nó cũng tức mình tới mức nóng mặt! Có bốn câu thơ “Nam quốc sơn hà” mà nó dạo hai tuần không thuộc, cứ chế đầu chế đuôi tùm lum. Học thì không ra gì nhưng nó mê cải lương cũng thuộc hàng thượng đỉnh, một vở tuồng dài hơn ba tiếng, ngồi coi còn muốn vẹo xương sống, vậy mà nó dợt chừng năm vài lần lại thuộc không sót một chữ.

 

Ngoài ăn, chơi và ngủ thì cải lương chính là thứ bất khả thiếu trong cuộc đời của nó. Kể ra cũng lạ đời, con trai người ta mê siêu nhân, xe điều khiển, lớn cỡ thằng Toàn thì con trai trong xóm cứ mười thì hết chín đứa mê điện tử, chiều chiều cứ nghe tiếng tụi nó rên la ngoài ngõ vì cái lỗ tai bị mẹ mình nhéo cho ửng đỏ kèm theo cây roi mây nhịp nhịp chờ sẵn ở nhà của ba. Thằng Toàn là thằng duy nhất còn lại, suốt ngày nó cũng ôm ti vi nhưng không ai la được nó, tại nhà tôi ai cũng mê cải lương, cả má lẫn ngoại, chả lẽ lại chạy đi la con cháu mình vì nó lỡ có cái sở thích y chang mình! Một ngày mà thằng Toàn không được nghe mấy nghệ sĩ như Vũ Linh, Kim Tử Long, Tài Linh, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ,... lên những câu vọng cổ ngọt như mía lùi thì chắc bữa đó cơm nhà nó khó nuốt trôi!

 

Tôi châm nước vô bình trà mang lên nhà trên, “con bướm thắt cổ” vẫn còn đứng múa may quay cuồng ở đó. Để khay trà lên bàn rồi, tôi mới mệt mỏi bảo:

 

“Chị lạy mày Toàn ơi, trời nóng muốn chảy mỡ mà mày trùm mền lên người nhảy tưng tưng, ai tới chắc tưởng mày bị thần kinh quá!”

 

Thằng Toàn đang say mê với khúc hồ quảng Giao Đạo, còn biết đất trời gì nữa, nhưng tôi nghĩ nó phải biết nóng chớ!

 

“Nè!” - tôi gân cổ hét lên “Để tối múa tiếp được không, giờ nhìn mày tao mệt quá!”

 

Thằng Toàn thôi múa, lấy tay quẹt giọt mồ hôi chảy trên trán:

 

“Mấy giờ rồi chị?”

 

“12 giờ trưa đúng.” Tôi chỉ tay lên cái đồng hồ. “Vậy nên tôi cung kính mời ngài Triệu Khải phiên bản con bướm rách cánh cởi bộ võ phục của ngài ra, tưng tửng giữa trưa thế này thì chả có Thạch Nương tiên nào ngó tới đâu.”

 

“Tạm thời nghe lời chị không diễn nữa, giữ sức chiều nay có ‘sô’!”

 

“Ở đâu?”

 

“Nhà ông Chín Củi!”

 

Tôi gật đầu ra kiểu đã hiểu, thằng Toàn cởi nhanh bộ “võ phục” ra rồi phóng xuống nhà dưới, tôi chắc ăn là nó ra sau hè tắm chớ chả đâu.

 

Ông Chín Củi ngày xưa cũng được dịp đi theo đoàn cải lương, ông kể lại cho chúng tôi nghe hoài, mê hát lắm nhưng tại giọng ông khàn quá, đã khàn mà còn chát thì ai dám cho lên sân khấu. Nhưng ông bảo mình bị tổ nhập, ông mê quá chịu không được, cứ thấy mấy anh kép đứng múa bộ trên sân khấu là tay chân ông cũng đung đưa theo, cho nên bằng mọi giá ông phải đặt chân vô đoàn hát. Ban đầu chỉ có lụi hụi kéo màn, canh lỗ chó, sau ông được chen vài ba tiếng của mình vào tuồng, mỗi khi có người kêu “bay đâu?” thì ông “dạ”. Vậy thôi, vậy mà vui, mà sướng.

 

Ông Chín thường ngồi kể cho tôi và thằng Toàn nghe cái đời đi làm nghệ sĩ mà chưa một lần dám vỗ ngực tự xưng là nghệ sĩ của ông, nhưng không thấy ông buồn mà ngược lại còn tự hào. Đời ông Chín Củi đâu có chỉ dừng lại ở vai trò thằng kéo màn hay quân sĩ, có chập ông được hóa trang, lên đồ, đứng sân khấu đàng hoàng, vai diễn để đời của ông.

 

Bữa nghe ông kể tới đó, tôi với thằng Toàn chịu không được hồi hộp hỏi tới tấp:

 

“Vai gì vậy ông?”

 

“Vai thằng Việt gian bán nước, rước giặc về!” - ông nhấp ngụm trà rồi cười khà khà.

 

Thằng Toàn mém thì bật ngửa, nó làm bộ kêu trời:

 

“Sao ông đóng vai gì trớ he vậy? Bộ không còn vai nào tốt đẹp hơn sao?”

 

Nhưng đó là thằng Toàn của ba năm trước, cái hồi mà nó chỉ thích, chỉ mê cải lương thôi, nhưng bây giờ thì nó cuồng luôn cả những người nghệ sĩ sắm vai. Nó nói dù ác hay hiền, lành hay dữ nó đều thích, bởi người nghệ sĩ ắt phải tài ba, đa cảm xúc và trải đời dữ lắm mới khiến khán giả ghét tới mọc ngược gai ốc cái nhân vật mà mình đang thể hiện! Tôi gật gù khen, lần đầu tiên nghe nó nói chuyện không nhảm, thằng này mới tí tuổi mà sỏi đời.

 

Quay lại chuyện ông Chín, cái ngày ông được lên sân khấu chắc tới chết ông không quên được. Gánh hát của ông bữa đó diễn tuồng “Tiếng trống Mê Linh”, nghệ sĩ tập gần xỉu lên xỉu xuống vì sợ diễn không ra trọn hết cái hào khí của tuồng, tới hồi quyết định thì tự dưng ông kép đóng vai Chương Hầu phản quốc bị con trâu húc cho gãy chân, nằm rên hừ hừ trong đình. Ông bầu tá hỏa, thiếu cái vai Chương Hầu lòng dạ bất nhân, cúi mình dưới trướng giặc cầu mong danh lợi thì thiếu đi cái cao trào của nguyên một vở, không có thằng chả bán nước thì hồi trống ai oán của nợ nước tình nhà đâu có vang dậy ở Mê Linh!

 

Vậy là miễn cưỡng ông Chín được vô thế vai, còn ông bầu phải chịu “ủy khuất” đứng kéo màn. Mọi người thấy vai bị đổi thì ai cũng đâm lo, thầm nghĩ suất diễn tối nay coi như xong. Ừ thì cuối cùng cũng xong, nhưng lại thành công ngoài mong đợi, các kép chánh, đào chánh thì hay khỏi phải bàn, bà con trong xóm hôm ấy còn rôm rả với nhau về vai Chương Hầu, có người còn sửng cồ lên đòi phang dép cho chết ngựa nó cái thằng phản nước, có cái giọng khàn khàn chát chát nghe càng thêm mắc ghét!

 

Và vô tình ông Chín biến cái khuyết điểm thành cái đặc tài của mình, từ đó về sau, hễ cứ có vai mấy ông hề gian, phản đạo thì ông Chín đóng xuất quỷ nhập thần.

 

“Haiz được lên kép rồi tao mới biết khổ...” - ông Chín làm mặt rầu rĩ.

 

Tôi thắc mắc:

 

“Sao vậy ông? Được đóng kép sướng quá rồi chê trách gì nữa.” - thằng Toàn cũng gật đầu đồng tình.

 

“Tại tao đóng mấy thằng cha ác nhơn đó hay quá, người ta tưởng tao cũng ác vậy.”

 

Chị em tôi lại bắt đầu ngơ ngác.

 

Ông Chín kể chuyện lúc đoàn hát ra giao lưu, thấy mấy nghệ sĩ khác thì khán giả tay bắt mặt mừng, có người còn dẫn về nhà đãi tiệc với hai con gà mái tơ bự chảng. Còn vừa thấy ông thì người ta quay ngoắt đi, thằng cha đó chắc ngoài đời cũng không đàng hoàng gì nên vô tuồng mới toàn sắm mấy vai thấy ghê đó! Rồi khi ông ra chợ, người ta không bán, biểu ông ác quá tui không bán. Ông dở khóc dở cười:

 

“Tôi diễn vai đó chứ có phải là con người tôi vậy đâu!”

 

Người ta im im, tại còn cái lý nào bắt bẽ nửa, nhưng bán đồ mà mặt lầm lì như đưa đám, ông nhìn mà lòng lúc đó buồn rười rượi.

 

“Vậy sao lúc đó ông không xin đổi vai, cứ diễn cái loại vai đó thì biểu sao người ta hổng thù?”

 

“Có đổi thì chắc về lại vai quân sĩ.”

 

Tôi định vọt miệng bảo rằng ít ra thì không bị ghét một cách vô duyên vô cớ như thế! Nhưng ông Chín nói luôn:

 

“Với lại hông có tao đóng mấy vai đó, lấy đâu biến cố để kép chánh, đào chánh đi vào giai thoại, phải hông?” - Ông Chín giữ nụ cười trên môi, ông tự nhận thức được rằng cái ác nhơn của mình trên sân khấu có giá trị vô cùng to lớn.

 

Mà đúng vậy thật, vai nào cũng là vai, cũng là thành phần quan trọng tạo nên một vở tuồng kinh điển, người nghệ sĩ dù ở trong hình tượng nào cũng đều vắt hết cái tâm huyết từ tim mình ra để mang lại cảm xúc cho khán giả. Ai mà nỡ thương người này ghét người kia, bậy hết sức!

 

Về sau ông bị thấp khớp, giọng thì càng thêm khàn, không thể theo đoàn hát ngược xuôi mọi nơi được, đành ngậm ngùi dừng chân tại xứ Bạc Liêu này và coi đây là nơi chôn nhau cắt rốn.

 

Ông Chín vẫn giữ ngọn lửa nghề của mình cho tới tận bây giờ, đã hơn bảy mươi rồi, sức khỏe giờ như ngọn dầu gần cạn, ông vẫn dạy cho tụi con nít trong xóm về mấy điệu hò bài bản của cải lương, có đứa nghe, đứa không thèm để ý, chắc thằng Toàn là niềm an ủi lớn nhất của ông, ông hay khì khịt bào rằng thằng nhỏ này có máu nghề từ trong xương tủy, chắc tổ thương nó lắm!