bởi Mon (*_*)

32
0
2120 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Theo nghiệp tằm tơ


THEO NGHIỆP TẰM TƠ _ 2

Nguyễn Thu Hương

Thiệt vậy! Chiều nay, thằng Toàn ăn cơm chiều xong, vừa ngâm cái chén vô thao đã ba chân bốn cẳng chạy biến. Ngoại tôi bỏ chén cơm xuống, nheo mắt hỏi:

 

“Nó chạy đi đâu như ma dí vậy bây?”

 

“Qua nhà ông Chín Củi tập cải lương ấy ngoại!” - Tôi đứng dậy phụ má dọn dẹp tiện thể trả lời luôn.

 

Ngoại tôi đứng dậy, mở cây ghim tây gài túi áo bà ba, lấy chai đầu ra từ tốn đưa lên mũi ngửi, miệng móm mém cười:

 

“Cái thằng mê gì mà mê ác, lát hồi bây lên mở cho ngoại coi tuồng nào nghen, mấy hổm rày lu bu quá toàn nghe thôi chớ không thấy hình.”

 

Tôi dạ rồi bưng mâm chén ra hiên nước.

 

Má tôi ngồi sẵn chờ, vừa thấy tôi ra tự dưng má thở dài:

 

“Bộ hổng lẽ thằng Toàn nó tính theo nghề hát thiệt hả?”

 

Tôi lấp lửng trả lời, mắt lơ đãng ngó đi chỗ khác:

 

“Từ từ coi sao má, nó mới học lớp tám à, đời còn dài mà, cho nó từ từ lựa, má lo chi.”

 

Má tôi vừa rửa chén, vừa đáp:

 

“Tụi mày theo nghề gì cũng được, má không cấm, nhưng má lo, theo nghề ca xướng, thời của má thì nó theo má không nói gì, chứ thời này mà theo...” Má tôi khẽ thở dài - “Sợ giờ không ai nghe cải lương nữa đó.”

 

Tôi thầm gật đầu hiểu cho nổi lòng của má, nhưng không dám để lộ ra, chỉ sợ làm cho thằng Toàn thấy buồn.

 

Thấy không có công chuyện gì nữa, tôi lên nhà trên mở ti vi, chọn một tuồng cải lương cho ngoại xem rồi cũng lần mò qua nhà ông Chín. Tôi biết má đang lo cái gì, ở thời đại mà sân khấu cải lương dần trở nên vắng khách, những ánh đèn thuộc môn cải lương dần nhạt màu nhường chỗ cho bao nền nghệ thuật mới lên ngôi, một thằng nhóc ham mê mà chạy theo tiếng gọi của tổ nghề, nghe qua thì tốt thật nhưng tiềm ẩn biết bao rủi ro.

 

Nhưng bỏ thì thương mà vương thì tội, cái khát khao được khoác bộ đồ võ tướng đúng nghĩa, cầm ngang ngọn giáo kiêu hùng trên sân khấu, cất lên câu vọng cổ hùng hồn dần dà thành lý tưởng bất biến trong đầu của thằng Toàn, và cả...từng là của tôi. Tôi cũng trải qua cái thời gian mê mệt với bộ môn này, cũng từng mơ ước thành một cô đào hát. Nhưng có lẽ giống như ông Chín nói, tổ phải chọn thì mới được, tôi mê nhưng rồi giờ khi lớn lên, tôi lại đang chuẩn bị nộp hồ sơ ngành Kinh tế, tôi bị ngấm cái nỗi lo của má tôi bây giờ, sợ phải khổ vì nỗi sầu vắng khán giả mộ điệu, tôi định bỏ ngang giấc mơ của mình. Nhưng đâu có phải bỏ luôn, tôi vẫn thuộc tới nằm lòng mấy câu hò, điệu lý, những câu vọng cổ mộc mạc, ngọt ngào, chỉ là không dám cất lên thành lời thôi, tôi vẫn buồn rười rượi mấy ngày mỗi khi nghe tin một cây đại thụ nào đó của sân khấu cải lương rời khỏi cuộc đời, vậy những sân khấu, đã thưa nay lại càng thưa hơn...

 

Muốn không thưa thì phải có người tiếp nối, giống như chị em tôi, nhưng lại bị ám ảnh cái nỗi sợ lụi tàn, cuối cùng đành buông bỏ. Nghe qua thật ích kỷ, nhát cáy, có mơ mà không dám làm, trơ mắt nhìn ước mơ của mình bị thiêu rụi trong đám lửa đời. Bởi vậy dù hiểu lòng má, tôi vẫn muốn ủng hộ thằng Toàn, vì tôi biết nghệ thuật cải lương cần những người như nó để tiếp tục phát triển, quay về thời đại hoàng kim thuở nào.

 

Tôi sang nhà ông Chín, nhà tranh, cách nhà tôi chéo một con sông, trong xóm này đa phần nhà ai mặt trước cũng day ra lộ, nhưng mặt sau thì hướng về sông, đêm trăng mà mắc võng nằm trông ra nhưng dòng chảy, lắng nghe một điệu cải lương thì còn gì sướng bằng.

 

Đã lâu rồi tôi không sang nhà ông Chín, tôi sợ lắm, thấy ông như thể thấy cái hèn nhát của mình, tôi sợ nghe những điệu đàn, lòng lại quặn đau. Cái xót xa của kẻ vứt bỏ thánh đường nghệ thuật.

 

Vừa băng qua mương nước, tôi đã nghe tiếng cây đàn nhị réo rắc ngân nga, đờn cũ rồi nhưng âm thì còn sắc lẻm. Ông Chín tuy ca giọng khàn nhưng nhịp phách thì chắc như bắp, ông đờn hết những điệu hồ quảng, không cần nháy nhịp của song lang vẫn ca ngon lành không trật một dây. Vậy nhưng khi tôi cố nghe kỹ, so với hồi trước, ngón đàn của ông hình như ngày lại yếu đi hơn.

 

“Ông Chín con mới qua!”

 

Ông ngưng đàn, ngước lên nhìn tôi rồi gật đầu:

 

“Ờ, bộ con Thục qua rước thằng Toàn, sợ tối nó hổng dám về hay sao vậy?”- ông cười khà khà.

 

Thằng Toàn đang ngồi ca, nhăn nhó:

 

“Hông đâu nha ông Chín, nam nhi đại trượng phu chính hãng à!”

 

Tôi nhắt cái ghế con ngồi xuống, sẵn giọng nhìn nó:

 

“Mày im cho người lớn nói chuyện nha!” Rồi tôi quay sang ông Chín - “Dạ không, con qua chơi thôi!”

 

“Nè tao nhớ bây ca ngon lành lắm mà lâu rồi không được nghe, đâu ca lại cho tao nghe một khúc coi.”

 

Tôi gãi đầu ái ngại:

 

“Dạ hay ho gì đâu, mê thì hát thôi à.”

 

“Nở lỗ mũi mà còn ngại...” - thằng Toàn ngồi trề môi.

 

Tôi lại liếc nó cái xẹt.

 

Ông với thằng Toàn đang dợt “Mê Linh biệt khúc”, cái đoạn mà ai lỡ mê cải lương rồi thì khó mà không thuộc.

 

“Hay bây ca chung với nó đi!”

 

Tôi chưa kịp dạ thưa... Lâu lắm rồi tôi chưa ca, đúng hơn là không dám ca, ông Chín đờn luôn, cái cung đàn mà tôi từng si mê, từng hát đi hát lại tới mức vừa nghe âm sắc đầu tiên, tôi đã thấy Thi Sách và Trưng Trắc hiện ra trước mắt mình. Tôi nhắm mắt lại, cuối cùng cất giọng...

 

Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề...

 

Tuy xa nhau muôn dặm dài nhưng có nhau kề vai trong chinh chiến, dẫu muôn đắng cay không sờn...

 

Tôi hát mà không cần canh nhịp, chỉ nhắm mắt và ngỡ mình là Trưng Trắc, một thân nữ nhi phất ngọn cờ đào giành lại giang sơn, trong đêm khuya sương phủ ân cần tiễn đưa chồng ra chiến trận!

 

Thằng Toàn nối lời tôi, khi nó hát, hát cùng với cung đàn, từ trong chất giọng lẫn phong thái, không còn là đứa em nghịch ngợm, một thằng nhóc lông bông nữa, tất cả toát ra nét kiêu dũng của một đấng nam nhi, của một Thi Sách đứng trên giàn hỏa của quân giặc vẫn còn ngạo nghễ cười, tiếng cười đầy tự hào hướng về giống nòi, dân tộc!

 

Ta chung lo ngăn giặc thù mai mốt đây nhìn non sống tươi thắm, ngày về vinh quang...

 

Khúc nhạc vừa dứt, tôi còn chưa kịp thoát khỏi mớ cảm xúc hỗn tạp trong đầu mình thì thằng Toàn đã phát la lên:

 

“Trời đất sao tự dưng ông Chín khóc vậy?”

 

Tôi ngó ông Chín Củi, ông ôm cây đàn nhị cũ mè vào lòng, lấy bàn tay nhăn nheo quẹt giọt nước mắt, cười tươi rói, nụ cười càng tươi, dấu thời gian trên gương mặt cỗi cằn càng hiện rõ.

 

Ông bảo ông mừng mà khóc, mừng vì tuổi trẻ vẫn còn mê cái bộ môn nghệ thuật này, mà lại còn hát hay quá xá nữa chứ! Ai nói cải lương hết thời bao giờ, khán giả mộ điệu vẫn còn đó, mấy điệu hát vẫn còn đó, ngọn lửa nghề vẫn hừng hực cháy truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, vĩnh viễn không bao giờ tắt lịm.

 

Ông Chín kêu chúng tôi hứa với ông rằng đừng bao giờ bỏ nghiệp cải lương, uổng lắm, đau lắm!

 

“Dạ, có đánh chết bỏ cũng không được!” - thằng Toàn hí hửng gật đầu như cối giã.

 

Tôi ngồi im, tự dưng thấy lòng khang khác quá, ước mơ về những ánh đèn sân khấu ngỡ như đã biến mất tự dưng lại trỗi dậy trong tôi, mãnh liệt như thể nó vẫn ngấm ngầm ở đó, đợi một cung đàn đánh thức. Cải lương kỳ diệu gì mà dữ vậy?

 

Tối, nhà trước lại vang vang tiếng nhạc của khúc hồ quảng, thằng Toàn tiếp tục mê mẩn tập tuồng.

 

Tôi xuống nhà dưới, ngồi cạnh má, im lặng bó gối. Hồi lâu tôi mới khẽ lên tiếng:

 

“Má...”

 

“Con định theo nghề hát phải không?” - má tôi hỏi luôn.

 

Đờ đẫn ba giây tôi mới chợt tỉnh, thiệt má sanh tôi ra, không lẽ tôi nghĩ gì má còn không biết mà bày đặt ấp a ấp úng.

 

“Con không bỏ được má ơi...” - mượn tạm câu của thằng Toàn: “Con mà bỏ chắc con chết!”

 

Tôi nín thở, cọ cọ mấy ngón tay đang tuôn mồ hôi lạnh vào nhau. Hồi trước, tôi bấm bụng nói với má rằng mình hết mê hát rồi, tôi sẽ đường hoàng thi vô trường Kinh tế, kiếm thật nhiều tiền lo cho ngoại, cho má!

 

Má thở dài:

 

“Nghề gì cũng là nghề, muốn theo thì theo chứ chi mà khổ vậy!”

 

Tôi mím chặc môi, không nhìn ra được má đang nghĩ gì, có hai đứa con, một trai một gái mà đứa nào cũng chạy theo nghiệp xướng ca, có ai mà không thấy buồn, thấy lo.

 

“Má đừng giận con...”

 

Má nói ngay từ cái khoảnh khắc má thấy tôi nhìn trân trân lên màn hình ti vi đang phát tuồng cải lương, thấy tôi không kiềm chế được mà ngẫu hứng gõ tay theo nhịp mỗi khi thằng Toàn tập tuồng thì má biết không chỉ thằng con trai út, mà ngay cả đứa con gái lớn của bà cũng đã nhập tâm hồn mình vào tiếng đờn của nghiệp hát rồi.

 

“Má nuôi bây đâu phải trông bây báo đáp tiền bạc, nhưng mà chọn rồi thì phải coi đó là tín ngưỡng của mình, không bỏ ngang nửa à...”

 

Tôi gật đầu liên hồi, bỏ sao được! Đầu tôi hiện lên hình ảnh ông Chín Củi đã hơn bảy mươi tuổi đời vẫn còn si mê nghiệp hát, vẫn còn rút cạn sức mình phục vụ cho tổ nghiệp, ông chưa bao giờ ngưng nghỉ trên hành trình truyền lại ngọn lửa nghề cho thế hệ trẻ, ươm mầm những tài năng, ông làm không đòi hồi đáp, chỉ vì lương tâm kêu phải làm thôi! Như thể để mai này nằm nghỉ dưới mồ đất rồi, sang thế giới bên kia, gặp lại những người đồng nghiệp năm cũ, ông có thể dám tự hào vỗ ngực xưng tên rằng cái thằng chuyên đóng kép độc dòm thấy bất tài này vậy mà cũng đào tạo ra mấy đứa nhỏ mê cài lương, ca ngon lành và coi bộ tụi nó sẽ tiếp tục sống chết với nghề...như anh em mình vậy...

 

Ngoại tôi nằm trên võng tre mắc trên cái chòi sàn day ra sông, tay phe phẩy quạt, giọng nói đậm ý cười:

 

“Ây bìm bịp kêu nước lớn, ngó chừng sắp có đoàn hát về rồi!”

 

Phải, nước sông vẫn còn tuần hoàn chu kỳ lớn ròng, những đoàn hát vẫn còn ngược xuôi các miền đất phục vụ bà con, những nghệ sĩ hãy còn sức khỏe thì vẫn còn ca múa, và những thế hệ trẻ vẫn còn không ngừng tiếp nối tiền nhân thì... cải lương vẫn mãi còn trường tồn, bất diệt.