Trở thành bà Tiệp Dư?
Huệ cả kinh, từ từ nhìn lại cái xác kia, một loạt ký ức vài canh giờ trước đang quay lại. Nàng nhớ rồi, vì cứu chồng mà theo Hồng công tử đến phủ, bị hắn làm nhục, bị hắn tra tấn cho tới chết...
Thảo nào, nàng lại thấy người thiếu nữ trước mắt lại quen thuộc như vậy.
Khoan đã, nàng chết rồi sao? Vậy là cái kiếp đau khổ kia đã qua rồi? Nàng không phải chịu đánh, chịu đói mỗi ngày nữa rồi sao?
Như biết được lòng nàng, Hổ Tinh gật đầu; nó nhận thấy trên mặt nàng một tia vui sướng, hân hoan hiếm thấy, có vẻ Huệ đang vui, nó đoán thế.
Hổ Tinh nhảy lên tảng đá gần cây liễu, duỗi mình một cái, thong dong nói:
- Đúng là ngươi đã tự do nhưng ngươi chưa đầu thai kiếp khác được đâu.
Lữ thị chưa đến số chết, bọn hạ nhân của Diêm Vương sẽ đưa nàng ta xuống địa phủ chờ đến khi kiếp nàng tận thì mới được xét xử, đầu thai nhưng nó không thể để vậy, nàng ta đi rồi ai thành con cờ lớn trong kế hoạch của nó.
Không, không nhất định phải giữ nàng ta lại.
Lời nói của Hổ Tinh làm nụ cười trên môi nàng tắt hẳn, sao lại chưa? Vậy nàng phải lang thang đến bao giờ, Huệ mới mười tám mà đời người phải đến tám mươi, chín mươi mới là tận kiếp. Nàng không muốn làm ma dật dờ mấy mươi năm, Huệ muốn đến nhân gian lần nữa tận hưởng mơ ước của mình, sống sung sướng, nhung lụa quấn người, trâm quý cài tóc, quên đi cái kiếp bần hàn khổ sở này.
Có lẽ nàng đã ngộ ra một điều tình ái không còn là thứ khiến nàng vương vấn nữa, vì nghèo nên nàng mới lâm vào cảnh gả đi trả nợ, vì nghèo mà nàng mới bị người ta chà đạp như thế này.
-----
Đây rồi, đây rồi, con người có tham, sân, si mới là điều Hổ Tinh ta muốn.
Nó nói tiếp:
- Có điều, ta giúp được ngươi đấy.
Người thiếu nữ trước mặt nó không giấu nổi sự vui mừng trong đáy mắt, giọng nghẹn ngào:
- Thật sao? Vậy ta muốn kiếp tới sống an nhàn phú quý.
Hổ Tinh gật gù, ánh mắt thâm hiểm nhìn nàng:
- Được.
----
Phía Đông huyện An Định là biệt phủ của tri huyện họ Phan, cơ ngơi giàu có. Ông ta có đứa con gái tên Phan Hằng, dung mạo đoan trang, tính tình thụy mị.
Nàng là Phan tiệp dư trong chốn hậu cung thâm sâu.
Đêm nọ, nàng đi dạo gần hồ Ngọc Bích gần Ngự Hoa Viên thì bất ngờ ngã xuống nước, nước hồ tháng mười lạnh như cắt da, nàng lại không biết bơi, tỳ nữ cũng không có. Phan tiệp dư ra sức vẫy vùng trong làn nước một lúc rồi kiệt sức. Cuối cùng, nàng như cánh hoa huệ mỏng dần dần chìm xuống đáy hồ. Trước khi dòng nước đen kịt nuốt chửng nàng, bóng dáng ai đó trên bờ hồ nhảy xuống, xé nước ôm nàng vào lòng. Phan Hằng cảm nhận luồng không khí dồi dào đang tràn vào phổi, giúp nàng khôi phục ý thức nhưng vẫn không thể nhìn rõ ân nhân của mình.
-----
Thuận Hy viện....
Thuận phi ngồi cạnh giường nàng, ánh mắt đầy lo lắng, chốc chốc lại căn dặn thái y:
- Ngươi sắc thuốc cẩn thận, em ấy vừa rơi xuống nước, hẳn đã cảm lạnh.
Ngự y chắp tay, cung kính đáp:
- Dạ, thần sẽ tận lực chữa trị cho Phan tiệp dư.
Khuôn mặt người trên giường tái nhợt, cả thân thể run rẩy dưới lớp chăn dày. Thuận Phi nhìn nàng một lúc rồi dặn tỳ nữ bên cạnh:
- Khi nào em ấy dậy thì ngươi sang báo ta.
Cung nữ tên Thị Lan chắp tay, cúi đầu:
- Dạ.
Hôm nay có cung tần rơi xuống hồ Ngọc Bích, làm náo loạn cả viện Thuận Hy. Thuận Phi suýt nữa vỡ tim, Hoàng Đế đăng cơ đã năm năm mà vẫn chưa có hoàng tự nay nếu mất một tiệp dư thì chẳng phải là điềm gở sao, mà thất trách này sẽ giáng vào đầu nàng.
Thuận Phi không dám lơ là, thân là bậc nhất giai phi, phải cáng đáng mọi chuyện của lục cung.
Nhất giai phi đâu dám đi xa, nàng ngồi ở cát nhỏ, nhìn vào trong gian chính Thuận Hy viện chờ cung tần kia tỉnh lại.
Cũng không biết qua bao lâu, một tên thái giám vội vội vàng vàng đi đến các, bẩm với nàng:
- Bẩm bà, Phan tiệp dư đã tỉnh rồi ạ.
Tảng đá trong lòng nàng cũng đã được dỡ xuống, nhanh chóng cùng tỳ nữ vào trong, người trên giường lúc này thần sắc đã tốt hơn trước, chỉ là nhìn có chút ngơ ngác. Thuận Phi nghĩ lại Phan thị này năm mười bốn đã vào cung, dung nhan bình thường, tài nghệ cũng không có gì đặc sắc, nếu không vì Phan tri phủ có công dẹp loạn thổ phỉ thì cô nương này có lẽ chỉ là một thiên kim bình thường.
Nàng ta luôn khép nép, ít khi qua lại với các cung tần khác, thật giống một người.
Một phi tần vô sủng là từ mà các cung nhân khác nói về Phan thị, Thuận Phi chỉ biết có thế.
Hai tỳ nữ bên cạnh nhìn thấy trung cung thì lập tức hành lễ, còn Phan Hằng từ đầu cuối thì ngồi yên, ánh mắt ánh lên sự khó hiểu.
Một tỳ nữ tên Thị Vân nhắc nhẹ với nàng:
- Phan tiệp dư, bà mau hành lễ với Thuận phi đi ạ.
Phan tiệp dư? Người đàn bà kia gọi nàng là Phan tiệp dư?
Nàng là Lữ Ái Huệ cơ mà, Huệ nhìn xung quanh, là gian phòng với gỗ đỏ, màn lụa, còn có mấy bình hoa bằng vàng bằng bạc mà từ nhỏ đến giờ nàng chưa từng nhìn thấy.
Nhưng mấy cái đó không quan trọng bằng người đàn bà đứng trước mặt nàng. Dựa theo y phục, trâm cài, phục sức lộng lẫy kia thì đây là phi tần trong Tử Cấm Thành mà nàng hay nghe thiên hạ bàn tới đây mà, trong dạ Huệ chột lên một cái. Con hổ chết bầm kia, đã bảo là cho nàng cái đời sống phú quýan nhàn, cuối cùng lại cho nàng làm một cung tần thất sủng ngả hồ suýt chết.
Thuận Phi nhìn nàng rồi lại nhìn thái y, giọng kìm nén cơn giận:
- Thế này là sao, Ngự Y Ngô?
Nghe có người gọi mình, đầu gối Ngự Y Ngô tự động quỳ xuống, dập đầu tâu:
- Thần... có lẽ là Phan tiệp dư ở dưới nước quá lâu nên thần trí... có lẽ chưa ổn định lại.
Câu trả lời của Ngự Y càng làm cho trung cung lo lắng.
Phan thị không chết mà thần trí lơ lửng thế này, chuyện này mà đồn ra ngoài thì sẽ biến thành lục cung có kẻ điên không?
Rít một hơi sâu, Thuận Phi hỏi tiếp:
- Vậy mất bao lâu mới ổn định?
Ngự Y Ngô cụp mắt, tính toán gì đó, lúc này hắn thật giống mấy tên trong Khâm thiên giám bấm độn các kiểu rồi phán một câu:
- Khoảng ba tháng, thưa bà.
Một hơi thở dài chứng tỏ sự bất lực của Thuận Phi, nàng ta bảo người hầu của Phan thị chăm sóc chủ nhân của mình cho tốt vào rồi rời đi ngay vì khi nãy bên Thượng Phục lại có việc.
----
Ngự Y Ngô căn dặn thuốc than với tránh làm Phan Hằng kinh động rồi cũng lui gót về Thái y viện.
Gian phòng ồn ào khi nãy lại yên tĩnh lạ thường chỉ còn nàng và tỳ nữ Thị Vân. Huệ vén mái tóc đen nhánh sau mang tai, dè dặt hỏi người bên cạnh:
- Đây là đâu?
Dù sao cũng là phi tần rồi, chắc cũng có bữa ăn tốt hơn, Huệ cẩn thận nhìn chiếc áo lót trắng bằng gấm của mình mà yên tâm. Thôi, vẫn tốt hơn cái áo nâu rách vai trước kia. Huệ vuốt ngực mình rồi tự an ủi thế.
Thị Vân đau lòng nhìn nàng, dù Phan tiệp dư vô sủng, trong viện Thuận Hy cũng không phải dư dả gì nhưng chủ nhân đối với Vân rất tốt, vừa dịu dàng, vừa ân cần, nay ra cớ sự này sao lại không buồn đau?
- Là viện Thuận Hy, chỗ ở của bà ạ.
Vân đáp lời nàng, kéo nhẹ cái chăn lên tới ngực nàng, có lẽ cô ta sợ nàng lạnh.
Trong lòng Huệ dâng lên một dòng nước ấm, lâu rồi mới ngoại trừ bu ra mới có người tốt với nàng như vậy. Nàng từng nghe dân gian nói về nội chiến cung đình của các cung tần đến đầu rơi máu chảy, nay nàng chỉ là một cung tần bé nhỏ, lửa chiến chắc không lan tới nàng đâu nhỉ?
Nghĩ đến đây cái cục tức trong lòng với Hổ Tinh cũng được nuốt xuống.
Đêm tháng mười rét buốt.
Huệ nhìn lò than nhỏ đang cháy, than hồng nổ tanh tách, nàng nghĩ đến người cứu mình dưới đáy hồ. Trời khi ấy tối quá mặt mũi người ta ra sao còn chưa rõ, chỉ biết người đó có hương hoa sen, vòng tay lại rắn chắc ấm áp khó tả.
Không lẽ là đàn ông?
Nàng liếc nhìn Thị Vân đang chuẩn bị sắc thuốc cho mình mà hỏi:
- Vân, khi nãy ta rơi xuống hồ, là ai cứu ta vậy?
Thị Vân nhanh nhảu trả lời:
- Dạ, lúc con chạy tới thì bà đã ở trên bờ với Nhâm thái giám rồi ạ, chắc là ngài ấy cứu bà đấy ạ.
Ngày nhỏ Huệ được thầy u dạy sống biết trước sau, có ân thì phải trả nên Huệ bảo Thị Vân ngày mai tìm Nhâm thái giám để tạ ơn.
Vân nghe thế thì gật đầu nhưng rồi lại nhíu mày nói với nàng:
- Nhưng bà ơi, Nhâm thái giám là người của viện Đoan Hòa, nơi đó mấy năm rồi không thấy cửa mở e là gặp hắn ta hơi khó ạ.
Thị Vân nghe đến việc đến viện Đoan Hòa thì lòng hơi chững lại, tam cung lục viện đều biết rằng nơi đó có vị Tuệ tần sống tách biệt. Cả năm chỉ đóng cửa then cài, chỉ có tết hoặc đại lễ mới ló dạng mà cung nhân ở đấy cũng học theo thói chủ ở lì trong viện. Vân đoán là đêm qua, Nhâm thái giám đi lấy than cho viện Đoan Hoà nên mới cứu được chủ tử của mình.
Nhưng Vân vẫn làm theo ý nàng, cốt là muốn thấy nàng vui. Chỉ là, Vân nhận ra tiểu thư nhà mình có cái gì đó hơi lạ, Vân theo hầu nàng từ bé đến khi vào cung, tính tình nàng vốn nhút nhát, có hơi ủ dột, cơ thể lại yếu ớt nên nàng luôn tự ti nay lại mang tư thái khan khác, ánh mắt sáng trong, lại còn chủ động tìm người khác. Vân còn bận nghĩ có phải là sau lần chết hụt vừa rồi chủ tử mình đã thay tính đổi nết rồi không?
----
Giờ Mão sáu khắc vừa điểm, những ánh dương đầu tiên nhẹ nhàng xuyên qua lá cây hoa trà ở ngự hoa viên, mỗi bông hoa trà hồng phớt lại thêm một phần tươi tắn, cánh hoa nương theo làn gió mà ve vẫy, nép vào nhau trông như người thiếu nữ e thẹn diện hồng y.
Mặt hồ Ngọc Bích yên ả, vài dòng nước gợn mang theo cánh lá liễu khô đi khắp thành hồ, phong cảnh hữu tình như thế mà tối qua suýt nữa lấy đi một mạng người.
Mà lúc này người chết hụt kia đang còn say giấc nồng ở viện Thuận Hy.
Huệ cuộn mình trong lớp chăn dày, nào giờ nàng chỉ có mảnh vải bố lớp một mảng bông mảnh đắp cho qua mùa đông rét nên hơi ấm từ lông cừu thượng hạng khiến nàng như con tằm trốn mình vào kén không muốn ra ngoài. Cửa điện hé mở, ánh nắng yếu ớt tràn vào gian phòng của nàng, Vân đi vào mang theo chậu nước bằng gốm sứ trắng có vẽ tranh sơn thủy ở núi Cao Viên, Vân kéo nhẹ màn che giường nàng:
- Bẩm bà, đã tới giờ Thìn rồi ạ.
Tối qua nàng dặn Thị Vân sáng nay giờ Thìn cùng đi đến viện Đoan Huy tìm Nhâm thái giám, không ngờ con bé này thật đúng giờ. Huệ đã tỉnh ngủ từ lâu, nàng còn nhớ khi còn ở với Hữu Tài sáng nào cũng gói vài cái bánh ú đem ra chợ bán nên việc dậy sớm đối với nàng không khó, chỉ là lúc này rúc mình trong chăn thật sự quá sung sướng.
Nhưng thôi dù gì cũng hứa rồi, để ân nhân chờ cũng không phải chuyện tốt, nàng kéo chăn xuống rời khỏi giường ngoan ngoãn ngồi xuống cho Thị Vân chải tóc trang điểm.
Răng lược len lỏi vào từng sợi tóc đen huyền, mềm mượt của nàng rồi lại nhường chỗ cho trâm cài bằng bạch ngọc được cài vào búi tóc vấn gọn để lộ chiếc gáy trắng mịn. Vân nhẹ nhàng vấn mấn màu tím nhạt cho nàng rồi lại đến việc điểm trang, Phan Hằng có hàng lông mày lá liễu tuyệt đẹp nên chẳng cần điểm tô gì nhiều, chút son sáp đã là đủ.
Xong xuôi, chiếc áo ngũ thân tay chẽn cùng màu cũng được dâng lên cho nàng. Huệ lấy tay lướt nhẹ lên áo, cái mát lạnh của vải gấm bám vào từng ngón tay nàng cho đến phần vai thật khiến người ta dễ chịu.
----
Cửa cổng viện Thuận Hy vừa mở thì chuông cũng đã điểm giờ Thìn sáu khắc.
Vân và hai thái giám đi cùng nàng đến viện Đoan Hòa.
Bổng lộc của tiệp dư tuy khá dư giả nhưng nàng nghe Vân nói vài tháng này Nội Vụ Phủ lại đưa thiếu gần phân nửa, mà nàng lại vô sủng, có báo lên Ngài ngự thì cũng như không nên Huệ chỉ có thể tặng Nhâm thái giám một miếng ngọc bội nhỏ trị giá vài ba trăm quan tiền với vài thang thuốc trị cảm.
Nghe Vân nói cái miếng ngọc bội bé xíu này đáng ba trăm quan, Huệ ngoài mặt xem như chẳng đáng gì nhưng trong lòng thì tiếc gần chết, lòng nàng gào thét ba trăm quan tiền kia để dành dụm là có thể mở một cái sạp hay một cái quán rượu nhỏ sống an nhàn cả đời. Nhưng Huệ tự dặn lòng rằng Nhâm thái giám là ân nhân hơn nữa nàng đang là cung tần cũng không sẽ bị để chết đói nên đành mang nó đi tặng cho người ta.
Từ chỗ viện Thuận Hy sang viện Đoan Huy cũng không xa lắm, Huệ nhìn bức tường đỏ cao vời vợi kia mà thấy hơi bức bối, nàng khẽ chậc lưỡi:
- Cao thế làm sao mà ngắm núi, ngắm sông?
Không ai đáp lại nàng, có lẽ người trong cung cấm chẳng màng chuyện bên ngoài.
Cuối cùng cửa chính viện Đoan Huy cũng hiện ra trước mắt, Vân bảo một tên thái giám đi gõ cửa, một lần rồi hai, ba lần gõ mà chẳng ai ra khiến nàng cũng sốt ruột; ngóng ngóng cái cổ vào khe cửa kia.
Chợt, có toán người đi về phía này. Huệ xoay người xem thử chưa kịp nhìn rõ người trước mặt thì đã nghe tiếng Vân chắp tay, cúi đầu hô lên:
- Con chào bà Tuệ tần.
Trước mặt nàng là một người con gái dung mạo đoan trang, tóc đen nhánh bùi gọn cài trâm ngọc, mấn màu xanh lam nhạt cùng màu với áo ngũ thân tay chẽn đang diện.
Quả là một phi tần tuyệt sắc.
Nhưng có điều là nàng ta khá cao chắc phải hơn nàng một cái đầu rưỡi, vai cũng hơi rộng.
Huệ đưa mắt sang người bên cạnh Tuệ tần là một tên thái giám tuổi ngũ tuần, tay cầm một chiếc hộp bằng gỗ kỳ lạ, định bụng hỏi Vân thì Tuệ tần đã lên tiếng trước:
- Phan tiệp dư, có chuyện gì chăng?
Giọng nói này có chút khàn như mấy thằng nhóc ở làng nàng vào cái tuổi vỡ giọng vậy, Huệ nghe mà quên mất mục đích đên đây cứ ngậm miệng đứng nhìn Tuệ tần mãi.
Con Vân lên tiếng trước:
- Bẩm bà Tuệ tần, đêm qua Phan tiệp dư bị rơi xuống nước được Nhâm thái giám cứu nên bà sang đây để cảm ơn ạ.
Lúc này, nàng mới gật đầu theo lời con Vân.
Tuệ tần mỉm cười:
- Nhâm thái giám đang trong viện, cô đợi một chút.
Đoạn, thái giám đi cùng Tuệ tần lấy chìa khóa mở cửa viện Đoan Huy, mời nàng vào trong.
-----
Viện Đoan Huy lớn hơn viện Thuận Hy của nàng một chút, có cái sân ngoài viện trồng hoa sen trắng thơm ngát, mùi hương này khiến nàng nhớ lại buổi tối hôm qua, chắc là Nhâm thái giám theo hầu nơi đây nhiều nên hương hoa vương lên người đó mà.
Tuệ tần và nàng đều ngồi xuống trường kỷ, nàng ta nói với thái giám khi nãy đi cùng:
- Ngươi mang kinh này đi cất đi, nhớ gọi cả Nhâm Kỳ ra đây.
Kinh phật? À, đúng rồi Vân nói với nàng rằng Tuệ tần là người am hiểu phật pháp mà. Huệ nhìn quanh viện Đoan Huy, cách bài trí quả thật có hơi giống một ngôi chùa thu nhỏ vậy, có một cái am ở phía sau gian chính thờ phật cúng thần, mùi trầm lá đà thoang thoảng trong không khí, trên tay Tuệ tần còn có chuỗi hạt tràng vàng nhạt.
Người thanh tịnh như vậy không hiểu sao lại vào nơi đấu đá như hoàng cung, bỗng nàng có cái ý nghĩ lạ lùng có khi nào nàng ta là ni cô vào đây cứu nhân độ thế chăng? Huệ khẽ lắc đầu, cười nhạo bản thân chuyện như vậy cũng có thể nghĩ ra được, xem ra là cú ngã kia khiến đầu óc nàng không được minh mẫn nữa rồi.
----
Tách trà trước mắt Huệ nhanh chóng được rót đầy, nước trà màu vàng nhạt thơm mát, là trà vụn xoay vài vòng rồi đọng xuống đáy tách. Nàng đếm tổng cộng bốn lá trà vụn rồi mà vẫn chưa thấy Nhâm thái giám đâu, còn đang định mở miệng thì đã có kẻ dâng thứ gì đó tới.
Một tên thái giám mặc áo gấm đen xem ra chất liệu tốt hơn tên trước đi cùng Tuệ tần nhiều, chắc là có địa vị cao hơn.
Hắn dâng chén thuốc còn đang bốc khói nghi ngút, cung kính nói:
- Bẩm bà, tới giờ uống thuốc rồi ạ.
Hai hàng mày của Huệ nhíu lại, mùi thuốc này nghe quen quen, hình như đã gặp ở đâu đó.
Tuệ tần vừa lần chuỗi hạt vừa nói:
- Cứ để đấy đi, Nhâm Kỳ có Phan tiệp dư tìm ngươi đấy.
Nhâm Kỳ đặt chén thuốc xong thì quay sang hành lễ với nàng:
- Bẩm bà, bà có gì dạy bảo con ạ.
Huệ cũng bắt chước dáng vẻ của phi tần ra hiệu cho Vân mang đồ tặng cho Nhâm Kỳ. Vân thấy nàng hơi lạ nhưng rồi cũng làm theo, một khay gỗ được lót mảnh nhung đỏ bên trên là miếng bạch ngọc với than thuốc.
Vân giải thích thay nàng:
- Dạ, đây là chút đồ bà tiệp dư muốn tặng cho ngài vì đã cứu nguy cho bà ấy.
Vân mở nắp hộp rồi nói tiếp:
- Là bạch ngọc bội, năm thang thuốc trị cảm.
Nhâm Kỳ liếc nhìn cái hộp một cái rồi lại ngẩng đầu nhìn Tuệ tần kia, nàng ta gật đầu hắn mới tươi cười đón lấy chiếc hộp từ tay Vân.