bởi Mon (*_*)

38
1
2897 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Vết thương cũ


VẾT THƯƠNG CŨ

Nguyễn Thu Hương

Và má đợi, đã mấy bận trăng thu, người đời dèm pha dè bỉu rất nhiều, tôi ra đời trong sự nhục nhã, xấu mặt như muốn chết đi của ông bà ngoại. Má vẫn chờ, bằng một trái tim và tấm lòng nguyên vẹn như đêm trăng ngày ấy, không vương chút dao động. Nhưng ba tôi không quay lại, ông ra đi như con thuyền xuôi theo dòng nước lũ, dòng nước cứ đẩy thuyền đi và vĩnh viễn không mang thuyền về.

 

Vậy là từ một thiếu nữ ngây thơ, trong sáng, má tôi trở thành má của bây giờ, rắn rỏi và sắt đá, không thứ gì có thể quật được bà, kể cả cái thói đời phũ phàng đến độc ác! Nỗi đau đầu tiên cho má sức mạnh, mong muốn biến nó thành nỗi đau cuối cùng trong đời mình, không gì được phép đâm bà rỉ máu nữa cả. Người đời có thể cho rằng chắc má hận ba lắm, vì từ thuở sinh tôi ra đến giờ, bà chưa từng gợi nhắc về ông ấy với tôi, nhưng tôi thì không cho là vậy. Má vẫn thương ba, thương nên mới im lặng và giấu kín mọi thứ về ông như thế, giữ cho suy nghĩ của con gái ông ấy một hình ảnh nguyên bạch, có lẽ tôi không dễ gì mường tượng được dáng hình ông, nhưng tôi biết nếu không có cuộc nói chuyện với dì Tư hôm nay, tôi vĩnh viễn cũng không hay được mình có một người cha phụ rẫy...

 

Má tôi đã nuôi trong lòng cái định kiến phụ rẫy của ba tôi suốt hơn mười lăm năm, cho đến buổi đi chợ định mệnh, làm bà khóc và đau thêm lần nữa. Dì Tư bảo thế, vì hơn ai hết, dì hiểu rõ tận tường mọi việc, hiểu hơn cả má tôi. Ba tôi khi về lại Tiền Giang, chưa kịp cất tiếng ngỏ lời, ông nội tôi đã hầm hầm dộng cây gậy xuống sàn một tiếng nhứt tai:

 

“Cậu ở Bạc Liêu yêu đương nghe bộ hạnh phúc quá!”

 

Tiếp theo đó, câu chuyện tiếp diễn không khác gì môtip quen thuộc, được ca đi ca lại đến mòn trong những vở cải lương, ông nội không cho phép ba tôi lân la trở về xứ Bạc Liêu nữa, vì không môn đăng hộ đối, vì “ăn cơm trước kẻng”, và vì tỷ tỷ lý do khác nữa. Mặc dù đã thành câu chuyện xem đến thuộc làu, nhưng khi tivi phát lại thì ai nấy cũng ngồi khóc sướt mướt, bởi chăng đó là lẽ đoạn trường mà đời người con gái xưa nào cũng gánh, cặp tình nhân nào yêu nhau thật lòng rồi cũng phải trải qua. Ông nội có đủ uy quyền và thế lực cấm tiệt ba tôi rời nhà dù là nửa bước, nhưng ba tôi cũng nào chịu ngồi yên. Đêm ấy, mưa lớn, trời tối đen như mực, thi thoảng lại sáng dới lên vì những tia sét bổ ngang bổ dọc trên các ngọn dừa, và trên cánh đồng lúa đang cong mình đến rạp đất, ba quyết định đi. Giây phút ấy, ba tôi đã không màng tới cái gọi là vinh hoa phú quý, ghế vàng sàng ngọc, ông yêu má tôi, và ông cần má, trái tim lẫn lý trí đều không cho phép ông phụ bạc một tâm chân tình đã trao trọn cho ông, và cả tình yêu đầu đời ấy, nỡ ai quên được!

 

Nhưng khi ông vừa bước đến cổng đã bị đám gia đinh chặn lại, lúc ấy, ba tôi đã dự lòng sẽ liều đến cùng, chữ hiếu cao, mai này ông sẽ về báo đáp, nhưng chữ nghĩa chữ tình ở đất Bạc Liêu, sắp sửa xói mòn phai bạc vì chờ đợi. Ý nghĩ ấy hiện lên trong đầu như một loại sức mạnh to lớn, ba tôi gầm lên như người tù oan bức xiềng xích, vùng vẫy thoát khỏi nhà lao để bước ra khoảng trời tự do, cao rộng. Ông nội tôi xuất hiện dưới màn mưa, trong cái dù màu đen rộng, cất giọng trầm trầm:

 

“Vào nhà xem chuyện này, rồi cậu muốn đi đâu tôi không ép!”

 

Trong nhà lớn, ánh sáng ấm áp, có một cô gái đang ướt rượt nước mưa quỳ gối, người run lên cầm cập, vẻ mặt tái nhợt. Ông nội ngồi xuống ghế, trợn mắt:

 

“Mày nói lại những gì mày nói cho ông nghe!”

 

Người con gái ấy là dì Tư tôi bây giờ, lúc này đang ôm lấy bả vai lạnh lẽo của mình, cúi gằm mặt:

 

“Thưa ông, thưa cậu, tôi là Nhị, là người cùng quê với cô hai Trà, cậu hai từng gặp tôi mấy đợt bên Bạc Liêu, cổ...cổ lừa cậu hai đó!”

 

Dì Tư nói với tôi, nếu được trở lại, dì thiệt muốn cắn nát cái lưỡi của mình vào lúc ấy. Cái giây phút dì bị đồng tiền làm cho mờ đi lý trí, bặm môi nghiến răng kể ra một câu chuyện theo sự sắp bày của ông nội tôi. Dưới đôi môi tím tái của dì, người mẹ hiền lành, trinh trắng, thủy chung của tôi biến thành loại gái lẳng lơ trong làng chơi mạt hạng. Giờ đây, trong lúc ba tôi đang chiến đấu với chính người sinh ra mình, chấp nhận mang tiếng bất hiếu để tròn câu nhân nghĩa, má tôi đang ung dung nằm trong tay một lão già nào đó mà dì vẽ ra, hí hửng vì sắp sửa câu dẫn được một con cá to bóng bẩy...

 

Mọi thứ diễn ra như chớp, nhưng dì Tư trọn đời không thể quên vẻ mặt lúc ấy của ba tôi, cái dáng vẻ khiến dì thêm khắc sâu tội lỗi của mình, đêm ngày tự dằn vặt thể xác lẫn tâm can, ông lại gào lên, trong mắt vằn lên những tia máu, ba tôi cuộn tay thành nắm đấm, không ngần ngại lao thẳng đấm vào tường, khi ông buông tay xuống, trên tường vẫn còn vương lại dấu máu tươi. Ba tôi rời khỏi nhà, cơn dông phủ kín dáng hình ông, như chính cái mối hiểu lầm đang cuộn thành mấy màng tơ nhện buộc kín sợi tơ hồng của cả hai người. Gió quay cuồng mặt sông dài và rộng, tối đen đến mức không thấy được gì, chỉ nghe tiếng thét thảm sầu của một người trai trẻ, một người yêu say đắm, một người làm cha nhưng không hay biết, một người đang chồng chất mối hận thù dành chính cho người phụ nữ mình yêu thương.

 

Cơn giông rít lên trong tiếng mưa, những nhành cây nghiêng ngả như sắp bật cả gốc lên trong triền gió, thiên nhiên như bừng lên tiếng gầm thét vì cảnh đoạn trường trái ngang đang bày ra trước mắt chúng. Nước sông xoáy mạnh, rồi đột nhiên bung lên thành cột sóng cao, như một bông hoa thủy tinh nở giữa trời dông bão. Bóng người chìm lẫn vào mặt nước sâu, nước ngập dần rồi nhấn chìm không còn vết tích, như chính tạo hóa cũng muốn thay ai chôn chặt hết thảy mọi thê lương.

 

Tôi mất ba từ đó, như lời má tôi vẫn hay nói suốt mười lăm năm dài nuôi tôi...

 

Lúc ấy, ở Bạc Liêu, má tôi vẫn ôm cái bụng mình, vuốt ve và nuôi dưỡng một niềm tin to lớn...

 

Nhưng tất thảy những bất ngờ không dừng lại ở đó, thứ mà dì Tư vừa nói tiếp theo mới thật sự khiến tôi rúng động, rằng ông Tám cạnh nhà tôi, cũng chính là ông Tám Dãy giàu nứt tiếng xứ Tiền Giang năm nào - ông nội tôi... Ngày đầu ông dọn tới đây, dì đã biết, nhưng thứ khiến dì ngả ngửa nhất, là chỉ sau ba bốn năm từ giã, sau ngày mà dì cam nhận món tiền nhơ nhuốc tội lỗi ấy của ông đến nay, quãng thời gian không dài không ngắn, nhưng dáng dấp của ông Tám Dãy uy nghiêm đã mất hút một cách không còn chút tích vết. Ông lão ấy đã mất đi người con trai độc nhất, ngày người ta tìm thấy xác ba tôi, ông nội tôi mới nhận ra trên đời này, tiền tài, gia phong lễ giáo như một áng phù vân, thứ quý giá nhất, đã vì sự bảo thủ của mình, ông đã vứt nó xuống dòng thác bạc của ải đời.

 

Ông bỏ đi, ruộng nương bát ngát, nhà cao cửa rộng hết thảy đều đã bị bỏ hoang suốt mười lăm năm, tìm đến mảnh đất này mà âm thầm nhìn tôi lớn lên, để biết trong đời này, ông lão ấy vẫn còn người thân tồn tại. Dì Tư nói, ngày dì đến tìm ông hỏi rõ ràng về nguyên cớ ông đến đây, khi bước vào sân, cạnh gốc mít xích con Lông Vàng, ông ngồi ôm bức hình, lẩm bẩm:

 

“Minh ơi, ba thấy con con rồi, con nhỏ mới ba tuổi mà đẹp gái quá chừng...”

 

Tôi rời khỏi tiệm may, quay về, lòng lờn vờn rất nhiều những cảm xúc. Tôi giận ba tôi, chưa rõ ngọn ngành đã vội hiểu lầm má, rồi mang theo mối hận đó chôn vùi xuống dòng sông lạnh. Tôi giận ông nội tôi, vì lễ giáo gia phong mà vấy bẩn trinh tiết của má tôi, gieo vào đầu ba tôi cái tư tưởng nhơ nhuốc về người phụ nữ chung thủy, biến tôi thành một đứa con hoang, thành quả của những cuộc hoan ái dục vọng. Giận dì Tư, vì đồng tiền, vì cái lợi trước mắt mà buông lời hãm hại người khác, vu oan cho má tôi, gián tiếp khiến tôi thành đứa mồ côi cha từ thuở mới lọt lòng.

 

Nhưng mười lăm năm rồi, tôi đã lớn rồi, bụi thời gian cũng phủ mờ trên những vết thương ấy rồi. Ba tôi giờ chỉ còn là nắm tro dưới ba tấc đất, tỷ dụ có chuyện luân hồi chuyển kiếp như trong truyện cổ, thì liệu ông có nếm canh Mạnh Bà mà quên hết, hay mối hận lòng ấy vẫn còn vương vấn mãi, trói buộc mãi, một đoạn nghiệt duyên ngang trái? Ông nội tôi giờ đã về độ xế chiều, sống cô đơn không ai thân thích, lẽ sống duy nhất là ngày ngày nhìn tôi khôn lớn, rồi thủ thỉ với di ảnh ba tôi như một lẽ hối tội. Và cả dì Tư tôi nữa, câu chuyện năm đó như cái gai ngọn hoắc, cứ chực chờ đâm thẳng vào lương tâm dì, và suốt mười lăm năm nay, không có dì Tư, ắt má con tôi cũng khó sống đủ ăn đủ mặc.

 

Đã xa lắm rồi, những tưởng đã kết thúc rồi, dè đâu thói đời nghiệt ngã không chịu để yên cho những nạn nhân của ải trần, một cơn gió dông nào thổi qua, và quạt tung lên lớp bụi mờ đang ngày đêm gắng che lấp đi quá khứ. Tôi bước đến trước nhà ông Tám, nay đúng hơn là ông nội tôi, bước chân nặng trĩu không nhích nổi nữa. Con Lông Vàng nhìn tôi chằm chằm mà không sủa, nó lặng lẽ, khắc khoải nặng nề, tán cây mít khẽ kêu lên mấy tiếng rì rào. Dưới gốc cây ấy, ngày ngày có dáng một người cha già thủ thỉ với đứa con quá cố của mình trong miền hối lỗi tận cùng.

 

Ông Tám bước ra, nhìn tôi, tôi cúi gằm mặt, chực muốn chạy đi nhưng không nhích chân nổi, và cũng không biết nên đối mặt thế nào. Có lẽ hôm qua, má tôi cũng vậy, trong những bất ngờ bủa vây, trong cái cảnh gặp mặt oan trái thế này, má vẫn bình tĩnh được như vậy, thuở đời mấy ai làm được. Có lẽ má chưa từng yếu đuối như tôi từng ngờ vực, bà càng không chai sạn với thói đời, mà đúng nhất, bà đã học được cách làm chủ mọi cảm xúc của bản thân!

 

“Con...” - Ông Tám chực gọi, nhưng cuối cùng buông lững câu.

 

Tôi quyết định sẽ học theo má, phải bình tĩnh, phải bước qua những nỗi đau, và tôi nhìn ông, cúi người:

 

“Tạm biệt ông ạ. Má con con sắp chuyển lên Sài Gòn ở rồi.” - tôi nói bằng cái giọng cố bình thản, nhưng vẫn nghe nghẹn ngào và run rẫy.

 

Và chắc ông cũng đoán biết được, cái quá khứ nhuốc nhơ năm nào nay đã tràn vào đầu óc tôi, ông gật đầu, vẫy tay:

 

“Ông có đứa con, nó mất cách đây hơn mười lăm năm rồi, nó thương vợ con nó lắm. Ly ơi, vào thắp cho... con ông nén nhang được không con?”

 

Tôi bỗng dưng muốn òa lên khóc, cũng không biết vì sao, cái cảm xúc đột ngột dâng lên và đông cứng nơi cuống họng. Tôi bước vào trong, lần đầu tiên bước vào... Bức di ảnh của ba đập vào mắt tôi bằng nụ cười hiền hậu, tuấn tú, giá như bi kịch ngày ấy không xảy ra, ắt hẵn ba, má, tôi, và cả ông nội nữa, tất cả đều đang hạnh phúc lắm! Tôi gục đầu vào lưng cái tủ thờ, nấc lên những tiếng đau thương. Nếu có thể, tôi thà không nghe, không biết chuyện này, để khỏi phải đứng đây mà quằn quại với những vết dao nghiệt ngã mà hóa công nỡ sắp bài ra.

 

Ông đưa ra trước mắt tôi một xấp giấy, đặt ngay ngắn trong tệp hồ sơ trong suốt, tôi nhìn thấy rõ tờ giấy nằm đầu, mang nội dung: ủy quyền toàn bộ về việc sở hữu tài sản. Tên người sở hữu là ông, còn tên người được ủy quyền, là má tôi...

 

Mười lăm năm trước, nói cho gọn ghẽ ra thì cũng bởi mớ tài sản này, má tôi mất đi tình yêu đầu đời, tình yêu duy nhất, mất đi một người chồng, tôi mất đi một người cha. Hôm nay, cũng vì mớ tài sản ấy, nguyên vẹn không thay đổi, má tôi bị thói đời đâm thêm một nhát dao chí mạng, và cả tôi, cũng nghe thấy như tiếng ai đang cầm cật tre cứa ngang cứa dọc tim mình. Tôi nhìn trân trân vào xấp giấy, cảm thấy sợ hãi đến tột cùng, vô thức lùi ra xa và khẽ lắc đầu. Vinh hoa phú quý là bề nổi, là hư vô, là phù vân, đau thương khắc cốt, sóng gió dập vùi mới là thứ ngầm ngầm tồn tại thật sự...

 

Tôi không làm vẻ bất ngờ, hay không biết, mà đưa tay đẩy tệp hồ sơ lại vào tay ông:

 

“Ông giữ đi ạ. Mẹ con, chưa bao giờ cần những thứ này!”

 

Đôi chân như được tháo bỏ sợi xiềng, tôi vụt chạy đi. Ra đến cổng, một lần nữa, tôi ngoái đầu nhìn lại, di ảnh ba tôi, ông nội tôi, nước mắt chực trào...

 

Về đến nhà, thấy má đang ngồi ngoài hiên, cái bộ dạng lúc này của tôi không khác gì bà của hôm qua, thậm chí còn thê thảm hơn bội phần. Tôi nhào vào lòng mà, những thứ cảm xúc tôi cố kiềm nén bung vỡ ra tất thảy, tôi khóc òa lên thành tiếng rõ mồn một.

 

“Mình đi đi má!”

 

Tôi thật sự muốn đi rồi, muốn cùng má tôi kết thúc những bận truân chuyên sầu khổ, bắt đầu một hạnh phúc mới, nơi chân trời mới. Ở đây, nhìn trăng, lại nhớ về đêm trăng thề nguyện, nhìn mưa, lại nhớ về cơn dông đã làm đứt đoạn tơ duyên của một tình yêu tha thiết, nhìn sông, lại mường tượng ra trong đầu cái dòng nước bạc đã vùi lấp ba tôi. Và cả ông nội, dì Tư, những cố nhân đã làm nên bao điều ngang trái, thôi thì gác lại mớ hận lòng này ở xứ sở quê hương, vĩnh viễn quên đi.

 

Tha thứ cho tất cả, cũng là tha cho chính mình...

 

Tôi nghẹn ngào vùi đầu vào lòng ngực má:

 

“Con thương má, con cũng thương... ba.”

 

Má tôi ngập ngừng trong giây lát, rồi đưa bàn tay hiền từ, chai sạn nắng mưa của mình vuốt tóc tôi:

 

“Ừ, ba cũng thương con lắm.”

 

Sáng hôm sau, má con tôi bắt chuyến xe đò sớm nhất. Trong bóng tối lờ mờ của buổi sớm, con đường quê dần hút tầm mắt tôi, những đau thương đã ờ lại cũng rặng tre già, và những ứ vết cố tình đeo đuổi, đã bị bánh xe xé nát. Đằng đông, ánh sáng tinh mơ làm rực lên một mảng trời...

Có thể bạn cũng thích