Vết thương cũ
VẾT THƯƠNG CŨ _ 1
Nguyễn Thu Hương
Tôi cắp cái nón lá móc trên cây đinh đã đen màu đóng trên vách tường, tay cầm theo hai khúc bánh tét lần mò theo ngã đường rải đất đỏ. Hàng hoa dâm bụt khiêm luôn vị trí hàng rào trước nhà ông Tám nay đỏ rực như mấy chùm lửa, dưới tia nắng mặt trời tinh khôi của buổi sớm mai hãy vẫn còn đang đọng những vệt sương. Con chó Lông Vàng của nhà ông vẫn còn lim dim hiền hậu, không như cứ đặng giờ chiều lại sủa ỏm tỏi mỗi khi có người đi qua, buộc chủ nó phải tròng vào cổ nó một cái vòng da nối với sợi xích dài, sợi xích thì lại mắc vào góc cây mít to tới rợp bóng một mảng đường, sẵn sàng níu lại bất cứ lúc nào nó chực phóng ra ngoài nhanh răng mà cất tiếng sủa thót tim!
Không một ai trong xã không mọc óc khi bước qua căn nhà có hàng hoa râm bụt xinh đẹp ấy, chỉ chừa đám con nít loi choi! Cái thời hiếu động pha lẫn nghịch dại, thích dùng trái bần khô rụng đầy ở con sông đối điện mà chọi liên hồi vào Lông Vàng, đến khi nó sửng cồ sủa tới mức muốn bứt xích thì lại cắm đấu chạy té khói. Nhiều người làm cha mẹ cũng đâm sốt ruột, họ nghĩ tới cái cái xúi quẩy nhất là lỡ cọng dây xích bất thần đứt mắc thì sao? Nhưng không cách nào kiềm lại được cái bản tính cà xóc của những thằng “con ông trời”, nhất là vào giờ trưa, khi họ đang cặm cụi ngoài mấy luống cày, thửa ruộng, cuối cùng đành xoay sang năn nỉ ông Tám:
“Chú làm ơn dời dời con Lông Vàng xích xuống mé sân sau được không?”
Nhưng bao giờ đáp lại cũng là sự lạnh lùng, đắng ngắt:
“Nó nằm trong sân nhà tôi chứ mắc chi mấy người mà ý kiến ý cò!” - và kèm theo đó là lời dọa còn nói nữa thì ổng cởi luôn sợi xích, cho con Lông Vàng chạy long nhong chơi cho vui!
Và rồi cuối cùng, con chó vẫn ở cạnh cây mít, mấy trái bần khô rụng cũng chẳng được dịp nằm cạnh bờ sông lâu, tiếng sủa inh ỏi và tiếng hét váng trời vẫn cứ đều đặn vang lên, chỉ có ông sự khó chịu của người trong xóm dành cho ông già Tám ngày một tăng dần.
Nhà ông Tám nằm sát cạnh nhà tôi, cách đúng một cái hàng rào đóng bằng gỗ tràm và hàng hoa huệ cam. Chiều chiều, khi ngồi nhổ tóc bạc cho má, tôi dễ dàng nhìn ra được ngôi nhà kế bên, nhà gạch trơ, không có vôi tường chi ráo, và cũng rất hiếm khi thấy người vào ra, lặng ngắt như tờ trong ngày thường lẫn ngày hội lễ. Má tôi bảo ông sống một mình, mà cũng chẳng phải người miền này, trong mớ kí ức đã hỗn tạp dấu thời gian của mình, má tôi chỉ mơ hồ nhớ rằng vào một ngày mưa dầm tháng sáu cách đây tận chục năm, ông Tám theo xe ngựa đến và nghỉ chân ở đây, sống cô độc không có một ai thân thích.
Nếu như nhà tôi nằm ở tận đâu, thì có thể coi là nhiều chuyện, chứ ở ngay sát rạt thế này mà cứ biểu tôi phớt lờ sự tồn tại của một ông lão đã ngoài bảy mươi cô quạnh thì hãy quá sai. Nhiều lúc trời trở gió, tôi trùm lên mình cái áo khoác len, cài chưa hết hàng nút đã tần ngần ngó sang hàng hoa huệ, tự hỏi ông già ấy có áo ấm mặc không, giữa thời tiết nặng trịch thế này, kẻ đang ở độ xuân xanh như tôi còn thấy teo héo trong lòng, vậy còn đối với người ở độ cuối mùa duyên sắc còn quạnh quẽ tới mức nào. Nhưng cái sự quan tâm ấy lờn vờn chạy xẹt qua, đảo lại một vòng rồi cũng bay đi xa tít tắp, thương thì thương nhưng tôi sợ con Lông Vàng hơn, sợ cái tiếng sủa váng trời của nó lẫn cặp răng nanh sẵn sàng xực vào gấu quần, hoặc vào sâu hơn nữa là cái chân của tôi bất cứ lúc nào. Và cũng ngán luôn cái tính tình kì lạ của ông, người ta thường bảo già hay đổi tánh, nhưng ai cũng nói từ cái thời công Tám còn khỏe, ngày ngày dư sức xắn tay áo cày mấy công đất đã chẳng chịu giao thiệp với ai. Sống giữa mảnh đất đồng quê hiền hòa, chan chứa tình làng nghĩa xóm, nhưng ông vẫn như đang độc thân giữa vùng thảo nguyên chỉ có cát bụi và cỏ cây làm bạn vậy.
Nhưng giá như cứ mãi như thế thì thôi cũng đủ coi là ổn, tôi vẫn cứ bình thản sống và thi thoảng động chút lòng trắc ẩn lẫn thương hại đảo mắt qua căn nhà bên cạnh. Bỗng dưng một ngày, như cơn mưa dầm tỉ tê tưởng chừng vô hại (hoặc họa có cũng chỉ làm úng mấy thửa ruộng) thì bất ngờ đủ sức phá nát một con đê, cho nước lũ tràn về thỏa tuê tàn phá những mảnh đời. Đó là một buổi sáng, mặt trời đã chửng bóng trên đầu, má tôi đi chợ về trễ hơn rất nhiều so với ngày thường, bước vào cửa nhà, nón lá che lấy hơn nửa khuôn mặt má nên tôi chỉ kịp trông được hai bàn tay run run đến khác thường, và khi nón lá được tháo xuống, thì hiện lên trong đầu tôi là đôi mắt đã đỏ hoe còn ưng ửng nước.
Tôi ngơ ngẩn một hồi lâu, cái thuở đời mười lăm năm tồn tại, tôi chưa thấy má khóc bao giờ. Người đàn bà ấy dù lam lũ gió sương, dù nghèo đói túng quẫn vẫn chưa từng sụp lạy số mệnh, hay ca thán oán trời, má bao giờ cũng gồng lại số phận, kênh lại với sự đen bạc của thói đời, dù cạnh bên má, không có lấy một bờ vai rắn rỏi dựa dẫm. Má chưa từng nhắc chi đến ba tôi, và trong cái gọi là kí ức của mình, tôi cũng không hề có một sự ấn tượng nào dù là bé mọn nhất về bóng dáng người mà thiên hạ gọi là “cha con Ly”.
“Con không có ba!” - đó là câu cửa miệng của má tôi mỗi khi bà trông thấy con mình nhìn những đứa trẻ cùng xóm, những buổi chiều dịu nắng được cha mình vót từng nan tre làm diều thả, xốc chúng lên vai mà chơi trò “cưỡi ngựa nhong nhong” cười rôm rả cả một ngã đường. Và rồi, tôi quen dần với cái điều trái ngoáy đó từ thuở nào củng chẳng hay, cuộc sống hai má con tôi bình thường tới mức nghĩ như rằng nếu có một người đàn ông xuất hiện thì mới thật sự phiền phức và đảo lộn.
Nhưng ngày hôm nay thì khác, mặt trời vẫn chói chang, mấy bụi hoa mười giờ vẫn bung cánh và con Lông Vàng kế bên vẫn sủa inh ỏi, nhưng má tôi - người đàn bà kiên cường không sợ đau sợ khổ ngày thường, bây giờ đổ gục như một nhành liễu mỏng cong vòng xuống vì những giọt sương mai. Má tôi chạy ra sau hè, ngó mặt xuống khạp nước, bà với tay lấy cái gàu rồi tát sàn sạt nước lên mặt mình, đứng trân mắt nhìn bóng mình soi bên dưới thật lâu. Bà là một người phụ nữ đẹp, chắc mẩm rằng ở thời còn son trẻ, má là một thiếu nữ khuynh thành, dù giờ đây bước qua những trận bão táp truân chuyên, lội qua hết thảy nhiều ghềnh thác của sự bào mòn, thì hiện ở đó vẫn còn sự thanh tú, duyên dáng. Lúc này, gương mặt bà ướt nước, đôi mắt đo đỏ và xa xăm vô định, thật sự còn xinh đẹp hơn bội phần, nhưng tôi thấy dường như đó chẳng còn là má mình nữa. Không rắn rỏi, chai sạn với đời, bà trông yếu ớt như một cô gái chưa nếm mùi cuộc sống, như mấy nhân vật đào thương trong tuồng cải lương, ở trông bể dâu, họ chỉ thường khóc, khóc và vùi mình vào đám tro đời đắng xám.
Tối đó, má biểu tôi đóng cửa sớm rồi đi ngủ, má ngủ ngoài bộ vạc kê gần sát cửa, kế bộ bàn ghế tiếp khách, còn tôi ngủ trong phòng. Cái sự nao nao trong dạ từ chập sáng khiến tôi dù trở mình trên mười bận vẫn không ngủ được, cuối cùng quyết định giả bộ vỗ tay bộp bộp như đập muỗi, rồi lén nhìn ra ngoài nhà trên. Má chưa buồn ngủ như lời nói, bà ngồi xoay lưng về phía tôi, bóng đèn cà na vàng nhạt treo trên bức tường sát cạnh soi cái dáng trầm ngâm cùng khuôn mặt dãi dầu mưa nắng, ắt có lẽ giờ này, tâm trí má đang trôi về quá khứ, về những tháng năm tôi chưa xuất hiện trên đời, và cả buổi sáng định mệnh hôm nay. Bà đã gặp ai, đã nghe được nghe được chuyện gì trên con đường dẫn đến chợ làng quen thuộc?
Bóng tối vằng vặc như đang kiềm hãm lấy những mớ tơ rối quẩn quanh trong đầu tôi. Tiếng vạc ăn đêm, tiếng bìm bịp kêu mùa nước lớn, tôi đã nghe quen suốt hành trình lớn lên của mình, nhưng hôm nay thì càng nghe càng thêm xốn xang trong dạ, thứ thanh âm rất bình thường ở đất quê giờ đây như tấu lên trong tôi một giai điệu thảm sầu, bi thiết lắm! Như thể chính lòng tôi cũng đang cảm giác được, một đợt biến cố nào đó sắp xảy đến.
Sáng hôm sau, gà gáy mới được độ đầu tôi đã dậy, cái giấc ngủ chập chờn nửa tỉnh nửa mơ đêm qua khiến tôi uể oải vô cùng. Má tôi ngồi trên vộ vạc kê, bày xung quanh đủ thứ quần áo và xếp lần lượt vào cái giỏ to. Tim tôi theo phản xạ thót lên một cái đến thu lòng ngực.
“Dọn đồ đi con, mình lên Sài Gòn ở...”
Má tôi nói việc chuyển nhà, đổi chỗ ở, xa lìa mảnh đất chôn nhau cắt rốn này nhẹ như không. Trước nay tôi không bao giờ cãi má, nhưng hôm nay bắt buộc tôi phải vặn lại đôi câu, đại loại như tại sao đang yên đang lành lại chuyển, chuyển một cái là biết bao sự đồi thay, phiền phức. Má tôi đáp lại bằng cái gật đầu như không đáp, đôi tay vẫn thoăn thoắt xếp gọn quần áo vào giỏ. Tôi biết má sẽ không vì mấy lời nói ấy mà lay chuyển quyết định, quay xuống nhà sau, tôi bỏ lại một câu:
“Hẳn thư thản đi má, con có nhiều đồ lắm!”
Cái ý của tôi là muốn nấn ná cho kịp định thần lại những gì đang diễn ra, tôi có cảm giác như mình bỏ lỡ một thứ gì đó quan trọng lắm trong đời của má. Như đang xem một tuồng cải lương ngon trớn mà phải chạy xuống nhà tắt nồi cá kho, nêm nếm coi vừa vị chưa, khi bước lên thì chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao rồi, cái đoạn cao trào đóng vai trò khúc ngoặc nhất đã trôi đi. Mà đối với tôi, cái lỗ hổng ấy chỉ diễn ra trong vỏn vẹn một chuyến đi chợ của má, một cú xoay thình lình mà không ai dè trước được của tạo hóa, đang sắm vai một ông đạo diễn nắm trong tay sự sống chết của nhân vật trong vở tuồng mà mình đang chỉ đạo.
Mãi đến sau này, khi đứng trước những quyết định mang tính thay đổi lớn trong công việc lẫn đời sống gia đình, tôi mới hay không thứ quyết định nào cam go như điều má đang làm. Má dẫn tôi rời nơi này, rời bỏ quê hương của cả hai má con, rời một khung trời êm đềm như lời ru trưa mùa hạ, lúc bấy giờ không biết, khi lớn lên rồi, mới mường tượng ra được nó đau như thế nào, đau đến đứt lìa từng khúc ruột.
Tôi cầm hai đòn bánh tét xuống chỗ cầu Năm Ván cho dì Tư thợ may, chỗ má đang làm, bảo như một món quà chia tay. Khi nghe tôi nói rằng chúng tôi sắp rời đi, dì bật ngửa, cái tay đang đặt trên bàn may khẽ run lên rồi cuộn chặc lại.
- Sao khi không má mày chứng vậy?
- Con không biết nữa. Nghẹn qua đi chợ về thì thấy má khóc rồi, nguyên đêm chong đèn không ngủ, sáng ra đã ngồi dọn đồ biểu đi.
Dì Tư gật đầu, hỏi tiếp:
“Mày có gặp ông Tám không?”
Tôi lắc đầu, mà mắc chi tới ổng trong vụ này. Dì chống tay lên bàn đứng lên, bước ra cửa, mắt nhìn ra khoảng sân đang giòn tan màu nắng, cái vẻ suy tư trầm ngâm không khác gì má cả, khiến tôi lại đâm lo. Dì thở hắt một hơi, cười nhạt, như khinh rẻ, và tiếc nuối:
“Cái cây kim nào mà giấu mãi không lòi!”
Cơn gió thổi qua, tạt ngang vào theo cửa chính và cửa sổ đang mở làm phần tóc lòa xòa trước mặt của dì bay ngược về sau, cất giọng nhẹ nhàng tựa lẽ đương nhiên:
“Má mày không muốn dính dáng tới nhà nội mày thôi!”
Và rồi kế đó là một câu chuyện, nó lấp đầy những lỗ hổng hiểu biết của tôi về cuộc đời má, nó rải ra trong tâm hồn tôi những vệt máu đã khô từ lâu nhưng không hề tàn phai ứ vết. Dưới lớp vỏ bọc của một người đàn bà cứng cỏi, những vệt máu ấy khô lại nằm ngủ trong tim má, âm thầm chờ đợi một ngày khi vỏ bọc bị lột trần, lại tiếp tục chảy, vắt kiệt sức con người ta đến héo mòn.
Ngày xưa, má tôi đẹp lắm, bà đẹp đến mức cứ dạo nửa tháng thì có đám đến trầu cau dạm hỏi, má lắc đầu không chịu ưng. Nhà ngoại thì sợ con mình cao giá quá, đến ngày quá lứa lỡ thì thì coi như xong một đời con gái. Mà hóa ra không phải bà kén, mà là bà đã trót thương một người rồi, thương đến mức ngoài người ấy ra, bà không thể chấp nhận một ai khác.
Đó là ba tôi.
Ba tôi là một kĩ sư nông nghiệp, nghe đâu là nhà ở Tiền Giang, giàu nứt đổ đổ vách, ông nội tôi là phú thương chở gạo theo ghe về đó lập nghiệp từ thời Pháp thuộc, xóm giềng ưa gọi là ông Tám Dãy, vì một là ông thứ tám, hai là có tới trên tám trăm mẫu ruộng trãi dài qua nhiều làng, cò bay thẳng cánh. Mùa xuân năm đó, ba tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông Lâm, theo hướng dẫn về Bạc Liêu thực tập, và ông gặp má tôi. Ông kỹ sư nông nghiệp tri thức, lại tuấn tú, ăn không ngon, ngủ không yên vì dáng hình của cô gái trẻ, trưa nắng tới nóng trán, tay bưng một cái nia to ra đồng, cất tiếng gọi ngọt ngào hướng về một lão nông:
“Tía ơi! Nghỉ tay ăn cơm!”
Cái tình cảm thuở xuân xanh ấy chớm nở như những chùm hoa lựu, mãnh liệt và dữ dội, như thế nhân muôn đời vẫn hay nói, tình yêu đầu đời bao giờ cũng là tình yêu không tạp niệm. Má lúc đó không hề hay ba là con trai của một ông phú hộ giàu có, bà yêu ông bằng món tình cảm chân thành, mộc mạc và tinh khôi nhất của người thiếu nữ. Và bà tin ba tôi tuyệt đối. Con gái chúng tôi bây giờ, hẳn cứ nghe người ta tán tỉnh dăm ba câu qua mạng xã hội, đã lập tức truy lùng tung tích dòng họ, gốc gác đối phương tới mười tám đời tổ tông, nhiều lúc ngồi ngẫm lại, thuở ấy là má tôi nhẹ dạ dễ tin người, hay do bà yêu ba tôi tới đổi chỉ cần nhìn thấy ông sờ sờ trước mặt mình là đủ, là đã vẹn ngọt ngào. Và còn một lý do nữa, khiến người ta khi thật tâm yêu nhau rồi, sợ cái cảnh phải đối mặt với những rào cản, ví dụ như gia đình chồng vợ hai bên, tuổi tác, mệnh số, những thứ lễ giáo gia phong ăn sâu vào máu tủy và thành văn hóa truyền thống của dân tộc, tự dưng chia tách hai người.
Tóm lại vì lẽ nào cũng được, má tôi cũng yêu ba tôi nhiều lắm, bà yêu tới tận mức trao thứ nghìn vàng của mình cho ông để khẳng định lòng son sắt. Đêm ấy trăng thanh, bóng tròn vành vạnh và sáng lóa trên mặt nước, má tôi khóc vì nỗi đau của lần đầu xâm lấn xác thịt, và hơn cả vì niềm hạnh phúc khi bà nghĩ mình đã tìm được mảnh ghép đúng nghĩa của đời mình. Nhưng ngay hôm sau thôi, vẫn giọt châu ấy, nhưng nó mặn mòi vị của nỗi đau tâm hồn, ba tôi đi. Ông bảo sẽ về lại nhà mình ở Tiền Giang thưa chuyện cùng thân sinh, má gật đầu không do dự, hoài nghi. Lúc ấy cả hai người đều không biết được rằng, tôi đã được tạo thành sau trận lửa tình đêm qua.