bởi Xám

1761
39
4197 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Vĩ thanh thinh lặng - Xám


Vĩ thanh thinh lặng

Tác giả: Xám

Truyện được xuất bản trong tập truyện ngắn: Nhặt tình đan những sợi thương

Vui lòng không được re-up dưới mọi hình thức



"Tôi ghét nhất là cảm giác ngột ngạt này!"

(Đáy biển - Nhất Chi Lựu Liên)

 

***

Gia đình tôi chuyển sang căn hộ mới này đã được ba năm.

Kể từ khi căn hộ vẫn còn là mấy hình thù trong bản vẽ, hình như ngày nào mẹ tôi cũng giở tập bản vẽ phối cảnh dự án chung cư ra xem tới xem lui. Tôi nhớ lúc đó tôi đang ăn dưa hấu, Bí Ngô ngồi tô màu ở cái bàn xem ti vi trong căn nhà bốn mươi lăm mét vuông cho bốn người, mẹ ngồi nhìn bản vẽ rồi hỏi:

"Chọn căn nào nhỉ?"

Tôi nheo nheo mắt nhìn, trong bản vẽ dự án, mẹ nhìn trúng hai căn hộ, một căn ở tầng 6 có thể nhìn ra hướng bờ sông, một căn còn lại ở tầng 14 cao chót vót. Ngay lúc đó tôi đã quả quyết là gia đình mình sẽ mua căn hộ ở tầng 14, bởi dù ở tít trên cao, nhưng đổi lại nó có một phần ban công đủ dài. Tôi luôn thích đứng thơ thẩn hàng giờ liền tựa mình vào ban công nhìn cảnh quang của thành phố, giống như một con mèo ảo não lười biếng. Mẹ tuy muốn chọn căn nhà ở tầng 6 hơn nhưng rốt cuộc cũng chiều theo ý của tôi.

Căn nhà cũ bán rồi, mẹ bảo nơi đó có quá nhiều thứ để nhớ nhung.

Để mua được căn hộ chung cư này, ba mẹ tôi đã vất vả rất nhiều, đến giờ vẫn phải trả góp từng chút, đổi lại, đường đi học của Bí Ngô được gần hơn. Bí Ngô bây giờ đã đỗ được trường chuyên tốt nhất của thành phố, là một nữ sinh trung học bắt đầu guồng quay của cuộc đua mang tên "thi đại học". Mỗi lần nhìn con bé mặc áo đồng phục của ngôi trường đó, tôi đều khẽ thở dài. Biết sao được, năm đó tôi đã thi trượt ngôi trường này - ngôi trường mà mẹ vô cùng kì vọng tôi có thể đỗ vào, tốn rất nhiều tiền cho tôi học ở rất nhiều lớp luyện thi. Thế mà tôi vẫn trượt. Bí Ngô ấy thế mà giỏi.

Tôi đi băng qua phòng khách, thấy Bí Ngô đang dọn dẹp nhà cửa. Hôm nay là Chủ Nhật, mẹ đi chợ chưa về, còn ba hẳn lại đi đánh cầu lông ở công viên. Bí Ngô vẫn đang cặm cụi lau dọn. Con bé cẩn thận nâng nắp đậy phím của cây đàn dương cầm lên,dùng khăn sạch và cọ phủi một lượt trên phím đàn, nó vô tình chạm vào một phím đàn, vang lên một tiếng trầm đục, khiến tôi giật nảy mình.

Tôi nhìn cây đàn đó, mặt gỗ của nó có nhiều vết xước. Nhớ lại, cây đàn này đã theo gia đình tôi từ nhà cũ đến đây, là cây đàn mà mẹ tôi đã cố gắng tích góp để mua cho tôi, cho dù chất lượng âm thanh của nó không thực sự tốt, hơn thế còn là đồ cũ sang tay. Lúc đó, mỗi ngày đi làm về, ba luôn nhăn nhó càm ràm, vì phòng khách thì nhỏ xíu, lại có thêm một cây đàn to tướng choán hết chỗ, nhìn vô cùng bức bối. Nhưng ngoài phòng khách ra cũng chẳng còn chỗ nào khác để đặt nó cả.Tôi nhớ trước kia, bản thân luôn ngồi luyện đàn hàng giờ liền trong phòng khách chật hẹp, hỗn độn mùi thức ăn lúc xế chiều từ bếp mẹ nấu. Ba thì muốn xem thời sự, nhưng đều bị tiếng đàn của tôi gây ồn. Bí Ngô thì hễ đói sẽ khóc la om sòm.Trong căn nhà nhỏ bốn mươi lăm mét vuông có quá nhiều âm thanh hỗn tạp.

Từ khi chuyển sang nhà mới, tôi chẳng bao giờ đụng vào cây đàn này nữa, chỉ có Bí Ngô mới kiên nhẫn ngồi lau chùi như vậy. Cây đàn đặt ở phòng khách này bỗng nhiên cảm thấy lọt thỏm.

Đôi lúc tôi cũng cảm thấy nhớ nhà cũ bởi mấy chuyện vặt vãnh như thế này.

Bí Ngô dọn dẹp tới kệ tủ ti vi, bỗng nhiên nó lục lọi được một cái hộp cũ trong một ngăn tủ kín. Tôi nghiêng đầu nhìn, thấy trong đó là máy chơi game cầm tay hiệu Nintendo rất cũ, từ cái lúc mà máy vẫn còn phải cắm băng trò chơi và nặng trình trịch. Cái máy này lúc trước tôi vô cùng thích, mỗi lần tới nhà anh họ đều cứ ôm khư khư, đến khi anh họ được mua máy chơi game xịn hơn, anh liền thảy nó sang cho tôi. Tôi thường lén mẹ chơi game đến khuya. Có mấy lần bị mẹ phát hiện, mẹ liền tịch thu máy chơi game này. Tôi lục lọi suốt mấy ngày liền cũng không biết mẹ cất nó ở đâu, bẵng một thời gian cũng quên mất.

Vậy mà bây giờ Bí Ngô lại tìm ra. Tôi thấy nó lấy mấy viên pin trong hộp gắn vào máy, rồi ấn ấn.

"Bỏ đi, cũ lắm rồi, không còn mở được đâu." - Tôi uể oải vươn mình, chép miệng. Nếu như hồi trước tìm được thứ này tôi sẽ rất vui, nhưng bây giờ tự nhiên không còn hứng thú nữa.

Bí Ngô mặc kệ tôi, vẫn kiên nhẫn ngồi chỉnh, rồi đưa tay đập đập vào máy mấy cái.Cái máy chơi game ấy vậy mà vẫn khởi động được.

Bí Ngô thả người lên ghế sa lông, chọn trò chơi Super Mario Odyssey.Trò này ngày xưa tôi đã thắng hết các ải. Tôi ngồi bên cạnh xem con bé chơi, nó vụng về hơn tôi nhiều, chết hẳn mấy mạng liên tiếp. Tôi nhớ lúc nhỏ, mỗi lần tôi chơi trò này, nó luôn ghé mặt vào ngồi xem tôi chơi game, nhiều khi còn ngủ quên mất.

Từ nhỏ, Bí Ngô đã vô cùng quấn lấy tôi, cho dù chúng tôi chênh nhau tận 6 tuổi, nhưng tình cảm vẫn vô cùng khắn khít. Tôi rất thương con bé, tôi thích cõng nó đi vòng quanh xóm chơi. Bí Ngô rất ngoan, là đứa bé vừa xinh xắn vừa đáng yêu.Hồi nhỏ, mỗi lần đi học về, tôi đều nhịn bớt tiền quà vặt để mua đồ ăn vặt cho em gái.

Lúc nhỏ con bé ăn nói cứ tía lia. Nó thích nhất là nhảy múa. Không hiểu sao càng lớn nó càng kiệm lời, cũng không hoạt bát như xưa. Nó giống tôi lúc trước, ngày nào cũng học hành đến tối mặt tối mày. Chỉ riêng một chỗ là nó không thích đàn dương cầm. Hồi bé tôi cực kì thích học đàn, còn muốn trở thành một người chơi đàn chuyên nghiệp.

Mẹ của tôi đã cố gắng mua được cây đàn này, bởi vậy tôi luôn tự nhắc nhở mình phải học chơi đàn cho thật tốt. Nhưng bây giờ, mỗi lần nhìn thấy đàn, tôi đều thấy chán ngán, cho dù đã chiến thắng rất nhiều cuộc thi, tôi cũng không bao giờ muốn đàn lại nữa.

Bí Ngô giữ khuôn mặt nhàn nhạt, cầm máy chơi game suốt hơn nửa tiếng, bỗng như nhận ra là mẹ sắp đi chợ về, nó mới bật dậy, cất thứ này vào chỗ cũ. Bí Ngô đi lấy sách, vờ ngồi đọc, nhưng tôi thấy nó kẹp thêm cuốn truyện bên trong. Phận làm anh trai cũng chẳng muốn bóc mẻ trò vặt của con bé. Khi mẹ đi chợ về, thấy Bí Ngô đang ngồi đọc sách, vẻ mặt của mẹ cũng dãn ra.

Hiếm hoi lắm tôi mới thấy một ngày Chủ Nhật mà con bé không cần phải đi học thêm.Nhưng mà tôi thừa biết, em gái tôi thà ngồi trong lớp học thêm cả ngày cũng không muốn về nhà.

Bí Ngô đã không nói chuyện với ba mẹ trong suốt ba năm. Tôi cũng không nhớ rõ nó bắt đầu như vậy là vì chuyện gì. Nhưng trong ba năm liền, nếu không có việc gì quan trọng, nó nhất định sẽ không nói nửa lời với mẹ.

Lúc dọn cơm, Bí Ngô xới một chén cơm đầy để trước mặt tôi. Hôm nay ba mẹ đều ở nhà, hiếm hoi lắm cả nhà mới có một bữa đủ mặt.

Có mấy món tôi thích: bò xào củ hành, canh chua cá. Bí Ngô chỉ chậm chạp ăn, không nói gì.

Ba nhìn tôi nhíu mày, trách Bí Ngô bới nhiều cơm thế thật không vừa mắt. Tôi định xua tay bảo rằng không có sao đâu, liền bị con bé giật chén cơm lại, đem cơm ụp hết vào nồi.

Mẹ bỗng nhiên dừng đũa, hỏi:

"Có kết quả kiểm tra Hóa rồi chứ?"

Bí Ngô cứ trơ ra, như là không nghe thấy, nhưng tiếng đũa khua vào chén lớn hơn. Mẹ hơi bực mình, liền hỏi lại:

"Mẹ hỏi con có điểm kiểm tra Hóa rồi chứ?"

"Có rồi." - Con bé miễn cưỡng đáp. Mắt cũng không thèm nhướng lên.

"Lấy cho mẹ xem."

Tôi nhìn dáng con bé đi vào phòng học, thầm lo lắng. Bí Ngô đem bài kiểm tra ra, tôi thấy con 7 đỏ chót trên giấy. Vẻ mặt mẹ cũng ngay lập tức tối đen lại.

"Lần trước còn được 8, bây giờ là 7 luôn? Con để đầu óc đi đâu vậy Như? Lớp mà mẹ đăng kí cho con học không hiệu quả à? Sao điểm cứ dậm chân tại chỗ như vậy?"

Bí Ngô tiếp tục ăn cơm, vờ như không nghe mẹ tôi nói.

Mẹ bực mình, đập bàn.

"Trả lời mẹ đi chứ!"

Ba thì bị chọc cho mất hứng, liền hạ chén cơm xuống, chép miệng:

"Suốt ngày cứ ồn ào."

Nói rồi ba cũng đứng dậy, lục lọi chìa khóa xe, lại ra ngoài.

Giờ chỉ còn tôi và Bí Ngô ngồi nghe mẹ luyên thuyên. Con bé giữ nguyên tắc không bao giờ đôi co với mẹ.

Tính khí mẹ tôi có hơi nóng nảy. So ra bây giờ đã dịu hơn rất nhiều. Lúc trước mẹ đối với tôi còn áp đặt nhiều tiêu chuẩn cao hơn vậy, cả ăn cơm mẹ cũng xới riêng một tô cho tôi, bởi vì lúc đó tôi bận ngồi lì ở bàn học.

Mẹ đặt rất nhiều kì vọng với anh em tôi. Mẹ muốn tôi thi trường Y, làm bác sĩ. Mẹ bảo tôi phải đỗ được trường chuyên tốt nhất của thành phố, như vậy thì thi đại học sẽ có cơ hội hơn.

Tôi nhớ từ nhỏ tới lớn, thời gian học của tôi dày tới nỗi nhiều khi bản thân mình ngủ quên trên bàn học cũng không hay biết. Tới lúc tôi không đỗ nổi trường chuyên, mẹ đã nổi trận lôi đình một trận, bởi vì mẹ đã dốc rất nhiều tiền để thuê gia sư, tiền cho trung tâm Anh ngữ, tiền học thêm các môn, tiền ôn thi trường chuyên,... Vậy mà điểm thi năm đó của tôi thấp đến mức thua cả kết quả thi của học sinh tiên tiến.

Lần đó, mẹ tức giận đến nỗi đem hết truyện tranh của tôi ra đốt, đập cả chậu cá lia thia yêu thích của tôi. Bí Ngô bị dọa tới nỗi đứng khóc ngất ở một góc.

Tôi đờ đẫn quỳ gối giữa phòng khách, trong đáy lòng đã lường trước như vậy rồi. Bản thân lúc đó cực kì mệt mỏi, từ bốn giờ ba mươi phút sáng mỗi ngày đã phải dậy học bài, học thêm đến tận chín giờ tối, sau đó còn phải về tự học đến khuya. Mỗi lần làm xong bài tập, mẹ cho tôi có 10 phút giải lao, lúc đầu tôi còn có sức chụp lấy quyển truyện để đọc, sau này mệt tới nỗi nghỉ giải lao cũng chỉ có thể ngồi vẽ nguệch ngoạc trên giấy mấy hình thù vô nghĩa.

Mẹ bảo chỉ cần tôi thi đỗ đại học, sau đó sẽ để tôi tự do.

Vì không đỗ được trường chuyên, mẹ càng áp dụng kỉ luật nghiêm khắc hơn đối với tôi. Mẹ bảo là do tôi đã không đỗ nổi trường chuyên thì con đường tới trường đại học của tôi càng khó khăn hơn, vì vậy phải cố gắng gấp một trăm lần trước kia.Mẹ chỉ muốn tôi đỗ trường Y, mẹ muốn tôi làm một bác sĩ.

Lúc đó tôi cũng như Bí Ngô bây giờ, cũng chẳng nói gì nữa, cứ tùy ý cho mẹ sắp xếp.

Ba năm trung học tôi cũng không nhớ rõ đã vượt qua như thế nào. Chỉ nhớ mình như một con quay, xoay mãi theo quỹ đạo mà mẹ tạo ra. Cho đến khi tôi thực sự đỗ trường Y, mẹ nhìn tên của tôi trong danh sách trúng tuyển, vui vẻ tới nỗi làm một bàn toàn đồ ăn ngon. Tôi đã ăn no căng cả bụng, cuối cùng nỗi âu lo và căng thẳng chiếm lấy tâm trí của mình cũng được kết thúc sau ngày có kết quả ấy. Đêm đó, tôi ngồi đàn một bản nhạc rất dài, cứ sợ rằng ngừng tay, tiếng đàn sẽ không vang lên nữa.

Rốt cuộc mẹ cũng không còn sắp xếp những lớp học cho tôi.

Rốt cuộc, tôi cũng có thể có những ngày tháng thảnh thơi không cần vùi đầu vào đống sách vở dày cộm.

Mẹ thưởng cho tôi một món quà, tôi mở ra xem, là ống nghe hiệu Littmann được khắc kèm tên của tôi. Mẹ bảo bác sĩ đa khoa nào cũng có một cái như vậy. Tôi vân vê ống nghe đó trong tay, nhận ra mẹ đã chuẩn bị nó từ rất lâu.

Dòng hồi ức bị âm thanh đóng cửa nặng nề của Bí Ngô cắt ngang, vai của tôi giật nhẹ một cái.

Tôi đưa mắt hướng về khuôn mặt đã có dấu hiệu tuổi tác của mẹ, mẹ không ăn nữa, gác đũa để đó. Sau đó bà đi về phía bàn thờ, đốt một nén nhang, mùi nhang thơm dịu khiến chân mày của bà ấy cũng dãn ra một ít. Tôi đứng sau lưng mẹ, thực tình cũng muốn khuyên nhủ mẹ rằng hãy cho Bí Ngô tự do học những gì nó muốn. Mẹ bất giác nói với tôi:

"Mẹ không muốn Bí Ngô trở thành một người nhu nhược như con!"

Nhu nhược?

Vì câu nói này, tôi bỗng cảm thấy bản thân mình trở nên lạnh toát, giống như tờ giấy mỏng nhiễm phải nước, tâm trí trở nên trống rỗng. Tôi ngây ngốc tựa lưng vào tường, rồi trượt dài xuống, bỗng dưng lại chực khóc. Phút chốc, kí ức tôi vụt về khoảng thời gian chuẩn bị thi đại học đó, mỗi lần có kết quả thi thử, tôi đều cảm thấy đây có thể là thứ giết chết mình, cũng có thể là thứ khiến bản thân mình bình yên được vài ngày. Tôi nhớ những ngày mình đã học đến mức mũi chảy cả máu cam, uống rất nhiều cà phê đen, mà mỗi lần như thế, dạ dày lại cồn cào khó chịu không tả được. Ngay cả lúc thi đại học, tôi cũng bị chính cơn đau dạ dày hành hạ thê thảm, nhưng may mắn thay, trong danh sách trúng tuyển năm đó, tôi đã tìm thấy tên mình ở gần cuối danh sách.

Tôi nhớ có mấy lần muốn xin mẹ đi khám bệnh, mẹ bảo nhìn tôi rất khỏe, không cần khám gì thêm. Thực ra, tôi đã từng rất muốn đi gặp bác sĩ tâm lí vì một thời gian dài tôi cảm thấy vô cùng ngột ngạt, đêm nào cũng bị mất ngủ và âu lo.Nhưng cuối cùng tôi cũng không đi khám. Sau kì thi đại học, tôi ở nhà ngủ li bì suốt một tuần liền, chỉ ăn rồi trùm mền ngủ yên suốt một tuần, không hề bước ra khỏi cửa nhà. Khoảng thời gian đó tôi cực kì ghét ánh sáng, chỉ khi trời tối rồi tôi mới chịu tỉnh dậy, ngồi ngây người được vài tiếng, sau đó tiếp tục ngủ.

Tôi không nhớ rõ mình đã chờ mất bao lâu để biết được kết quả thi đại học, chỉ là trước khi xem điểm, tôi đã hỏi kĩ mẹ:

"Nếu con đậu trường Y, mẹ sẽ không quản chuyện của con nữa, đúng không?"

Mẹ gật đầu quả quyết.

Khi xem điểm, tôi đã cầu khấn trong lòng một vạn lần. May thay, lần này tôi đã đậu.Buổi tối mẹ đã nấu một bàn đầy ắp món ăn ngon, gắp vào chén tôi chất ngất, còn luôn miệng bảo:

"Tốt rồi, nhà mình tương lai sắp có bác sĩ rồi đó nha! Con ăn nhiều vào lấy sức!Nghe nói trường Y học nhiều lắm, phải ăn rồi có sức mới học tốt được!"

Tôi hạ đũa, nhìn mẹ rất lâu, thấy ánh mắt mẹ cười, miệng thì nói không ngừng.

Kí ức đó đã lâu rồi, nhưng có vẻ như là mới hôm qua.

Nhu nhược chính là vì tôi không đủ sức chịu đựng nổi những áp lực lúc xưa?

Nhu nhược chính là vì tôi không thể nói với mẹ rằng tôi chưa bao giờ muốn trở thành một bác sĩ?

Cụm từ kia cũng như một cơn sóng đầy bọt trắng, đẩy tôi trôi dạt về một phần linh hồn mà chính bản thân đã chôn cất đi từ thuở thiếu niên.

Đêm đó, dường như tôi đã thấy cá voi lớn đơn độc bơi lượn trên biển trời đầy sao.

Ngày hôm sau, ý thức của tôi chỉ quay lại bởi tiếng gào khóc của Bí Ngô đánh thức. Hóa ra tôi đã ngủ đến tối mịt.

Con bé dường như phát điên, nó mặc kệ bộ đồng phục trên người bị cấu xé và bầu má sưng húp, cứ cuống cuồng lục tìm trên bàn học. Nước mắt nó cứ tuôn ầng ậc. Tôi bối rối đứng sau lưng nó, hỏi:

"Em tìm gì vậy?"

Bí Ngô cứ lẩm bẩm:

"Đâu rồi? Nó đâu rồi?"

Tôi chưa từng thấy bộ dạng của con bé như vậy. Bí Ngô đi một mạch ra phòng khách, dùng giọng khàn đặc, hỏi mẹ:

"Cuốn sổ của con đâu?"

"Mẹ đốt rồi." - Giọng mẹ lạnh tanh, như là đang giận dữ. Tôi nhìn thương tích trên người Bí Ngô, nhận ra đó là do mẹ đánh. Hóa ra mẹ đã biết chuyện Bí Ngô không hề tới lớp học thêm, mỗi tối con bé đều đến lớp học nhảy để luyện tập. Nhìn bộ dạng này có lẽ đã bị mẹ bắt gặp tại lớp học nhảy.

"Tại sao mẹ lại làm vậy?" - Tôi nhìn thấy sự mất tự chủ trong ánh mắt Bí Ngô, lòng than thầm không ổn rồi.

"Mày suốt ngày cắm đầu viết linh tinh, rồi còn dám trốn học đi nhảy nhót như thế còn ra thể thống gì? Mẹ chỉ còn mỗi hi vọng là mày, ấy thế mày vẫn làm mẹ thất vọng hết lần này tới lần khác. Mẹ chỉ mong mày học cho tốt rồi đỗ đại học, điều đó khó khăn lắm hả? Hay mày muốn làm mẹ tức chết như anh của mày? Sao mày cứ y hệt cái đứa con trai vô dụng đó vậy?"

Bí Ngô sững người, đôi mắt ướt đẫm đỏ đục. Quyển nhật kí của con bé bị mẹ đốt mất rồi. Bí Ngô vẫn thường hay gửi thư cho tôi bằng quyển nhật kí đó. Đó là bí mật nhỏ mà anh em tôi tạo ra trong suốt mười mấy năm. Mỗi ngày, tôi sẽ viết một chút vào sổ, Bí Ngô sẽ viết tiếp vài dòng. Tuy bây giờ, tôi không còn viết nữa, nhưng Bí Ngô vẫn tiếp tục thói quen viết những lời nhắn gửi vào sổ nhật kí. Tất nhiên, tôi vẫn đọc chúng đều đặn.

Có lẽ đây là giới hạn cuối cùng của con bé.

"Đến giờ, mẹ vẫn chưa nhận ra sao?"

Giọng của em ấy lạnh lẽo, tựa như tiếng sóng mơ hồ vỗ vào bãi đá.

"Mẹ có yêu con không?"

Mẹ nheo mắt, rồi nói:

"Nếu mẹ không yêu mày, vậy tại sao phải khổ cực để nuôi chúng bây ăn học như thế?"

Bí Ngô cười nhạt, ánh mắt trở nên lạnh lẽo, tự mình lẩm nhẩm:

"Không, mẹ chỉ yêu bản thân mình. Mẹ thích nhất là người khác khen mẹ nuôi con thật khéo.Mẹ thích khoe về những chiếc cúp và huy chương của anh hai. Mẹ thích người ta khen mẹ giáo dục con cái thật hoàn mỹ và đầy đức hi sinh. Bởi vậy, mẹ không bao giờ thừa nhận anh ấy đã tự sát cả! Mẹ đã nói với tất cả mọi người rằng anh bị đuối nước ở biển. Mẹ là người ích kỉ nhất thế gian này!"

Mẹ tôi giận dữ nắm lấy vai Bí Ngô, lắc mạnh:

"Con ăn nói cho cẩn thận! Anh con vì cứu đứa trẻ đó mới chết! Con không được nói về anh như thế!"

"Mẹ! Bản thân mẹ là người hiểu rõ nhất mà?"

Khi mẹ buông tay, Bí Ngô cũng mất đà mà ngã sầm vào chiếc đàn dương cầm.

Khung ảnh đặt trên đàn dương cầm rơi xuống đất, vỡ tan nát. Tấm ảnh của tôi chụp cùng Bí Ngô rơi ra.

Tôi nhìn thấy bản thân mình cũng vỡ tan thành trăm mảnh.

Tôi muốn ôm Bí Ngô trong lòng, lại không thể ôm. Tôi muốn bảo vệ em mình, cũng không thể.

Tôi thực sự giận dữ, dùng cả nắm tay mình đập vào phím đàn, trong không gian không hề vang lên bất cứ thanh âm nào ngoài tiếng khóc nấc của Bí Ngô.

Tôi quên mất mình đã không còn sống nữa.

Ừm, quên mất, một người bơi tốt như tôi vì sao có thể đuối nước được nhỉ?

Dường như, tôi đã quên mất rằng, tôi đã từng là một "kình ngư".

Thực ra, nếu mẹ muốn, mẹ vẫn có thể giải thích rằng trong lúc tắm biển, tôi đã cứu được một đứa trẻ, sau đó đuối sức trôi xa bờ, giống như nhiều lần mẹ đã kể. Tôi vốn không còn nghĩ nhiều, cũng không còn nhớ rõ nữa. Thế nào cũng được cả!

Tôi đưa mắt nhìn cây đàn mà không bao giờ còn có thể chạm tay vào được nữa, nhìn Bí Ngô mà tôi không thể xoa đầu nó được nữa, nhìn đến mẹ đã có những vết chân chim nổi đầy ở đuôi mắt.

Thật ra, nếu đủ kiên cường, có khi, tôi vẫn có thể đứng ở đây, làm một lá chắn bao che cho Bí Ngô.

Chỉ trách, tôi là một chú Cá Voi thích đại dương sâu thẳm vô vàn.

 

***

Mười lăm năm sau.

"Mẹ ơi, Cá Voi là ai hả mẹ? Sao năm nào mẹ cũng phải gấp thật nhiều thuyền giấy thả ở bãi biển này vậy?"

Bên cạnh đứa trẻ, người phụ nữ dịu dàng mỉm cười, dùng ánh mắt hiền từ dõi về biển xanh.

"Cá Voi ở biển, thích nhất là ngao du, nhưng Cá Voi vẫn có nhà. Mỗi năm, chúng ta ra biển gấp thuyền giấy để đón Cá Voi về nhà."

"Vậy Cá Voi cũng có gia đình nữa hả mẹ?" - Đứa trẻ đưa ánh mắt trong trẻo như bi ve nhìn người mẹ, ngây thơ hỏi.

"Phải, Cá Voi đi chơi xa, khi mệt sẽ về nhà. Chúng ta đến đón Cá Voi trở về."

Đứa trẻ tò mò nheo mắt nhìn về phía đường chân trời xa xăm, nơi mà ánh mặt trời đang hạ dần xuống mặt biển. Sắc nước xanh thẳm, ánh lên sắc đỏ hồng của hoàng hôn. Đứa bé nhìn hồi lâu rồi ảo não nói tiếp:

"Sao con chờ mãi mà hổng thấy con cá voi nào hết á!"

Người mẹ bật cười, nhẹ nhàng bế đứa trẻ lên, thơm nhẹ vào má của con trai, thủ thỉ:

"Đói bụng rồi đúng không? Chúng ta về ăn tối nhé!"

Đứa trẻ mỉm cười, đưa tay vẫy chào về phía bờ biển vắng, reo lên:

"Cá Voi cũng nhớ về nhà ăn cơm đi nha!"

Lúc đó, tôi đứng nhìn dáng hình một lớn, một nhỏ kia dần đi xa, nhìn lại những chiếc thuyền nhỏ đang chòng chành trôi trên mặt nước, vô thức trên môi cũng nở một nụ cười.

Bí Ngô ngốc nghếch, bao năm rồi vẫn không biết gấp thuyền có mui.

-Hết-