Lê Đình Trung - Viết với tôi là cái duyên, một cái duyên tình cờ
Vào 21/02/2023
Dự án xuất bản lần thứ hai của Ổ Sách mang tên “Tái sinh - Bắt đầu lại từ những điều còn dang dở” đã rất vinh dự khi có sự góp bút của của một nam khách mời tài năng. Đó chính là nhà văn Lê Đình Trung. Chúng ta cùng nghe những lời giới thiệu và tâm sự của nhà văn nhé.
Thông tin về tác giả Lê Đình Trung:
Tác giả: Lê Đình Trung sinh năm 1996. Quê ở Thanh Hóa.
Hành trình theo đuổi nghiệp viết và những thành tựu đáng nhớ:
Viết với tôi là cái duyên, một cái duyên tình cờ. Duyên viết của tôi tựa như thể một ngày đẹp trời bạn ra đường và bất ngờ gặp một người mà ngay giây phút hai ánh mắt chạm nhau bạn đã biết chắc rằng người đó là nửa còn thiếu của cuộc đời mình mà bấy lâu nay vẫn đi tìm kiếm vậy. Từ những dòng chữ ngô nghê mà bạn bè suốt ngày bảo “viết gì mà dài lê thê thế” trên facebook tôi cứ viết rồi đăng dù biết chắc chỉ một hai người đọc. Tôi viết chủ yếu để bản thân giải tỏa đi những mệt mỏi sau những giây phút công việc mệt mỏi, viết để hoài niệm về một tuổi thơ khốn khó nhưng đẹp và đầy những nuối tiếc. Tôi nhớ những cánh đồng xanh biếc rì rào hát trong gió chiều. Tôi nhớ những cánh diều giấy mà lũ trẻ trong xóm hì hục cả buổi cắt cắt, dán dán mấy miếng bìa sách để làm. Tôi nhớ dòng sông với những tháng ngày hì hụp cùng chúng bạn bắt cua, bắt ốc giữa trưa nắng hạ. Tôi nhớ cây cọ, cây cau, hoa hòe của ông bà tôi trồng trước sân nhà… Viết giúp tôi lưu giữ những khoảng trời kí ức đó nên việc viết với tôi đơn giản và tự nhiên lắm. Từ những trang viết Facebook may mắn tôi gặp những người anh, người thầy là những nhà văn đi trước chỉ bảo nên câu chữ theo thời gian cũng dần được cải thiện hơn và may mắn nhận được một vài giải văn chương nhỏ khi tham dự các cuộc thi do bạn bè giới thiệu. Giải nhất cuộc thi Hà Nội thành phố tôi yêu, Giải khuyến khích Trại sáng tác văn học về hình tượng người Cảnh sát nhân dân, giải nhì cuộc thi tản văn Mùa Xuân, Tổ Quốc và Mẹ… là động lực, là món quà tinh thần để tôi có thể tiếp tục niềm vui sau giờ làm việc của mình.
Cảm xúc khi tham gia dự án xuất bản “Tái sinh”:
Bài viết “Mầm thương gieo bên bờ biển” được tôi viết sau chuyến đi Đà Nẵng hồi tháng 6/2022. Gặp những em nhỏ trong ngôi trường “Hy Vọng” làm tôi vô cùng xúc động, thương các em và cảm phục những người thầy người cô với tấm lòng bao la của ngôi trường này. Các em là những em bé may mắn trong số những em bé kém may mắn được đón về ngôi trường với chan chứa tình yêu thương này. Ở đây những tổn thương của các em sẽ được chữa lành bởi các thầy cô bởi chính tấm lòng và tình người với người. Một cuộc đời mới được tái sinh rồi những vết sẹo sẽ lành và một tương lai tươi sáng sẽ đến với các em. Tôi tin rằng các em sẽ luôn nở nụ cười thật tươi, thật hồn nhiên và không bao giờ hết những hy vọng.
Đôi lời nhắn gửi:
Cảm ơn Ổ Sách đã tổ chức một cuộc thi “Tái Sinh” đầy ý nghĩa để truyền đi những thông điệp đầy nhân văn cho cuộc đời. Và tạo điều kiện để những người viết như tôi được có cơ hội thỏa mãn đam mê con chữ. Mong rằng Ổ sách sẽ càng ngày càng phát triển với những giá trị tốt đẹp cho văn chương và cuộc sống, cũng như ươm mầm thật nhiều những cây viết với niềm yêu thích con chữ.
—
Lê Đình Trung tham gia cùng với tản văn “Mầm thương gieo trên bờ biển”, hãy ủng hộ tác giả và Ổ Sách qua cuốn tạp bút “Tái sinh - Bắt đầu tại từ những điều còn dang dở” sắp ra mắt nhé.
Link đặt trước tác phẩm: https://forms.gle/nystk3TvYRAd4d9s8
Top 5 truyện học đường nổi bật trên Ổ Sách
vào 28/07/2024
Giới thiệu sáchTop 5 truyện học đường nổi bật trên Ổ Sách
Truyện học đường, một đề tài quen thuộc nhưng chưa bao giờ là lỗi thời, và luôn được các tác giả cũng như rất nhiều độc giả yêu thích. Ai mà chẳng có thanh xuân, ai mà chẳng từng ngồi trên ghế nhà trường và có những kỷ niệm vui buồn thời đi học. Dù bạn bao nhiêu tuổi, thì...
4 lưu ý cơ bản khi biên tập truyện dành cho người mới bắt đầu
vào 22/04/2022
Kinh nghiệm viếtMột ngày đẹp trời, bạn đã hoàn thành bản thô của truyện rồi, trước khi đăng tải tác phẩm hoặc gửi tới một nơi quan trọng thì bạn phải qua khâu biên tập. Vậy thì khi tự biên tập lại tác phẩm, chúng ta cần phải chú ý những điều gì nhỉ?