bởi Kỳ Kỳ

52
9
1478 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

[Đơn số 01] Tách trà của Mèo Mùa Hạ: "Tui thương cô hai"


Tui thương cô hai

Tác giả: Mèo Mùa Hạ

Thể loại: lãng mạn, điền văn

 

"Thò tay mà bứt cọng ngò

Thương cô đứt ruột mà cô hoài ngó lơ."

Hai câu trên nằm trong phần giới thiệu, cũng hầu như tóm lược được nội dung của truyện. "Tui thương cô hai" kể về câu chuyện tình yêu giản dị, đậm chất miền quê Việt, xen lẫn nhiều tình tiết hài hước của hai nhân vật chính - cậu ba Thiên và cô hai Xinh.

Cậu ba Thiên là con nhà giàu, nổi tiếng ăn chơi lêu lổng khiến cho chòm xóm ai ai cũng phải lắc đầu ngao ngán. Ấy vậy mà cậu lại "chấm" phải cô hai Xinh, một cô gái nhà nông xinh đẹp, dịu dàng, tháo vát. Cậu ba nhiều lần công khai theo đuổi nhưng cô hai luôn tránh né. Ngờ đâu cô tránh cậu là vì sợ thương cậu thật mà lại không xứng. Người có tình ắt sẽ ở bên nhau, sau nhiều biến cố, cuối cùng cậu ba và cô hai đã có thể ở bên nhau và câu chuyện kết thúc tốt đẹp.

 

Gửi Mèo,

Đầu tiên, chị xin chào mừng và cảm ơn em đã đến cùng tiệm với tư cách là khách hàng đầu tiên. Câu chuyện mà em mang đến rất nhẹ nhàng, dễ thương như cái tên của em vậy.

Ấn tượng ban đầu của chị đối với truyện đến từ cái tên. "Tui thương cô hai," một cái tựa truyện rất bình dị và bộc lộ cảm xúc một cách rất chân thành, mộc mạc. Năm chương truyện cũng được đặt tên theo cách đó. Nhìn tổng thể, nó mang lại cho chị một cảm giác, hay đúng hơn là sự mong chờ những gì diễn ra trong truyện: mộc mạc, đậm chất làng quê Việt (chính xác hơn là miền Tây Nam Bộ), ấm áp tình người.

Và những chương đầu tiên của truyện không làm chị thất vọng. Chị đã được thấy một Làng Già, một con sông, một đồng ruộng,... Rồi cả người dân và sinh hoạt của họ; làm lụng, chèo xuồng, đá gà,... Hay những món ăn đậm chất Việt: xôi đậu gói lá chuối, chè... Tóm lại, về mặt miêu tả bối cảnh làng quê, em đã làm rất tốt qua các chương truyện.

Về nhân vật, em đã để lại ấn tượng rất tốt ngay từ đầu chương một khi chọn tả về cậu ba Thiên và cô hai Xinh trái ngược nhau. Đặc biệt, ở những câu miêu tả cảm xúc của cậu ba khi nhìn thấy cô hai lần đầu tiên, chị có thể cảm nhận được sự mãnh liệt trong câu chữ, giống như sét đánh ngang tai ấy. Chị rất thích cách em so sánh những điều đã từng kích thích cảm xúc của cậu ba (như khi gà cậu thắng, hay khi cậu thắng được ván bài,...) với sự rộn ràng của trái tim khi gặp được cô hai. Nhân vật "cô hai" tuy không được miêu tả sâu như cậu ba, chị vẫn có thể hình dung được sắc đẹp và sự dịu dàng qua từng cử chỉ, bên cạnh đó cũng thấy được cô hai là người con gái trưởng thành, giỏi quán xuyến mọi việc, hơn nữa là cô biết thân biết phận, không ham trèo cao. Các nhân vật phụ không hề bị quên lãng mà vẫn được khắc họa đôi nét về tính tình, tuổi tác, sở thích,... (như đứa hầu, hay ba má cậu ba.)

Tình cảm của cậu ba có thể xuất phát từ việc yêu cái đẹp, nhưng nó chân thành và vững chắc theo thời gian và các sự kiện trong truyện. Cô hai có thể chỉ xem cậu ba như bạn, hoặc tình cảm bị sự tự ti quá lớn lấn áp, nhưng dần dà cô đã học cách chấp nhận nó, chấp nhận cậu ba. Tưởng chừng như tình yêu giữa hai con người quá khác nhau như thế không có kết quả tốt đẹp (đã rất nhiều lần chị nghĩ truyện sẽ có một kết cục buồn), nhưng họ đã vượt qua được để đến với nhau. Cậu ba đã bỏ hết thói hư tật xấu, thậm chí còn mong muốn được ở rể nhà nông, quyết chí học hành hơn. Cô hai đã vượt qua được sự tự ti, mặc cảm thân phận không môn đăng hộ đối để gật đầu đồng ý ở bên cậu. Có lẽ đây cũng chính là điều mà "Tui thương cô hai" muốn gửi đến người đọc, tình yêu rất giản đơn, khi hai người dù khác nhau đến mấy yêu thương nhau và luôn cố gắng vì nhau thì họ sẽ vượt qua tất cả. Truyện có thể không có những cú twist gay cấn, hay drama "ngược tâm," nhưng nó lại rất ấm áp; một tình yêu đẹp, cân bằng, có qua có lại, đúng nghĩa "healthy" như các bạn trẻ ngày nay thường nói.

Tuy nhiên, vẫn có một số điểm truyện chưa làm tốt. Đầu tiên, chị xin nhận xét phần từ vựng. Xuyên suốt truyện, Mèo đã sử dụng những từ ngữ đậm chất địa phương, miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng thỉnh thoảng vẫn có những đoạn bị hẫng. Em dùng một số từ mà chị nghĩ có thể thay đổi bằng một từ khác dân dã hơn. Chẳng hạn như: "thân ảnh" (thay bằng "hình dáng, hình bóng"), "anh tuấn" (thay bằng "đẹp trai, dễ nhìn, mặt mũi sáng sủa"), "chất giọng" (thay bằng "giọng nói"), v.v... Bên cạnh đó là rất, rất nhiều lỗi sai chính tả mà chị lấy làm tiếc vì lẽ ra, với bút lực của em, những từ này không nên sai: "nữa tháng" (nửa tháng), "đau nhứt" (đau nhức), "gối xôi" (gói xôi), "cuối xuống/ cuối đầu" (cúi xuống/ cúi đầu), "phảng" (tấm phản), "khe hỏng" (khe hổng), "nhảy cẳng" (nhảy cẫng),... Thậm chí có chỗ em còn nhầm "cậu ba" thành "cậu hai." Ở chương bốn, khi cậu ba đánh nhau với lũ chọc ghẹo gái nhà lành, lúc thì em dùng "hắn" để tả bọn họ, lúc thì lại chuyển sang"nó." Em nên chọn chỉ một từ thôi nhé.

Về giọng văn, như chị đã nói vài lần ở trên, em viết rất đậm chất làng quê miền Tây Nam Bộ, mượt mà và bình dị, mộc mạc, không rườm rà. Tuy vậy, chị nhận thấy càng về những chương sau, dường như em viết yếu hơn so với chương đầu, nhất là chương bốn - năm. Có những đoạn em viết theo kiểu cấu trúc hay thấy ở các truyện Trung Quốc. Ví dụ như: "rốt cuộc nhịn không được mà quay đầu nhìn lại" (Có thể viết thành "cuối cùng, cô nhịn không đặng mà quay đầu nhìn lại"), "chân không tự chủ mà lùi về phía sau" ("chân cô tự dưng lùi về phía sau"), "liền hơi biến sắc" ("bỗng dưng biến sắc/ tự dưng mặt đổi sắc"), "Người đàn ông lúc nãy nắm cằm cô hai cậu để lại cuối cùng" ("Cậu để người đàn ông lúc nãy nắm cằm cô hai lại cuối cùng"), "Em có nguyện cùng tui già đi hay không?" ("Em có muốn làm vợ tui không?/ Em có muốn sống cùng tui tới cuối đời không?"), v.v... Em có thể sửa lại theo ý mình, chị chỉ gợi ý. Những cái chị sửa không hoa mỹ bằng câu gốc của em, tuy nhiên, với bối cảnh truyện thì em nên chọn cách viết giản dị, gần gũi với miền quê Việt hơn, thay vì trộn lẫn cả hai phong cách như vậy.

Bài cũng đã dài, trà cũng đã nguội. Chị xin tóm gọn lại những điểm chị thích và không thích ở truyện. "Tui thương cô hai" có nội dung ý nghĩa, nhân văn, ca ngợi tình yêu giản dị. Bên cạnh đó, tình tiết truyện vừa đủ, không dư thừa, độ dài ổn, ngắt chương và ngắt đoạn hợp lí, lời thoại rất mềm mại. Đặc biệt, truyện có sử dụng các chất liệu dân gian như hò, ca dao,... Miêu tả làng quê Việt, nhân vật cũng như phát triển tâm lý nhân vật tốt. Thế nhưng, Mèo cũng cần lưu ý đến việc thống nhất phong cách viết trong truyện và sửa lỗi chính tả, trau chuốt câu văn kỹ lưỡng hơn.

Rất mong đôi lời nhận xét của chị có thể giúp ích cho em trong việc chỉnh sửa truyện (chị thấy em đang viết bản mới), hoặc trong những câu chuyện tương lai.

Cảm ơn em đã mang đến tiệm trà một câu chuyện hay. Chúc em thật nhiều thành công.

 

Thân mến,

Tiệm Trà Chiều.